Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Mười Hai - Phẩm Du Ngoạn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẨM MƯỜI HAI

PHẨM DU NGOẠN  

Thuở Thái Tử còn tuổi thơ ấu sống trong Cung Vua, chỉ biết dạo chơi vui đùa, không quan tâm về việc học tập. 

Đến năm lên tám tuổi mới bắt đầu rời cửa cung đến trường học tập, trải qua bốn năm học tập văn chương, Kinh Luận và tất cả võ thuật cũng như cách sử dụng binh khí nơi hai Đại Sư văn võ: Tỳ Xa Bà Mật Đa La và Nhẫn Thiên. Đến năm Thái Tử mười hai tuổi, đối với tất cả môn văn võ, Ngài đều uyên thâm quảng bác, thông thạo một cách điêu luyện. Rồi từ đó mặc tình đuổi theo thú vui thinh sắc thế tục.

Một hôm nọ, Thái Tử dạo chơi, vui thú trong nghệ thuật bắn tên nơi lâm viên cần cù, còn năm trăm Đồng Tử Hoàng Gia cũng đang du hý trong vườn của họ.

Bỗng nhiên có một bầy nhạn bay qua trên không, lúc ấy Đồng Tử Đề Bà Đạt Đa trương cung bắn nhằm một chim nhạn, chim nhạn mang luôn mũi tên sa vào vườn cần cù.

Thái Tử thấy chim nhạn bị thương còn dính mũi tên rơi nằm trên mặt đất, Ngài dùng đôi bàn tay nhẹ nhàng nâng lấy chim nhạn, rồi ngồi xếp bằng, để chim trên bắp vế, dùng bàn tay có vằn chữ vạn hình tròn.

Trơn láng mềm mại mịn màng chứa đầy phước đức vi diệu, dịu dàng như tàu lá chuối non, tay trái giữ lấy chim nhạn, tay phải từ từ nhổ mũi tên, rồi dùng tô mật băng lấy vết thương.

Lúc ấy, Đồng Tử Đề Bà Đạt Đa cho người đến thưa Thái Tử: Bẩm Thái Tử, Đồng Tử Đề Bà Đạt Đa của chúng tôi vừa bắn trúng một con chim nhạn sa vào vườn của Ngài, xin Ngài vui lòng trao chim nhạn cho Đề Bà Đạt Đa, không được giữ lấy.

Thái Tử bảo người hầu cận của Đề Bà Đạt Đa: Như chim nhạn chết thì ta trao lại cho chủ ngươi, nếu chim còn sống thì điều đó hoàn toàn không được.

Đề Bà Đạt Đa lại cho người qua đòi một lần nữa, thưa: Dù chim nhạn sống hoặc chết, nhất quyết phải trả lại cho ta, do vì tay ta có tài bắn trúng chim trước, rồi sau đó chim mới rơi nhằm vào vườn Thái Tử, tại sao người ngang nhiên giữ lại?

Thái Tử bảo: Sở dĩ ta giữ lấy chim nhạn như vậy, là do ta trước đã phát tâm bồ đề, tất cả chúng sinh thảy đều được ta tiếp độ, huống nữa là con chim nhạn này mà không thuộc về của ta hay sao!

Vì lý do này mà hai người đi đến tranh chấp, nhà Vua liền cho triệu tập các vị trưởng lão kỳ đức trí thức trong hoàng tộc để xử đoán.

Lúc ấy có một Chư Thiên Cõi Trời Tịnh Cư biến dạng làm vị trưởng giả kỳ túc lẫn vào trong hội đưa ra ý kiến: Người nào nuôi dưỡng chim nhạn thì người đó tiếp nhận chim nhạn, còn kẻ nào bắn chim nhạn thì người đó dĩ nhiên xa cách chim nhạn.

Tất cả các vị trưởng lão kỳ đức trong hội đều tán thành, đồng thanh hô lên: Đúng như vậy, đúng như vậy, y như lời nhân giả vừa nói. Đây là nguyên nhân đầu tiên đưa đến mối oán thù giữa Thái Tử và Đề Bà Đạt Đa.

Lại một hôm nọ, Đại Vương Tịnh Phạn và Thái Tử cùng các Đồng Tử Hoàng Gia đi du ngoạn vùng thôn dã ở ngoại ô để xem mức sinh hoạt của dân chúng.

Lúc ấy trong cánh đồng có một nông dân thân thể sạm nắng, hết sức cực nhọc chăm lo từng luống cày, với đôi trâu trên vai mang chiếc ách đi trước, được buộc bởi dây dàm choàng qua dưới cổ, mỗi khi trâu chậm bước thì chiếc roi trên tay bác nông phu quất mạnh vào thân.

Dưới ánh nắng mặt trời ngày càng trưa, nóng như thiêu như đốt, miệng trâu thở hổn hển, mồ hôi tuôn chảy, người và vật đều bị bức xúc bởi cơn đói khát, lại thêm thân thể ốm gầy, da bọc lấy xương, và dưới những luông cày vừa mới lật lên đều có những loài trùng dế xuất hiện, người vừa cày qua khỏi thì bầy chim đáp xuống tranh lấy miếng mồi.

Thái Tử thấy trâu cày quá ư mệt mỏi lại thêm roi vọt đánh đập, chiếc ách đè nặng nghiến trên vai, và sợi dây dàm choàng qua cổ cọ xát làm cho lở da nát thịt, máu chảy ròng ròng.

Lại thấy bác nông phu cày ruộng trần mình thân đầy đất bụi, lại thêm ánh nắng mặt trời thiêu đốt nên làn da đen sạm, cộng với cảnh mạnh được yếu thua của loài chim quạ bay đến giành ăn từng miếng mồi.

Thái Tử thấy vậy tâm rất ưu sầu, giống như có người thấy thân quyến của mình bị kẻ khác bắt trói dẫn đi, sinh tâm rất âu sầu khổ sở. Thái Tử thương tất cả chúng sinh cũng lại như vậy.

Thái Tử sinh lòng đại từ bi, liền từ trên lưng ngựa chúa Kiền Trắc nhảy xuống, ung dung tản bộ nhưng trong tâm thầm nghĩ: Tại sao chúng sinh lại có những việc như vậy?

Rồi lại than.

Ôi thôi! Ôi thôi! Tất cả chúng sinh chịu rất nhiều sự đau khổ, các khổ đó nào là sinh, lão, bệnh, tử và biết bao nhiêu sự khổ não khác, mà chúng sinh xoay vần trong đó không chịu thoát ly.

Tại sao không mong cầu xả bỏ các khổ?

Tại sao không nhàm chán các khổ để mong cầu trí tuệ tịch tĩnh?

Tại sao không nghĩ đến việc thoát khỏi các nguyên nhân sinh, lão, bệnh, tử?

Ta nay làm sao tìm được chỗ vắng vẻ để tư duy những điều khổ não!

Đại Vương Tịnh Phạn và các Đồng Tử sau khi tham quan sự sinh hoạt nơi đồng nội, rồi cùng nhau trở về nghỉ mát trong một hoa lâm viên. Trong lúc ấy Thái Tử một mình tản bộ đó đây, mắt luôn luôn quán sát tìm một nơi yên tĩnh, chợt trông thấy xa xa có bóng cây Diêm Phù, thân cây trơn láng, cành lá sum suê tươi tốt thu hút mọi người.

Thái Tử, liền bảo các người hầu cận: Tất cả các người đều đi nơi khác cách xa ta, ta chỉ muốn đi một mình.

Khi đám người hầu cận đi khuất, Thái Tử lần lần hướng về đại thọ, đến nơi Ngài lấy cỏ làm tòa, rồi ngồi trên đó lắng tâm tư duy: Chúng sinh bị khổ sinh già bệnh chết, rồi phát tâm từ bi, tâm được an định, lúc đó liền xả bỏ các dục vọng và tất cả các pháp bất thiện trong thế gian, liền dứt lậu nghiệp Dục Giới, chứng được Sơ Thiền. Thân ta cũng có các pháp như vậy, nếu chưa vượt qua các pháp này, thì chưa thoát khỏi vòng luân hồi.

Đang khi Thái Tử ở dưới gốc cây tư duy như vậy, có năm vị Thần Tiên phi hành trên hư không một cách tự tại, các vị này có đại oai đức, có thế lực lớn, thông hiểu các Luận Tỳ Đà, biết rành các phép thuật.

Họ đang đằng vân từ phương Nam đến phương Bắc định vượt qua khu rừng này, nhưng khi gần đến trên tàng cây Diêm Phù thì không thể vượt qua được.

Các Thần Tiên cùng nhau thảo luận: Chúng ta thuở trước xuất hiện các phép thần thông, bay qua một cách tự tại, cho đến bay tới cung Tỳ Sa Môn của Đại Thiên Vương.

Hoặc thành A La Ca Bàn Đa cũng có thể bay qua được, ta cũng từng bay qua trên các nơi có nhiều ác thần Dạ Xoa, mà chính trên cây này chúng ta cũng đã từng bay qua lại vô số lần không mất thần thông, không có gì chướng ngại, mà ngày nay do sức oai lực gì khiến chúng ta thoái mất thần thông không thể bay qua được?

Các Tiên Nhân này liền quán sát cây Diêm Phù, thấy Thái Tử ngồi dưới tàng cây, oai quang sáng rực chói lọi, khó có thể thấy một cách rõ ràng.

Thấy như vậy rồi, họ suy nghĩ: Người ngồi là ai?

Phải chăng là Vua Trời Đại Phạm chủ cõi nhân gian?

Hay là Trời Ngật Sa Na chủ Thế Giới Cõi Dục?

Hay Trời Đế Thích?

Hay Tỳ Sa Môn chủ kho tàng lớn?

Hay Nguyệt Thiên Tử, Nhật Thiên Tử?

Hay vị ấy là Chuyển Luân Thánh Vương?

Hoặc là Phật xuất thế?

Mà có oai đức quá lớn như vậy!

Bấy giờ vị thần trông coi khu rừng nói với các Tiên Nhân: Này các Tiên Nhân, người này chẳng phải là Đại phạm chủ Cõi thế gian, cũng chẳng phải Ngật Sa Na chủ Cõi Dục, cũng chẳng phải Đế Thích và Tỳ Sa Môn chủ kho tàng, cũng chẳng phải Thiên Tử chưởng quản mặt trời, mặt trăng. Vị Đồng Tử này là Thái Tử Tất Đạt Đa con Vua Tịnh Phạn thuộc dòng họ Thích.

Này các Tiên Nhân phải biết, bao nhiêu oai đức của tất cả Vua Trời Đại Phạm, chúa Trời Ngật Sa Na, Đế Thích, Vua Tỳ Sa Môn chủ kho tàng, Nguyệt Thiên Tử, Nhật Thiên Tử và Chuyển Luân Thánh Vương so với oai đức một mảy lông của Thái Tử Tất Đạt Đa, không bằng một phần mười sáu. Do thần thông của các ông có hạn, các ông muốn bay qua trên rừng cây này hoàn toàn không thể được.

Các Tiên Nhân nghe vị thần hộ lâm nói như vậy liền từ hư không hạ xuống, đứng trước mặt thái Tử nói kệ tán thán:

Tiên Nhân thứ nhất nói kệ:

Lửa phiền não thiêu đốt thế gian,

Ngài sinh ra ao nước pháp mầu,

Khi chứng đắc pháp mầu vi diệu,

Lửa phiền não hoàn toàn tiêu diệt.

Tiên Nhân thứ hai nói kệ:

Hắc ám vô minh lấp thế gian,

Ngài làm đuốc tuệ tỏa hào quang,

Nhiệm mầu pháp tuệ là như vậy,

Soi sáng kẻ mù khắp trần gian.

Tiên Nhân thứ ba nói kệ:

Đồng nội ưu sầu trong đầm rộng,

Ngài làm thuyền lớn khéo vượt qua,

Pháp thuyền mầu nhiệm là như vậy,

Thoát ra ba cõi cứu chúng sinh.

Tiên Nhân thứ tư nói kệ:

Đây phiền não ràng buộc thế gian,

Phương tiện Ngài khiến cho giải thoát,

Do pháp nhiệm mầu là như vậy,

Cởi mở mọi ràng buộc thế gian.

Tiên Nhân thứ năm nói kệ:

Bao nhiêu trọng bệnh ở thế gian,

Ngài đại lương y đều chữa khỏi,

Pháp được nhiệm mầu là như vậy,

Chữa lành tất cả bệnh trầm kha.

Năm vị Tiên Nhân đều nói kệ ca ngợi Thái Tử, kế đến đầu mặt đảnh lễ sát đất, nhiễu quanh bên hữu ba vòng rồi cùng nhau đằng vân mà đi.

Khi ấy, Đại Vương Tịnh Phạn không thấy Thái Tử ở đâu, trong tâm buồn rầu lo ngại chẳng yên, liền hỏi quan cận thần: Bỗng nhiên Thái Tử con ta vắng bóng, không biết hiện giờ ở đâu?

Câu này bản tiếng Phạm lặp lại hai lần. Bấy giờ quần thần bôn ba chạy tìm Thái Tử, đi khắp Đông, Tây, Nam, Bắc mà chẳng thấy Thái Tử ở đâu cả.

Sau đó có một đại thần xa xa trông thấy Thái Tử thiền tọa tư duy dưới tàng cây Diêm Phù, lại thấy bóng mát của tất cả tàng cây trong rừng đều di chuyển theo ánh nắng mặt trời, chỉ riêng tàng cây của Thái Tử đang ngồi là bóng mát không di chuyển.

Đai Thần thấy Thái Tử có việc quá ư đặc biệt không thể nghĩ bàn như vậy, nỗi vui mừng tràn ngập châu thân không thể tự chế, vội vã chạy nhanh về chỗ Đại Vương, quỳ gối trình bày đầy đủ những việc mình đã mục kích.

Rồi nói kệ:

Thái Tử Đại Vương hiện nay đang,

Đoan thân ngồi dưới cội Diêm Phù,

Nhập chánh định kiết già quán tưởng,

Tỏa hào quang sáng tợ mặt trời,

Đây chân thật bậc Đại Trượng Phu.

Bóng tàng cây đứng yên không chuyển,

Nguyện Đại Vương giá lâm quan sát,

Thái Tử ngồi tướng mạo thế nào,

Giống Đại Phạm, Thiên Vương không khác,

Cùng Đê Thích, Vua Trời Đao Lợi,

Sức oai thần sáng tỏ chói lòa,

Chiếu cùng khắp rừng cây rực rỡ.

Đại Vương Tịnh Phạn vừa nghe, liền đi thẳng đến cây Diêm Phù, xa xa trông thấy Thái Tử ngồi kiết già dưới tàng cây, ví như trong đêm tối thấy khối lửa khổng lồ đỏ rực trên đỉnh núi, ánh sáng chói lọi chiếu sáng khắp mọi nơi.

Do công đức vĩ đại mới phát sinh ánh sáng chói lọi như vậy, ví như giữa bầu Trời mây đen nghịt, bỗng xuất hiện ánh trăng vằng vặc của đêm thu, cũng như căn nhà đen tối bỗng xuất hiện ngọn đèn sáng lớn.

Khi nhà Vua thấy việc quá ư đặc biệt, trong tâm lấy làm kinh ngạc, toàn thân rúng động dựng chân lông, rồi Đại Vương chí thành đảnh lễ đầu mặt sát đất dưới chân Thái Tử, vui mừng hớn hở thốt lời thế này: Hay lắm! Hay lắm!

Thái Tử ta có oai đức lớn và nói kệ tán thán:

Như đêm tối lửa hồng đỉnh núi,

Tợ trăng thu vằng vặc bên mây,

Thấy Thái Tử tư duy an tọa,

Toàn thân ta dựng ngược tóc lông.

Đại Vương Tịnh Phạn nói kệ tán thán rồi, lại đảnh lễ dưới chân Thái Tử và tiếp tục nói kệ:

Ta nay lại cúi thân đảnh lễ,

Dưới chân thiên bức rất nhiệm mầu.

Ta từ lúc sơ sinh mới gặp,

Thái Tử bỗng ngồi lặng tư duy.

Lúc ấy có một tốp thiếu nhi vác dụng cụ đi săn theo sau Đại Vương, chúng cười nói ồn ào.

Có một đại thần quở trách bọn thiếu nhi: Này các cháu, các cháu không được nói chuyện ồn ào.

Đám thiếu nhi lại hỏi: Tại sao ông không cho chúng tôi tự do nói chuyện?

Vị đại thần trả lời qua bài kệ:

Ánh mặt Trời chói chang gay gắt,

Không tài nào di chuyển bóng cây,

Ánh hào quang một tầm vi diệu,

Ai sánh kịp bậc phước đức này,

Dưới tàng cây tư duy an tọa,

Như Tu Di sừng sững an nhiên,

Nhập sâu vào nội tâm cảnh gỉới,

Vì thích bóng cây không xả bỏ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần