Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Năm - Quán Bốn Tâm Vô Lượng

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

QUÁN PHẬT TAM MUỘI HẢI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn  

PHẨM NĂM

QUÁN BỐN TÂM VÔ LƯỢNG  

Bấy giờ, khi Đức Thế Tôn nói lời đó rồi, nhờ năng lực của tâm Đức Phật, mười tia sáng màu trắng từ tim Đức Phật phóng ra. Ánh sáng ấy soi khắp các Thế Giới ở mười phương. Trong mỗi tia ánh sáng, có vô lượng vị Hóa Phật ngồi trên hoa sen báu.

Đại chúng trong hội thấy ánh sáng của Đức Phật như nước pha lê, có người thấy như sữa, thấy các vị Hóa Phật từ ngực Đức Phật phát ra rồi nhập vào ở rốn Đức Phật, đi thuyền báu lớn dạo chơi nơi vùng tim Đức Phật, qua lại chỗ người chịu tội trong năm đường. Mỗi tội nhân thấy các vị Hóa Phật thân thiết như cha mẹ, bạn lành của mình, dần dần được nghe các Ngài nói pháp xuất thế gian.

Lúc đó, giữa Hư Không có âm thanh lớn bảo các đại chúng rằng: Hôm nay, các ông nên quan sát tâm Phật! Tâm các Đức Phật chính là đại từ. Đối tượng duyên đến của tâm đại từ là các chúng sinh khổ!

Đức Phật bảo A Nan rằng: Sao gọi là tâm từ?

Tâm từ là nên phải giữ tâm chánh niệm duyên vào chúng sinh khổ. Chúng sinh khổ là những người rất khổ não trong ba đường ác.

Khi Đức Phật nói lời đó, đại chúng trong hội thấy trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nhờ năng lực của tam muội Giải thoát tướng, khiến cho các chúng sinh tự biết mạng sống đời trước của mình. Chư vị thấy những người chịu khổ đó đều chính là cha mẹ, thầy trò, các bạn bè của mình trong vô lượng kiếp ở đời trước.

Thấy rồi, họ rơi lệ, đảnh lễ Phật, bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Hôm nay chúng con nhờ thần lực Phật nên thấy các chúng sinh khổ đều chính là cha mẹ, Sư Trưởng của chúng con.

Đức Phật bảo đại chúng rằng: Chúng sinh ba cõi luân hồi trong sáu đường như bánh xe lửa xoay.

Hoặc làm cha mẹ, anh em, dòng họ thân thuộc… tất cả mọi người trong ba cõi không ai chẳng là người thân của các ngươi, vậy thì tại sao lại khởi lòng giết hại ganh ghét?

Đức Phật nói lời đó xong, Vua Tịnh Phạn cùng tất cả đại chúng bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là tam muội từ tâm?

Nguyện xin Đức Thế Tôn Giảng nói sơ lược!

Đức Phật bảo đại chúng rằng: Luận về tâm từ, ý tưởng khởi lên trước tiên phải liên hệ với người thân thuộc. Khi giữ chánh niệm, nghĩ đến cha mẹ mình đang chịu các khổ não. Có người bất hiếu chỉ nghĩ đến sự yêu thương của vợ con mình mà không nghĩ đến chúng sinh chịu các khổ não.

Có người thấy chúng sinh bị ghẻ lở ung nhọt rồi, họ suy nghĩ phải làm sao để cứu giúp?

Một ý tưởng thành tựu rồi nên khởi hai ý tưởng. Hai ý tưởng thành rồi thì nên khởi ba ý tưởng. Ba ý tưởng thành rồi thì ý tưởng chứa đầy một nhà. Một nhà ý tưởng thành rồi thì chứa đầy cả Tăng phường.

Một Tăng phường thành rồi thì chứa đầy một do tuần. Một do tuần thành rồi thì chứa đầy một cõi Diêm Phù Đề. Một cõi Diêm Phù Đề thành rồi thì chứa đầy cõi Phất bà đề. Cõi Phất bà đề thành rồi thì chứa đầy ba thiên hạ. Cứ như vậy rộng dần, chứa đầy cõi mười phương.

Thấy hết chúng sinh ở phương Đông đều là cha mình, thấy chúng sinh ở phương Tây đều là mẹ mình, thấy chúng sinh ở phương Nam đều là anh mình, thấy chúng sinh ở phương Bắc đều là em mình, thấy chúng sinh ở phương Dưới đều là vợ con, thấy chúng sinh ở phương Trên đều là Sư Trưởng.

Còn những chúng sinh ở bốn góc đều là Sa Môn, Bà La Môn… thấy những chúng sinh đó đều chịu khổ não, hoặc bệnh nặng, hoặc thấy họ ở tại núi đao, rừng kiếm, xe lửa, lò than… chịu tất cả các việc khổ.

Thấy rồi, hành giả buồn khóc muốn cứu vớt những nỗi khổ ấy, tự khởi lên ý tưởng: Cỡi hoa sen báu đi đến chỗ những người đó, đích thân xoa bóp, rửa ghẻ lở cho họ. Thấy lửa địa ngục, hành giả lo buồn rơi lệ, muốn diệt tắt lửa ấy.

Thấy các quỷ đói, hành giả chích thân chảy máu hòa thành sữa cung cấp cho quỷ đói được no đủ. Đã no đủ rồi thì họ vì chúng nói pháp, khen Phật, khen Pháp, khen Tỳ Kheo tăng. Khen ngợi rồi, hành giả lại lo buồn, lòng không hề muốn rời bỏ.

Như vậy, cùng cực của tâm từ khiến cho được thông suốt, từng việc từng việc được nói rộng rãi trong Tam Muội về lòng từ. Tâm từ như vậy gọi là tu tập lòng từ. Tu tập lòng từ rồi, tiếp theo phải thực hành tâm bi. Bi là thấy chúng sinh chịu khổ như mình bị tên bắn vào tim, như phá hủy tròng mắt, lòng rất bi khổ, toàn thân tuôn máu, muốn cứu vớt nỗi khổ ấy.

Tâm bi như vậy có trăm ức môn, nói đầy đủ trong tam muội đại bi. Thực hành từ, bi rồi, tiếp theo là tu hành đại hỷ. Thấy những chúng sinh yên ổn vui vẻ, lòng hoan hỷ như mình an vui không khác. Đã hoan hỷ rồi, tiếp theo là tu hành pháp xả. Những chúng sinh đó không có tướng đến đi, do tâm tưởng sinh ra.

Tâm tưởng sinh nghĩa là: Nhân duyên hòa hợp, tạm gọi là tâm. Tâm tưởng này giống như cuồng hoa từ điên đảo khởi lên. Khổ từ tưởng khởi lên, vui từ tưởng sinh ra. Tâm như bên trong cây chuối, không hề chân thật, bền chắc. Nói đầy đủ như trong kinh Mười ví dụ.

Khi khởi sự quán tưởng đó thì hành giả chẳng thấy thân tâm mà thấy tất cả pháp đều đồng như thật tánh. Đó gọi là thân, thọ, tâm, pháp của Bồ Tát. Nương nhờ pháp này, hành giả tu hành ba mươi bảy pháp hỗ trợ bồ đề. Nếu có thủ chứng là pháp Thanh Văn, còn chẳng thủ chứng chính là pháp Bồ Tát.

Nói lời nói đó xong, ánh sáng nơi thân Đức Phật càng thêm rực rỡ. Từ tim Đức Phật phóng ra ánh sáng. Trong các ánh sáng đó, sinh ra các hoa báu. Mỗi hoa báu có hằng hà sa số hoa báu xung quanh. Trên mỗi hoa báu có vô lượng vô biên Hóa Phật nhiệm mầu, thân cao một trượng sáu, như Phật Thích Ca Văn.

Khi tướng này xuất hiện, lỗ chân lông thân Đức Phật có tám vạn bốn ngàn hoa sen báu. Trên mỗi hoa sen có tám vạn bốn ngàn vị đại Hóa Phật mà thân thì vô lượng vô biên. Như vậy, những lỗ chân lông và nơi tim của các vị Hóa Phật cũng phóng ra ánh sáng như đã nói trên.

Ánh sáng như vậy, soi khắp mười phương, rồi nhập vào nơi đỉnh đầu Phật vào và tỏa ra ở tướng lông trắng giữa hai chân mày của Đức Phật.

Ánh sáng từ tướng Bạch hào phóng ra soi khắp mười phương giống như lá cờ bằng vàng, khiến cho đất khắp mười phương đều thành màu vàng ròng và cuốn các vị Hóa Phật vào trong miệng của Đức Phật. Rồi từ miệng Đức Phật, ánh sáng phát ra cũng soi khắp mười phương, lại nhập vào ngực Đức Phật. Từ ngực Đức Phật, ánh sáng phóng ra lại soi khắp mười phương, lại nhập vào rốn Đức Phật.

Khi ánh sáng này vào trong thân Đức Phật thì như nước lưu ly lắng trong chẳng động. Tất cả chúng sinh trong ba cõi, năm đường đều ánh hiện trong tim Đức Phật. Hành giả thấy các vị Hóa Phật ngồi trên đài báu lớn giống như thuyền báu du hành trong thân Đức Phật.

Tất cả các vị Hóa Phật khen ngợi sự chẳng giết hại, khen ngợi sự niệm Phật, khen ngợi sự niệm Pháp, khen ngợi sự niệm Tăng, khen ngợi sự niệm Giới, khen ngợi sự niệm Thí, khen ngợi sự niệm Thiên, khen sáu pháp hòa kính, khen tam muội về tâm từ.

Sáu niệm này có thể sinh ra pháp thiện, sáu niệm này chính là nhân của các Đức Phật. Tâm Phật chính là tâm sáu niệm. Nhờ sáu pháp hòa kính mà được pháp này. Muốn thành Phật Đạo phải học tâm Phật.

Nói lời nói đó xong, ánh sáng của thân Đức Như Lai sáng rực rỡ bội phần. Số Hóa Phật của thân Đức Phật và hoa sen báu nhiều chẳng thể biết. Ánh sáng mỗi hoa như các loại hoa đã nói. Người quán như vậy gọi là chánh quán, nếu quán khác đi thì gọi là tà quán. Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử của Phật tu sáu niệm thì gọi là niệm về tâm Phật. Niệm về tâm Phật thì trừ được tội sinh tử trong mười hai ức kiếp.

Người quán tưởng như vậy thì đời đời nhất định chẳng tà kiến, lòng chẳng hẹp hòi xằng bậy, luôn luôn gặp được bậc Bồ Tát vô sinh. Người như vậy nếu sinh vào chỗ biên địa không có Phật Pháp thì nhờ năng lực công đức niệm Phật nên tự nhiên giác ngộ giải thoát thành Bích Chi Phật.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói lời nói đó xong, thu ánh sáng nơi thân lại như cũ.

Đức Phật thưa Vua cha rằng: Như ánh sáng bạch hào của tướng bậc Đại Nhân và tất cả các tướng, có thể quán tưởng nghịch, quán tưởng thuận hay quán tưởng phân biệt thì quán tưởng toàn bộ vừng sáng tròn và thân một trượng sáu. Chỉ phát tâm quán tưởng như vậy, còn quán thấy hay chẳng thấy, đều được tiêu trừ các tội lỗi như trên đã nói.

Giả sử có thí chủ đủ năm thần thông, được ngọc Như ý, bay khắp các Thế Giới ở mười phương, số chúng sinh của mỗi Thế Giới ở mười phương chẳng thể biết được, chỉ dùng từ vô lượng vô biên chỉ chung cho số lượng ấy, số chúng sinh nhiều như vậy đều là A La Hán, vị đại thí chủ đó hết vô số kiếp cúng dường những Bậc Hiền thánh đầy đủ bốn việc, không thiếu thốn.

Người đó được phước chắc là nhiều lắm chăng?

Vua đáp rằng: Chỉ cần cúng dường những vị La Hán của một phương đã được phước không lường, huống gì cúng dường vô lượng La Hán khắp mười phương.

Đức Phật nói với Vua cha rằng: Giả sử có người làm cho các chúng sinh tà kiến có số lượng nhiều như đã nói trên được thành tựu, đều khiến cho những người đó được đạo A La Hán với ba minh, sáu thông, đủ tám giải thoát thì cũng chẳng bằng phát tâm hướng về trí tuệ Phật mà niệm Phật trong giây lát.

Khi Đức Phật nói lời đó thì một ức người dòng họ Thích trong chúng Thích Tử phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, tự thề chẳng cầu đạo Thanh Văn và Bích Chi Phật, bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Thân của các Đức Phật phân ra thậm chí chỉ một sợi lông mà có vô lượng Hóa Phật thì thân của các Thanh Văn chỉ như một vật hư mục cháy đen nào có ích gì?

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần