Phật Thuyết Kinh Những điều Trái Nghịch Của Ma - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH NHỮNG ĐIỀU 

TRÁI NGHỊCH CỦA MA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN HAI  

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Ma Ba Tuần! Lại có sự trói buộc chắc chắn khó cởi mở vượt hơn cả việc này.

Nay bị trói buộc như thế mà ông không biết vì sao bị trói chặt?

Đó là nhân duyên trói buộc của ngã, ngã sở, tham ái điên đảo, các tà kiến. Ông luôn bị các thứ xiềng xích ấy trói buộc mà không tự biết.

Ma Ba Tuần thưa: Xin Bồ Tát tha tội, cởi trói cho tôi.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Ông nên dốc sức thực hành các Phật Sự thì ta sẽ cởi trói, khiến được giải thoát.

Ma Ba Tuần thưa: Tôi nguyện đối với Pháp Phật cũng không buông bỏ, cũng không phá hoại.

Vậy nhờ vào nhân duyên nào mà làm Phật Sự?

Này Ma Ba Tuần! Muốn biết thực hiện các Phật Sự thì nên làm theo trí tuệ biến hóa của Bồ Tát. Nếu Như Lai làm Phật Sự thì không cho đó là khó. Ma làm Phật Sự thì đấy mới là đặc biệt.

Lúc đó, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi liền nương vào tướng tam muội như kỳ tượng để tư duy, khiến Ma Ba Tuần biến thành hình Tượng Phật, đủ ba mươi hai tướng tốt, thân oai nghiêm, ngồi trên Tòa Sư tử, có trí tuệ, biện tài, mọi sự thuyết giảng giống như Phật, mà nói: Những ai muốn thưa hỏi về tất cả sự nghi ngờ thì tùy ý thưa hỏi, ta sẽ giải đáp cho.

Bấy giờ, Tôn Giả Đại Ca Diếp hỏi Ma Ba Tuần: Tỳ Kheo tu hành do đâu bị trói buộc?

Ma đáp: Chấp nơi thiền định của mình cho là vắng lặng, tức là tưởng về có, tưởng về không, các thứ tưởng như thế cho là quan trọng, hủy hoại các tưởng về nhận thức, cho tưởng kia là chính yếu, nên dấy khởi các niệm để ngăn chận tưởng về vô nguyện, chấp các nguyện cho là tưởng về Niết Bàn, lìa thích vô vi mà chê bai tưởng sinh tử.

Thưa Tôn Giả Ca Diếp! Đó là Tỳ Kheo tu hành bị trói buộc.

Vì sao?

Tôn Giả Ca Diếp nên biết! Chẳng hủy hoại các kiến thức đã có, nhân đó mà hành theo pháp không. Gọi là không tức là các kiến giải đều là không, không nên hủy hoại các niệm để mong cầu vô tướng.

Vì sao? Đâu có thể cho các niệm thảy đều là vô tướng. Chẳng nên hủy hoại các nguyện để mong cầu vô nguyện. Vì chỗ nguyện ấy cũng là vô nguyện. Chẳng nên hủy hoại sinh tử để cầu về Niết Bàn, biết rõ sinh tử là chỗ không thủ đắc, là Niết Bàn.

Tôn Giả Ca Diếp nên biết! Thực hành Niết Bàn ấy là không khởi tư tưởng, nên đối với các sự chấp trước khiến không còn chỗ dấy khởi, cần phải hủy hoại, hoàn toàn diệt tận. Niết Bàn vốn là thanh tịnh không có chỗ sinh khởi, nên là vô vi. Lúc giảng nói lời này, có năm trăm Tỳ Kheo tâm đạt được thanh tịnh.

Lúc này, Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi các Tỳ Kheo: Ai là người mở bày giáo hóa các bậc Hiền Giả?

Năm trăm Tỳ Kheo thưa: Đó là từ chỗ không thủ đắc, không thành Chánh Giác, mở bày giáo hóa chúng tôi.

Dẫn dắt giáo hóa như thế nào?

Hiểu rõ chỗ không đến, không đi, không sinh, không diệt, trí tuệ thường trụ. Khi giảng nói lời này, có hai trăm Tỳ Kheo đạt được pháp nhãn tịnh.

Bấy giờ, Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi Ma Ba Tuần: Thế nào là Tỳ Kheo được xem là bậc Thế Tôn?

Ma đáp: Nếu không có chỗ thọ nhận, hoàn toàn thanh tịnh, dốc lòng tin tưởng, yêu thích Phật pháp, thọ nhận pháp vị thâm diệu.

Như vậy, này Tôn Giả Tu Bồ Đề! Hoặc có Tỳ Kheo đối với sự cúng dường không nhận, không bỏ nên quán các Tỳ Kheo ấy như huyễn hóa. Đối với người thọ nhận sự cúng dường thì nên suy nghĩ như hình bóng, không có người bố thí, không có người thọ nhận, tâm không vướng mắc, tâm không dấy khởi, thì đó là bậc Thế Tôn ở trong thế giới ấy.

Lúc ấy, Tôn Giả Xá lợi phất hỏi Ma Ba Tuần: Ma Ba Tuần đáp: Đối với chỗ cùng tận của tam muội cũng giống như chỗ không cùng tận, thảy đều khiến cho cùng tận, không sinh, không khởi, mà đốt cháy hết các dục, nên gốc ngọn đều thanh tịnh, khiến không còn chỗ sinh, không trở lại chỗ tốì tăm, không chỗ trải qua.

Hiểu rõ tất cả các pháp đều thanh tịnh, chánh định bình đẳng, tu tập theo tịch diệt, quán xét các chỗ thọ, dùng tam muội diệt tận để thực hành thiền định, luôn quán xét mà không có đốì tượng được thấy, tam muội như vậy mới không loạn động, cấu uế.

Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên hỏi Ma Ba Tuần: Thế nào là Tỳ Kheo tâm đạt được tự tại?

Ma Ba Tuần đáp: Nếu các Tỳ Kheo hiểu rõ tâm của tất cả mọi người và tướng giải thoát nơi các pháp, giảng nói các pháp đều có tướng giải thoát, không có chốn nương tựa, không có chỗ lệ thuộc, không có chỗ giải thoát, cũng không chốn chấp giữ.

Tâm không có sắc dục, thấy rõ tất cả là sắc, tâm không có chỗ chấp, hiểu biết rõ các pháp là không có nơi chốn. Tâm không thủ đắc, hiểu rõ các pháp là không thể nắm giữ. Tâm không thể nhận biết về tâm, tâm ấy như nhiên, thanh tịnh. Các pháp cũng vậy, như nhiên, thanh tịnh.

Pháp giới thanh tịnh nên không động chuyển. Nhờ các nhân duyên khác hòa hợp nên hiện ra trước mắt đầy đủ sáu thần thông, bốn thần túc, thể hiện diệu dụng. Tỳ Kheo hành hóa như vậy là tâm được tự tại.

Tôn Giả Phân Nậu Văn Đà Ni Phất hỏi Ma Ba Tuần: Thế nào gọi là các Tỳ Kheo thuyết pháp thanh tịnh?

Ma Ba Tuần đáp: Nếu các Tỳ Kheo thấy tất cả các pháp đều là Ba La Mật, thấy khắp các tâm đều sai biệt, hết thảy không còn chấp trước, tất cả chỗ nhớ nghĩ không giống với hình tượng, chỉ phân biệt để nêu bày, hiểu rõ hết tất cả.

Thấy mọi thứ âm thanh, lời nói, đàm luận, biện giải giống như tiếng vang trong núi sâu, quán người giảng pháp cũng như huyễn, sự nhận thức của thân giông như trăng dưới nước, phân biệt các phiền não, tư tưởng, các niệm từ đó mà dấy khởi, không thọ các pháp cũng không xả bỏ mà được nhập vào tam muội.

Nếu tuyên dương các pháp, chứng đắc giải thoát thì đạt được bốn biện tài, tâm không còn mong cầu, nên khen rằng lành thay. Không còn nghi ngờ. Làm thanh tịnh tâm mình thì có thể làm thanh tịnh tất cả tâm của người khác.

Hiểu rõ tâm vốn thanh tịnh, sáng suốt không cấu uế, biết rõ các phiền não thảy đều là lỗi lầm, thấy ngũ ấm ma thảy đều tịch tĩnh, thây tử ma trụ chỗ không có khởi đầu và kết cuộc, thấy rõ các Thiên ma dứt trừ tất cả sự chỉ dạy theo dựa chấp.

Tất cả tâm chúng sinh đều thanh tịnh như vậy. Tỳ Kheo thực hành như thế mới gọi là thuyết pháp thanh tịnh, thấy khắp đạo pháp để diễn nói rộng Kinh Điển.

Trưởng Lão Ưu Ba Ly hỏi Ma Ba Tuần: Thế nào gọi là Tỳ Kheo phụng trì giới luật?

Ma Ba Tuần đáp: Tỳ Kheo ấy có hiểu rõ tất cả các pháp để mở bày giáo hóa đủ khắp, nhận biết các tội vốn là vắng lặng để trao truyền giới pháp cho người còn do dự. Nếu thấy người phỉ báng thì cũng không nghi ngờ, cũng không bị lệ thuộc.

Người ấy đối với các pháp chưa từng sinh tâm ngăn chận, thường có thể hóa độ những kẻ chống đối, trái nghịch, huống chi là đối với những người chỉ phạm phải chút ít giới cấm.

Hiểu rõ toàn bộ các phiền não, không gì là không phân biệt những thứ phiền não của các trần ấy chẳng cho là bền chắc, nêu giảng các ái dục không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa, thấu rõ các phiền não đều do từ vô minh nên không hủy hoại ái dục.

Cũng không hỗ trợ chúng, cho đến đối với vô dục cũng không dấy khởi tham chấp, xem mọi dục nơi các trần giống như gió mây, quán xét, hiểu rõ, tuyên dương Thánh tuệ, chỗ thuyết giảng ấy như gió xua tan mây.

Thảy đều không có chỗ dừng, xem phiền não như Trăng trong nước, duyên theo tưởng niệm mà dấy khởi các dục, hiện bày các hình tượng đều từ tối tăm nên cầu đạt trí tuệ để soi sáng các dục.

Giông như tấm gương sáng thấy được các hình tượng hiện ra, các sắc như hình tướng quỷ La Sát, đối với chỗ nhớ nghĩ thuận hợp thì quán xét không có đối tượng để nhận thấy, cầu bỏ các dục nơi trần, không còn cấu uế tức dùng trí tuệ nơi không, vô tướng, vô nguyện, không chấp vào chỗ đã vượt qua.

Tỳ Kheo hiểu rõ ái dục như thế mà lại còn tham đắm nơi ái dục tức là đối với chúng sinh không khởi lòng đại bi.

Chúng sinh không ngã, không chấp nơi thân, cũng không vọng tưởng nơi ngã và ngã sở, quán xét như thế thì đã phụng trì giới luật nghiêm túc. Như vậy, năm trăm vị đệ tử của Thế Tôn, mỗi vị đều tự hỏi về chỗ nhận biết của chính mình.

Khi ấy, Ma Ba Tuần đều phân biệt giải đáp đầy đủ.

Lúc ấy, trong số các Chư Thiên, có một Thiên Tử tên là Tu Thâm, hỏi Ma Ba Tuần: Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã giao cho ông thuyết giảng về các việc làm của ma. Như vậy ông đã có thể nhận lấy việc giao phó ấy để giảng đúng nghĩa lý.

Xin hỏi: Thế nào là việc làm của ma nơi Bồ Tát?

Ma đáp: Thiên Tử nên biết! Việc làm của mà nơi Bồ Tát có hai mươi thứ.

Những gì là hai mươi thứ?

1. Sợ hãi sinh tử, muốn đạt được giải thoát, ưa thích tu tập thuận theo chánh pháp của Phật, cung kính quy mạng mà vọng tưởng mong cầu, đó là việc làm của ma.

2. Quán xét, chấp giữ nơi pháp không mà xem xét các chúng sinh, đó là việc làm của ma.

3. Quán xét nơi vô vi, chán bỏ hữu vi là gốc của các đức thiện, đó là việc làm của ma.

4. Thực hành thiền định mà không mong cầu nhất tâm, lại thoái lui, đó là việc làm của ma.

5. Giảng nói giáo pháp mà không vì người nghe để khởi tâm đại bi, đó là việc làm của ma.

6. Mong cầu giữ gìn các giới cấm của Phật, mà lại giận dữ, chê bai, đó là việc làm của ma.

7. Giảng nói thông suốt các pháp Thanh Văn, Duyên Giác, xét hỏi pháp Đại Thừa, không phân biệt lớn nhỏ, đó là việc làm của ma.

8. Nhận lãnh việc giảng nói giáo pháp thâm diệu, mà lại chê đạo nói sai, đó là việc làm của ma.

9. Cầu đạt các pháp Ba La Mật, tự cho là Bồ Tát, đó là việc làm của ma.

10. Khen ngợi các pháp tịch diệt mà sợ việc ấy, giáo hóa chúng sinh mà không dùng phương tiện quyền xảo, đó là việc làm của ma.

11. Tích chứa các thứ công đức mà không gần gũi tâm Bồ Đề, đó là việc làm của ma.

12. Ân cần tu tập các pháp quán tịch tĩnh, theo chỗ quan sát mà còn chấp có chúng sinh, đó là việc làm của ma.

13. Mong cầu dứt mọi dục nơi trần, vượt qua sinh tử, ghét sợ ái dục, đó là việc làm của ma.

14. Tu hành trí tuệ, mà thường ưa thích mong cầu, dựa chấp nơi đại bi, đó là việc làm của ma.

15. Không dùng phương tiện thiện xảo mà đã thấy tất cả các đức căn bản, đó là việc làm của ma.

16. Không tinh tấn để cầu đạt pháp tạng của Bồ Tát, lại ưa thích nói lời thế tục, đó là việc làm của ma.

17. Mỗi mỗi bộ phận đều là giáo pháp của bậc thầy thông tuệ, mà lại bỏ đi, đó là việc làm của ma.

18. Nếu được giàu sang, nhiều của cải, có oai đức lớn mà tham đắm, không phụng sự bậc trí tuệ, đó là việc làm của ma.

19. Nếu ở ngôi vị cao quý như Quân Tử, Trưởng Giả, Phạm Vương, Đế Thích… mà không tu tập pháp Đại Thừa, đó là việc làm của ma.

20. Chẳng cùng với Bồ Tát, Pháp Sư để thọ nhận giáo pháp được nghe, mà trở lại cùng với hàng Thanh Văn, Duyên Giác bàn luận, chẳng muốn nghe pháp, tu buông lung phóng dật, đó là việc làm của ma. Đó là hai mươi thứ việc làm của ma nơi Bồ Tát.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Ma Ba Tuần: Lành thay, lành thay! Ông đã thuyết giảng về việc làm của ma nơi Bồ Tát.

Nếu có người bàn luận các pháp này, nghe rồi giác ngộ, phụng hành, không theo sự dẫn dắt của ma thì người ấy đạt được đạo pháp lớn của Phật, khi giảng thuyết Kinh Điển tức đạt được hai mươi việc:

1. Đại từ.

2. Đại bi.

3. Không nhàm chán sinh tử.

4. Thường gặp bạn lành.

5. Nơi chốn sinh ra liền được gặp Phật xuất hiện ở đời.

6. Có thể thọ nhận các pháp Ba la mật.

7. Được các Bồ Tát thâu nhận làm quyến thuộc.

8. Mau đạt được pháp tổng trì.

9. Đầy đủ biện tài.

10. Đạt được trí tuệ của năm thứ thần thông.

11. Chưa gặp chánh pháp mà có thể lãnh hội.

12. Đời đời sinh ra luôn giữ gìn tâm bồ đề.

13. Sẽ được xuất gia làm Sa Môn.

14. Ở chỗ thanh vắng không ồn náo.

15. Nghe rộng, thông suốt.

16. Đạt được trí tuệ thiện xảo.

17. Mở bày, giáo hóa chúng sinh, chỉ dạy bốn ân.

18. Hộ trì chánh pháp.

19. Thường thực hành ngay thẳng, không quanh co, dua nịnh.

20. Đối với tất cả các thứ châu báu không luyến tiếc, không mang tâm não hại chúng sinh.

Đó là hai mươi việc đạt được do giảng thuyết Kinh Điển dẫn đến với đạo pháp lớn của Phật.

Lúc ấy Thiên Tử Tu Thâm hỏi Ma Ba Tuần: Hay thay, thật là lợi ích! Ông mới được Đức Như Lai khen ngợi.

Ma đáp: Xét ra tôi không xứng đáng để nhận lời khen ấy.

Này Thiện Nam! Ví như Quỷ Thần hiện bày rõ nên có thể cho chỗ nói ấy là thật, nhưng chẳng phải người kia nói mà là Quỷ Thần nói.

Như vậy, này nhân giả! Chỗ giảng nói của tôi là do Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi tác động, chẳng phải là do tôi tự nói ra.

Thiên Tử hỏi: Nay ông biến thành thân hình Phật, không lấy làm vui sao?

Lại có đủ tướng tốt trang nghiêm nơi thân, ngồi trên Tòa Sư Tử, diễn nói Kinh pháp, mà không lấy làm thích thú sao?

Ma đáp: Các ông thấy tướng tốt trang nghiêm nơi thân tôi. Còn tôi thì lại tự xem như xiềng xích trói buộc.

Thiên Tử hỏi: Này Ma Ba Tuần! Ông nên tự ăn năn sám hối các tội lỗi với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Nhờ oai thần của Bồ Tát sẽ tha tội cho.

Ma đáp: Chẳng phải sám hối, chỉ cầu học pháp đại thừa nơi Bồ Tát.

Vì sao?

Vì hành theo Bồ Tát thì không còn thấy cảnh giới uế tạp, khiếm khuyết. Đối với kẻ phát khởi sân giận, ôm lòng oán hận thì mới cần sám hối, cung kính tự quy.

Thiên Tử hỏi: Bồ Tát nhẫn nhục có bao nhiêu việc?

Ma đáp: Bồ Tát nhẫn nhục có mười hai việc.

Những gì là mười hai việc?

1. Hết lòng nhẫn nhục, dứt mọi giận dữ.

2. Tâm ý nhẫn nhục, không có tâm mưu hại.

3. Nhẫn nhục không dua nịnh, không khinh khi chúng sinh.

4. Nhẫn nhục luôn thương xót tất cả những người thiếu kém trí tuệ, không hiểu đạo.

5. Tu hành nhẫn nhục, việc làm đúng như lời nói nên không thoái chuyển.

6. Ở nơi không nhẫn, xa lìa tà kiến và mọi thứ do dự.

7. Chuyên tưởng nhớ đến pháp nhẫn, là pháp dẫn đầu của các pháp.

8. Đối với nhẫn thâm diệu là không chấp ngã, ngã sở.

9. Đối với Nhẫn nhu thuận thì luôn thuận theo tuệ của các Bậc Hiền Thánh.

10. Đối với nhẫn Chân Đế thì luôn thuận theo pháp duyên khởi.

11. Đối với nhẫn không tạp loạn thì luôn thuận theo tâm niệm của tất cả chúng sinh.

12. Đối với nhẫn ý bất khởi, nhân đó mà đạt đến pháp nhẫn vô sinh.

Đó là mười hai pháp nhẫn của Bồ Tát.

Bấy giờ Thiên Tử Tu Thâm hỏi Ma Ba Tuần: Ông vừa thuyết giảng về hai mươi việc làm của ma, tiếp đến nói về mười hai pháp nhẫn nhục của Bồ Tát, lẽ nào không hết sức vui mừng sao?

Ma đáp: Tôi rất hoan hỷ.

Thiên Tử Tu Chân liền thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Xin nhân giả tha tội cho Ma Ba Tuần.

Bồ Tát Văn Thù sứ lợi hỏi ma: Ai trói buộc ông?

Ma đáp: Không rõ ai trói buộc tôi.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bảo: Này Ma Ba Tuần! Ông không bị trói buộc mà tự tưởng là bị trói. Tất cả hàng phàm phu, ngu si cũng như vậy. Tâm vốn thanh tịnh mà không suy nghĩ, lại vọng tưởng, chấp trước, không nhận biết vô thường lại tưởng chấp là thường, khổ tưởng là vui.

Không thân chấp là có thân, bất tịnh tưởng là tịnh, không sắc tưởng là sắc, không thọ, tưởng, hành, thức mà tưởng chấp năm ấm. Như hiện tại, Ma Ba Tuần do ghét sợ trói buộc thì nhờ đâu mà được giải thoát.

Nay tôi chẳng được giải thoát sao?

Này Ba Tuần! Ông đã được thoát ra, không còn giải thoát lần nữa thì do đâu mà được giải thoát. Do duyên theo vọng tưởng hư dối mà dẫn đến trói buộc, dứt trừ mọi cấu uế ấy thì gọi là giải thoát. Lúc này, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thu hồi thần lực, khiến Ma Ba Tuần trở lại như cũ.

Tôn Giả Đại Ca Diếp hỏi Ma Ba Tuần: Ma Ba Tuần do đâu mà làm Phật Sự?

Ma đáp: Do tác động từ cảnh giới của Bồ Tát Văn Thù, nếu không xét kỹ thì tưởng là tôi làm.

Thiên Tử Tu Thâm hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Đối với các Phật Sự ấy thì nên cầu ở đâu?

Nên ở trong ái dục của chúng sinh mà cầu Phật Sự.

Vì sao mà nói như vậy?

Do ở nơi phiền não của chúng sinh nên thọ nhận các ái dục. Nếu không ái dục thì không làm Phật Sự. Ví như không bệnh thì không cần thầy thuốc. Như vậy nếu chúng sinh không có ái dục thì không cầu Phật.

Do đâu Phật xuất hiện ở đời?

Đáp: Do hoạn nạn của sinh, già, bệnh, chết nên Phật xuất hiện ở đời.

Vì sao?

Vì ba cõi đều có sinh, già, bệnh, chết, nên Phật thị hiện ở thế gian.

Như Lai đắc đạo để diễn nói pháp gì, diệt trừ cái gì?

Đáp: Pháp của Như Lai đắc đạo không có đối tượng được dấy khởi, cũng không diệt tận.

Vì sao?

Vì Phật xuất hiện ở đời tức không có chỗ sinh, cũng không có chỗ mất. Gọi là Phật xuất hiện ở đời nếu có biện luận thì cũng tùy theo thế tục mà hiện thân chứ thật tướng vốn thanh tịnh, nên gọi là bình đẳng không có chỗ sinh.

Thế nào là Bồ Tát kiến lập tự tánh?

Đáp: Đối với tất cả các pháp không có thủ đắc, không rơi vào vùng lưới nghi trói buộc của sáu mươi hai thứ kiến chấp.

Thế nào là thanh tịnh?

Đáp: Đối với pháp trong ngoài không còn chấp trước.

Thế nào là Bồ Tát làm chủ bố thí?

Đáp: Bỏ thân phiền não, không rời tất cả sự ham muốn của chúng sinh.

Thế nào là Bồ Tát đầy đủ giới cấm?

Đáp: Phân biệt hiểu rõ cảnh giới vắng lặng, dứt trừ tất cả mọi thứ xấu ác của chúng sinh, không lìa bỏ tâm Bồ Đề.

Thế nào là Bồ Tát hoàn toàn nhẫn nhục?

Đáp: Thông suốt, thấy rõ tất cả pháp, trừ bỏ các nạn tham, sân, si trói buộc của chúng sinh mà gắn liền với áo giáp công đức của bậc nhất thiết trí.

Thế nào là tinh tấn trọn vẹn?

Đáp: Bồ Tát nhờ nơi tinh tấn nên đều thấy rõ tất cả các pháp, để đạt đến đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, dứt trừ các cấu uế, biếng nhác của chúng sinh, tinh tấn tu hành.

Thế nào là rốt ráo thiền định?

Đáp: Thấy tất cả các pháp vốn đều thanh tịnh, nên thiền định bình đẳng. Tất cả chúng sinh do chấp trước mà sinh khởi, tạo tác.

Thế nào là Bồ Tát thành tựu trí tuệ?

Đáp: Đối với mọi sự hành hóa đều không thủ đắc, không thấy có sự hành hóa, diệt trừ tất cả các pháp buông lung, dứt bỏ tà kiến chìm đắm của chúng sinh, tu tập Thánh Đạo. Đó là Bồ Tát thành tựu trí tuệ.

Thế nào là hành từ?

Đáp: Thấy tất cả các pháp hoàn toàn diệt độ.

Thế nào là hành bi?

Đáp: Hiểu rõ tất cả các pháp là không tạo tác, không có báo ứng.

Thế nào là hành hỷ?

Đáp: Đối với các pháp không dấy khởi, ưa thích, càng chẳng dấy khởi mà cho là không hành.

Thế nào là hành xả?

Đáp: Đối với tất cả các pháp không chấp vào nhị biên.

Thế nào là Bồ Tát đạt được Chân Đế?

Đáp: Phân biệt tất cả các pháp giống như huyễn hóa, đối với các chỗ sinh đều không có đối tượng được sinh, thảy đều không thật có.

Thế nào là bậc Đại Sĩ?

Đáp: Quán xét tất cả chúng sinh mà không có chúng sinh.

Thế nào gọi là bậc tôn quý?

Đáp: Thấy tất cả các pháp là không thể thọ trì, chấp giữ, mà cũng chẳng sợ hãi.

Thế nào là Bồ Tát mặc áo giáp phước đức lớn?

Đáp: Quán tất cả các pháp bình đẳng như hư không, không bỏ thệ nguyện.

Thế nào là nhân từ?

Đáp: Thực hành đại bi, không xa lìa chúng sinh, cũng không gần gũi chúng sinh, mở bày, giáo hóa những người còn vướng mắc nơi phiền não, ái dục.

Thế nào là đạt được sự an ổn?

Đáp: Không dùng thân, miệng, ý tạo sự quấy nhiễu đối với mọi người, không chấp ngã, ngã sở.

Thế nào là thuận theo giáo pháp?

Đáp: Đối với giáo pháp đã nghe thì có thể phụng hành theo đúng lời dạy của Phật.

Thế nào là được mọi người quy kính?

Đáp: Tùy thuận chúng sinh trong năm đường, có khả năng giáo hóa, không hủy hoại lời nói, thuận theo tâm mình, do đó mà thuận hợp để giáo hóa chúng sinh.

Thế nào là nhận biết đầy đủ sự hổ thẹn?

Đáp: Bên trong tự làm thanh tịnh, bên ngoài thì dốc sức dẫn dắt chúng sinh.

Thế nào là tin tưởng?

Đáp: Tiếp cận với các chướng ngại mà không bị vướng mắc.

Thế nào là Bồ Tát hành từ kiên cố?

Đáp: Thuận theo lời Phật dạy, không có hủy hoại.

Thế nào là đổi thay?

Đáp: Chỗ tạo gốc của công đức chưa từng chống trái, luôn ứng hợp với thường, lạc. Thế nào là nhận biết chỗ ít ham muốn.

Đáp: Tâm đối với các ái dục, phiền não không hề tham đắm.

Thế nào là biết đủ?

Đáp: Mến mộ trí tuệ của bậc Thánh, không ưa thích các pháp khác.

Thế nào là viên mãn?

Đáp: Trí tuệ đạt được đầy đủ, vượt qua thế gian nên đối với các pháp thế gian không sai phạm.

Thế nào là phân biệt?

Đáp: Không thấy tất cả các dục của phiền não, trừ bỏ mọi thứ cấu uế của chúng sinh.

Thế nào là Bồ Tát được tự tại?

Đáp: Thấy rõ sự thọ thân đều là vô tướng, đạt được trí tuệ tự tại, không theo ái dục.

Thế nào là Bồ Tát hiểu biết rộng?

Đáp: Điều không thích ứng thì không lắng nghe.

Thế nào là đạt được sự tịch tĩnh?

Đáp: Thấy tất cả sự tạo tác đều không thật có, cũng không xả bỏ, không ngăn chận các pháp, cũng không khởi niệm.

Thế nào là an trụ nơi hành?

Đáp: Chẳng ở nơi không để thực hành, phân biệt mà giáo hóa, quan sát nẻo hành nơi tâm của chúng sinh, không khởi tưởng chấp về ta và người.

Thế nào là Bồ Tát đạt được các pháp tổng trì, đầy đủ biện tài?

Đáp: Tất cả sự lãnh hội thảy đều có thể nắm giữ, phân biệt căn cơ của chúng sinh, chỗ cội nguồn quy về, đến với các âm thanh đều không chấp trước.

Này Thiên Tử! Đó là Bồ Tát đạt được tổng trì, đầy đủ biện tài.

Lúc ấy, Thiên Tử Đại Quang hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Ai sẽ lãnh hội những lời dạy này?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Bậc Thiện tri thức sẽ nhận biết để hộ trì và những người có đầy đủ công đức lành vi diệu từ đời trước, có thể nhận biết để làm tăng trưỏng thì mới có thể hiểu ý nghĩa của những lời giảng nói ấy.

Thế nào là chỗ an lạc hợp với tánh?

Tâm tánh hòa nhã, không kiêu mạn ưa thích giáo pháp thâm diệu.

Thế nào là Tỳ Kheo không có tâm kiêu mạn?

Đáp: Tỳ Kheo không chấp nơi tự thân, dốc tâm cầu pháp đại thừa, biết rõ thật tướng của thân, không tham chấp nơi thân mình, không trụ ở hai nẻo.

Đó là Tỳ Kheo không mang tâm tự đại, hoàn toàn dứt sạch vô minh, do vô minh ái dục nên không thây rõ con đường giải thoát, thấu đạt vô minh là do ái, si, nhưng thảy đều không có nguồn gốc, đó là Tỳ Kheo không mang tâm tự đại.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói với Thiên Tử: Tỳ Kheo lìa bỏ tham dâm, hiểu rõ gốc của tham dục, xa lìa tham dục mà được thanh tịnh, hiểu rõ nẻo hành của tham dục, không có nguồn gốc, xa lìa gốc sân, hiểu rõ gốc sân, xa lìa gốc sân nên đều được thanh tịnh, hoàn toàn sáng suốt, xa lìa gốc si, hiểu rõ về gốc si, xả bỏ gốc si nên đều được thanh tịnh. Hiểu rõ gốc si vốn không có nguồn gốc. Đó là Tỳ Kheo không có tự đại.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại nói với Thiên Tử: Nếu Tỳ Kheo không hiểu các khổ, không đoạn tập nên không chứng đắc, đối với các tập không hành theo nẻo hẹp, hiểu rõ các khổ không có chỗ sinh nên hội nhập vào bốn Đế.

Nếu ở nơi khổ không có chỗ sinh thì không có tập, đã không có tập thì không có diệt tận. Nếu ở nơi khổ không có chỗ sinh thì người kia không đi vào con đường hẹp.

Lúc ấy, Ma Ba Tuần buồn rầu, lo lắng, khóc lóc thở than: Nếu kinh này được lưu truyền khắp nơi thì chúng Ma Ba Tuần không thể tùy tiện. Nếu kinh này có người thọ trì thì việc làm của ma sẽ bị dứt hẳn. Nói xong liền ẩn mất.

Khi đó Thiên Tử Đại Quang hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Hôm nay, chỗ thuyết giảng của nhân giả, chúng tôi đã quán xét ý nghĩa để lãnh hội. Như có người không mang tâm tự đại, không hiểu rõ các phước của việc xuất gia, không sợ chỗ tạo tác để thực hành tinh tấn, nếu nghe pháp này mà sợ hãi thì không thể lãnh thọ được, không thể xem Như Lai là bậc thầy giác ngộ.

Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nghe pháp này mà hoan hỷ ưa thích thì nên biết người ấy đã được giải thoát.

Đức Phật khen: Đúng vậy, như lời ông nói! Bồ Tát do các điều ấy mà được các pháp nhẫn, nhờ pháp nhẫn này mà được sinh vào hàng Thanh Văn, Duyên Giác.

Kính bạch Đức Thế Tôn! Kinh này đặt tên là gì?

Làm thế nào để phụng hành?

Phật dạy: Kinh này tên là Ma Nghịch, nhằm để hàng phục Ma Ba Tuần, nên phụng trì như vậy.

Phật thuyết giảng như vậy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Thiên Tử Đại Quang và tất cả chúng hội, tám bộ chúng Hộ Pháp: Trời, Rồng, Quỷ Thần, A Tu Luân, Kiền Đạp Hòa… và người trong thế gian nghe Kinh này xong đều hoan hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần