Phật Thuyết Kinh Tăng Già Tra - Phần Hai
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG GIÀ TRA
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư
Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần
PHẦN HAI
Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là đại khổ, đại khổ! Con không thể nghe nổi.
Đức Thế Tôn, liền nói kệ tụng:
Cớ gì không thể nghe
Lời này rất đáng sợ
Địa ngục là khổ lớn
Chúng sinh chịu khổ đau.
Nếu người tạo nghiệp thiện
Thì được quả báo vui
Nếu tạo nghiệp bất thiện
Thì chịu mọi khổ báo.
Sinh tức có tử khổ
Khổ lo buồn trói buộc
Phàm phu thường chịu khổ
Không có lúc nào vui.
Người tu tuệ thường vui
Hay nhớ nghĩ Chư Phật
Tin đại thừa thanh tịnh
Không đọa vào đường ác.
Như vậy Nhất Thiết Dũng!
Nghiệp xưa gặt quả báo
Lúc tạo nghiệp tuy ít
Nhưng được quả vô biên.
Lúc gieo giống tuy ít
Nhưng gặt hái vô lượng
Gieo giống Phật phước điền
Đạt kết quả chắc thật.
Người trí luôn an lạc
Vui với pháp Chư Phật
Xa lìa các đường ác
Tu hành mọi pháp lành.
Nếu đem một vật nhỏ
Cúng dường lên Chư Phật
Trong tám mươi ngàn kiếp
Thường được của giàu sang.
Dù sinh ra nơi nào
Cũng thường hành bố thí
Như vậy Nhất Thiết Dũng
Cúng Phật phước rất nhiều.
Khi ấy, Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để tu trí tuệ Phật và làm thế nào để nghe pháp môn này, mà được tăng trưởng thiện căn?
Phật đáp: Nếu có người cúng dường sáu mươi hai ức hằng hà sa các Đức Phật và cúng dường các nhạc cụ thì phước đó ngang bằng với phước của người nghe pháp môn này.
Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là thiện căn tròn đủ?
Phật đáp: Công đức như Phật là tròn đủ.
Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Người nào công đức ngang bằng với Như Lai?
Phật nói: Này Thiện Nam! Thiện căn của Pháp Sư bằng với Như Lai.
Bồ Tát Nhất Thiết Dũng thưa: Bạch Thế Tôn! Những ai gọi là Pháp Sư.
Phật nói: Người lưu thông pháp môn này, gọi là Pháp Sư.
Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nghe pháp môn này, được những phước gì?
Người biên chép, đọc tụng pháp môn này, được bao nhiêu phước?
Phật đáp: Này Thiện Nam! Ở mỗi phương trong mười phương, đều có mười hai hằng hà sa Chư Phật Như Lai, mỗi một Như Lai trụ vào đời, nói pháp mãn mười hai kiếp. Nếu có Thiện Nam nói pháp môn này thì công đức của người này ngang bằng với Chư Phật.
Nếu có Thiện Nam biên chép Kinh này thì dù cho bốn mươi tám hằng hà sa Chư Phật Như Lai có nói về công đức đó, cũng không thể hết được. Huống nữa là biên chép, đọc tụng, thọ trì.
Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu người đọc tụng sẽ được bao nhiêu phước?
Đức Thế Tôn liền đáp kệ:
Đọc tụng bốn câu kệ
Được phước rất tối thắng
Bằng với lời thuyết pháp
Tám bốn hằng sa Phật.
Đọc tụng pháp môn này
Được phước đức như vậy
Công đức như thế đó
Nói ra cũng không hết.
Mười tám ức Chư Phật
Trụ đời mãn một kiếp
Mười phương tất cả Phật
Thường khen pháp Đại Thừa.
Pháp này có nói ra
Không bao giờ cùng tận
Chư Phật rất khó gặp
Pháp này cũng như vậy.
Khi ấy, tám mươi bốn ức Thiên Tử đến trước Phật, chắp tay, đảnh lễ, bạch: Hay thay, hay thay! Thưa Thế Tôn! Pháp Tạng như vậy xin trụ mãi ở Diêm Phù này.
Đồng thời, có mười tám ngàn ức Ni Kiền Tử đến chỗ Phật, thưa: Thật là thù thắng, thưa Sa Môn Cù Đàm!
Phật nói với Ni Kiền Tử: Như Lai luôn thù thắng, các ngươi trụ điên đảo thì làm sao thấy được sự thù thắng! Các ngươi không thù thắng, vậy hãy lắng nghe.
Nay ta vì lợi ích của các ngươi, mà nói:
Phàm phu không tuệ sáng
Ở đâu cho thù thắng
Không biết đâu chánh đạo
Làm sao được thù thắng
Ta nhìn cõi chúng sinh
Bằng Phật nhãn mầu nhiệm.
Đứng trước Thế Tôn, tâm của Kiền Tử nổi lên sân hận. Lúc đó, Đế Thích cầm chày kim cang, đưa tay mài dũa chày, trấn áp bọn Ni Kiền Tử, làm cho mười tám ức Ni Kiền Tử hoảng sợ khổ não, khóc lóc rơi lệ. Như Lai liền ẩn thân, làm cho Ni Kiền không thấy.
Do không thấy Như Lai đâu, nên các Ni Kiền Tử đau xót khóc lóc, than:
Cha Mẹ và anh em
Không thể cứu giúp được
Nhìn đồng trống, đầm lớn
Không một người qua lại.
Nơi ấy không thấy nước
Cũng không thấy bóng cây
Cũng không thấy ai cả
Một mình phải chịu khổ
Gắng chịu nổi khổ ấy
Do không thấy Như Lai.
Lúc đó, các Ni Kiền Tử từ chỗ ngồi đứng dậy, gối phải quỳ sát đất đồng cất lớn tiếng: Như Lai thương xót, cứu giúp chúng con! Chúng con xin quy y Phật.
Nghe Ni Kiền Tử nói thế, Đức Thế Tôn mỉm cười bảo Bồ Tát Nhất Thiết Dũng: Này Thiện Nam! Ông hãy đến chỗ ngoại đạo Ni Kiền Tử nói pháp cho họ.
Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ví như núi chúa Tu Di hiện diện thì các núi nhỏ không thể sánh cùng.
Như vậy, thưa Thế Tôn! Ở trước Như Lai con đâu dám nói.
Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Nhất Thiết Dũng: Này Thiện Nam! Chớ nói như vậy. Như Lai có nhiều phương tiện.
Nhất Thiết Dũng! Ông hãy quán mười phương, tất cả Thế Giới, Như Lai ở đâu, trụ chỗ nào thì chỗ đó đều có trải tòa Như Lai.
Nhất Thiết Dũng! Ở chỗ Ni Kiền Tử, ta cũng tự nói pháp.
Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nương vào thần lực nào?
Con tự dùng thần lực của chính mình mà đi, hay dùng thần lực của Phật mà đi?
Phật bảo Nhất Thiết Dũng: Ông dùng thần lực của chính mình mà đi, khi ve, thì dùng thần lực của Phật mà về.
Lúc đó, Bồ Tát Nhất Thiết Dũng từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo, bày vai phải, đảnh lễ Phật, rồi ẩn mất không hiện.
Khi ấy, Đức Thế Tôn vì Ni Kiền Tử nói về sinh là khổ, sinh là não, nhân sinh nhiều sợ hãi. Sinh có bệnh khổ, bệnh có là già khổ, già có chết là khổ. Lại còn có nạn Vua, nạn giặc, nạn nước, nạn lửa, nạn độc, rồi còn tự mình gây ra nghiệp nạn.
Nghe Phật dạy thế, các ngoại đạo ôm lòng lo sợ, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hôm nay chúng con không cam sống nữa.
Lúc Đức Thế Tôn nói pháp này, làm cho mười tám ngàn ức các ngoại đạo, được lìa trần cấu, phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Tự thân của mười tám ngàn ức ngoại đạo kia, trụ vào mười địa Bồ Tát, thị hiện mọi thần lực của Bồ Tát, hoặc hiện làm voi, ngựa, Sư Tử, cọp, kim sí điểu. Hiện núi Tu Di, hoặc hiện thân già nua.
Hoặc hiện làm khỉ vượn, hoặc hiện đài hoa, rồi ngồi trên hoa ấy. Mười ngàn ức Bồ Tát ở phương Nam hiện như thế, chín ngàn ức Bồ Tát tại phương Bắc cũng đều hiện thần thông biến hóa như vậy. Như Lai thường trụ tam muội, dùng sức phương tiện thuyết pháp cho chúng sinh.
Khi ấy, Như Lai biết Bồ Tát Nhất Thiết Dũng, tự dùng thần lực đi rồi, bảy ngày đến Thế Giới Hoa thượng.
Bồ Tát Nhất Thiết Dũng nhờ thần lực của Phật, nhanh như tráng sĩ co duỗi cánh tay, đã đến chỗ Phật.
Đến rồi, đi nhiễu phía bên phải Phật ba vòng, phát lòng tin thanh tịnh, chắp tay lễ Phật và bạch: Bạch Thế Tôn! Con dùng một thần lực đến mười phương Thế Giới Phật, thấy chín mươi chín ngàn ức Thế Giới Chư Phật. Dùng thần lực thứ hai, thấy trăm ngàn ức Thế Giới Chư Phật, ngày thứ bảy đến Thế Giới Hoa thượng, cũng đến Thế Giới Bất động Như Lai.
Thưa Thế Tôn! Con đến nước ấy, thấy chín mươi hai ngàn ức Chư Phật nói pháp. Lại thấy tám mươi ức ngàn Thế Giới, tám mươi ức ngàn Chư Phật, trong ngày thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Con đều cúng dường, rồi đi qua.
Thưa Thế Tôn! Cũng trong ngày đó, con đến ba mươi chín ức trăm ngàn Cõi Phật, thấy ba mươi chín ức trăm ngàn Bồ Tát xuất gia, chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, con đều cung kính lễ bái, nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi đi.
Thưa Thế Tôn! Con lại đến sáu mươi ức Thế Giới, thấy sáu mươi ức Phật, con cũng đều cúng dường, cung kính lễ bái, rồi đi.
Thưa Thế Tôn! Con thấy trăm ức Thế Giới, trăm ức Như Lai nhập Niết Bàn, con cũng đều cúng dường, cung kính lễ bái, rồi đi.
Thưa Thế Tôn! Con thấy sáu mươi lăm ức Thế Giới Chánh Pháp Chư Phật diệt tận, tâm con đau thắt, sầu não rơi lệ, thấy các hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa ưu não khóc lóc, như tên bắn vào tim con.
Thưa Thế Tôn! Thế Giới Phật ấy, bị kiếp hỏa thiêu đốt. Biển cả, Tu Di thảy đều bị đốt sạch, không còn sót gì, con cũng cúng dường, rồi đi, rồi mới đến Thế Giới Hoa Thượng. Đến Thế Giới ấy con thấy trải trăm ngàn ức tòa.
Lại thấy phương Nam trải trăm ngàn ức tòa, phương Đông, Tây, Bắc, cho đến trên dưới cũng đều trải trăm ngàn ức tòa. Mỗi mỗi tòa ấy đều trang trí bằng bảy báu, trên mỗi tòa, có một Đức Như Lai ngồi kiết già, nói pháp cho đại chúng.
Thấy thế, con liền sinh tâm hy hữu, hỏi Đức Thế Tôn ấy: Thế Giới này tên là gì?
Đức Phật ấy trả lời: Thế Giới này tên là Hoa thượng.
Nghe Phật nói thế con liền đảnh lễ, hỏi: Danh hiệu của Thế Tôn là gì?
Đức Phật ấy đáp: Hiệu là Liên Hoa Tạng, thường làm Phật Sự ở Thế Giới này.
Con lại thưa: Trong Thế Giới này, có vô lượng Như Lai, vậy ai là thân của Như Lai Liên Hoa Tạng?
Đức Thế Tôn kia đáp: Ta sẽ chỉ cho ông thấy Phật Liên Hoa Tạng.
Lúc đó, Chư Phật đều ẩn hết không hiện chỉ thấy một Đức Phật, còn trên các tòa khác, đều là Bồ Tát, con liền đảnh lễ Phật. Lúc ấy, có một tòa khác từ dưới đất vọt lên, con liền ngồi kiết già trên tòa ấy. Lúc con ngồi xuống rồi, bỗng nhiên có vô lượng tòa xuất hiện, nhưng đều trống không, không có người ngồi.
Con hỏi Phật ấy: Tòa này tại sao trống không, không có người ngồi?
Đức Phật ấy đáp: Này thiện nam! Chúng sinh không trồng thiện căn thì không được ở trong hội này.
Thưa Thế Tôn! Lúc đó con hỏi Đức Như Lai kia: Thưa Thế Tôn! Tạo thiện căn nào mới được ở trong hội này?
Đức Phật ấy đáp: Hãy lắng nghe! Này Thiện Nam! Người nào nghe được pháp môn Tăng Già Tra thì nhờ thiện căn đó, mới được ở trong hội này, huống nữa là biên chép, đọc tụng.
Này Nhất Thiết Dũng! Ông nhờ nghe pháp môn Tăng Già Tra, cho nên được ở trong hội này, còn người không có thiện căn thì không thể thấy nước Phật này.
Con liền thưa với Đức Phật ấy: Bạch Thế Tôn! Người nghe pháp môn này được phước đức gì?
Đức Như Lai Liên Hoa Tạng liền mỉm cười.
Thưa Thế Tôn! Lúc đó con đảnh lễ và hỏi Phật ấy: Vì sao Như Lai hiện tướng cười hy hữu này?
Lúc này, Như Lai Liên Hoa Tạng bảo Nhất Thiết Dũng: Này thiện nam! Bồ Tát Ma Ha Tát có thế lực lớn.
Ví như Chuyển Luân Thánh Vương làm chủ bốn thiên hạ, trong bốn thiên hạ đó, ai nấy cũng đều gieo hạt vừng, số hạt vừng như vậy có nhiều không?
Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Rất nhiều, thưa Thế Tôn! Rất nhiều, thưa Thiện Thệ!
Phật bảo Nhất Thiết Dũng: Có người đem dồn hạt vừng ấy lại thành một đống.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba