Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Chín
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống
PHẬT THUYẾT KINH
NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HẢI Ý
HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Duy Tịnh, Đời Triệu Tống
PHẦN CHÍN
Còn tại sao gọi là không có hành hiện tiền?
Nghĩa là không có hành hiện tiền của thân, hành hiện tiền của miệng và hành hiện tiền của tâm, đây gọi là không có hành hiện tiền. Nếu không có hành hiện tiền tức là vô vi. Nếu là vô vi thì không sinh không diệt, cũng không xứ sở, tức là pháp không sinh không diệt không xứ sở, lại cũng không xứ.
Sao gọi là không xứ?
Đó là hiện tiền các hành không có trú xứ, vì vậy gọi là không xứ.
Vì sao?
Nghĩa là thức không ở trong sắc, cũng không ở trong, thọ tưởng, hành. Nếu thức không chỗ trú tức là chánh trí, mà chánh trí ấy tức là trí không lãnh nạp. Nếu trí không lãnh nạp tức là không ý lạc tăng thượng. Nếu không ý lạc tăng thượng tức là không tranh luận. Nếu không tranh luận tức là không loạn động.
Nếu không loạn động tức là không bức não. Nếu không bức não tức là không thiêu đốt. Nếu không thiêu đốt tức được dừng nghỉ. Nếu được dừng nghỉ tức là an trú sự vắng lặng cùng khắp. Nếu an trú nơi sự vắng lặng cùng khắp tức là an trú gần sự vắng lặng. Nếu an trú gần sự vắng lặng thì được gọi là sự vắng lặng lớn. Vì vậy, trước đã nói là trí không lãnh nạp. Đó là lời Phật dạy.
Này Hải Ý! Pháp này sâu xa khó thấy khó hiểu. Nếu có người được nghe pháp như thế mà phát sinh tin hiểu thì người ấy có tất cả pháp điên đảo, phiền não, chấp trước, ràng buộc… đều được giải thoát, tức là có thể nắm giữ tạng pháp của Chư Phật, Thế Tôn ở quá khứ, vị lai, hiện tại. Làm đại Đạo Sư mở bày vô lượng chánh đạo cho tất cả chúng sinh. Làm Đại Y Vương khéo trị lành tất cả bệnh phiền não vô tướng của chúng sinh.
Như thế là dùng sự cúng dường to lớn cúng dường khắp Như Lai, chẳng bao lâu sẽ chứng đắc môn Tam Ma Địa tịnh ấn tự thuyết, việc làm quyết định. Ở trong pháp Đại Thừa này có thể khéo tích tập, làm thuyền pháp lớn có thể giúp đưa vô lượng chúng sinh ra khỏi biển sinh tử, làm đại chánh sĩ hàng phục các ma, vĩnh viễn không rơi vào chốn dụ dẫn của ma.
Bấy giờ, Bồ Tát Hải Ý bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát làm thế nào có thể hàng phục tất cả ma oán?
Phật nói: Này Hải Ý! Nếu Bồ Tát dùng tâm không tạo tác thì đối với tất cả có thể thâu nhận hết, tức là Bồ Tát ấy có thể hàng phục tất cả ma oán. Lại, nếu Bồ Tát dùng tâm không tạo tác thì ở nơi tất cả tướng của đối tượng duyên kia, có thể phát khởi, tức là Bồ Tát ấy có thể hàng phục tất cả ma oán.
Hải Ý nên biết!
Ma có bốn loại.
Những gì là bốn?
1. Uẩn Ma.
2. Phiền não ma.
3. Tử Ma.
4. Thiên Ma.
Nếu quán sát kỹ pháp huyễn tưc là có thể hàng phục Uẩn Ma. Nếu an trụ pháp không thì có thể hàng phục phiền não ma. Quán sát kỹ pháp không sinh khởi là có thể hàng phục Tử Ma. Cùng lúc nương dừng tất cả pháp ý, hướng đến diệt đạo tức có thể hàng phục Thiên Ma.
Lại nữa, biết khổ có thể hàng phục Uẩn Ma. Đoạn Tập có thể hàng phục phiền não ma. Chứng diệt có thể hàng phục Tử Ma. Tu Đạo có thể hàng phục Thiên Ma.
Lại nữa, quán sát các hành là khổ, có the hàng phục Uẩn Ma. Quán sát các hành là vô thường, có thể hàng phục phiền não ma. Quán sát các pháp là vô ngã có thể hàng phục Tử Ma. Quán sát Niết Bàn tịch tĩnh có thể hàng phục Thiên Ma.
Lại nữa, Bồ Tát bên trong đoạn trừ phiền não cấu bẩn nhưng không quên mất tâm đại Bồ Đề, thực hành bố thí tức là có thể thu phục Uẩn Ma. Nếu Bồ Tát không tiếc thân mạng cũng không bị ràng buộc, khi hành bố thí xong, có thể hồi hướng về nhất thiết trí thì có thể thu phục phiền não ma.
Nếu Bồ Tát luôn nghĩ, của cải giàu có là vô thường, ta sẽ cùng với tất cả họ sử dụng chung, thành thật với họ, bố thí như thế rồi, có thể hồi hướng về nhất thiết trí, thì có thể thu phục Tử Ma. Nếu Bồ Tát ở chỗ tất cả chúng sinh, không bỏ mất tâm đại bi, dùng trí tuệ giải thoát, thu phục khắp chúng sinh, thực hành bố thí rồi, có thể hồi hướng về nhất thiết trí, thì như vậy là có thể thu phục Thiên Ma.
Lại nữa, này Hải Ý! Nếu Bồ Tát tuy sinh vào các cõi không chỗ mong cầu nhưng khéo giữ gìn giới hạnh thì có thể hàng phục Uẩn Ma. Nếu ngã kiến không chỗ nương tựa mà khéo giữ gìn giới hạnh thì có thể hàng phục phiền não ma. Nếu dùng tịnh giới khiến các chúng sinh xuất ly sinh tử, tự giữ gìn giới hạnh thì có thể hàng phục Tử Ma.
Nếu khởi niệm này: Ta khiến cho tất cả chúng sinh hủy hoại giới cấm đều được an trú trong tịnh giới của Bậc Thánh, tự giữ gìn giới hạnh thì có thể hàng phục Thiên Ma.
Lại nữa, Bồ Tát ở nơi ngã không chỗ thủ đắc, tu hành nhẫn nhục thì có thể hàng phục Uẩn Ma. Đối với chúng sinh, không chỗ thủ đắc, tu hành nhẫn nhục thì có thể hàng phục phiền não ma. Đối với sinh tử, không chỗ thủ đắc, tu hành nhẫn nhục thì có thể hàng phục Tử Ma. Đối với Niết Bàn, khong chỗ thủ đắc, tu hành nhẫn nhục thì có thể hàng phục Thiên Ma.
Lại nữa, Bồ Tát vì thân tịch tĩnh nên phát khởi tinh tấn, có thể vượt Uẩn Ma. Vì tâm tịch tĩnh nên phát khởi tinh tấn, có thể vượt phiền não ma. Vì thấu đạt vô sinh, vô khởi nên phát khởi tinh tấn, có thể vượt Tử Ma. Ở trong sinh tử chưa từng mệt mỏi, thành tựu đầy đủ cho chúng sinh, thâu nhận chánh pháp, phát khởi tinh tấn, có thể vượt Thiên Ma.
Lại nữa, Bồ Tát không nương tựa Uẩn Mà tu định, có thể vượt Uẩn Ma. Không nương tựa giới mà tu định, có thể vượt phiền não ma. Không nương tựa xứ mà tu định, có thể vượt Tử Ma. Đối với các thiền chi khác, tất cả đều hồi hướng đến Bồ Đề thì có thể vượt Thiên Ma.
Lại nữa, Bồ Tát có thể dùng chánh tuệ biết rõ các uẩn, thì có thể hàng phục Uẩn Ma. Khéo biết các giới, có thể hàng phục phiền não ma. Khéo biết các nhập, có thể hàng phục Tử Ma. Tuy biết rõ duyên sinh nhưng đối với thật tế cũng không thủ chứng, tức có thể hàng phục Thiên Ma.
Lại nữa, Bồ Tát hiểu các pháp không thì Uẩn Ma kia không thể thao túng. Ý luôn tin các pháp là vô tướng thì phiền não ma không thể thao túng. Biết tất cả pháp mà Vô nguyện thì Tử Ma không thể thao túng. Biết tất cả pháp mà không tạo tác, cũng không nghi hoặc, nhưng đối với hạnh lành tâm không nhàm chán thì Thiên Ma không thể thao túng.
Lại nữa, Bồ Tát quán niệm xứ thân trong thân mà tu hành, cũng không cùng thân khởi sự tìm cầu thì có thể phá trừ Uẩn Ma. Theo quán niệm xứ thọ trong thọ mà tu hành, cũng không cùng thọ khởi sự tìm cầu thì có thể phá trừ phiền não ma.
Theo quán niệm xứ tâm trong tâm mà tu hành, cũng không cùng tâm khởi sự tìm cầu thì có thể phá trừ Tử Ma. Tùy quán niệm xứ pháp trong pháp mà tu hành, cũng không cùng pháp khởi tìm cầu, đối với quả Bồ Đề, ý cung không động thì có thể phá trừ Thiên Ma.
Lại nữa, Hải Ý! Nay ông nên biết, các loại ma nghiệp như thế này đều do ngã làm căn bản. Nếu Bồ Tát đối với ngã căn bản mà không khởi tức là đối với ngã là vô ngã. Trong đó không có một pháp nhỏ nào có thể khởi, như thế tức là dùng trí hiện lượng để biết.
Lại nữa, nếu Bồ Tát vì các chúng sinh vô trí kia mà mang giáp Đại Thừa thì Bồ Tát cần phải cùng lúc không nương tựa vào mình và người thì mới nên mang áo giáp ấy.
Bồ Tát bèn tự tư duy: Ta sẽ làm thế nào để được áo giáp kiên cố bất hoại này.
Lại tư duy: Áo giáp mà ta mang không làm hoại ta, cũng không hoại chúng sinh, cũng không hoại các loại thọ nhận, sĩ phu, nuôi dưỡng, Bổ Đặc Già La, ý sinh… hoặc nếu nương tựa vào các kiến về ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, Bổ Đặc Già La… tức là có chấp trước. Vì vậy, ta nay bỏ hết các thứ nương tựa.
Vậy nương tựa cái gì?
Nghĩa là nương tựa điên đảo trong uẩn, xứ, giới.
Điên đảo chỗ nào?
Vì các chúng sinh ở trong vô thường, tưởng là thường, khổ tưởng là vui, vô ngã tưởng là ngã, bất tịnh tưởng là tịnh. Nếu Bồ Tát có thể biết đúng về cac tưởng ấy tức là đáp ứng đúng căn cơ mà thuyết pháp yếu.
Thế nào là biết đúng tưởng?
Nghĩa là nếu không lãnh thọ, không nắm bắt thì có thể biết đúng.
Vì sao?
Vì nếu đây không lãnh thọ thì kia không nắm bắt. Nếu đây không nắm bắt thì kia không lãnh thọ. Nếu như thế thì không si mê, có thể biết đúng tưởng.
Bồ Tát Hải Ý bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm sao biết tưởng là quá khứ, vị lai và hiện tại?
Phật nói: Chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại.
Vì sao?
Vì tưởng quá khứ đã qua, tưởng vị lai chưa đến, tưởng hiện tại không đứng yên. Vì vậy nên biết, tưởng trong ba đời không thể nắm bắt được. Như thế mới có thể biết đúng tưởng. Do biết đúng tưởng nên có thể làm thanh tịnh tất cả hành của đối tượng hành nơi Bồ Tát, lại hiểu rõ các loại hành của tất cả chúng sinh.
Này Hải Ý! Nếu Bồ Tát không thể làm thanh tịnh các hành của Bồ Tát thì không thể biết việc làm của chúng sinh. Lại nữa, nếu có thể biết các việc làm của chúng sinh thì mới có thể làm thanh tịnh các hành của Bồ Tát. Vì hiểu rõ việc làm của chúng sinh như thế nên vì chúng sinh thuyết pháp đúng căn cơ, mới có thể tùy theo tâm của các chúng sinh mà chuyển hóa, chỗ cần thị hiện đều có thể biết hết.
Hải Ý nên biết! Hoặc có chúng sinh hành sân với ý tham, có chúng sinh hành tham với ý sân, có chúng sinh hành san với ý si, có chúng sinh hành tham với ý si, có chúng sinh hành si với ý tham, có chúng sinh hành si với ý sân, có chúng sinh hành tham với ý sân si, có chúng sinh hành sân với ý si tham.
Lại có chúng sinh giả hiện tham mà thủ sân, giả hiện sân mà thủ tham, giả hiện sân mà thủ si, giả hiện si mà thủ sân, giả hiện si mà thủ tham, giả hiện tham mà thủ si, giả hiện tham sân mà thủ si, giả hiện sân si mà thủ tham, giả hiện si tham mà thủ sân.
Lại có chúng sinh trước tham sau sân, trước sân sau tham, trước sân sau si, trước si sau sân, trước si sau tham, trước tham sau si, trước tham sân sau si, trước sân si sau tham, trước si tham sau sân, trước si sân sau tham.
Lại có chúng sinh đối với sắc khởi tham, đối với thanh khởi sân, đối với thanh khởi tham, đối với sắc khởi sân, đối với hương khởi tham, đối với vị khởi sân, đối với vị khởi tham, đối với hương khởi sân, đối với xúc khởi tham, đối với pháp khởi sân, đối với pháp khởi tham, đối với xúc khởi sân. Lại có chúng sinh do lìa sắc nên được điều phục chứ không do lìa thanh.
Có chúng sinh lìa thanh nên được điều phục chứ không do lìa sắc. Có chúng sinh lìa hương nên được điều phục chứ không do lìa vị. Có chúng sinh lìa vị nên được điều phục chứ không do lìa hương. Có chúng sinh lìa xúc mà được điều phục chứ không do lìa pháp. Có chúng sinh lìa pháp mà được điều phục chứ không do lìa xúc.
Lại có chúng sinh do lìa thân mà được điều phục chứ không do lìa tâm, do lìa tâm mà được điều phục chứ không do lìa thân. Lại có chúng sinh cũng do lìa thân, cũng do lìa tâm mà được điều phục. Có chúng sinh không do lìa thân, không do lìa tâm mà được điều phục. Lại có chúng sinh do âm thanh vô thường mà được điều phục, chứ không do âm thanh khổ, vô ngã, tịch tĩnh…
Có chúng sinh do âm thanh khổ chứ không do âm thanh vô thường, vô ngã, tịch tĩnh. Có chúng sinh do âm thanh vô ngã chứ không do âm thanh vô thường, khổ, tịch tĩnh. Có chúng sinh do âm thanh tịch tĩnh chứ không do âm thanh vô thường, khổ, vô ngã.
Lại có chúng sinh do có thuyết pháp thần biến mà được điều phục, chứ không do giáo giới thần biến. Có chúng sinh do giáo giới thần biến mà được điều phục, chứ không do thuyết pháp thần biến. Có chúng sinh do thần cảnh thần biến mà được điều phục, chứ không do thuyết pháp giáo giới thần biến.
Lại có chúng sinh do thuyết pháp thần biến mà sinh tin hiểu. Có chúng sinh do giáo giới thần biến mà được xa trần. Có chúng sinh do thần cảnh thần biến mà được giải thoát. Lại có chúng sinh lợi căn siêng tu hành giải thoát độn căn. Có chúng sinh độn căn siêng tu hành giải thoát lợi căn.
Có chúng sinh độn căn siêng tu hành giải thoát độn căn, có chúng sinh lợi căn siêng tu hành giải thoát lợi căn. Lại có chúng sinh do nhân mà được giải thoát chứ không do duyên. Có chúng sinh do duyên mà được giải thoát chứ không do nhân. Cũng có chúng sinh do nhân cũng do duyên mà được giải thoát.
Có chúng sinh không do nhân, không do duyên mà được giải thoát. Lại có chúng sinh do quán tội lỗi bên trong mà được giải thoát, chứ không do quán tội lỗi bên ngoài. Có chúng sinh do quán tội lỗi bên ngoài mà được giải thoát, chứ không do quán tội lỗi bên trong. Có chúng sinh cũng do quán các tội lỗi bên trong cũng do quán tội lỗi bên ngoài mà được giải thoát.
Có chúng sinh không do quán các tội lỗi bên trong, không do quán tội lỗi bên ngoài mà được giải thoát. Lại có chúng sinh tu lạc mà chứng thành giải thoát chứ không do tu khổ. Có chúng sinh do tu khổ, chứ không do tu lạc. Có chúng sinh cũng do tu khổ cũng do tu lạc. Có chúng sinh không do tu lạc cũng không do tu khổ.
Lại có chúng sinh do tướng cảnh phát khởi mà được điều phục, do tướng an chỉ mà được điều phục, do tướng hàng phục mà được điều phục, do tướng khéo thâu nhiếp mà được điều phục. Có chúng sinh do tướng thiện mà được điều phục.
Có chúng sinh do tướng bất thiện mà được điều phục, có chúng sinh do tướng sân mà được điều phục, có chúng sinh do ba tướng mà được điều phục. Có chúng sinh do tướng hòa hoãn mà được điều phục. Có chúng sinh do pháp duyên sinh mà được điều phục. Có chúng sinh do hạnh im lặng mà được giải thoát. Có chúng sinh do hạnh sai biệt mà được giải thoát.
Có chúng sinh do tiếng pháp niệm xứ, có chúng sinh do tiếng chánh đoạn, có chúng sinh do tiếng thần túc. Có chúng sinh do tiếng căn, có chúng sinh do tiếng lực, có chúng sinh do tiếng giác chi, có chúng sinh do tiếng chánh đạo, có chúng sinh do tiếng Xa Ma Tha, có chúng sinh do tiếng Tỳ Bát Xá Na, có chúng sinh do tiếng bốn Thánh đế mà được giải thoát.
Này Hải Ý! Những pháp như thế, chẳng thể nghĩ bàn, việc làm của chúng sinh chẳng thể nghĩ bàn, tâm ý của chúng sinh chẳng thể nghĩ bàn, cảnh giới của chúng sinh chẳng thể nghĩ bàn. Nếu Bồ Tát nhập trí chẳng thể nghĩ bàn, thì khi nhập rồi, liền có thể vào khắp cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của chúng sinh.
Này Hải Ý! Ví như có người đi khắp bốn phương dùng dây đan lưới. Vì nhân duyên ấy, người đó bỗng nhiên ở trong lưới. Người này muốn thoát ra khỏi lưới đó, khéo dùng sức Thần Chú, nên sau đó, lưới này bị sức Thần Chú gia trì nên đều bị đứt hết. Người ấy tùy ý ra khỏi, không vướng mắc.
Bồ Tát cũng giống như thế, do đầy đủ phương tiện khéo léo nên vào khắp tất cả tâm ý chúng sinh, vào rồi liền có thể dùng sức minh chú bát nhã Ba la mật đa dứt hết phiền não buộc ràng của tất cả chúng sinh, nhưng Bồ Tát cũng không chứng Phật trí mà vì khắp tất cả chúng sinh hiện khởi, hành dụng tất cả Phật Sự.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Khai Giác Tự Tánh Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười - Phẩm Lâm - Kinh A Nô Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vị - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bi Hoa - Phẩm Bốn - Phẩm Nguồn Gốc Các Bồ Tát được Thọ Ký - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Năm - Phẩm Tập Tương ưng - Kinh Tàm Quý