Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Chín - Phẩm đẳng Pháp - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM BA MƯƠI CHÍN
PHẨM ĐẲNG PHÁP
PHẦN HAI
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nay ta sẽ nói bảy thí dụ về nước. Người cũng như thế.
Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Khéo suy nghĩ về chúng.
Các Tỳ Kheo đáp: Xin vâng, Thế Tôn!
Thế Tôn bảo: Bảy thí dụ về nước giống như người thế nào?
Ví như, có người chìm ở đáy nước. Có người tạm ngoi lên mặt nước rồi chìm xuống lại. Có người ra khỏi nước nhìn xem. Có người ra khỏi nước mà đứng. Có người muốn đi qua nước. Có người ra khỏi nước muốn đến bờ kia. Có người đã lên hẳn trên bờ. Ðó là, này Tỳ Kheo, có bảy thí dụ về nước xuất hiện ở đời.
Thế nào là người chìm đáy nước không ra khỏi được?
Ở đây, có người toàn thân hành pháp bất thiện, trải qua kiếp số không thể trị liệu. Ðó là người chìm ở đáy nước.
Thế nào là người ra khỏi nước rồi chìm lại?
Ở đây, có người lòng tin cạn cợt, tuy có pháp lành mà không kiên cố. Người ấy thân, miệng, ý làm lành, sau lại hành bất thiện. Sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào địa ngục. Ðó là người ra khỏi nước lại chìm.
Thế nào là người ra khỏi mặt nước nhìn trông?
Ở đây, có người có tín thiện căn, thân, miệng, ý làm lành nhưng không tăng trưởng pháp này, tự giữ đứng. Người ấy thân hoại mạng chung sanh trong A Tu La. Ðó là người ra khỏi nước nhìn.
Thế nào là người ra khỏi nước mà đứng?
Ở đây, có người có lòng tin, tinh tấn đoạn ba kiết sử, không thối chuyển nữa, chắc chắn đạt được cứu cánh thành đạo vô thượng. Ðó là người ra khỏi nước mà đứng.
Thế nào là người muốn đi qua nước?
Ở đây, có người tín căn tinh tấn, hằng ôm lòng hổ thẹn, mong đoạn ba kiết sử dâm, nộ, si. Người ấy trở lại đời này mà đoạn dứt mé khổ. Ðó là người muốn qua nước.
Thế nào là người muốn đến bờ kia?
Ở đây, có người tín căn tinh tấn, đoạn năm hạ phần kiết sử, thành A Na Hàm, liền đó nhập Niết Bàn, không trở lại đời này nữa. Ðó là người muốn đến bờ kia.
Thế nào là người đã đến bờ kia?
Ở đây, hoặc có người tín căn tinh tấn, ôm lòng hổ thẹn, dứt hết hữu lậu, thành tựu vô lậu. Ở trong hiện pháp, người ấy tự an vui. Sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh, như thật mà biết. Nơi Vô Dư Niết Bàn mà nhập Niết Bàn. Ðó là người đã qua đến bờ kia.
Này Tỳ Kheo! Ðó là bảy thí dụ nước và người, ta nói với các thầy. Chỗ Chư Phật Thế Tôn đáng tu hành tiếp độ mọi người, nay ta đã thi hành. Các thầy nên ở chỗ vắng vẻ, như dưới cội cây, hãy nhớ Tọa Thiền chớ có lười biếng. Ðây là lời ta dạy dỗ.
Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Bậc Thánh Vương trị nước, nếu thành tựu bảy pháp thì chẳng bị oan gia, giặc cướp bắt bớ, khiến cho bên ngoài không thể đến xâm phạm.
Thế nào là bảy?
Thành quách cao lớn, sửa sang tề chỉnh. Đó là pháp thành tựu thứ nhất.
Cửa thành lại kiên cố. Đó là pháp thành tựu thứ hai.
Ngoài thành hào lũy rất sâu rộng. Đó là pháp thành tựu thứ ba.
Trong thành lại chứa nhiều lúa thóc, kho lẫm tràn đầy. Đó là pháp thành tựu thứ tư.
Thành ấy lại có nhiều củi, cỏ. Đó là pháp thành tựu thứ năm.
Thành lại có nhiều binh khí, đầy đủ các chiến cụ. Đó là pháp thành tựu thứ sáu.
Người chủ thành kia lại thông minh tài cao, dự biết lòng người, đáng phạt thì đánh phạt, đáng trị thì trị. Đó là pháp thành tựu thứ bảy, khiến cho bên ngoài không thể đến xâm phạm.
Này Tỳ Kheo! Ðó là bảy pháp mà vị quốc chủ thành tựu được thì người ngoài không thể đến gần quấy nhiễu. Tỳ Kheo cũng vậy, nếu thành tựu được bảy pháp thì Tệ Ma Ba Tuần chẳng được thuận tiện.
Thế nào là bảy?
Ở đây, Tỳ Kheo thành tựu giới luật, đầy đủ oai đức, phạm luật nhỏ còn sợ hãi huống là tội lớn. Ðó là, Tỳ Kheo, thành tựu pháp thứ nhất, khiến Tệ Ma Ba Tuần không được thuận tiện. Ví như thành cao rộng kia rất nghiêm ngặt không thể phá hoại.
Lại nữa, này Tỳ Kheo! Nếu mắt thấy sắc chẳng khởi tưởng dính mắc, cũng không dấy niệm, đầy đủ nhãn căn không có thiếu sót, mà gìn giữ nhãn căn.
Tai đối với tiếng, mũi với mũi, lưỡi với vị, thân với xúc, ý với pháp cũng vậy. Cũng chẳng khởi tưởng, đầy đủ ý căn mà không loạn tưởng, ủng hộ ý căn đầy đủ. Ðó là Tỳ Kheo thành tựu pháp thứ hai khiến Tệ Ma Ba Tuần chẳng được thuận tiện như cửa thành kiên cố.
Lại nữa, Tỳ Kheo nghe nhiều chẳng quên, hằng nhớ tư duy chánh pháp, đạo giáo ngày xưa trải qua đều biết đầy đủ.
Ðó là Tỳ Kheo thành tựu pháp thứ ba, khiến Tệ Ma Ba Tuần không được thuận tiện. Như hào lũy ngoài thành vừa sâu, vừa rộng.
Lại nữa, Tỳ Kheo có nhiều phương tiện, có các pháp ban đầu thiện, ở giữa thiện, cuối cùng thiện, thanh tịnh đầy đủ, tu được phạm hạnh.
Ðó là Tỳ Kheo thành tựu pháp thứ tư, khiến Tệ Ma Ba Tuần không được thuận tiện, như thành quách có nhiều lúa thóc, giặc ngoài không dám đến xâm lấn.
Lại nữa, Tỳ Kheo tư duy bốn pháp tăng thượng tâm, cũng không thiếu sót. Ðó là Tỳ Kheo thành tựu pháp thứ năm, khiến Tệ Ma Ba Tuần chẳng được thuận tiện. Như thành quách có nhiều củi cỏ, người ngoài không thể đến quấy rối.
Lại nữa, Tỳ Kheo được bốn thần túc làm việc không khó khăn.
Ðó là Tỳ Kheo thành tựu pháp thứ sáu, khiến Tệ Ma Ba Tuần không được thuận tiện, như trong thành đầy đủ binh khí. Lại nữa, Tỳ Kheo có thể phân biệt ấm, nhập, giới đầy đủ, cũng phân biệt được pháp mười hai nhân duyên khởi lên.
Ðó là Tỳ Kheo thành tựu pháp thứ bảy, khiến Tệ Ma Ba Tuần không được thuận tiện, như người chủ thành quách thông minh, tài cao, đáng thâu thì thâu, nên bỏ thì bỏ. Tỳ Kheo cũng vậy, biết phân biệt ấm, trì, nhập. Nếu có Tỳ Kheo thành tựu bảy pháp này thì Tệ Ma Ba Tuần sẽ không được tiện lợi.
Thế nên các Tỳ Kheo! Hãy tìm phương tiện phân biệt ấm, trì nhập và mười hai nhân duyên, chẳng mất thứ lớp, liền vượt khỏi cảnh ma, không ở trong đó nữa.
Như thế, Tỳ Kheo! Hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nay ta sẽ thuyết về bảy chỗ trụ của thần thức. Các thầy hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ.
Các Tỳ Kheo đáp: Xin vâng, Thế Tôn!
Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Sao gọi là bảy trụ xứ của thần thức?
Nghĩa là chúng sanh có nhiều thân, nhiều tưởng. Như là Trời và Người. Lại có chúng sanh nhiều thân mà có một tưởng như là Trời Phạm Ca Di mới xuất hiện ở đời. Có chúng sanh một thân mà có nhiều tưởng như là Trời Quang Âm.
Có chúng sanh một thân, một tưởng như là trời Biến Tịnh. Có chúng sanh vô lượng không như là Trời Không Xứ. Có chúng sanh vô lượng thức như là Trời Thức Xứ. Có chúng sanh vô hữu xứ như là Trời Vô Hữu Xứ.
Này Tỳ Kheo! Ðó là bảy trụ xứ của thần thức. Nay ta đã nói xong bảy thức xứ, Chư Phật Thế Tôn có thể thi hành, tiếp độ mọi người, hôm nay ta đã giải thích xong.
Các thầy nên ở nơi vắng vẻ, dưới cội cây, khéo tu hạnh ấy, chớ có giải đãi. Ðây là lời giáo hối của ta. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, Tỳ Kheo Quân Đầu mắc bệnh nặng nằm trên giường không thể tự cử động.
Tỳ Kheo liền nghĩ rằng: Hôm nay, Như Lai Thế Tôn chẳng thấy rủ lòng lân mẫn, ta mang bệnh nặng, chẳng nhận được thuốc men.
Ta lại nghe Thế Tôn nói rằng: Nếu một người chưa được độ, ta chẳng bỏ họ.
Mà nay ta thấy Thế Tôn bỏ sót ta, còn gì khổ hơn nữa!
Bấy giờ, Thế Tôn dùng Thiên Nhĩ nghe Tỳ Kheo Quân Đầu trách móc như thế, liền bảo các Tỳ Kheo: Các thầy hãy tụ tập đến chỗ Tỳ Kheo Quân Đầu hỏi thăm bệnh ông ta.
Các Tỳ Kheo đáp: Xin vâng, Thế Tôn!
Thế Tôn dẫn chúng Tỳ Kheo từ từ đến phòng Tỳ Kheo Quân Đầu. Tỳ Kheo Quân Đầu xa thấy Thế Tôn đến, liền gieo mình xuống đất.
Khi ấy, Thế Tôn bảo Quân Đầu rằng: Nay thầy mang bệnh nặng, chẳng nên xuống giường. ta tự có chỗ ngồi.
Thế Tôn bảo Quân đầu: Bệnh thầy tăng hay giảm, hay không tăng giảm?
Có thể nghe ta dạy được không?
Tỳ Kheo Quân Đầu bạch Phật: Hôm nay, đệ tử bệnh rất nặng, chỉ có tăng chứ không giảm, không được đầy đủ thuốc men.
Thế Tôn hỏi: Ai săn sóc bệnh cho thầy?
Quân Đầu bạch: Các vị phạm hạnh có đến thăm bệnh con.
Bấy giờ Thế Tôn bảo Quân Đầu: Nay thầy có thể nói bảy giác ý cho ta nghe chăng?
Quân Đầu liền nêu tên bảy giác ý ba lần: Nay con có thể thuyết pháp bảy giác ý trước Như Lai được.
Thế Tôn nói: Nếu có thể thuyết cho Như Lai thì hãy thuyết đi!
Khi ấy, Tỳ Kheo Quân Đầu bạch Phật: Bảy giác ý.
Những gì là bảy?
Nghĩa là niệm giác ý, pháp giác ý, tinh tấn giác ý, hỷ giác ý, khinh an giác ý, định giác ý, hộ xả giác ý. Bạch Thế Tôn, có bảy giác ý chính là đây.
Tỳ Kheo Quân Đầu nói xong liền lành bệnh, không còn các khổ não.
Quân Đầu bạch Thế Tôn: Bình đựng thuốc chính là pháp bảy giác ý này. Con muốn nói thuốc không gì hơn Bảy giác ý này. Nay con tư duy bảy giác ý này, các bệnh đều được lành.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các thầy thọ trì pháp bảy giác ý này, khéo nghĩ nhớ tụng đọc. Chớ có hồ nghi đối với Phật, Pháp, Tăng. Chúng sanh có bệnh sẽ được lành.
Vì cớ sao?
Bảy giác ý này rất khó hiểu hết. Nếu hiểu rồi, tất cả các pháp đều liễu tri cả, chiếu sáng tất cả các pháp, cũng như thuốc hay trị liệu tất cả các bệnh. Ví như cam lồ, ăn không biết chán. Nếu không được bảy giác ý này thì chúng sanh lưu chuyển sanh tử.
Các Tỳ Kheo! Hãy cầu phương tiện tu bảy giác ý. Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nếu lúc Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện ở đời, liền có bảy báu xuất hiện thế gian. Đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu. Lúc Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện ở đời liền có bảy báu lưu bố thế gian. Lúc Như Lai xuất hiện ở thế gian, liền có báu bảy giác ý xuất hiện thế gian.
Thế nào là bảy?
Ðó là niệm giác ý, pháp giác ý, tinh tấn giác ý, hỷ giác ý, khinh an giác ý, định giác ý, hộ xả giác ý, xuất hiện ở đời. Nếu lúc Như Lai xuất hiện thế gian, liền có bảy giác ý quý báu này xuất hiện thế gian.
Thế nên, các Tỳ Kheo! Hãy cầu phương tiện tu bảy giác ý này. Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Lúc Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện ở đời, khi ấy liền chọn lựa đất tốt để xây thành quách, Ðông Tây hai mươi do tuần. Nam Bắc bảy do tuần, đất đai thuần thục, sung sướng vô kể.
Bấy giờ, ngoài thành quách ấy, có bảy lớp bao quanh làm bằng bảy báu. Bảy báu là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, hổ phách, mã não, xa cừ. Đó là bảy báu. Lại có bảy hào bằng bảy báu vây quang bảy lớp ấy, rất sâu, rộng khó vượt qua, trong đó toàn cát vàng. Lại có bảy lớp cây mọc ở đó.
Các cây ấy lại có bảy màu: Vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, xa cừ, mã não, hổ phách. Vây quanh thành, có bảy lớp cửa kiên cố, cũng làm bằng bảy báu. Cửa bạc để dép vàng ở đó, cửa vàng đặt dép bạc, cửa thủy tinh để dép lưu ly, cửa lưu ly để dép thủy tinh, cửa mã não để dép hổ phách, rất là sung sướng, thật không thể nói.
Thành đó bốn mặt có bốn ao tắm. Mỗi ao tắm dài rộng một do tuần, tự nhiên có nước làm bằng vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly.
Ao nước lưu ly đông lại thành báu lưu ly. Ao nước thủy tinh đông lại thành báu thủy tinh. Ao nước bạc đông lại thành báu bạc. Ao nước vàng đông lại thành báu vàng. Và Chuyển Luân Thánh Vương lấy đây dùng. Bấy giờ, trong thành lại có bảy loại âm thanh.
Thế nào là bảy?
Ðó là tiếng ốc, tiếng trống, tiếng trống nhỏ, tiếng chuông, tiếng trống tế yêu, tiếng múa, tiếng ca. Ðó là bảy loại tiếng. Bấy giờ, dân chúng thường vui chơi với nhau bằng những thứ này. Những chúng sanh ấy không bị nóng lạnh, không bị đói khát, cũng không tật bệnh.
Vị Chuyển Luân Thánh Vương ở đời du hóa, thành tựu được bảy báu này và Bốn thần túc, không có thiếu thốn, không mất mát gì cả.
Thế nào là Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu bảy báu?
Ðó là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu. Lại có một ngàn người con hết sức dũng mãnh, có thể hàng phục giặc ngoài. Ðất Diêm Phù Đề này không dùng dao gậy để giáo hóa quốc dân.
Bấy giờ, có một Tỳ Kheo bạch Thế Tôn: Làm sao Chuyển Luân Thánh Vương lại thành tựu được xe báu?
Thế Tôn bảo: Lúc ấy, Chuyển Luân Thánh Vương, sáng sớm ngày mười lăm, tắm rửa, gội đầu rồi lên đại điện, các ngọc nữ vây quanh. Bấy giờ, bánh xe báu đầy đủ ngàn căm từ phương Ðông lại đến trước điện, ánh sáng huy hoàng không phải người làm được, cách mặt đất bảy nhẫn, từ từ đến trước Vua dừng lại.
Chuyển Luân Thánh Vương thấy rồi liền hỏi:
Ta nghe người xưa nói: Chuyển Luân Thánh Vương, ngày mười lăm tắm rửa, gội đầu, rửa tay lên điện ngồi. Bánh xe báu từ phương Ðông đến dừng ở trước Vua.
Nay ta hãy thử xe báu này!
Chuyển Luân Thánh Vương lấy tay phải cầm luân bảo và nói: Nay ngươi hãy xoay chuyển cho đúng pháp, chớ phi pháp!
Bấy giờ, bánh xe báu tự nhiên xoay chuyển rồi dừng trên không, Chuyển Luân Thánh Vương lại cùng bốn bộ binh cũng ở trong hư không, xe báu lại xoay về phương Ðông. Chuyển Luân Thánh Vương cũng theo xe báu mà đi. Nếu lúc xe báu dừng thì Chuyển Luân Thánh Vương cùng chúng đem theo cũng dừng trong không.
Khi ấy các vị tiểu Vương ở phương Ðông cùng nhân dân từ xa thấy Vua lại, đều đứng dậy chào đón, lại đem bát vàng đựng đầy bạc, bát bạc đựng đầy vàng, dâng lên Chuyển Luân Thánh Vương và tâu: Kính chào Thánh Vương! Xứ này nhân dân đông đúc, khoái lạc vô cùng. Kính mong Ðại Vương hãy cai trị chốn này.
Chuyển Luân Thánh Vương bảo dân chúng rằng: Các ngươi nên sống đúng pháp, chớ làm việc phi pháp, cũng chớ nên sát sanh, trộm cắp, dâm dật. Cẩn thận chớ làm phi pháp.
Xe báu lại di chuyển đến phương Nam, phương Tây, phương Bắc và Chuyển Luân Thánh Vương đến đâu cũng vỗ về, khuyên nhủ dân chúng. Rồi xe báu quay trở về chỗ Vua cai trị, đứng cách mặt đất bảy nhẫn.
Tỳ Kheo! Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu xe báu như thế đó.
Các Tỳ Kheo bạch Thế Tôn: Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu voi báu thế nào?
Thế Tôn bảo: Tỳ Kheo, nên biết, Chuyển Luân Thánh Vương vào ngày rằm, tắm rửa rồi lên đại điện. Khi ấy, voi báu từ phương Nam đến, có sáu ngà, lông toàn trắng, bảy chỗ bằng phẳng đều có đeo vàng bạc, trân bảo trang sức, có thể bay trên hư không.
Bấy giờ, Chuyển Luân Thánh Vương thấy được liền nghĩ: Voi báu này rất thù diệu, hiếm có ở đời, tánh nết nhu hòa, không hung bạo. Nay ta hãy thử nó. Rồi Chuyển Luân Thánh Vương, sáng sớm, mặt trời vừa lên, liền cỡi voi báu này dạo khắp bốn biển, cai trị dân chúng.
Chuyển Luân Thánh Vương thanh tựu voi báu như thế!
Tỳ Kheo bạch Thế Tôn: Chuyển Luân Thánh Vương làm sao thành tựu ngựa báu?
Thế Tôn bảo: Lúc Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện ở đời, ngựa báu liền từ phương Tây đến, lông toàn màu xanh, lông đuôi ánh đỏ, bước đi không di động, có thể bay ở hư không, không chướng ngại.
Vua thấy xong, rất mực vui mừng nói: Ngựa báu này rất thù diệu, nên sử dụng nó. Tánh nó lại hiền lành, không nổi chứng. Nay ta hãy thử ngựa báu. Chuyển Luân Thánh Vương liền cỡi ngựa nay đi khắp bốn thiên hạ. Trị hóa nhân dân, rồi trở về chỗ vui cai trị.
Tỳ Kheo! Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu ngựa báu như thế.
Tỳ Kheo bạch Phật: Lại do nhân duyên gì, Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu được châu báu?
Thế Tôn bảo: Ở đây, Tỳ Kheo! Lúc Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện ở đời, châu báu liền từ phương Ðông lại, có tám góc, bốn mặt tỏa hỏa quang dài một thước sáu tấc.
Chuyển Luân Thánh Vương thấy rồi liền nghĩ: Châu báu này rất thù diệu, nay ta sẽ thử nó. Chuyển Luân Thánh Vương nửa đêm tụ tập bốn bộ binh, đem báu ma ni này đặt trên ngọn cờ cao, ánh sáng của nó chiếu xa mười hai do tuần trong nước.
Bấy giờ nhân dân trong thành thấy ánh sáng này, ai nấy tự bảo: Mặt trời đã lên, hãy làm việc nhà! Chuyển Luân Thánh Vương ở trên điện, thấy khắp nhân dân xong liền trở về cung, đem hạt ma ni này đặt trong cung, trong ngoài đều sáng, không đâu không khắp.
Tỳ Kheo! Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu châu báu như thế đó!
Bấy giờ, Tỳ Kheo bạch Phật: Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu ngọc nữ báo thế nào?
Thế Tôn bảo: Tỳ Kheo nên biết! Lúc Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện ở đời, tự nhiên có ngọc nữ báu này xuất hiện, nhan mạo đoan chánh, mặt mày như màu hoa đào, chẳng cao chẳng thấp, chẳng trắng chẳng đen, tánh nết nhu hòa, không hung dữ, hơi miệng thơm mùi hoa sen, thơm mùi Chiên Đàn, hằng hầu hạ một bên Thánh Vương, không trái thời tiết, thường tươi cười nhìn mặt Vua.
Tỳ Kheo! Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu ngọc nữ báu này như thế!
Bấy giờ, Tỳ Kheo bạch Phật: Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu cư sĩ báu thế nào?
Thế Tôn bảo: Ở đây, Tỳ Kheo! Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện ở đời liền có cư sĩ báu này xuất hiện thế gian, không cao không thấp, thân thể hồng hào, tài cao trí tột, việc gì cũng thông suốt, lại được Thiên Nhãn Thông.
Lúc ấy, cư sĩ đến chỗ Vua, tâu Vua rằng: Kính mong Thánh Vương sống lâu vô cùng! Nếu Vua có cần vàng, bạc, trân bảo, tôi sẽ cung cấp đầy đủ cả.
Bấy giờ, cư sĩ dùng Thiên Nhãn quán sát nơi nào có kho báu hay không kho báu đều thấy hết. Vua cần báu gì thì tùy thời cung cấp. Chuyển Luân Thánh Vương muốn thử cư sĩ này, liền cùng cư sĩ qua sông.
Khi chưa đến bờ kia, Vua bảo cư sĩ: Nay ta muốn cần vàng bạc, châu báu.
Nên lo xong ngay bây giờ!
Cư Sĩ đáp: Bước lên bờ, hạ thần sẽ cấp cho.
Chuyển Luân Thánh Vương nói: Ta cần ngay bây giờ, chẳng chờ lên bờ.
Bấy giờ cư sĩ liền quỳ gối, chắp tay hướng xuống nước, bảy báu trong nước liền vọt lên.
Chuyển Luân Thánh Vương bảo cư sĩ: Thôi! Thôi! cư sĩ! Ta không cần báu nữa.
Tỳ Kheo! Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu cư sĩ báu như thế đó.
Bấy giờ, Tỳ Kheo bạch Phật: Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu điển binh báu thế nào?
Thế Tôn bảo: Ở đây, Tỳ Kheo! Lúc Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện ở đời, liền có điển binh báu này tự nhiên đến ứng hầu, thông minh cái thế, biết trước lòng người, thân hình đẹp tốt, đến trước Chuyển Luân Thánh Vương, tâu Thánh Vương rằng: Kính mong Thánh Vương chóng được vui vẻ. Nếu Thánh vương muốn cần binh lính, thần sẽ cung cấp ngay, cách thức tiến lui rất đúng lúc.
Rồi điển binh báu tùy ý Vua, tập họp binh chúng ở cạnh Vua.
Bấy giờ, Chuyển Luân Thánh Vương muốn thử điển binh báu, liền nghĩ: Làm sao cho binh chúng của ta tụ tập ngay! Tức thời, binh chúng liền ở ngoài cửa của Vua. Nếu ý Chuyển Luân Thánh Vương muốn binh chúng đứng, họ liền đứng, muốn tiến, họ liền tiến.
Tỳ Kheo! Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu điển binh báu này như thế đó.
Tỳ Kheo nên biết! Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu được bảy báu này.
Tỳ Kheo kia bạch Thế Tôn: Chuyển Luân Thánh Vương làm sao thành tựu bốn thần túc, chóng được lợi lành?
Phật bảo Tỳ Kheo: Ở đây, Chuyển Luân Thánh Vương, nhan mạo đoan chánh, hiếm có ở đời, vượt hẳn mọi người, không ai sánh kịp. Dù cho Thiên Tử cũng không bì kịp.
Này Tỳ Kheo, đó là Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu thần túc thứ nhất. Lại nữa, Chuyển Luân Thánh Vương thông minh cái thế, rành rẽ mọi việc, là bậc hùng mạnh trong loài người, không ai có trí tuệ hơn Chuyển Luân Thánh Vương này.
Này Tỳ Kheo, đó là Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu thần túc thứ hai.
Lại nữa, Tỳ Kheo! Chuyển Luân Thánh Vương không có tật bệnh, thân thể khang kiện, thức ăn uống tự nhiên tiêu hóa, không cần phải đại, tiểu tiện. Này Tỳ Kheo, đó là Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu được thần túc thứ ba này.
Lại nữa, Tỳ Kheo! Chuyển Luân Thánh Vương thọ mạng rất dài không đếm nổi. Mọi người không ai sống lâu hơn Chuyển Luân Thánh Vương.
Này Tỳ Kheo, đó là Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu thần túc thứ tư này. Này Tỳ Kheo, đó là Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu bốn thần túc này.
Bấy giờ, Tỳ Kheo kia bạch Phật: Chuyển Luân Thánh Vương sau khi mạng chung sẽ sanh về đâu?
Thế Tôn bảo: Chuyển Luân Thánh Vương sau khi mạng chung sẽ sanh Cõi Trời Ba Mươi Ba, sống lâu ngàn tuổi.
Vì sao thế?
Chuyển Luân Thánh Vương không tự mình sát sanh, lại dạy người khác khiến không sát sanh.
Tự mình không trộm cắp, lại dạy người khác khiến không trộm cắp.
Tự mình không dâm dục, lại dạy người khác khiến không dâm dục.
Tự mình không vọng ngữ, lại dạy người khác khiến không vọng ngữ.
Tự mình hành pháp Thập Thiện, lại dạy người khác khiến hành Thập Thiện.
Tỳ Kheo nên biết! Do công đức này, Chuyển Luân Thánh Vương sau khi mạng chung sẽ sanh lên Cõi Trời Ba Mươi Ba.
Bấy giờ, Tỳ Kheo kia liền nghĩ: Chuyển Luân Thánh Vương rất đáng hâm mộ. Muốn nói là người, nhưng lại không phải là người. Kỳ thực không phải là Trời mà thi hành việc Trời, nhận thọ các diệu lạc, chẳng đọa ba đường ác.
Nay nếu ta trì giới dũng mãnh, sẽ có phước, đến đời sau được làm Chuyển Luân Thánh Vương, không thích hay sao?
Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm Tỳ Kheo ấy mới bảo Tỳ Kheo ấy: Nay thầy ở trước Như Lai, chớ nên nghĩ thế.
Vì cớ sao?
Chuyển Luân Thánh Vương tuy thành tựu bảy báu, và bốn thần túc không ai bì kịp. Nhưng vẫn chưa thoát khỏi ba đường ác địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.
Vì sao thế?
Vì Chuyển Luân Thánh Vương chẳng được Tứ Thiền, Tứ thần túc và Tứ Đế. Do nhân duyên này, lại đọa vào ba đường ác. Thân người rất khó được, gặp phải tám nạn, cầu xa lìa rất khó.
Sanh ở chính quốc cũng chẳng phải dễ dàng. Cầu có bạn tốt lành cũng không phải dễ. Muốn theo học đạo trong pháp Như Lai cũng lại khó gặp.
Như Lai xuất hiện thật khó thể gặp. Pháp được diễn bày cũng lại như thế. Pháp Tứ Đế giải thoát và Tứ Vô Thượng thật chẳng thể được nghe. Chuyển Luân Thánh Vương chẳng được cứu cánh của bốn pháp này.
Này Tỳ Kheo! Lúc Như Lai xuất hiện ở đời liền có bảy báu xuất hiện ở thế gian, thời báu thất giác ý của Như Lai đến tột cùng vinh dự của người, Trời.
Này Tỳ Kheo! Ngày nay, hãy khéo tu phạm hạnh, ở đời này tự thân dứt hết được mé khổ, dùng bảy báu của Chuyển Luân Thánh Vương làm gì?
Khi ấy, Tỳ Kheo kia nghe Như Lai dạy như thế rồi, liền ở chỗ vắng vẻ, tư duy đạo pháp mà do đó, bậc Vọng Tộc, cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, muốn tu chánh nghiệp Vô Thượng. Sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh nữa, như thật mà biết.
Bấy giờ, Tỳ Kheo kia liền thành A La Hán.
Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đồng Tánh - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Bảo Nữ Sở Vấn - Phẩm Ba - Phẩm thông Tỏ
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Mười Năm - Phẩm Thập Trụ
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Như Lai Bất Tư Nghì Cảnh Giới
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bốn Mươi Bốn - Phẩm Khắp Ca Ngợi Trăm Ba La Mật
Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Kim Sí điểu Chim Cánh Vàng
Phật Thuyết Kinh Bảo Tinh đà La Ni - Phẩm Năm - Phẩm Tướng - Phần Hai