Phật Thuyết Kinh Thánh Thiện Trụ ý Thiên Tử Sở Vấn - Phần Chín
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH THÁNH THIỆN TRỤ
Ý THIÊN TỬ SỞ VẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẦN CHÍN
Vì sao?
Vì pháp của người ngu si đắc, tức chẳng phải Phật đắc, chẳng phải Thanh Văn đắc, chẳng phải Duyên Giác đắc, chẳng phải Bồ Tát đắc. Như thế, nên nói người ngu si đắc Đà La Ni.
Vì sao?
Người ngu si chấp giữ nơi tâm hư vọng, chẳng phải là Phật, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát.
Thiên Tử Thiện Trụ Ý hỏi Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Văn Thù Sư Lợi! Nhân giả nếu không đắc Đà La Ni, thì do đâu có được ẩn mật sâu xa như vậy?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Đúng vậy Thiên Tử! Tôi thật sự là ẩn mật sâu xa.
Vì sao?
Vì việc làm ẩn mật thì không ai có thể biết được.
Thiên Tử! Đối với Như Lai, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát cũng vậy. Nếu chẳng phải là ẩn mật sâu xa thì người kia là phàm phu ngu si.
Vì sao?
Vì bị chướng ngại. Phàm phu ngu si tham chấp nơi tâm hành theo trí tuệ. Người đắc Tu Đà Hoàn còn bị chướng ngại nơi hành động, lời nói, còn có hành động của tâm tham, huống nữa là người phàm phu ngu si.
Thiên Tử! Vì thế nên nói tôi là ẩn mật sâu xa, chẳng đắc Đà La Ni.
Vì sao?
Vì cho đến một chút pháp tôi cũng không thủ đắc.
Bấy giờ, trong chúng hội có năm trăm Tỳ Kheo, nghe pháp mon này không thể tin thọ được, sinh tâm rất sợ hãi nên đứng dậy bỏ đi, tự thân sắp rơi vào địa ngục.
Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Phất nói với Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Văn Thù Sư Lợi! Phải quan sát đại chúng trong chúng hội này, sau đó mới thuyết pháp. Nhân Giả thuyết pháp môn hết sức sâu xa như vậy, năm trăm Tỳ Kheo trong chúng hội này nghe pháp môn ấy không thể tín thọ được, sinh tâm rất sợ hãi nên đứng dậy bỏ đi, tự thân sắp rơi vào địa ngục.
Văn Thù Sư Lợi nói: Đại Đức Xá Lợi Phất! Đại Đức chớ phân biệt, không có một pháp nào có thể rơi vào địa ngục.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp là không sinh.
Đại đức Xá Lợi Phất! Đại đức nói tôi quan sát đại chúng trong chúng hội này, sau đó mới thuyết pháp.
Đại đức Xá Lợi Phất! thiện nam, thiện nữ nào dựa nơi ngã kiến, dựa nơi chúng sinh kiến, dựa nơi thọ mạng kiến, dựa nơi nhân kiến, tuy có cúng dường vô số Chư Phật, Như Lai, Ứng Chánh Biến Tri và Tỳ Kheo Tăng vật dụng cần thiết.
Luôn cúng dường như vậy, nhưng khi nghe tôi thuyết giảng pháp môn thâm diệu khó lãnh hội này, pháp mà tất cả thế gian nghe nhưng không thể tin được, vì đó là không, vô tướng, vô nguyện, vắng lặng, không diệt, không sinh, không có chúng sinh, thọ mạng, nhân, pháp vô ngã, vô thường, khổ, không, nếu xả bỏ, không thọ nhận thì rơi nhanh vào địa ngục.
Đại đức Xá Lợi Phất! Người thiện nam, thiện nữ nào nghe pháp sâu xa khó lãnh hội mà xả bỏ, không chấp nhận thì sinh vào địa ngục. Ra khỏi địa ngục lại dựa nơi ngã kiến, tuy cúng dường vô số Chư Phật, Như Lai, Chánh Biến Tri, nhưng không nghe được pháp thâm diệu này.
Đức Thế Tôn tán thán Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Lành thay! Lành thay! Văn Thù Sư Lợi!
Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói, chư Như Lai xuất hiện ở đời, nghe pháp môn này cũng như vậy. Bậc chứng quả Tu Đà Hoàn nghe pháp môn này cũng như vậy. Bậc chứng quả Tư Đà Hàm nghe pháp môn này cũng như vậy. Bậc chứng quả A Na Hàm nghe pháp môn này cũng như vậy. Bậc chứng quả A La Hán nghe pháp môn này cũng như vậy.
Vì sao?
Vì chứng đắc pháp này chẳng dựa nơi ngã để chứng đắc, khi chứng pháp môn này là không thể thủ đắc.
Đức Thế Tôn nói với Tôn Giả Xá Lợi Phất: Này Xá Lợi Phất! Những Tỳ Kheo này mau ra khỏi địa ngục, chứng đắc Niết Bàn. Họ chẳng phải là hàng phàm phu ngu si, tâm có thủ đắc nên rơi vào kiến chấp, nghi ngờ trong việc cúng dường Như Lai.
Xá Lợi Phất! Nhờ vậy nên họ chứng Niết Bàn, còn những người khác thì không mau được giải thoát.
Vì sao?
Vì không được nghe pháp sâu xa này.
Xá Lợi Phất! Thiện nam, thiện nữ nào nếu nghe được pháp môn thâm diệu này chỉ thoáng qua tai, tuy không tín thọ, bị đọa vào địa ngục nhưng mau được giải thoát, chẳng rơi vào kiến chấp, nghi ngờ, chẳng có thủ đắc.
Lúc ấy, Thiên Tử Thiện Trụ Ý nói với Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Văn Thù Sư Lợi! Nhân giả muốn cùng với tôi hiện bày đồng phạm hạnh chăng?
Đồng tử Văn Thù Sư Lợi đáp: Đúng vậy Thiên Tử! Tôi muốn cùng Thiên Tử hiện bày đồng phạm hạnh, vì Thiên Tử đối với phạm hạnh không chấp phạm hạnh, không hành phạm hạnh.
Thiên Tử hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nhân giả nói như vậy có nghĩa gì?
Đồng tử Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Nếu có chấp thì gọi là hành, nếu không chấp thì không có gì để gọi là hành.
Thiên Tử! Nếu đắc phạm hạnh thì có hành, nếu không thể thủ đắc thì không có gì là hành.
Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Phạm hạnh ấy của nhân giả có gì là hành?
Đồng tử Văn Thù Sư Lợi đáp: Đúng vậy, Thiên Tử! Tôi chẳng phải là phạm hạnh.
Vì sao?
Vì phạm hạnh này chẳng phải là phạm, chẳng phải là hạnh, chẳng phải là ngã, chẳng phải là phạm hạnh. Vì thế nói tôi là hành phạm hạnh. Thiên Tử khen ngợi.
Hay thay! Hay thay! Văn Thù Sư Lợi! Đây chính là biện tài nhạo thuyết không chướng ngại.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Tôi có chướng ngại.
Làm thế nào Thiên Tử nói tôi là có biện tài nhạo thuyết vô chướng ngại?
Vì sao?
Vì tất cả có ngã, có ngã sở, đều có phân biệt, có phân biệt thì đều có chướng ngại.
Khi ấy, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi lại nói với Thiên Tử Thiện Trụ Ý: Thiên Tử! Như muốn đồng phạm hạnh thì hãy đoạn tất cả mạng của chúng sinh mà không cầm thanh sắt, không cầm dao, đá, không cầm gậy v.v… như vậy tôi cùng Thiên Tử đồng phạm hạnh.
Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Nhân Giả nói như vậy là có nghĩa gì?
Văn Thù Sư Lợi nói: Thiên Tử! Nói đến chúng sinh, nói chúng sinh ấy, ý Thiên Tử thế nào?
Thiên Tử đáp: Văn Thù Sư Lợi! Nói đến chúng sinh, nói chúng sinh tức là cho đến tất cả chỉ là danh tự tưởng chấp.
Văn Thù Sư Lợi nói: Đúng vậy, Thiên Tử! Giết chấp ngã tưởng, giết chấp mạng tưởng, giết chấp nhân tưởng.
Thiên Tử hỏi: Nhân Giả dùng vật gì để giết trừ chấp mạng tưởng?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Dùng gươm trí tuệ để giết, đó là cầm gươm bát nhã. Cầm, giết nhưng không có ý tưởng về cầm, giết. Như hại nhưng không biết, không có ý tưởng hãm hại.
Thiên Tử! Ông nên biết, đó là giết ngã tưởng, giết chúng sinh tưởng. Đây gọi là giết tất cả chúng sinh. Như vậy tôi cùng ông đồng phạm hạnh.
Văn Thù Sư Lợi lại nói với Thiên Tử Thiện Trụ Ý: Thiên Tử! Ông tu mười nghiệp đạo bất thiện, hành tất cả phần nhiễm bình đẳng, chẳng phải hành phần tịnh bình đẳng. Như vậy tôi cùng ông đồng phạm hạnh.
Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Nghĩa đó như thế nào mà Nhân Giả nói như vậy?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Hành nơi phần nhiễm bình đẳng này ngang bằng hành bình đẳng kia. Được như vậy tôi cùng ông đồng phạm hạnh.
Thiên Tử! Ý ông thế nào?
Phần nhiễm bình đẳng là gì?
Thiên Tử đáp: Không làm, không tham.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thiên Tử! Phần tịnh bình đẳng là những pháp gì?
Thiên Tử đáp: Pháp tánh, pháp giới, chân như, thật tế, ba môn giải thoát. Đó là phần tịnh.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thiên Tử! Ông có thể ngăn che pháp giới lại được chăng?
Đáp: Không được.
Văn Thù Sư Lợi nói: Phải vậy Thiên Tử! Vì lẽ ấy nên tôi nói như vậy. Ông hành phần nhiễm bình đẳng, chẳng phải là phần tịnh bình đẳng. Như vậy tôi cùng ông đồng phạm hạnh.
Đồng tử Văn Thù Sư Lợi lại nói với Thiên Tử Thiện Trụ Ý: Thiên Tử! Ban đầu, khởi tâm muốn giết người, Thiên Tử, đánh trên đầu người đó. Được vậy tôi cùng Thiên Tử đồng phạm hạnh.
Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Nghĩa đó như thế nào mà Nhân Giả nói như vậy?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Nói giết, giết là thế nào?
Giết người nào, vật nào?
Thiên Tử nên biết, nói giết là giết tham, sân, si, ngã mạn, ganh ghét, huyễn hóa, giả dối, dua nịnh, chấp tướng, thọ tưởng. Đó gọi là giết. Tôi đã nói nghĩa của chữ giết rồi, Thiên Tử nên biết.
Thiên Tử! Có vị Thiền Sư sinh tâm tham dục, sinh rồi thì có thể lìa nên được tịch tĩnh. Được tịch tĩnh như vậy gọi là không, không sở hữu, chẳng chấp vướng, chẳng lấy.
Thiên Tử! Đó là suy nghĩ thông suốt về tâm dục sinh diệt. Tâm này sinh nơi nào, diệt nơi nào, vui nơi nào, vui pháp gì, nên quán xét như vậy.
Tham không thủ đắc, vậy ưa thích nơi nào mới là không thủ đắc?
Tu pháp nào mới là không thủ đắc?
Nếu không thủ đắc tức là không lấy. Không lấy tức là không có việc được bỏ, không có người bỏ. Như vậy là không lấy, không bỏ. Đó gọi là lìa dục tịch tĩnh. Cho đến tâm cũng quán sát như vậy.
Thiên Tử nên biết! Giết những pháp như vậy là làm cho sinh khởi, tức là giết. Như vậy được gọi là lúc khởi tâm muốn giết chết người thì đánh trên đầu trước. Như vậy gọi là giết. Ý của tôi là thế nên mới nói như vậy.
Đồng tử Văn Thù Sư Lợi lại nói với Thiên Tử Thiện Trụ Ý: Thiên Tử! Nếu Thiên Tử đối với Phật không nhiễm, Pháp, Tăng không nhiễm, được vậy tôi mới đồng phạm hạnh.
Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát giải thích như thế nào?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi lại: Nói đến Phật, Thiên Tử giải thích như thế nào?
Thiên Tử đáp: Văn Thù Sư Lợi! Như chân như, pháp giới, đó là Phật.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thiên Tử! Ý Thiên tư thế nào, chân như, pháp giới, Thiên Tử có thể bị nhiễm chăng?
Đáp: Không nhiễm.
Văn Thù Sư Lợi nói: Vì nghĩa ấy mà tôi nói nếu Thiên Tử đối với Phật không nhiễm thì tôi cùng Thiên Tử đồng phạm hạnh.
Lại nữa, này Thiên Tử! Nói về pháp, Thiên Tử giải thích như thế nào?
Thiên Tử đáp: Văn Thù Sư Lợi! Pháp lìa dục, đó gọi là pháp.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thiên Tử! Ý Thiên Tử thế nào, pháp lìa dục ấy Thiên Tử có nhiễm chăng?
Đáp: Không nhiễm.
Văn Thù Sư Lợi nói: Vì nghĩa ấy nên tôi nói nếu Thiên Tử đối với pháp không nhiễm thì tôi cùng Thiên Tử đồng phạm hạnh.
Lại nữa, này Thiên Tử! Nói đến Tăng, Thiên Tử giải thích như thế nào?
Thiên Tử đáp: Vì vô vi nên gọi là Tăng. Thánh Tăng Thanh Văn là Tăng vô vi, như vậy gọi là Tăng.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thiên Tử! Ý Thiên Tử thế nào, vô vi Tăng ấy Thiên Tử có nhiễm chăng?
Đáp: Không nhiễm.
Văn Thù Sư Lợi nói: Vì nghĩa ấy nên tôi nói nếu Thiên Tử đối với Tăng mà không nhiễm thì tôi cùng Thiên Tử đồng phạm hạnh.
Thiên Tử! Người nào thấy Phật thì nhiễm nơi Phật, người nào nghe Pháp thì nhiễm nơi Pháp, người nào biết Tăng thì nhiễm nơi Tăng.
Thiên Tử! Nếu không thấy Phật thì người ấy không nhiễm nơi Phật, nếu không biết Pháp thì người ấy không nhiễm nơi Pháp. Nếu không biết Tăng thì người ấy không nhiễm nơi Tăng.
Vì sao?
Vì Phật, Pháp, Tăng, người ấy chẳng thể đạt được. Vì vậy nên nói là không nhiễm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Nhất Thiết Như Lai Kim Cương Tam Nghiệp Tối Thượng Bí Mật đại Giáo Vương - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Năm Mươi Tám - Phẩm Anh Vũ Nghe Tứ đế
Phật Thuyết Kinh Thánh Quán Tự Tại Bồ Tát Bất Không Vương Bí Mật Tâm đà La Ni
Phật Thuyết Kinh Pháp Diệt Tận
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Học - Phần Mười
Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Mười Sáu - Thiên Nhĩ