Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Kinh Về Vua Tôi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

ĐỨC PHẬT THUYẾT

GIẢNG KINH VỀ VUA TÔI  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa tại núi Linh Thứu thuộc thành Vương Xá cùng với chúng Đại Tỳ Kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Bấy giờ, các vị Tỳ Kheo đều tự nghĩ: Nhờ uy thần của Chư Phật, Chư Thiên cảm nhận nên đạt được những điều chưa từng có. Trong khi Đức Thế Tôn thường đem lòng từ bi thương xót để đối xử với mọi người, thì ngược lại, ông Điều Đạt luôn có ý muốn hại Đức Như Lai. Đức Phật luôn lấy lòng đại bi để đáp lại ông.

Hoặc có vị Tỳ Kheo nói như thế này: Đã từng trải qua, lẽ nào Đức Thế Tôn lại không biết tâm địa của ông hung ác, độc hại mà còn cho ông ấy cạo tóc xuất gia.

Hoặc có những vị Tỳ Kheo bảo với nhau: Đức Phật đã thừa biết tâm địa cửa ông Điều Đạt là hung ác, nguy hiểm, dối trá.

Hoặc có lời dị nghị rằng: Có ai cho ông Điều Đạt cạo bỏ râu tóc làm Sa Môn đâu.

Đức Phật từ xa đã biết được các vị Tỳ Kheo cùng nhau bàn bạc việc này, nên liền đến đó, nói với các Tỳ Kheo: Ông Điều Đạt hung ác kể sao cho xiết, nếu dùng lời thì không có lời nào nêu bày hết.

Đức Phật nói tiếp: Đúng như thế đây!

Như các vị Tỳ Kheo đã nói, ông Điều Đạt ấy thường đem lòng độc ác mưu hại Như Lai. Nhưng ta luôn đem lòng từ bi để hàng phục ông ấy, từ nhiều đời quá khứ xa xưa khó kể hết được.

Từ đó về sau, Phật đã biết ông Điều Đạt hung ác, tâm địa đầy gian trá, vẫn liên tục đem lòng từ bi mà hàng phục, cho nên để cho ông ấy làm Sa Môn là muốn cho ông ta tạo dựng, thu nhiếp, lấy đức thiện để làm căn bản. Do nhân duyên ấy mà được xuất gia, được cứu giúp, che chở.

Ông Điều Đạt chẳng phải chỉ mới đời nay luôn tìm các phương tiện để bày tỏ lòng độc ác mưu hại ta và ta vẫn luôn đem lòng từ bi hết sức chân thành rộng lượng mà hàng phục ông ấy.

Trong quá khứ xa xưa, vô số kiếp về trước, ở thành Ba La Nại có vị Quốc Vương hiệu là Đại Do, dùng pháp luật trị nước, không bức bách muôn dân.

Nhà Vua có vị Đại Thần tên là Mật Thiện Tài, thông minh đa trí, không điều gì là không biết, danh tiếng đức độ thật xuất chúng, khác thường, không giống với người đời.

Tánh tình ông thuần hậu một cách đặc biệt, luôn hòa nhã, an định, không chút lo lắng, thường đem lòng từ bi thương xót đối với tất cả muôn loài, ý chí luôn mềm mỏng, dịu dàng.

Vị Vua kia không có lòng thương xót của người Thích Tử, chí không từ bi, thường xét nét lỗi của người khác, muốn chinh phục được người, tâm địa hung ác, không một chút tốt đẹp.

Khi ấy, Nhà Vua cùng với Đại Thần Mật Thiện Tài gặp nhau, Vua Đại Do nói với Đại Thần: Người ta phải ăn nói như thế nào thì thu đạt được nhiều an lành, không dẫn đến nguy hại mà còn được ích lợi lâu dài?

Rồi Vua còn dùng kệ ca tụng:

Ta nói ít, lợi nhiều

Chẳng nhẫn được lâu dài

Nhẫn nhục nên vứt bỏ

Mật Thiện Tài nghĩ sao?

Đại Thần Mật Thiện Tài dùng kệ đáp:

Đại Vương là mầm sân

Lòng thường hay giận hờn

Không hại, không sân giận

Đó là hạnh chánh chân.

Nhà Vua dùng kệ nói:

Lấy gì được ngủ yên?

Làm sao không lo phiền?

Lấy gì chỉ một pháp

Hạnh mật đến tài lành?

Sao Thánh Hiền khen ngợi,

Đến chết chẳng lo buồn?

Ai gánh vác việc ấy,

Dứt sầu không lo toan?

Vị Đại Thần dùng kệ đáp:

Bỏ sân được ngủ yên

Trừ giận hết ưu phiền

Gốc độc là giận dữ

Đại vương nên biết rõ.

Hiền Thánh khen điều này

Duyên đó không lo lắng

Đáp Vua dùng nghĩa thẳng

Hạnh nhẫn nhục ngợi khen.

Tiêu hủy hết oán hờn

Lấy nghĩa ấy đáp lại

Khuất phục nhờ phân giải

Được tiện không đẩy xô

Hung ác đừng thêm vô

Đứng trên đức bình đẳng.

Đức Phật bảo cho các Tỳ Kheo biết: Quốc Vương Đại Do lúc ấy là ông Điều Đạt, còn vị Đại Thần Mật Thiện Tài là bản thân Ta. Khi ta chứng đắc Phật Đạo, đã diễn nói đầy đủ về gốc ngọn của sự việc này.

Đức Phật thuyết giảng như thế, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần