Phật Thuyết Kinh Như Lai Trí ấn - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Cự, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH NHƯ LAI TRÍ ẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Cự, Đời Tây Tấn
PHẦN BỐN
Này Di Lặc! Lại có Bồ Tát, ở chỗ tám mươi ức Đức Phật, phát tâm bồ đề, trồng các căn lành, ở đời vị lai, phát sinh tâm bồ đề, lắng nghe đại thừa, có khả năng thọ trì, ghi chép, đọc tụng, được tam muội này, nhẫn lực đầy đủ, hiểu tất cả pháp, giảng nói rộng rãi về bồ đề, ma không thể quấy nhiễu, không có các… nghiệp chướng.
Những hạnh ác đã tạo ở A tăng kỳ kiếp, làm cho đầu nóng, tâm bức não, bị mọi người khinh khi, chê cười thì đời này đều trừ diệt, sẽ được ở vô lượng vô số chỗ Phật, cung kính cúng dường, không bao giờ thoái chuyển tâm bồ đề, được chí vững chắc, buộc niệm không tán loạn.
Như vậy, nghiệp ác đời trước của Bồ Tát, ở đời vị lai phải thọ sắc thân xấu, các tội liền diệt. Nhưng lại có nhiều bệnh khổ vì bị người ghét, sinh trong nhà thấp hèn, hoặc sinh trong nhà nghèo khổ, hoặc sinh ở vùng xa xôi hẻo lánh, ở nhà tà kiến. Gặp gỡ những bạn xấu, thường chống đối nhau.
Mọi người không cung kính. Nhiều nỗi lo lắng buồn phiền. Bị Vua giân dữ, gặp lúc nước điêu tàn, xóm làng tan hoang, dòng họ chia lìa, tri thức bỏ đi, không gặp pháp hội, những điều cần muốn người ta không ban cho.
Giả sử có nơi, gặp những người không ưa thích, nhưng được thí cho chút ít, người giàu sang thì xua đuổi, người tham lam thì gần gũi kính thuận, muốn tu nghiệp lành thì nhiều điều trở ngại, ngu muội tán loạn, không đạt được pháp thứ, không có những người giúp viêc, ngủ nghỉ thường thấy ác mộng, hoặc lại mộng khác.
Tội nghiệp vừa dứt, thì bị nghiệp xưa lôi kéo, bị ma ngăn cản, giả dối để giữ thân tướng, để cho ma có cơ hội quấy nhiễu, không hiểu các pháp, nơi có lợi dưỡng thì tự sinh tâm thấp hèn. Mọi người đều đoan chánh, còn mình thì hình hài xấu xí, người ta không nhớ thương. Thấy người khác được lợi thì tâm sinh ghét ganh và coi thường nói xấu nhau… lược nói là như thế.
Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát, ở chỗ trăm Đức Phật, cùng tạo công đức nhưng không muốn hư mất. Do nhân duyên ấy, nên phá hoại lẫn nhau, huống gì người không tạo.
Như vậy, này Di Lặc! Phải tinh tấn, vững vàng, dùng chánh ức niệm mà khởi ức đại nhẫn, thành tựu pháp sâu xa, trí phương tiện mầu nhiệm. Ở đời vị lai, người muốn trì pháp này phải khởi tinh tấn.
Lúc ấy, Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Hỷ Vương… có khoảng sáu mươi Bồ Tát là những vị đứng đầu như vậy cùng bạch với Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Hôm nay, chúng con nghe công đức giữ pháp này. Ở đời vị lai, chúng con sẽ gìn giữ pháp này.
Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Ít muốn, không nhơ, không nịnh hót
Thường chánh ức niệm, xa lìa hành
Nhẫn nhục vững vàng không dao động
Vì giữ châu báu cho mười phương,
Oai nghi vắng lặng không dính mắc
Không cầu, không muốn, lìa tranh cãi
Tâm như hư không, không dấu vết
Hành ứng chân như, thể tam muội.
Bồ đề vững chắc luôn trước mặt
Thông suốt sâu xa là Chánh Giác
Không điều ghét yêu, không chỗ chấp
Mới có thể được tam muội này.
Đối với oán, thân, tâm bình đẳng
Với Phật, bạn lành, tưởng không khác
Kính tu sáu hòa, giới sạch trong
Là mau hiểu được tam muội này.
Hiểu rõ thế gian là hơn hết
Biện tài pháp ấn, trăm ức tướng
Trí tuệ chiếu soi như mặt trời
Ngay nơi ấy nói môn nhập trí,
Ngày tháng sớm tối nơi thảnh thơi
Cũng như núi Tuyết, nơi thường ở:
Đế Thích, Phạm Vương, Chuyển Luân Vương
Như thầy thuốc giỏi, đây cũng thế.
Kinh này tâm sạch, diệt nghiệp báo
Kinh này là cam lồ, hàng ma
Thần túc nầy, biết rõ tâm người
Cũng ứng với tất cả loài khác.
Nhớ biết đến na do tha kiếp
Có thể diệt trừ tất cả ái
Phật khen đấy là Như Lai ấn
Đây tương ưng đạo, như xem tay.
Kinh này lựa chọn các nghĩa không
Là chỗ đứng: Rỗng, lặng, chân thật
Là: Có, không, nhị biên, hý luận
Luôn xả, không chấp giữ chánh pháp.
Sau Phật Niết Bàn, có người nói
Ta xem các pháp: Không, như mộng
Các pháp không khởi, không người tạo
Trong lúc bày ra tưởng là trụ.
Pháp không, không sinh, không người tạo
Không thấy, không đến cũng không động
Hễ chấp nơi pháp, là giặc pháp
Mà tự nói rằng, ta học không.
Nếu nghe chánh pháp từ người ấy
Thương khóc lệ tuôn rợn chân lông
Tự khen ngợi mình không thoái chuyển
Sau nói tướng xấu của chúng kia.
Sang, hèn, nghèo, khốn, mất của báu
Hoặc, ta đắc pháp được nhiều lợi!
Hoặc, ta xuất gia, thân tộc vinh!
Nhưng với Phật Tử sinh giận ghét.
Vì đạo vô thượng, nên xuất gia
Muốn hành bồ đề mà không trụ
Như vượt biển cả, lại xa bờ
Đối với bồ đề không chắc tin.
Ở núi, đầm vắng, oai nghi đủ
Thầy, bạn thanh tịnh, quyến thuộc lành
Vì lợi dưỡng nên cầu thân hữu
Mà tự ca ngợi chân xuất gia.
Xuất gia phải hợp chánh pháp này
Giống như hoa sen không dính mắc
Kinh này tương ưng hành thứ lớp
Là chân giải thoát thường giữ gìn.
Hỷ Vương! Nay ta truyền dạy ông
Cẩn thận theo đó, khéo học hỏi
Như pháp tu hành đủ Phật đức
Các ông phải nên học như ta.
Giả sử ruộng như na do cõi
Hằng sa số giống, trồng trong ấy
Mỗi giống sinh ra hằng sa hạt
Tất cả giống sinh, cũng như thế.
Như vậy xoay vần ngàn vạn loại
Chằng chịt, sum suê, riêng lớn lên
Như chỗ giống ấy không thể đếm
Tất cả cũng không thể tính lường,
Tìm cách đem đến tận phương Đông
Cứ thế gieo trồng, không bỏ sót
Tất cả các phương cũng như vậy
Đệ tử của Phật đông vô số
Mỗi một Chư Phật có trăm đầu
Mỗi một đầu Phật có trăm lưỡi
Như vậy trải qua vô lượng kiếp
Đều cùng ca ngợi ứng Kinh này.
Ghi chép, thọ trì và đọc tụng
Công đức giảng nói, không thể hết
Như hạt cải bên núi Tu Di
Một nhành lá đầy cả hư không
Như một giọt nước trong biển cả
Nên ứng Kinh này, lìa hạnh có
Vì nghe, thọ trì, chép, đọc, tụng
Cho nên ta nói kệ như vậy.
Bấy giờ, Bồ Tát Hỷ Vương, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, sáu mươi Bồ Tát như thế, đều đắc vô duyên hạnh, liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nói rằng pháp, thế nào là pháp?
Đức Phật bảo Bồ Tát Hỷ Vương: Này Hỷ Vương! Pháp đã nói là không tạo tác, không trình bày, mà có nói năng.
Bồ Tát Hỷ Vương thưa: Dạ vâng, bạch Thế Tôn! Nếu pháp, không tạo tác, không trình bày thì vì sao mà có nói năng?
Đức Phật bảo: Này Hỷ Vương! Nếu pháp, không tạo tác, không trình bày, thì không thể được nói năng như thế. Ông hãy xem các pháp là không được, không hết, không khởi, không giảm. Không diệt, không tham, không sinh, không ở, không nơi chốn.
Không đây, không kia, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, giả danh. Chẳng phải giả danh, chẳng tâm, chẳng phải chẳng tâm. Chẳng phải đối, chẳng phải chẳng đối. Chẳng phải tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Bình đẳng, chẳng phải bình đẳng. Cảnh giới, chẳng phải cảnh giới. Phần, chẳng phải phần. Gần, chẳng phải gần. Chẳng phải nhiễm, chẳng phải nói năng.
Bồ Tát Hỷ Vương thưa: Dạ vâng, Thế Tôn! Thế nào là chẳng phải nhiễm, chẳng phải nói năng?
Đức Phật bảo: Này Thiện Nam! Chẳng nhiễm, chẳng nói năng gọi là Niết Bàn.
Lúc ấy, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tướng của pháp như thế thì pháp nào diệt?
Pháp nào có thể giữ?
Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Này Văn Thù Sư Lợi! Khởi tướng pháp là đùa cợt các pháp, mà đùa cợt các pháp, thì khởi có, không, nhị biên. Khởi nhị biên, đó là diệt pháp.
Trong đệ nhất nghĩa, không có pháp, không có pháp diệt, cũng không có tranh cãi:
Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
Hoặc có nói thật, mà không khác
Hoặc lại có khác nói vô thường
Hoặc có được pháp, tính hai bên
Đó là hý luận, không tương ưng.
Pháp không có tạo, cũng không hoại
Vốn không thấy mình, không thấy người
Cũng không tương ưng niệm trình bày
Nếu tự nói rằng, ta nhẫn, không
Buộc niệm nơi không, không tương ưng
Là pháp không sinh, dối, so lường
Những điều đã tạo, đều lưới ma
Tâm không chỗ duyên là pháp ấn.
Nếu có suy tính là phàm phu
Các pháp vốn không mà cố giữ
So lường các pháp, tính tiếng nói
Người ngu cố giữ: có, không hai
Trí mong cầu trí, không được trí
Trí tuệ trọn không sinh nơi trí
Giảng nói hữu vi, tướng giả, rỗng
Cũng chẳng có trí, chẳng không trí.
Nếu pháp phần ít là thật có
Hư hoại thành ra pháp đoạn diệt
Giả sử có pháp thât trụ ấy
Thì tất cả pháp đều thường trụ.
Người ngu buông bỏ rồi lại được
Đó là hoại ấm, trái pháp tướng
Chấp chặt nơi ngã, được thật ngã
Người trí biết pháp chẳng có, không.
Minh và vô minh, không hai pháp
Nếu nghe giảng nói thì kinh sợ
Đây là buộc niệm, tướng biên kiến
Hữu vi hư hoại, nói Niết Bàn.
Tâm không thể biết thật tướng tâm
Thật tướng, cũng lại không biết tâm
Tất cả các pháp đều như mộng
Hoặc nói chân thật, chấp ngã kiến.
Pháp từ duyên khởi, chẳng chân đế
Nếu pháp diệt hết, cũng chẳng đế
Thế nên phương tiện là chân thật
Khởi pháp như thật, Phật ứng khởi.
Trí tuệ Như Lai, không thể được
Tuy nói các pháp không rõ ràng
Tuy trị các bệnh không giải thoát
Như vậy gọi là hiểu thiện tịch.
Giả sử Niết Bàn có phần ấy
Chư Phật, Thanh Văn ứng đến đó
Các pháp tường vách, không Niết Bàn
Người trí không nên sinh hý luận.
Chẳng thể thấy có chúng sinh thật
Cũng không thể bày lời nói có
Chúng sinh tự khởi, tướng khả kiến
Đấy là Niết Bàn không chỗ chấp.
Hoặc có nói ấm là chân đế
Hoặc nói diệt ái gọi là đạo
Chỉ một chân đế không sinh diệt
Hoặc lại giảng nói bốn chân đế.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bi Hoa - Phẩm Ba - Phẩm Bố Thí Lớn - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Hai Mươi Bốn - Pháp Hội ưu Ba Ly
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hoại Pháp
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Lõa Thể - Phần Bảy - ðịnh
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Năm - Năm Pháp - Phẩm Bảy - Phẩm Tưởng - Phần Sáu - ðời Sống