Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Bốn - Phẩm đẳng Kiến - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM BA MƯƠI BỐN
PHẨM ĐẲNG KIẾN
PHẦN BA
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Thế gian có năm việc tuyệt chẳng thể được.
Thế nào là năm?
Vật đáng mất muốn cho không mất, điều này chẳng thể được. Pháp diệt tận muốn cho không tận, điều này chẳng thể được. Phàm pháp già muốn cho không già, điều này chẳng thể được. Phàm pháp bệnh muốn cho không bệnh, điều này chẳng thể được.
Ðó là, này Tỳ Kheo! Có năm việc này tuyệt chẳng thể được. Nếu Như Lai ra đời hay không ra đời, Thế Giới này hằng trụ như cũ, mà không hư hại có tiếng mất diệt, sanh, lão, bệnh tử, hoặc sanh, hoặc chết đều trở về gốc.
Ðó là, này Tỳ Kheo! Có năm việc khó được này. Hãy cầu phương tiện tu hành năm căn.
Thế nào là năm?
Nghĩa là tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, và tuệ căn. Ðó là Tỳ Kheo hành năm căn này rồi liền thành Tu Đà Hoàn, hướng Tư Đà Hàm, chuyển tiến thành Tư Đà Hàm, chuyển tiến diệt năm kiết sử thành A Na Hàm, ở đó nhập Niết Bàn, không trở lại đời này nữa, chuyển tiến hữu lậu tận thành vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, tự thân chứng được và tự du hóa, không còn thọ thai nữa, như thật mà biết.
Nên tìm phương tiện trừ năm việc trước, tu hành năm căn. Như thế, Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nay có năm người chẳng thể trị liệu.
Thế nào là năm?
Người xiểm nịnh, không thể trị liệu, người gian tà, không thể trị liệu. Người nói ác không thể trị liệu. Người tật đố không thể trị liệu. Người phản bội không thể trị liệu.
Ðó là này Tỳ Kheo! Có năm người này chẳng thể trị liệu.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:
Người gian tà ác khẩu,
Tật đố, người phản bội,
Người này không thể trị,
Bị người trí từ bỏ.
Thế nên, các Tỳ Kheo! Thường nên học chính ý từ bỏ tật đố, tu hành oai nghi, nói ra đúng pháp. Nên biết đền ơn, nghĩ đến công nuôi dưỡng, ơn nhỏ còn chẳng quên, huống nữa là ơn lớn. Chớ ôm lòng xan tham, lại cũng chẳng nên tự khoe mình, chẳng chê bai người khác. Như thế, Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo:
Ngày xưa Thích Đề Hoàn Nhân bảo Trời Ba Mươi Ba: Nếu lúc Chư Hiền cùng A tu la chiến đấu, nếu A tu la chẳng bằng, Chư Thiên thắng được, các ông hãy bắt A tu la Tỳ Ma Chất Đa La trói năm vòng mang đến đây!
Lúc đó A tu la Tỳ Ma Chất Đa La lại bảo các A tu la: Các Khanh hôm nay cùng Chư Thiên chiến đấu, nếu thắng được hãy trói Thích Đề Hoàn Nhân đưa đến đây!
Tỳ Kheo nên biết!
Bấy giờ hai bên đánh nhau, Chư Thiên thắng, A tu la thua, Trời Ba Mươi Ba bắt A tu la Tỳ Ma Chất Đa La trói lại đem đến chỗ Thích Đề Hoàn Nhân, đặt ngoài trung môn, tự quán sát trói đủ năm vòng.
Bấy giờ Vua A tu la Tỳ Ma Chất Đa La liền nghĩ rằng: Chư Thiên này có pháp chính đáng, còn A tu la hành phi pháp. Nay ta chẳng ưa làm A tu la. Ngay đó Vua liền ở trong cung các vị Trời.
Khi đó, A tu la vương sanh niệm này: Pháp Chư Thiên chánh đáng, A tu la phi pháp. Tôi muốn trụ nơi đây. Nghĩ như vậy rồi, Vua A tu la Tỳ Ma Chất Đa La liền biết thân mình chẳng còn bị trói, vui thú ngũ dục.
Nếu Vua A tu la Tỳ Ma Chất Đa La sanh niệm này: Chư Thiên phi pháp, pháp A tu la chánh đáng. ta không cần Trời Ba Mươi Ba này, muốn trở về cung A tu la, thì khi ấy thân Vua A tu la liền bị trói năm vòng, ngũ dục vui thú tự nhiên tiêu diệt.
Tỳ Kheo nên biết, sự trói buộc mau chóng không gì hơn việc này. Bị ma trói buộc cũng mau hơn thế. Nếu khởi kiết sử, thì liền bị ma trói buộc. Động thì ma trói buộc, không động thì không bị ma trói buộc. Thế nên, các Tỳ Kheo, nên cầu phương tiện khiến tâm chẳng bị trói.
Hãy ưa chỗ nhàn vắng. Sở dĩ như thế là vì các kiết sử này là cảnh giới ma. Nếu các Tỳ Kheo ở trong cảnh giới ma, thì trọn không thể giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết. Chẳng thoát sầu, lo, khổ, não. Nay ta nói về mé khổ này.
Nếu lại có Tỳ Kheo tâm không di động, chẳng dính mắc các kiết sử, thì liền thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu, lo, khổ, não. Nay ta thuyết mé khổ này.
Thế nên, các Tỳ Kheo!
Nên học như vậy: Không có kiết sử thì vượt ra khỏi cảnh giới ma. Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Tôn Giả A Nan đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy đứng một bên, rồi ngài A Nan bạch Thế Tôn rằng: Phàm nói là tận, gọi là pháp gì nói là tận?
Thế Tôn bảo: A Nan!
Sắc vô vi nhân nơi duyên mà có tên này. Vô dục, vô vi gọi là pháp diệt tận. Kia tận gọi là diệt tận. Thọ, tưởng, hành thức vô vi, vô tác đều là pháp môn diệt, vô dục vô ô nhiễm, kia diệt tận nên gọi là diệt tận.
A Nan nên biết!
Năm thạnh ấm này vô dục, vô tác là pháp môn diệt, kia diệt tận gọi là diệt tận. Năm thạnh ấm này trọn đã diệt tận, lại không còn sanh nữa, nên gọi là diệt tận. Bấy giờ Tôn Giả A Nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Phạm Chí Sanh Lậu đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên.
Khi ấy, Phạm Chí Sanh Lậu bạch Thế Tôn:
Thế nào Cù Đàm?
Có nhân duyên gì?
Có hạnh xưa nào khiến cho nhân dân này có tận, có diệt, có giảm bớt?
Xưa là thành quách, ngày nay đã tan hoại.
Xưa có nhân dân, ngày nay hoang vắng?
Thế Tôn bảo: Phạm Chí nên biết!
Do nhân dân này hành phi pháp, nên khiến xưa có thành quách, ngày nay tiêu diệt, xưa có nhân dân ngày nay hoang vắng, đều do nhân dân xan tham, kiết phược, quen hành ái dục mà gây nên, khiến gió mưa không đúng thời, mưa đã không đúng thời, trồng trọt rễ không tăng trưởng. Trong đó, nhân dân chết đầy đường. Phạm Chí nên biết, do nhân duyên này, khiến nước bị hủy hoại, dân không đông đúc.
Lại nữa, Phạm Chí, nhân dân hành phi pháp, khiến có sấm, chớp, sét giật tự nhiên ứng hiện. Trời giáng mưa đá, hư hoại mầm sống. Bấy giờ nhân dân chết chóc không đếm nổi.
Lại nữa, Phạm Chí, nhân dân hành phi pháp, cạnh tranh lẫn nhau, hoặc lấy tay đấm, thêm gạch đá ném nhau, mỗi người đều tán mạng.
Lại nữa, Phạm Chí, nhân dân kia đã cạnh tranh nhau chẳng yên ở. Quốc Chủ không an, mỗi bên hưng binh công phạt lẫn nhau, đến nỗi đại chúng chết không kể, hoặc bị chết bởi do đao, hoặc chết bởi giáo, tên.
Như thế, Phạm Chí! Do nhân duyên này, khiến dân giảm thiểu, chẳng đông đúc nữa. Lại nữa, nhân dân hành phi pháp, nên khiến thần kỳ không giúp đỡ cho được tiện lợi, hoặc gặp nguy khốn, tật bệnh, liệt giường, người lành bệnh ít, người bệnh dịch chết nhiều.
Ðó là, này Phạm Chí! Do nhân duyên này khiến dân giảm thiếu không được đông đúc.
Bấy giờ Phạm Chí Sanh Lậu bạch Thế Tôn: Cù Đàm! Ngài nói thật thích thay! Nói nghĩa giảm thiếu của người xưa. Thật như lời Như Lai dạy, xưa có thành quách, hôm nay tiêu diệt. Xưa có nhân dân, hôm nay hoang vắng. Sở dĩ như thế, và có phi pháp, liền sanh keo kiệt, tật đố. Đã sanh keo kiệt, tật đố, liền sanh nghiệp tà.
Đã sanh nghiệp tà nên khiến trời mưa không đúng thời, ngũ cốc chẳng chín, nhân dân chẳng mạnh, nên khiến phi pháp lưu hành, Trời giáng tai biến làm hư hoại mầm mống.
là do nhân dân hành phi pháp, dính mắc tham lam, keo kiệt, tật đố. Khi đó, quốc vương chẳng yên, mỗi bên hưng binh, công phạt lẫn nhau, người chết rất nhiều, nên khiến Quốc Độ hoang sơ, nhân dân ly tán.
Hôm nay, Thế Tôn nói rất lành, thích thay!
Do phi pháp đưa đến tai họa này, cho đến bị người khác bắt, đoạn đứt mạng sống. Do phi pháp nên liền sanh tâm trộm, đã sanh tâm trộm, sau bị Vua giết.
Đã sanh tà niệm thì phi nhân được tiện lợi. Do nhân duyên này liền bị mạng chung, nhân dân giảm bớt, nên khiến không có thành quách để ở.
Cù Đàm! Hôm nay Ngài nói đã quá nhiều. Ví như người gù được thẳng, người mù được mắt, trong tối được sáng. Ngài làm mắt cho người không có mắt.
Nay Sa Môn Cù Đàm dùng vô số phương tiện thuyết pháp. Nay tôi lại xin quy y Phật, Pháp, Tăng, mong được làm Ưu Bà Tắc, suốt đời không dám sát sanh nữa.
Sa Môn Cù Đàm, nếu thấy tôi cỡi voi, cỡi ngựa, cũng xin nhận sự cung kính của tôi. Sở dĩ như thế, bởi vì tôi Vua Ba Tư Nặc, Vua Tần Bà Sa La, Vua Ưu Ðiền, Vua Ác Sanh, Vua Ưu Đà diện nhận phước của hạm Bà La Môn. Tôi sợ thất đức.
Nếu tôi vạch bày vai phải, cúi mong Thế Tôn nhận tôi lễ bái. Nếu tôi đang đi bộ, gặp Cù Đàm đến, tôi sẽ bỏ giày, cúi mong Thế Tôn nhận tôi lễ bái. Bấy giờ Thế Tôn nghiêm trang chấp nhận.
Phạm Chí Sanh Lậu hoan hỉ vui mừng, chẳng thể kiềm được, tiến đến trước Phật bạch: Nay con quy y Sa Môn Cù Đàm một lần nữa. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu Bà Tắc. Bấy giờ Thế Tôn dần dần thuyết pháp cho ông, khiến phát tâm hoan hỉ. Phạm Chí nghe pháp xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lui đi. Bấy giờ Phạm Chí Sanh Lậu nghe Phật dạy xong, hoan hỉ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một