Phật Thuyết Kinh Viên Giác - Chương Mười Hai - Chương Hiền Thiện Thủ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Đà Đa La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH VIÊN GIÁC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Đà Đa La, Đời Tống
CHƯƠNG MƯỜI HAI
CHƯƠNG HIỀN THIỆN THỦ
Lúc ấy Bồ Tát Hiền Thiện Thủ ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân Đức Thế Tôn, theo chiều bên phải của Ngài đi quanh Ngài ba vòng, rồi quì thẳng, chắp tay mà tác bạch: Thưa Đức Thế Tôn lòng thương cao cả!
Ngài đã khai thị một cách rộng rãi như trên, cho chúng con và những người thời kỳ cuối cùng, về những sự ngoài tầm tư duy và thảo luận.
Thưa Đức Thế Tôn! Kinh Pháp đại thừa này nên mệnh danh là gì?
Nên phụng trì cách nào?
Ai tu tập thì được công đức gì?
Chúng con hộ trì cách nào cho những người phụng trì Kinh này?
Kinh này đi đến đâu?
Tác bạch rồi, Bồ Tát Hiền Thiện Thủ gieo xuống sát đất tất cả năm bộ phận của thân thể mà kính lạy Đức Thế Tôn. Bồ Tát thỉnh cầu như vậy đến ba lần, mỗi lần thỉnh cầu xong lại làm lại từ đầu.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy Bồ Tát Hiền Thiện Thủ: Tốt lắm! Thiện nam tử! Ông có thể vì các vị Bồ Tát và những người sau này mà hỏi Như Lai về danh hiệu, công đức, và những gì liên hệ đến Kinh Pháp như thế này. Ông hãy nghe kỹ Như Lai sẽ nói cho. Bồ Tát Hiền Thiện Thủ vâng lời, hoan hỷ, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.
Đức Thế Tôn dạy: Thiện nam tử! Kinh này được trăm ngàn vạn ức hằng sa Phật Đà tuyên thuyết, được Phật Đà quá khứ hiện tại và vị lai hộ trì, được Bồ Tát mười phương quy y, vì là con mắt trong sáng của cả mười hai loại Khế Kinh.
Kinh này mệnh danh là Kinh nói về Tổng Trì Viên Giác, thuộc loại cực kỳ cao rộng. Cũng mệnh danh là Kinh nói về nghĩa lý cứu cánh của Khế Kinh, Kinh nói về chánh định chúa tể bí mật, Kinh nói về cảnh giới quyết định của Như Lai, Kinh nói về đặc tính và sắc thái của Như Lai Tạng. Các ông hãy nhớ như vậy.
Thiện nam tử! Kinh này chỉ nói cảnh giới của Như Lai, chỉ Như Lai mới nói cùng tận. Các vị Bồ Tát, và những người thời kỳ cuối cùng, y cứ Kinh này mà tu hành thì tuần tự bước tới, đến tận địa vị Phật Đà.
Thiện nam tử! Kinh này là đại thừa đốn giáo, nên chúng sinh đốn cơ thì tỏ ngộ bởi Kinh này. Nhưng Kinh này cũng bao gồm các loại tiệm cơ. Bể cả thì đâu có kém sông bé, muỗi mòng hay tu la, loài nào uống nước biển cả cũng no đủ hết thảy.
Thiện nam tử! Giả sử có ai đem bảy thứ quí báu chất đầy cả đại thiên Thế Giới mà bố thí, cũng không bằng có người nghe danh hiệu hay một câu một nghĩa của Kinh này. Lại giả sử có ai giáo hóa một trăm hằng sa chúng sinh được Tuệ Giác La Hán, cũng không bằng có người tuyên thuyết Kinh này bằng cách phân tích nửa bài chỉnh cú.
Thiện nam tử! Ai nghe danh hiệu Kinh này mà thôi, mà tin một cách không còn bị mê hoặc, thì ông phải biết người ấy không phải chỉ gieo trồng phước đức và tuệ giác nơi một vài Đức Phật, mà đã gieo trồng những thiện căn như vậy, và đã nghe Kinh này, nơi hằng sa Phật Đà.
Thiện nam tử! Các ông nên hộ trì người ấy, đừng để Ma Vương và ngoại đạo quấy rối thân thể và tâm trí của họ, làm cho họ lùi bước, khuất phục.
Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây:
Hiền Thiện Thủ này,
Ông nên nhận thức
Kinh này là do
Chư Phật tuyên thuyết,
Và do Như Lai
Cùng chư Như Lai
Trân trọng giữ gìn,
Vì là con mắt
Của mười hai loại
Khế Kinh của Phật.
Kinh này tên là
Tổng trì Viên Giác,
Thuộc về thể loại
Pháp đại phương quảng,
Nói về cảnh giới
Của chư Như Lai.
Những ai tu hành
Y theo Kinh này
Thì tăng tiến lên
Đến địa vị Phật,
Y như đại dương
Nạp hết sông ngòi,
Ai uống nước ấy
Cũng sung mãn cả.
Giả sử bố thí
Bảy thứ quí báu
Nhiều bằng cái lượng
Đại thiên Thế Giới,
Cũng không bằng phước
Được nghe Kinh này.
Và nếu giáo hóa
Hằng sa chúng sinh
Đều thực hiện được
Tuệ Giác La Hán,
Cũng không bằng phước
Nói nửa bài kệ.
Trong thì vị lai
Các người hãy giữ
Cho người tuyên thuyết
Duy trì Kinh này,
Đừng để cho họ
Phải bị thoái khuất.
Vào lúc bấy giờ, trong Đại hội có tám mươi ngàn Kim Cang Lực Sĩ, cầm đầu bởi Kim Cang Lực Sĩ Hỏa Thủ, Kim Cang Lực Sĩ Tồi toái, Kim Cang Lực Sĩ Ni Lam Bà.
Các vị Kim Cang Lực Sĩ cầm đầu này, cùng thuộc hạ của họ, tức thì từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân Đức Thế Tôn, theo chiều bên phải của Ngài đi quanh Ngài ba vòng, rồi tác bạch: Thưa Đức Thế Tôn, thời kỳ cuối cùng sau này, có ai phụng trì được Kinh Pháp đại thừa quyết định như thế này, thì chúng con nguyện giữ người ấy như giữ con mắt của mình.
Những chỗ người ấy thiết lập Đạo Tràng thì chúng con tự thống suất bộ hạ sớm tối giữ gìn, không để họ bị thoái chuyển. Chỗ họ cư trú thì không bao giờ bị tai nạn và mọi sự chướng ngại khác, những loại bịnh truyền nhiễm cũng tan biến, tài vật phong phú, sung túc, không bao giờ thiếu thốn gì cả. Cũng vào lúc bấy giờ, Đại Phạn Thiên Vương, và hai mươi tám vị Thiên Vương khác.
Chúa tể Tu Di sơn là Đế Thích Thiên Vương, cùng bốn vị Thiên Vương hộ vệ Thế Giới loài người, cũng tức thì từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân Đức Thế Tôn, theo chiều bên phải của Ngài đi quanh Ngài ba vòng, rồi tác bạch: Thưa Đức Thế Tôn, chúng con cũng nguyện hộ trì cho những người phụng trì Kinh này, làm cho họ luôn luôn yên ổn, không thoái chuyển tâm chí.
Lại có đại lực quỷ Vương tên Cát Bàn Trà, cùng với mười vạn Quỷ Vương, cũng tức thì từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân Đức Thế Tôn, theo chiều bên phải của Ngài đi quanh Ngài ba vòng, rồi tác bạch: Thưa Đức Thế Tôn, chúng con cũng nguyện hộ trì những người phụng trì Kinh này, sớm tối hầu hạ gìn giữ, làm cho những người ấy không thoái chí khuất phục.
Những người ấy ở đâu thì trong chu vi một do tuần của chỗ ấy, nếu có quỷ thần độc ác xâm phạm, chúng con sẽ làm cho họ nát như vi trần.
Khi Đức Thế Tôn tuyên thuyết Kinh này hoàn tất thì các vị Bồ Tát, Tám Bộ Thiên Long mà trong đó có Đế Thích Thiên Vương và Đại Phạn Thiên Vương, cùng tùy thuộc của họ, toàn thể đại hội nghe những điều tuyên thuyết của Đức Thế Tôn, ai cũng rất hoan hỷ, tín thọ và phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi - Phẩm Bốn - Phẩm độ Vua Bình Sa
Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Ba - Phẩm Nhất Thừa - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đê Xá
Phật Thuyết Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về đại Thừa - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cái
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Năm Mươi Ba - Phẩm Bảy Sự Việc Tựu Thành Giác Ngộ