Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân - Phần Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trí Nghiêm, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH

QUẢNG BÁC NGHIÊM TỊNH

BẤT THOÁI CHUYỂN LUÂN

Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trí Nghiêm, Đời Đường  

PHẦN CHÍN  

Trong mọi pháp bình đẳng

Pháp này là trên hết

Bình đẳng và bồ đề

Từ không phân biệt sinh.

Biết rồi, giảng người nghe

Mà chẳng hề thêm, bớt

Cũng từ pháp này sinh

Đó là A La Hán.

Nên vì chúng sinh này

Nói pháp không âm thanh

Giải thoát nhiều chúng sinh

Mà vẫn luôn bất động.

Chúng sinh không thật có

Và hai bên thường đoạn

Vì trừ các tà kiến

Khiến thoát mọi nỗi khổ.

Chấp các pháp sinh, diệt

Tướng vô vi, vô tác

Các chúng sinh khổ não

Do tưởng mà phân biệt.

Không hủy hoại sắc ấm

Đối thọ ấm cũng vậy

Tưởng, hành cùng với thức

Khiến lìa các chấp này

Đối pháp phàm phu này

Mà thấy có dời đổi

Trụ Phật Pháp, bất trụ

Đều khiến được giải thoát.

Chấp tưởng về các quả

Tưởng Duyên Giác cũng thế

Nói pháp cho chúng sinh

Khiến lìa tưởng chấp Phật.

Chấp đắm tâm bồ đề

Chấp về thí cũng thế

Người chấp về giới, nhẫn

Giảng nói pháp không đắm

Chấp thủ tưởng biếng nhác

Phân biệt hành tinh tấn

Tâm định với tâm loạn

Tuệ sai và tuệ đúng

Không phân biệt pháp này

Biết không có các tướng

Phải nên nói như thế

Đó gọi A La Hán.

Đắm chặt đối ngã tưởng

Thanh Văn nhiều phân biệt

Vì dứt bỏ phân biệt

Nên nói pháp cho nghe.

Cha mẹ và vợ con

Vô trí nên tham đắm

Chẳng phải đạo bồ đề

Là đi trong sinh tử

Đó là anh em ta

Chị em, tâm thương nhớ

Dứt bỏ tham ái đó

Nên gọi A La Hán.

Do vì khéo bàn nói

Tâm kẻ khác dấy vui

Phát tâm vui mạnh mẽ

Ý khởi mong được thấy

Trước sau các người thân

Nếu lúc được gặp gỡ

Xoay vần sinh ái chấp

Vì vô trí điên đảo

Thuộc ma, chẳng tự tại

Xa lìa các lợi dưỡng

Biết lỗi lầm lợi dưỡng

Nên vì các chúng sinh

Nói tội lỗi lợi dưỡng.

Đây là pháp phiền não

Đây là pháp giải thoát

Chẳng chấp hai chấp này

Đó là A La Hán.

Tham đắm các lợi dưỡng

Không thể tự hiểu biết

Dứt bỏ chấp đắm kia

Đó gọi A La Hán.

Đây là pháp tại gia

Đây là pháp xuất gia

Phàm phu sinh phân biệt

Nên cởi bỏ chấp kia

Đối với tất cả pháp

Mà thấy có thấp, cao

Chấp là khí, chẳng khí

Nên cởi bỏ chấp ấy.

Xa lìa pháp phàm phu

Mà duyên theo Phật Pháp

Nên nói pháp họ nghe

Lìa chấp được, chẳng được

Pháp lớn nhỏ chẳng bền

Người như thế rất nhiều

Nên cởi mở cho họ

Chúng sinh tướng như thế

Sinh ra các tướng tốt

Việc ấy cũng rất nhiều

Chỉ có người nhu hòa

Dứt bỏ được tưởng kia

Thế Giới mầu các Phật

Sinh khởi tâm tu tịnh

Chấp tưởng Thế Giới ấy

Phải nên dứt bỏ hết.

Niết Bàn, chẳng Niết Bàn

Sinh ra, chẳng thể sinh

Đây hành đạo bồ đề

Đấy chẳng cầu bồ đề.

Giới tốt và giới xấu

Có phước và không phước

Mọi chúng sinh ngu, trí

Sinh ra các thứ tưởng

Các chúng sinh như thế

Thường có rất nhiều tưởng

Vì dứt bỏ tưởng này

Nên nói pháp họ nghe

Đó là ruộng phước tốt

Đây chẳng phải ruộng phước

Phân biệt pháp ngu, trí

Việc ấy cũng rat nhiều.

Chấp thủ tưởng về nữ

Nên cũng phân biệt nam

Là Thánh, là chẳng Thánh

Phân biệt sinh nhị kiến

Chúng sinh không tâm tuệ

Sinh khởi hai kiến này

Lại chấp trước vào đó

Người chấp hai kiến này

Nên phải mau dứt bỏ.

Thoái chuyển, không thoái chuyển

Hữu ký và vô ký

Đó gần với bồ đề

Đó chẳng gần bồ đề

Đạt đến nẻo bồ đề

Rốt ráo nhập Niết Bàn

Hành các tướng như thế

Phân biệt đối Niết Bàn.

Chỉ có người nhu hòa

Dứt bỏ tưởng chúng sinh

Đó gọi A La Hán.

Cũng gọi bậc trừ tưởng

Đó là pháp Bồ Tát

Thuyết gọi A La Hán

Nếu thấy bản duyên này

Biết là A La Hán.

Như thế, này A Nan! Như Lai Đẳng Chánh Giác dùng năng lực phương tiện vì hàng Thanh Văn mà nói các Đại Bồ Tát là A La Hán.

Lại nữa, này A Nan! Vì sao Như Lai nói các Đại Bồ Tát đều là Thanh Văn?

A Nan nên biết! Các Đại Bồ Tát dùng âm thanh pháp Phật, dùng âm thanh pháp chẳng thể nghĩ bàn, dùng âm thanh pháp vắng lặng bồ đề, dùng âm thanh pháp không đùa bỡn, dùng âm thanh pháp thanh tịnh vô cấu, khiến cho vô lượng, vô biên không thể tính kể chúng sinh đều được nghe, nên gọi là Thanh Văn, lại dùng âm thanh pháp Niết Bàn an vui không gì sánh bằng, âm thanh pháp niệm xứ, chánh cần, thần túc, căn lực, giác, đạo…

Khiến cho nhiều chúng sinh mau siêng năng can cầu, nên gọi là Thanh Văn. Nói thân này là không, chẳng phải pháp bền chắc, bền chắc không thật có, kẻ phàm phu si mê căn trí thấp kém nên tham đắm thân này, vì họ mà nói âm thanh giải thoát.

Lại nói về cái mà nhãn nhập thấy đều là luống dối, ứng theo mắt của sinh Phật, mắt pháp chẳng thể suy nghĩ bàn luận, dùng mắt Phật khiến cho nhiều chúng sinh không có âm thanh mê lầm.

Lại nói âm thanh các pháp không có tướng sinh, nên gọi là Thanh Văn.

Lại nói âm thanh được dụ như tiếng vang, chẳng nên đối với âm thanh mà sinh đắm nhiễm, không có người nghe, cũng không có người nói. Đối với mùi không có ý tưởng về ngửi, không có người ngửi mùi.

Như người trong mộng thấy mình ngửi nhiều mùi hương, nhưng thật ra không có mùi hương, cũng chẳng có người ngửi mùi hương, vì điên đảo nên nghĩ là có ngửi mùi, mùi hương này cũng như việc trong mộng, không đáng tin, cũng không bền chắc. Âm thanh để nói pháp này gọi là Thanh Văn.

Lại nói thiệt nhập cũng như cục thịt, không biết được về vị. Cục thịt này giống như chùm bọt nước không có thực. Tưởng về vị như thế không thể suy nghĩ bàn luận cảnh giới của vị là vô tâm, lìa các tâm pháp không nên sinh tâm, biết tâm là tướng không trụ. Âm thanh nói pháp như vậy khiến chúng sinh nghe, gọi là Thanh Văn.

Lại đối với pháp này biểu hiện rõ ràng, âm thanh thấy như thế nào thì có khả năng giảng nói.

Lại nói thân này là không, vô tướng, vô tánh, do vô tướng cho nên không sinh, cũng không có pháp sinh ra. Vì nhiều chúng sinh mà nói tiếng pháp bồ đề này gọi là Thanh Văn.

Lại nói ý nhập là không, không thật có, cũng không tự tánh, giống như cảnh huyễn, chẳng sinh chẳng diệt. Nói ra pháp thanh ấy gọi là Thanh Văn.

Lại nói pháp thí chẳng thể suy nghĩ bàn luận, pháp này có công năng chứng được bồ đề, bồ đề không thể suy nghĩ bàn luận, pháp thí cũng không thể suy nghĩ luận bàn.

Vì sao?

Vì như hạt giống, quả trái cũng như thế, trong đó không có quả, chỉ dùng âm thanh mà nói có quả.

Lại nói về thí tài thấp hèn, thí pháp cao thượng dứt bỏ tâm keo lận, không hề phân biệt, không sinh ý tưởng về bố thí. Giống như nhà ảo thuật đối với vật huyễn hóa ra không có phân biệt. Như vậy, vì không có tâm phân biệt mà thực hành bố thí có công năng sinh ra bồ đề.

Thuyết giảng về pháp thanh như vậy gọi là Thanh Văn. Pháp thanh ấy lìa tất cả lời nói, dứt hẳn các phiền não, vượt qua mọi lời nói, lìa các đắm nhiễm, dùng âm thanh ấy vì các chúng sinh giảng nói Phật Pháp.

Vì sao?

Vì đó là âm thanh trên hết trong tất cả các thứ âm thanh nên dùng âm thanh này để giảng nói Phật Pháp. Âm thanh ấy không thể phá hoại, cũng không hề nương tựa, vì được sinh ra từ không hai, không khác. Như chỗ sinh ra mà nói Phật Pháp không hai không khác.

Cho nên A Nan! Các vị Đại Bồ Tát dùng pháp thanh như thế khiến cho các chúng sinh nghe gọi là Thanh Văn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa vừa nêu nên nói kệ rằng:

Dùng âm thanh của Phật

Trên hết, chẳng nghĩ bàn

Khiến nhiều chúng sinh nghe

Bồ Tát là Thanh Văn

Nên vì nhiều chúng sinh

Nói bồ đề vắng lặng

Thanh tịnh không đùa bỡn

Đó gọi là Thanh Văn.

Giảng nói Niết Bàn vui

Vui ấy không gì sánh

Cũng nói tướng vắng lặng

Đó gọi là Thanh Văn.

Giảng niệm xứ, chánh cần

Căn, lực và giác, đạo

Mau sinh ra pháp này

Đó gọi là Thanh Văn

Nói thân này là không

Chẳng thể nào bền chắc

Vì những kẻ phàm ngu

Nói rõ tướng thân này,

Lại nói về nhãn nhập

Thấy gì đều luống dối

Các chúng sinh vô trí

Thấy gì cũng đắm nhiễm.

Nên sinh khởi mắt Phật

Mắt bình đẳng khó lường

Đối với pháp vô sinh

Cũng chẳng sinh mê đắm

Như âm thanh tiếng vang

Biết tai cũng như vậy

Trong đó, không người nghe

Cũng lại không người nói.

Do dứt mọi tướng ấy

Không người nghe, người nói

Chẳng nên sinh đắm nhiễm

Chỉ bày các chúng sinh

Đó gọi là Thanh Văn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần