Phật Thuyết Kinh Thành Cụ Quang Minh định ý - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Diệu, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH

THÀNH CỤ QUANG MINH ĐỊNH Ý

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Diệu, Đời Hậu Hán  

PHẦN HAI  

Thế nào gọi là trì giới rộng lớn?

Trì giới rộng lớn, nghĩa là có thể hộ trì ba nghiệp của thân, giữ bốn lỗi của miệng, kiểm soát ba ác của ý.

Sự tu hành của thân là: Nếu thấy tất cả chúng sinh bò, đi, cựa quậy thì phải thương xót, nuôi cho chúng sống, tùy nơi sống của chúng ở dưới nước hay ở đất liền mà nên đem chúng trở lại khiến chúng an ổn, nếu thấy những loại như châu báu quý giá, những vật mềm mại mịn màng đáng ưa, tuy thân bần cùng khốn khổ nhưng vẫn chế ngự tâm mình không tham mà lấy và thấy đồ trang sức phấn sáp đẹp đẽ thì phải quán sát bên trong nhơ uế thối rữa, mủ máu hôi hám, đây là ba giới của thân.

Sự tu hành về miệng là: Nếu người khác đem bốn lỗi về mình thì nên biết rõ đó là bốn lỗi của miệng, phải dùng lời nói thiện, nhu hòa để nói lại, chí thành không trau chuốt, đáp lại để giáo hóa họ khiến người ấy trở lại theo mình. Đây là bốn giới của miệng.

Sự tu hành về ý là: Tâm chứa nhóm trí tuệ, tư duy sinh tử, luôn an trụ nơi trí tuệ, không bị mê hoặc theo các lưu, lại có thể hội nhập đạo phẩm cốt lõi của không, vô. Phân biệt rõ chân thực thô tháo, không hề nghi ngờ, thấy điều thiện thì khuyến khích, thấy thành tựu thì cùng hoan hỷ.

Đây là ba giới của ý, cho nên, lúc mới hành đạo, trước tiên phải tự mình thực hành mười giới, lại chỉ bảo cho người khác siêng năng không hề biếng nhác, thực hành không nghỉ ngơi, không có ý tưởng mỏi mệt. Đó gọi là trì giới rộng lớn.

Thế nào là nhẫn rộng lớn?

Nhẫn rộng lớn, nghĩa là nếu người mắng ta nên xét tiếng từ âm thanh mà có, quán như vậy, thấy rõ không hình tướng: Vốn từ âm thanh mà có, phát ra từ tâm ý, quán tâm ý cũng không có hình tướng, quán sát nơi tâm nương tựa đó là bốn đại, bốn đại trở về gốc thì cũng chẳng có tên gọi, cũng chẳng phải người, ta.

Cũng chẳng phải nam nữ, cũng không già trẻ, xét rõ thấy không chủ thể, sự tủi nhục hiện tại không hình tướng, do văn tự lập ra, trong hai loại hay không có cũng cùng không hình tướng, xét điều thứ ba này, không cũng chẳng thật có, người trí dùng ý quán sát như vậy thì không khởi sân hận, do rỗng không nên nhẫn cũng không.

Lại đối với các ác nhẫn nhục không làm, đối diện cũng chẳng khởi, kiểm soát tâm, hàng phục ý, thân tự có khả năng làm như vậy, lại chỉ bảo cho người khác. Đây là nhẫn rộng lớn.

Thế nào là tinh tấn rộng lớn?

Nên giảm bớt ăn, không nếm mùi vị, trừ bỏ ngủ nghỉ, đêm ngày tỉnh ý, xa thế tục, gần gũi đạo, giữ gìn các giới, đứng ngồi đúng pháp, không mất oai nghi, không phạm các hạnh, nên tu tập theo cốt lõi đạo pháp, miệt mài tụng niệm, ngày thì siêng nghe pháp, đêm thì luôn kinh hành, lời nói đúng luật.

Thân, miệng, ý luôn nương theo và nghĩ nhớ đến pháp, không lìa bỏ kinh văn, lúc giảng pháp thì ý không phiền não, giáo hóa người tối tăm không hề biếng nhác, tâm chẳng trái ý, tự mình chuyên cần, tự thân thực hành, lại còn chỉ bảo người khác đó là tinh tấn rộng lớn.

Thế nào là nhất tâm rộng lớn?

Hiếu với cha mẹ mà nhất tâm, tôn kính thầy bạn mà nhất tâm, đoạn trừ ái, xa lìa thế tục mà nhất tâm, thể nhập ba mươi bảy phẩm mà nhất tâm, rỗng lặng tịch tĩnh mà nhất tâm, ở nơi phiền não loạn động mà nhất tâm, nhiều tham dục, nhiều tranh cãi, nhiều tạo tác, nhiều phiền não…

Ở những nơi như vậy mà nhất tâm. Đối với các việc khen chê, được mất, thiện ác không dao động mà nhất tâm, đếm hơi thở thể nhập thiền, xả bỏ sáu tụ thanh tịnh mà nhất tâm, tự mình làm lại bảo người khác làm. Đây là nhất tâm rộng lớn.

Thế nào là trí tuệ rộng lớn?

Bồ Tát tùy sự thọ nhận nơi thân mà có sự nhơ uế của ba thọ, sáu tai họa, năm sự ngăn che, sáu mươi hai tưởng chìm đắm, tám mươi tám nạn trói buộc, một ngàn tám trăm loại bệnh tật.

Đối với những điều này, dùng trí tuệ khai mở hết, quán sát sự sinh khởi và đoạn diệt của chúng, xem rõ bệnh ấy nên cho thuốc gì, đã nắm giữ hết những điều cốt yếu khiến thân không phá giới, ý không theo thế gian, ở trong sự kính yêu của mọi người, tâm an trụ trong kho tàng của đạo, tuy nương nhờ vào nhà sáu loại tai họa nhưng tâm ở nơi nhà sáu điều thanh tịnh. Tuy ở nhà năm ngăn che nhưng tâm ở nhà đọan diệt.

Tuy nương vào nhà không kiên cố nhưng tâm luôn hộ trì phương tiện, ngồi nơi đất rắn rít nhưng tâm luôn ngay thẳng, xả bỏ. Nương thuyền bè hiểm trở nhưng tâm tự biết nẻo cứu giúp, gần rừng lửa lớn nhưng tâm an ổn dập tắp lửa. Đó là bậc Bồ Tát dùng trí tuệ làm phương tiện nhổ sạch nạn sinh tử, chấm dứt tưởng ba cõi đến được đất diệt độ, tự mình làm lại chỉ bảo người khác làm.

Đây là trí tuệ rộng lớn, là nghĩa của hạnh sáu đức vậy. Vừa rồi ông hỏi về đức thần biến và vô lượng tướng tốt của Như Lai, thì ta nhờ đây mà đạt được. Thực hành sáu pháp này và các tuệ, định, ba mươi bảy phẩm thì nắm giữ vô biên hạnh căn bản, được chứng qủa vị Phật, hiệu là Thiên Tôn, không có gì không làm được.

Bấy giờ, Thiện Minh và chúng hội nghe Đức Phật giảng xong, đều thưa: Chúng con nguyện phát tâm Vô thượng độc tôn bình đẳng. Hôm nay chúng con được phước lớn khiến cho tất cả mọi người đều mau được hạnh này.

Khi ấy, Thiện Minh đạt được bốn pháp thanh tịnh: Một là mắt thanh tịnh, hai là thân thanh tịnh, ba là miệng thanh tịnh, bốn là ý thanh tịnh, liền im lặng cúi đầu tư duy ý nghĩa pháp này.

Bấy giờ, Thiện Minh lui một bên, quỳ gối thưa: Bạch Thế Tôn! Đấng Thiên Tôn đã giảng nói pháp Ba La Mật rộng lớn, các giới pháp vi diệu, giữ gìn ý, hàng phục tâm, diệt sạch các cấu bẩn, những ai nghe được pháp này, công đức rất lớn, huống là thực hành thì công đức khó lường xét được.

Đức Như Lai lại nói: Thuở trước, Như Lai chẳng phải chỉ thực hành sáu pháp này thôi đâu, lại còn thực hành pháp định ý và nắm giữ ba mươi bảy pháp không ngăn mé mới được thành tựu đầy đủ Phật sự, bốn vô sở úy, mười lực, mười tám thần thông vi diệu cùng các pháp đặc biệt khác, biến hóa tự tại, thuyết giảng trôi chảy, được gặp Chư Phật.

bay đến mười phương, thọ ký cho tất cả, những người chưa hóa độ thì được hóa độ, phá tan tà kiến, dẫn dắt người mê loạn, nếu sinh ra phải chịu khổ thì không chấp giữ, không đoạn trừ, dùng sự không chấp giữ, không đoạn trừ này làm nhân duyên hành hóa, dạy bảo các người mê hoặc.

Thiện Minh thưa: Các đức vi diệu và vô số việc như vậy, Như Lai tu hành định ý gì mà đạt được?

Cúi xin Đấng Thiên Tôn vì chúng sinh đời hiện tại và vị lai mà giảng nói ý nghĩa sâu xa này, khiến chúng sinh được giải thoát.

Đức Phật bảo: Lành thay, lành thay! Điều ông muốn hỏi, nay Như Lai sẽ phân biệt giảng nói đầy đủ nghĩa cốt yếu cho ông, ông hãy chú ý lắng nghe.

Thiện Minh thưa: Con xin nghe nhận.

Đức Phật nói: Có pháp định ý tên là Thành cụ quang minh, ở thế gian nếu có người thực hành từ một ngày đến bảy ngày thì phước đức không thể ví dụ.

Những ai nghe được pháp này, đời trước đã cúng dường trăm ngàn ức Đức Phật, người ấy ngồi nghe đầy đủ, không hề nghi ngờ, đời này mới được gặp lại pháp Thành cụ quang minh này và được tu hành hạnh ấy, trong khoảng khảy móng tay, xa lìa hẳn ba đường ác, công đức dần dần viên mãn mới mau chóng thành Phật, những việc ông hỏi vừa rồi đều có thể thành tựu đầy đủ.

Thiện Minh thưa: Phải thực hành bao nhiêu việc mới đạt được định ý tôn quý này?

Đức Phật nói: Nên thực hành một trăm ba mươi lăm việc thanh tịnh mới đạt được định này: Xa lìa sự tạo tác của thân, lìa bỏ lỗi của miệng, trừ nhớ nghĩ của ý, diệt sạch ba nhơ uế, xa sáu tai họa, ngăn ngừa năm ngăn che, phá tan mười hai nhân duyên, mở oán kết và sáu mươi hai kiến chấp, khỏi hẳn các bệnh, vui với các phiền não.

Bỏ các việc to lớn, bỏ thân thể, lìa thân thuộc, dứt các tập, đoạn các ái, không có gì để làm, chẳng có gì không thể làm, chẻ tham lam, cắt rễ dục, không mê theo các lưu, có thể ngăn bệnh tật, không chấp ngã, chẳng phải không ngã, lập bốn đức tin, trụ bốn Niệm xứ.

Thành tựu bốn chánh cần, gieo trồng năm căn, chứa nhóm năm lực, thông đạt bảy trí, tu hành tám chánh, thể nhập tám niệm, tám tinh tấn đều là không, siêng năng tu tập, xa lìa điều không thể thực hành, học trí cao thượng, tự tôn kính ý, không cống cao, luôn nhu nhuyến, rưới mưa pháp, như một pháp không chấp là hai, không có ba tưởng.

Không khởi tưởng không lợi ích, tưởng không bờ mé, tưởng chẳng phải không, tưởng chẳng phải tưởng, tưởng không có nơi chốn, chẳng trụ tưởng không nơi chốn, khéo tư duy đến Phật, biết Phật là thanh tịnh, biết thanh tịnh rồi nên khéo học, tâm an trụ chân chánh, không quay về tà, bình đẳng với thiện ác.

Sáng giống như tối, đối với sáng và tối biết đều là không, không nghi ngờ pháp, không cho là có thanh tịnh hay là không, quán có không vốn là một, đã biết một thì trừ một, không đối với một mà khởi tưởng, siêng lắng nghe, khéo tu tập, nhờ tu tập mà thể nhập không bờ mé, chứa nhóm ý thù thắng, chẳng nghe theo tâm, khéo phòng hộ thức không loạn động.

Qua lại ba cõi mà không chấp thủ, quán sát các tánh, thông đạt là không có nguồn gốc, biết không có nguồn gốc thì không cho là đủ, dùng sự không đầy đủ để tự thức tỉnh, quán các pháp đồng với không, thường trụ nơi không chấm dứt, không tưởng, pháp thường, vô thường là tối thượng, không nghĩ nhân, không dễ dãi với thế gian.

Không đắm trước các vật, xả bỏ mong cầu, biết rõ pháp hội họp, xa lìa, không chấp giữ, thân tan rã đều do sự dời đổi. Biết pháp thượng, trung, hạ là bình đẳng, đời này và đời sau quán hai nhân như hư không, tâm không tham dục, luôn nhân từ, tu hành thanh tịnh, khéo dẫn dắt người, biết người hướng đến sự nhơ uế.

Đối với sự nhơ uế phải lắng cho trong sạch, tâm xa lìa ái, có thể nhảy vào lửa, dùng lửa thanh tịnh để đốt các nhơ uế, đã trừ sạch nhơ uế thì thanh tịnh rỗng rang, không nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, không xét xấu, chẳng xét tốt, không nghĩ khổ, chẳng nghĩ vui, đối với khen chê không mừng giận, tâm thể nhập thanh tịnh, mở kho tàng lớn.

Nhập vào Đại pháp dùng đạo lực hộ trì pháp, quán sát khổ, tập để siêng năng tu hành, dùng diệt, đạo làm ánh sáng để thấy sự dấy khởi của tất cả tánh thức, trừ hết kết sử tối tăm, ý ngừng tư duy, siêng cầu chánh niệm để thể nhập đạo, trừ sạch ba ái, bỏ bốn mất, tăng bốn thành, lìa năm ngăn che, chấm dứt sáu mạn, tu sáu hòa kính.

Đầy đủ sáu pháp chứng, thực hành bảy tuệ, tăng cường tám năng lực, nhổ chín kết sử, chứa nhóm chín diệt, có khả năng thanh tịnh mười thệ nguyện lớn, trang bị đủ mười lực trí tuệ rồi, không học lại mười pháp ngay thẳng, thường giữ gìn gieo trồng pháp tuệ, tôn kính Tam Bảo.

Dùng pháp thí không cùng tận, đối với các pháp có thể thực hành đầy đủ, thể nhập không vướng mắc, hội nhập không, chẳng biếng nhác, bỏ ý niệm không có ngã, tưởng không có ngã, chấp không có nhân, không lường xét, tịch tĩnh như diệt độ.

Đó là một trăm ba mươi lăm pháp thực hành để thành tựu định ý thành cụ quang minh.

Khi Đức Phật giảng nói giới pháp định ý thành cụ quang minh này, ba mươi vạn Bồ Tát đạt được đầy đủ công đức của định ý này, kiến lập địa thứ mười.

Thiện Minh chứng đắc pháp nhẫn vô sinh, năm trăm người cùng đi tâm rất vui mừng đều phát tâm vô thượng độc tôn bình đẳng, bốn mươi vạn Bồ Tát đều an trụ hạnh không thoái chuyển, năm vạn người đã diệt trừ điều ác đều chứng đạo Vô sở trước, cư sĩ, nữ cư sĩ giữ năm giới gồm hai ngàn người đều đạt được quả vị Tu Đà Hoàn.

Chư Thiên ở giữa hư không trổi âm nhạc khen ngợi: Lành thay! Chúng sinh ở thế gian đạt được pháp cốt yếu tối thượng, những ai ở trong tối tăm, nhơ uế hôm nay đều được mau chóng trừ sạch, như nước sạch rửa nhơ uế, nay nghe được pháp lớn, tâm ô nhiễm tiêu trừ, nguyện khiến bánh xe pháp thường vận chuyển, khiến cho tất cả mau đạt được tuệ vi diệu.

Chúng con thường gặp Đấng Thiên Tôn, khởi tâm chẳng xa lìa, mau đạt được định ý Thành cụ quang minh, sẽ giảng nói trong giáo pháp rộng khắp, chiếu soi nơi tăm tối, như hôm nay trong đại hội này đã kiến lập vô số nguồn gốc đạo.

Thiện Minh bạch Phật.

Hôm nay, được nghe Đấng Thiên Tôn Giảng định ý này, tự tâm con thanh tịnh quán sát, con không có tâm thông tuệ nên không biết rõ nơi nào, đối với con bên trong bên ngoài cũng đều như vậy.

Đức Phật bảo: Này Thiện Minh! Ví như căn nhà tối, cầm ngọn đuốc vào thì không thể biết bóng tối đi đâu, nếu có thể thực hành trọng vẹn pháp định ý này thì cũng không thể biết, không thể rõ sự biến mất của mười hai nhân duyên.

Này Thiện Minh! Chẳng phải chỉ như vậy mà thôi, còn không thể thấy xứ sở của sự khởi diệt sinh tử khắp mười phương, cho đến Tu Đà Hoàn, La Hán, Duyên Giác, Phật, đến cả Như Lai đều không thấy có tưởng, thấy hay chẳng phải thấy vậy, do không có đối tượng để tưởng, tất cả tưởng thanh tịnh, dừng ở tưởng thanh tịnh cũng chẳng dừng ở tưởng thanh tịnh. Đó là cái thấy rỗng không, không có đối tượng để thấy.

Thiện Minh thưa: Bạch Đấng Thiên Tôn! Thế nào là không dừng ở tưởng thanh tịnh là thấy rỗng không, lúc này tâm ở đâu, đối tượng thấy thế nào?

Đức Phật nói: Này Thiện Minh! Bấy giờ tâm không ở trong cũng chẳng ở ngoài, không phải đạo cũng chẳng là thế tục, không có cũng chẳng không, không khởi không diệt, cũng chẳng ở nơi sự lay động.

Tâm này không nguồn gốc, giới hạn, không tiếng vang, rõ hết gốc ngọn, nên thấy như vậy, thấy vậy chính là thấy, là rỗng không, là diệt, pháp định ý đều là không thật có, nhờ sự thấy này mà Bồ Tát nên quán sát niệm, trừ ý niệm thì thanh tịnh.

Quán sát ý niệm này rồi chính là thành tựu giáo pháp định ý thành cụ quang minh vậy. Pháp này không thể nắm giữ, hàng Bồ Tát nghe được tên pháp này chớ sợ, chớ nghi, nên tư duy chân thật pháp này, không thoái lui, không biếng nhác, đây là được năng lực oai thần của định ý này hộ trì.

Này Thiện Minh! Những ai muốn học pháp này nên làm bốn việc thì thể nhập vào nẻo không còn kiến chấp.

Những gì là bốn?

1. Không có thân.

2. Không có nhà cửa.

3. Không có thế gian.

4. Không có của cải.

Những ai có thể làm như vậy thì được thể nhập bốn điều cốt yếu.

Những gì là bốn điều cốt yếu?

1. Cốt yếu về Phật.

2. Cốt yếu về Pháp.

3. Cốt yếu về không.

4. Cốt yếu về diệt.

Đó là bốn điều cốt yếu.

Khi ấy, Đức Phật khen ngợi:

Không người, không ngã tưởng

Cũng chẳng không thông tuệ

Không chấp mười hai nhân

Đó là thành tựu định.

Pháp định này vốn không

Chẳng có nơi kiến lập

Thương đời hiện tên gọi

Rỗng lặng hợp oai nghi

Tâm người và ý thức

Khởi ba pháp như vậy

Thực hành, thành định ý

Không khởi cũng chẳng diệt.

Rỗng không, thành tựu địa

Đoạn trừ khổ sinh tử

Thảy không còn dấu vết

Là hợp tu định ý.

Chúng sinh nương tướng chuyển

Tà kiến chấp danh pháp

Tham cầu lợi, tưởng thường

Trói buộc vô số kiếp.

Tu hành thường ngăn ngại

Lo buồn, ý mê hoặc

Bốn biến như hình bóng

Qua lại chưa hề dừng.

Tu định không chỗ nương

Quán chánh, không chấp dạnh

Tham tưởng diệt, được diệt

Bỏ trói buộc, an tịnh.

Tu tịnh, chẳng mê hoặc

Phiền não, biết là không

Chấm dứt sinh, già, bệnh

Không còn khởi lo buồn.

Mắt tuệ đã sáng rỡ

Trí vốn không giới hạn

Thông tuệ, đến bờ kia

Tu định, được như vậy.

Trăng sao sáng ở đời

Mặt Trời chiếu côn lôn

Và cung điện Thích, Phạm

Định này sáng hơn thế.

Đức Phật bảo Thiện Minh: Thuở xưa, cách đây vô số kiếp, có Đức Phật hiệu là Tôn Phục Dục Vương, Đức Phật sống lâu mười vạn năm, chẳng phải ở phía Nam nước Thiên Trúc này, mà chỗ Đức Phật ấy cư trú là Trời Tịnh Diệu, phương Bắc ngày nay. Cõi nước đó cách đây ba vạn ức Cõi Phật.

Lúc Đức Phật Tôn Phục Dục Vương trụ thế, dân chúng sống lâu hai vạn năm, Đức Phật luôn có sáu mươi vạn đệ tử, chúng Bồ Tát không thể tính kể, dân chúng an lạc, cùng nhau tu giới đức và hạnh Hiền Thánh vì muốn giảm bớt ba điều nhơ uế.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần