Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tăng Thượng - Phần Ba

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BA MƯƠI MỐT

PHẨM TĂNG THƯỢNG  

PHẦN BA  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở thành La Duyệt, Vườn Trúc Ca La Đà cùng với năm trăm đại chúng Tỳ Kheo.

Bấy giờ bốn Phạm Chí cùng đắc ngũ thông, tu hành pháp lành, ở chung một chỗ, bàn luận với nhau rằng: Lúc thần chết đến, chẳng tránh người mạnh khoẻ, mọi người hãy cùng ẩn nấp khiến thần chết không biết chỗ đến. Lúc ấy, một Phạm Chí bay lên không trung, muốn được khỏi chết nhưng tránh chẳng khỏi mà chết ở không trung.

Vị Phạm Chí thứ hai lặn xuống đáy biển lớn muốn được khỏi chết, liền chết ở đó. Phạm Chí thứ ba muốn khỏi chết, chui vào lòng núi Tu Di và chết trong đó.

Phạm Chí thứ tư chui xuống đất, đến mé kim cương, muốn được thoát chết, lại chết ở đó. Bấy giờ Thế Tôn dùng thiên nhãn xem thấy bốn Phạm Chí, mỗi người đều tránh chết mà đều cùng chết.

Thế Tôn liền nói kệ:

Không phải hư không, biển,

Không vào trong núi đá,

Không có địa phương nào,

Thoát khỏi, không bị chết.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ở đây, này Tỳ Kheo! Có bốn vị Phạm Chí tụ tập một nơi, muốn được khỏi chết. Mỗi người quay tìm chỗ chạy mà không khỏi chết. Một người ở hư không, một người vào biển lớn, một người vào lòng núi, một người xuống đất, đồng chết hết.

Thế nên, các Tỳ Kheo! Muốn được khỏi chết, nên tư duy bốn pháp bổn.

Thế nào là bốn?

Tất cả hành vô thường, đó là pháp bổn đầu tiên nên nhớ tu hành.

Tất cả hành khổ, đó là pháp bổn thứ hai nên cùng tư duy.

Tất cả pháp vô ngã, đây là pháp bổn thứ ba nên cùng tư duy.

Diệt tận là Niết Bàn, đây là pháp bổn thứ tư nên cùng tư duy.

Như thế, các Tỳ Kheo! Nên cùng tư duy bốn pháp này.

Vì sao thế?

Vì sẽ thoát sanh, già, bệnh, chết, sầu, lo khổ não. Ðây là nguồn của khổ. Như thế các Tỳ Kheo, hãy học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Trời Ba mươi ba có bốn vườn cảnh để ngắm. Chư Thiên ở đó vui chơi hưởng vui ngũ dục.

Thế nào là bốn?

Vườn cảnh Nan Đà Bàn Na, vườn canh Thô Sáp, vườn cảnh Trú Dạ, vườn cảnh Tạp Chủng. Trong bốn vườn có bốn ao tắm, ao tắm rất mát, ao tắm hương thơm, ao tắm nhẹ nhàng, ao tắm trong suốt.

Thế nào là bốn?

Ao tắm Nan Đà, ao tắm Nan Đà Ðảnh, ao tắm Tô Ma. Ao tắm Hoan Duyệt.

Tỳ Kheo nên biết! Trong bốn vườn có bốn ao tắm này khiến người thân thể thơm sạch, không có bụi bặm.

Vì sao gọi là vườn Nan Đà Bàn Na?

Nếu Trời Ba mươi ba vào vườn Nan Đà Bàn Na, tâm tánh sẽ vui vẻ không kềm được, ở đó vui chơi nên gọi là vườn Nan Đà Bàn Na.

Vì sao gọi là vườn Thô Sáp?

Nếu Trời Ba Mươi Ba vào trong vườn này, thân thể sẽ hết sức thô. Ví như mùa đông lấy hương bôi lên thân, thân thể hết sức thô, chẳng như lúc thường. Vì thế nên gọi là vườn Thô Sáp.

Vì sao gọi là vườn Trú Dạ?

Giả sử Trời Ba Mươi Ba vào trong vườn này, nhan sắc Chư Thiên sẽ khác nhau, tạo bao nhiêu hình thể, ví như phụ nữ mặc các loại áo xiêm, chẳng giống lúc thường.

Ðây cũng như thế. Nếu Trời Ba Mươi Ba vào trong vườn thì sẽ tạo các thứ hình sắc không giống lúc thường. Vì thế, gọi là vườn Trú Dạ.

Vì sao gọi là vườn Tạp Chủng?

Bấy giờ vị Trời cao nhất, và Trời bậc trung và Trời bậc thấp vào trong vườn này đều sẽ giống nhau. Nếu là Trời thấp nhất thì không được vào ba vườn kia.

Ví như vườn của Chuyển Luân Thánh Vương vào, các Vua khác không được vào vườn tắm rửa. Còn nhân dân chỉ có thể đứng xa nhìn.

Ðây cũng như thế. Nếu chỗ Trời thần cao nhất vào tắm rửa, các Trời nhỏ khác không được vào. Thế nên, gọi là ao tắm Tạp Chủng.

Vì sao gọi là ao tắm Nan Đà?

Nếu Trời Ba Mươi Ba vào trong ao này, lòng sẽ rất vui vẻ.

Thế nên gọi là ao tắm Nan Đà?

Vì sao gọi là ao tắm Nan Đà Ðảnh?

Nếu Trời Ba Mươi Ba vào trong ao này, hai người nắm tay chà lên đỉnh đầu mà tắm rửa. Ngay trong Thiên Nữ cũng làm như thế. Do đó gọi là ao tắm Nan Đà Ðảnh.

Vì sao gọi là ao tắm Tô Ma?

Nếu Trời Ba Mươi Ba vào trong ao tắm này, bấy giờ, nhan mạo Chư Thiên đều giống như người, không có nhiều thứ. Thế nên gọi là ao tắm Tô Ma.

Vì sao gọi là ao tắm Hoan Duyệt?

Nếu Trời Ba Mươi Ba vào trong ao này thì sẽ đều không có lòng kiêu mạn cao thấp, tâm dâm giảm bớt, bấy giờ đồng nhất tâm mà tắm. Thế nên gọi là ao tắm Hoan Duyệt.

Ðó là, này Tỳ Kheo! Có nhân duyên này liền có tên này. Nay trong chánh pháp của Như Lai cũng lại như thế. Có tên bốn vườn.

Thế nào là bốn?

Vườn từ, vườn bi, vườn hỷ, vườn xả.

Ðó là, Tỳ Kheo! Trong chánh pháp Như Lai có bốn vườn này.

Tại sao gọi là vườn từ?

Tỳ Kheo nên biết!

Do vườn từ này sanh lên Trời Phạm Thiên, từ Trời Phạm Thiên đó chết đi sẽ sanh trong nhà hào quý, nhiều tiền lắm của, hằng có vui ngũ dục, vui thú chưa từng rời mắt. Thế nên gọi là vườn từ.

Vì sao gọi là vườn bi?

Tỳ Kheo nên biết!

Nếu hay thân cận tâm bi giải thoát thì sẽ sanh Cõi Trời Phạm Quang Âm. Nếu đến sanh trong loài người thì sanh nhà tôn quý, không có sân giận, cũng nhiều tiền lắm của. Vì thế nên gọi là vườn bi.

Vì sao gọi là vườn hỷ?

Nếu người hay thân cận vườn hỷ thì sẽ sanh Trời Quang Âm. Nếu lại sanh trong lòng người thì sẽ sanh nhà Quốc Vương, lòng thường hoan hỉ. Vì thế nên gọi là vườn hỷ.

Vì sao gọi là vườn xả?

Nếu có người thân cận xả thì sẽ sanh Trời Vô Tưởng, thọ tám vạn bốn ngàn kiếp. Nếu lại sanh trong loài người thì sẽ sanh nhà ở chốn văn minh, cũng không sân hận, hằng bỏ tất cả hạnh phi pháp. Vì thế nên gọi là vườn xả.

Tỳ Kheo nên biết!

Trong Chánh Pháp Như Lai có bốn vườn này khiến các Thanh Văn được dạo chơi trong ấy. Và trong bốn vườn này của Như Lai có bốn hồ tắm khiến hàng Thanh Văn của ta tắm rửa, dạo chơi trong ấy, dứt hết hữu lậu thành tựu vô lậu, không còn trần cấu.

Những gì là bốn?

Hồ tắm có giác, có quán.

Hồ tắm không giác, không quán.

Hồ tắm xả niệm.

Hồ tắm không khổ, không vui.

Thế nào là hồ tắm có giác, có quán?

Nếu có Tỳ Kheo được Sơ Thiền rồi, ở trong các pháp hằng có giác quán, tư duy pháp trừ bỏ trói buộc, trọn không còn sót. Thế nên gọi là có giác, có quán.

Thế nào gọi là hồ tắm không giác, không quán?

Nếu có Tỳ Kheo đắc Nhị Thiền rồi, diệt có giác, có quán, lấy thiền làm thức ăn. Vì thế gọi là không giác, không quán.

Thế nào gọi là hồ tắm xả niệm?

Nếu Tỳ Kheo được Tam Thiền rồi, diệt có giác, có quán, không giác, không quán, hằng xả niệm Tam Thiền. Vì thế gọi là hồ tắm xả niệm.

Thế nào gọi là hồ tắm không khổ không vui?

Nếu có Tỳ Kheo được Tứ Thiền rồi, cũng không niệm vui, cũng chẳng niệm khổ. Cũng không niệm pháp quá khứ, vị lai. Chỉ dụng tâm ở trong pháp hiện tại. Thế nên gọi là hồ tắm không khổ, không vui.

Do vậy, các Tỳ Kheo!

Trong chánh pháp của Như Lai có bốn hồ tắm này, khiến hàng Thanh Văn của ta ở trong ấy tắm rửa, diệt hai mươi mốt kết, qua biển sanh tử, vào thành Niết Bàn.

Thế nên, các Tỳ Kheo!

Nếu muốn qua biển sanh tử này, hãy tìm phương tiện diệt hai mươi mốt kiết, vào thành Niết Bàn. Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ví như bốn con rắn độc lớn hết sức hung bạo bỏ trong một cái hộp. Nếu có người từ bốn phương đến, muốn sống không muốn chết, muốn tìm vui không tìm khổ. Chẳng ngu chẳng tối, tâm ý không rối loạn, không bị lệ thuộc.

Khi ấy, nếu Vua hay Đại Thần của Vua gọi người này bảo: Nay có bốn con rắn độc lớn, hết sức hung bạo. Ông nên tùy lúc nuôi nấng, tắm rửa chúng cho sạch, tùy lúc cho ăn uống, đừng để thiếu thốn.

Nay đúng lúc, hãy thi hành!

Người kia ôm lòng sợ hãi không dám tới thẳng, liền bỏ chạy chẳng biết về đâu.

Lại bảo người kia rằng: Nay cho năm người cầm đao kiếm theo sau ông. Nếu họ bắt được sẽ dứt mạng ông, chớ nên chậm trễ.

Người kia sợ bốn con rắn độc lớn, lại sợ năm người cầm đao kiếm, phóng chạy tứ tung, không biết làm sao!

Vị ấy lại bảo người ấy rằng: Nay lại sai sáu oan gia theo sau ông.

Ai bắt được sẽ dứt tính mạng ông, muốn làm gì hãy làm đi!

Người kia sợ bốn con rắn độc lớn, lại sợ năm người cầm đao kiếm, lại sợ sáu oan gia, liền phóng chạy khắp nơi. Người kia nếu thấy trong thành trống, muốn vào đó núp. Hoặc người ấy gặp nhà hoang, hoặc gặp vách đổ không chỗ chắc chắn. Người ấy chỉ thấy vật trống rỗng, không có gì.

Nếu lại có người thân hữu với người ấy, muốn giúp đỡ cho khỏi nạn liền bảo: Chỗ vắng vẻ này nhiều giặc cướp. Muốn là gì cứ tùy ý. Người kia lại sợ bốn rắn độc lớn, lại sợ năm người cầm đao kiếm, lại sợ oan gia, lại sợ trong thôn trống vắng, liền phóng chạy khắp nơi.

Người ấy nếu thấy phía trước có dòng nước lớn vừa sâu vừa rộng, cũng không có người và cần đò để có thể qua được bờ kia, mà chỗ người ấy đứng lại nhiều giặc cướp hung ác.

Lúc ấy, người đó nghĩ: Nước này rất sâu rộng, nhiều giặc cướp, làm sao qua được bờ kia?

Nay ta nên gom góp cây cối cỏ rác làm bè, nương bè này từ bờ bên đây qua đến bờ bên kia. Người ấy liền gom cây cỏ làm bè, rồi qua được bờ kia, chí không dời đổi.

Các Tỳ Kheo nên biết!

Nay Ta lấy ví dụ, nên khéo suy nghĩ.

Nói nghĩ này là có nghĩa gì?

Bốn rắn độc là tứ đại.

Thế nào là tứ đại?

Nghĩa là đất, nước, gió, lửa. Ðó là tứ đại. Năm người cầm kiếm tức Ngũ thạnh ấm.

Thế nào là năm?

Nghĩa là sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức ấm. Sáu oan gia là dục ái. Thôn trống là lục nhập bên trong.

Thế nào là sáu?

Nghĩa là nhãn nhập, nhĩ nhập, tỷ nhập, thiệt nhập, thân nhập, ý nhập. Nếu người có trí tuệ, lúc quán mắt đều trống không, không chỗ có, hư dối, lặng lẽ, không bền chắc. Nếu lại quán tai, mũi, miệng, thân, ý đều trống không, đều rỗng lặng, cũng không bền chắc.

Nước là bốn dòng.

Thế nào là bốn?

Tức là dục lưu, hữu lưu, vô minh lưu, kiến lưu. Bè lớn là tám đạo phẩm của Hiền Thánh.

Thế nào là tám?

Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh phương tiện, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm, chánh định. Ðó là tám đạo phẩm Hiền Thánh. Muốn vượt qua nước là sức quyền phương tiện tinh tấn khéo léo.

Bờ này là thân tà.

Bờ kia là diệt thân tà.

Bờ này là nước Vua A Xà Thế.

Bờ kia là nước Vua Tỳ Sa.

Bờ này là cõi nước Ba Tuần.

Bờ kia là cảnh giới Như Lai.

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc cùng với chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người.

Lúc ấy trong thành Xá Vệ có một Ưu Bà Tắc vừa mạng chung và lại sanh trong nhà đại Trưởng Giả tại thành Xá Vệ.

Vị phu nhân lớn nhất mang thai. Thế Tôn dùng thiên nhãn thanh tịnh không tỳ vết để xem, thấy Ưu Bà Tắc này sanh trong nhà Trưởng Giả giàu nhất thành Xá Vệ.

Ngay ngày đó lại có Phạm Chí thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục. Thế Tôn cũng dùng thiên nhãn xem thấy.

Cũng ngay ngày đó, Trưởng Giả Cấp Cô Ðộc mạng chung, sanh cõi thiện, lên Trời. Thế Tôn cũng dùng thiên nhãn xem thấy.

Ngay ngày đó có một Tỳ Kheo diệt độ. Thế Tôn cũng dùng thiên nhãn xem thấy.

Bấy giờ Thế Tôn thấy bốn việc này rồi, liền nói kệ này:

Nếu người thọ bào thai,

Hạnh ác vào địa ngục,

Người lành sanh lên Trời,

Vô lậu nhập Niết Bàn.

Nay người hiền thọ sanh,

Phạm Chí vào địa ngục,

Tu Đạt sanh lên Trời,

Tỳ Kheo thì diệt độ.

Bấy giờ, Thế Tôn từ tĩnh thất dậy, đến giảng đường Phổ Tập mà ngồi, rồi Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nay có bốn việc mà nếu người hay tu hành theo thì khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh trong loài người.

Thế nào là bốn?

Nghĩa là người thân, miệng, ý, mạng thanh tịnh không tỳ vết, lúc mạng chung sẽ được sanh trong loài người.

Này Tỳ Kheo! Lại có bốn pháp mà nếu người tu tập, hành theo thì sẽ vào trong địa ngục.

Thế nào là bốn?

Nghĩa là thân, miệng, ý, mạng không thanh tịnh.

Ðó là, này Tỳ Kheo! Có bốn pháp này mà nếu có người thân cận thì khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào trong địa ngục.

Lại nữa, này Tỳ Kheo! Lại có bốn pháp mà nếu người tu tập hành theo thì sẽ sanh cõi lành, lên Trời.

Thế nào là bốn?

Bố thí, nhân ái, lợi người, đồng lợi.

Ðó là, này Tỳ Kheo! Nếu có người hành bốn pháp này thì khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cõi lành, lên Trời.

Lại nữa, này Tỳ Kheo! Lại có bốn pháp mà nếu có người tu hành theo thì thân hoại mạng chung sẽ dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí huệ giải thoát, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh nữa, như thật mà biết.

Thế nào là bốn?

Thiền có giác, có quán.

Thiền không giác, không quán.

Thiền xả niệm.

Thiền khổ vui diệt.

Ðó là, này Tỳ Kheo! Có bốn pháp này. Nếu có người tu tập thực hành theo đó thì sẽ dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh nữa, như thật mà biết.

Thế nên, các Tỳ Kheo! Nếu có người Vọng tộc trong bốn bộ chúng, muốn sanh trong loài người thì hãy tìm phương tiện hành thân, miệng, ý, mạng thanh tịnh.

Nếu muốn được sanh Cõi Trời, cũng hãy tìm phương tiện hành tứ ân. Nếu muốn được hết hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí huệ giải thoát, cũng hãy tìm phương tiện hành Tứ Thiền. Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này. 

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường