Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Mười - Phẩm Học
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI
PHẨM HỌC
Bấy giờ, Tôn Giả Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát muốn đầy đủ bố thí Ba la mật nên học bát nhã Ba la mật, muốn đầy đủ trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định Ba la mật cũng nên học bát nhã Ba la mật.
Đại Bồ Tát muốn biết sắc, thọ, tưởng, hành, thức nên học bát nhã Ba la mật. Muốn biết sáu căn bên trong, bên ngoài nên học bát nhã Ba la mật. Muốn biết mười tám tánh, muốn tiêu diệt dâm, nộ, si, muốn diệt tưởng về ta, của ta nên học bát nhã Ba la mật.
Muốn trừ nghi ngại, muốn trừ phạm giới, tà kiến, dâm dục trong ba cõi. Muốn xả bỏ tập khí sáu trần. Muốn trừ bốn cách ăn. Muốn xả bỏ bốn vực nước sâu, bốn thứ ràng buộc, bốn điên đảo. Muốn xả bỏ mười ác hạnh, làm mười thiện hạnh nên học bát nhã Ba la mật.
Đại Bồ Tát muốn biết bốn thiền, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, bốn đẳng ý, mười tám pháp bất cộng, nên học bát nhã Ba la mật, muốn chứng đắc tam muội Học ý nên học bát nhã Ba la mật, muốn biết bốn thiền, bốn không định, muốn được tam muội Sư tử du bộ, tam muội Sư tử phấn tấn.
Muốn được các Đà La Ni, các tam muội như tam muội Thủ Lăng Nghiêm, tam muội Hải bảo, tam muội Nguyệt Tràng, tam muội chư pháp Phổ chí, tam muội Quán ấn, tam muội Chân pháp tánh, tam muội Tác vô cấu tràng, tam muội Kim Cang.
Tam muội chư pháp Sở nhập môn, tam muội Vương, tam muội Vương ấn, tam muội Lục tịnh, tam muội Nguyệt tràng, tam muội chư pháp Sở nhập chân biện tài, tam muội chư pháp Ngôn sở nhập chiếu thập phương, tam muội chư pháp Đà La Ni môn ấn.
Tam muội Bất vong chư pháp, tam muội chư pháp đô tụ ấn, tam muội Hư không sở chỉ, tam muội Tịnh, tam muội Xứ, tam muội Bất khởi thần thông, tam muội Tác thượng tràng.
Bồ Tát muốn đạt được các tam muội này cùng các tam muội khác nên học bát nhã Ba la mật.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Đại Bồ Tát muốn làm cho chúng sinh mãn nguyện nên học bát nhã Ba la mật. Bồ Tát muốn công đức đầy đủ, giữ gìn đầy đủ công đức này, không đọa vào ác xứ, không sinh vào nhà ty tiện, không trụ vào La Hán, Bích Chi Phật, không làm Bồ Tát Đảnh tránh, nên học bát nhã Ba la mật.
Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Bồ Tát Đảnh tránh thực hành như thế nào?
Tu Bồ Đề đáp: Đại Bồ Tát không dùng phương tiện quyền xảo để thực hành sáu pháp Ba la mật, cũng không dùng phương tiện quyền xảo để đạt tam muội không, vô tướng, vô nguyện, cho nên rơi vào địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, cũng không thuận với Bồ Tát đạo. Đây chính là Bồ Tát Đảnh tránh.
Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Vì sao có tên là Bồ Tát Đảnh tránh?
Tu Bồ Đề đáp: Đó là pháp Ái.
Vậy pháp Ái là những gì?
Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật đi vào năm ấm chấp lấy năm ấm không, vô tướng, vô nguyện, đó là tùy thuận pháp ái. Đi vào năm ấm chấp lấy năm ấm không tịch, vô thường, khổ, không, vô ngã.
Đây là pháp ái của Bồ Tát suy tính cho rằng nên diệt năm ấm, là không, là chứng, không phải chứng, là thành đạo, là chấp trước, là đoạn, là học tập, là không thể học tập, là Bồ Tát hành, là không phải Bồ Tát hành, là đạo, là phi đạo, đây là điều Bồ Tát học, đây là không phải sự học của Bồ Tát, đây là sáu pháp Ba la mật, đây không phải là sáu pháp Ba la mật, đây là phương tiện quyền xảo, không phải phương tiện quyền xảo. Đây là Bồ Tát thuận pháp ái.
Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi Xá Lợi Phất: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đi vào trong pháp do suy tính phân biệt mà tùy thuận pháp ái.
Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi Tu Bồ Đề Thế nào là Bồ Tát tùy thuận đạo?
Tu Bồ Đề đáp: Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật không nên dùng nội không quán ngoại không, không dùng ngoại không quán nội không. Không lấy nội ngoại không để quán không không, không lấy không không để quán nội ngoại không. Không dùng không không để thấy đại không, không dùng đại không để quán không không. Không dùng đại không để thấy tối đệ nhất không, tối đệ nhất không cũng không thấy đại không.
Đệ nhất không cũng không quán hữu vi không, hữu vi không cũng không quán đệ nhất không, cũng không dùng hữu vi không để quán vô vi không, không dùng vô vi không để quán hữu vi không. Không dùng vô vi không để quán vô biên tế không, không dùng vô biên tế không để quán tác không.
Tác không cũng không quán tánh không, tánh không cũng không quán tác không, tác không cũng không quán tự không, tự không cũng không quán tánh không, tự không cũng không quán pháp không, không dùng các pháp không để quán tự không.
Các pháp không cũng không quán vô không, vô không cũng không quán pháp không. Các pháp không không quán hữu không, hữu không cũng không quán vô không. Hữu không cũng không quán vô hữu không, vô hữu không cũng không quán hữu không.
Xá Lợi Phất! Bồ Tát thực hành pháp quán bát nhã Ba la mật, liền hướng thượng khế hợp với đạo Bồ Tát.
Lại nữa, Xá Lợi Phất! Bồ Tát thực hành việc học bát nhã Ba la mật như vậy thì không niệm năm ấm, không có cống cao, không niệm nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý. Không niệm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không niệm sáu pháp Ba la mật, cho đến không niệm mười tám pháp bất cộng, cũng không tự cao. Thực hành việc học bát nhã Ba la mật cũng không có niệm.
Đạo ý vi diệu không gì bằng, cũng không có niệm, không tự cao, tại vì sao?
Vì do ý chẳng phải ý, nên tánh của ý rộng lớn mà thanh tịnh.
Xá Lợi Phất hỏi Tu Bồ Đề: Thế nào gọi là tánh của ý rộng lớn mà thành tịnh?
Tu Bồ Đề đáp: Đối với dâm, nộ, si không hợp cũng không lìa. Đối với trần lao không hợp cũng không lìa. Đối với ác hạnh và sáu mươi hai kiến không hợp cũng không lìa. Đối với Thanh Văn, Bích Chi Phật, ý cũng không hợp không lìa. Đây là tánh ý của Bồ Tát rộng lớn mà thanh tịnh.
Xá Lợi Phất lại hỏi: Nói ý là có, lời nói này có ý hay không có ý?
Tu Bồ Đề hỏi lại: Khi ý không có chỗ niệm thì có ý hay không có ý có thể đắc, có thể thấy, có thể biết được không?
Xá Lợi Phất đáp: Không thể đắc, không thể thấy, không thể biết.
Tôn Giả Tu Bồ Đề nói với Xá Lợi Phất: Nếu lúc ý không khởi niệm thì không thấy có ý cũng không thấy vô ý, không thể đắc cũng không thể thấy, cho nên được thanh tịnh.
Xá Lợi Phất hỏi Tu Bồ Đề: Những gì là ý vô ý?
Tu Bồ Đề đáp: Đối với các pháp không tạo tác, không khởi niệm chính là Ý vô ý.
Xá Lợi Phất lại hỏi: Vô vi vô tác cũng là ý phải không?
Cho đến đạo thì vô vi vô tác cũng là ý phải không?
Tu Bồ Đề đáp: Đúng vậy, đúng vậy! Như lời ông hỏi.
Xá Lợi Phất khen ngợi Ngài Tu Bồ Đề và nói: Lành thay, lành thay! Tôn Giả Tu Bồ Đề đúng là con Phật, từ nơi Phật sinh ra, từ nơi pháp hóa sinh, đây là thí pháp không phải là thí theo dục, tùy chỗ chứng đắc. Tôn Giả đã thuyết pháp, đúng như Phật khen, là bậc ưa thích nơi vắng lặng, đạt tịch tĩnh đệ nhất.
Đại Bồ Tát nên thực hành bát nhã Ba la mật như vậy thì đạt được quả vị không thoái chuyển, vĩnh viễn không rời bát nhã Ba la mật.
Bồ Tát muốn học hỏi để biết quả vị Thanh Văn, Bích Chi Phật nên cầu học bát nhã Ba la mật, nên đọc tụng, học tập, thọ trì.
Muốn học địa vị Bồ Tát nên học bát nhã Ba la mật, nói đủ giáo pháp ba thừa nên các Đại Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật đều nương vào đây để học.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cam Lộ
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Mười Chín - Phẩm Chú Sư Tự Trước Chú Tác
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thất đạo Phẩm - Phần Hai