Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Chín - Phẩm Chăn Trâu - Phần Ba

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BỐN MƯƠI CHÍN

PHẨM CHĂN TRÂU  

PHẦN BA  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở tại thành La Duyệt, Vườn Trúc Ca Lan Đà, cùng với chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người câu hội. Bấy giờ, trong thành La Duyệt có một Phạm Chí tên Thí La, biết đủ các kỹ thuật, tất cả các Kinh Điển của ngoại đạo dị học, Thiên văn địa lý, thảy đều quán triệt.

Phạm Chí là thầy dạy học cho năm trăm Đồng Tử Phạm Chí. Trong thành ấy lại có một Phạm Chí dị học tên Sí Ninh, hiểu biết rộng, là người được Vua Tần Bà Sa La kính mến, thường tùy thời cung cấp cho đồ cần dùng.

Khi ấy, danh tiếng Như Lai lan rộng khắp nơi. Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, độ người vô lượng, xuất hiện ở đời.

Khi đó, Phạm Chí Sí Ninh khởi ý nghĩ rằng: Danh Hiệu Như Lai rất khó được nghe đến, nay ta muốn đến gần gũi, lễ bái, thăm hỏi Ngài.

Phạm Chí Sí Ninh liền đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên.

Phạm Chí bạch Phật: Sa Môn Cù Đàm thuộc chủng tộc nào?

Phật đáp: Ta thuộc chủng tộc Sát Lợi.

Phạm Chí hỏi: Các Bà La Môn có luận thuyết này: Chủng tộc của ta rất tôn quý, không ai hơn, hoặc nói là dòng họ trắng, hoặc nói dòng họ đen.

Bà La Môn tự xưng rằng: Ta từ Tam Thiên Đại Thiên sanh ra.

Nay Sa Môn Cù Đàm có những thuyết gì?

Phật bảo: Phạm Chí nên biết, nếu có cưới xin, giá thú mới tìm dòng hào quý. Còn trong chánh pháp của ta, không có vấn đề danh tánh cao thấp, phải quấy.

Phạm Chí lại hỏi: Cù Đàm! Thế nào là nơi sanh thanh tịnh, sau mới được pháp thanh tịnh?

Phật bảo Phạm Chí: Ông dùng vấn đề nơi thanh tịnh, pháp thanh tịnh để làm gì?

Phạm Chí lại nói:

Các Bà La Môn đều bàn luận thế này: Dòng họ ta rất tôn quý không ai hơn, hoặc nói là dòng trắng, hoặc nói dòng đen. Bà La Môn tự xưng là do Tam Thiên Đại Thiên sanh ra.

Phật bảo Phạm Chí: Nếu có cô gái dòng Sát Lợi về làm vợ gia đình Bà La Môn, giả sử sanh con trai sẽ theo họ gì?

Phạm Chí đáp: Nó sẽ thuộc dòng Bà La Môn.

Vì sao?

Do người cha mới có đứa bé ấy.

Phật bảo: Nếu cô gái dòng Bà La Môn kết hôn với dòng Sát Lợi, sanh con trai sẽ theo họ ai?

Phạm Chí đáp: Ðứa bé sẽ thuộc về dòng Sát Lợi.

Vì sao?

Do người cha mới có đứa con ấy.

Phật bảo Phạm Chí: Ông nên suy nghĩ kỹ, sau hãy đáp lời Ta. Hôm nay lời của ông trước sau không hợp nhau.

Thế nào, này Phạm Chí, giả sử có lừa cái theo ngựa, sau sanh con, sẽ gọi là ngựa, là lừa?

Phạm Chí đáp: Loại đó nên gọi là lừa ngựa.

Vì sao?

Do di thể của lừa nên có con vật ấy.

Phật bảo Phạm Chí: Ông nên suy nghĩ kỹ, sau hãy trả lời ta. Nay lời của ông, trước sau không tương ưng. Trước ông nói con gái dòng Sát Lợi kết hôn dòng Bà La Môn, nếu sanh con bèn mang dòng Bà La Môn.

Nay lừa cái theo ngựa sanh con, mà gọi là lừa ngựa, không phải trái với lời nói trước sao?

Lại, này Phạm Chí! Nếu ngựa theo lừa, sanh con sẽ gọi là gì?

Phạm Chí đáp: Nên gọi là ngựa lừa.

Phật bảo: Thế nào, Phạm Chí, ngựa lừa và lừa ngựa có khác gì?

Nếu có người nói châu báu một hộc, và người nói một hộc châu báu, hai nghĩa ấy có khác nhau chăng?

Phạm Chí đáp: Ðó là một nghĩa.

Vì sao?

Một hộc châu báu và châu báu một hộc, ý nghĩa không khác.

Phật bảo Phạm Chí: Tại sao ngựa lừa và lừa ngựa lại không phải một nghĩa?

Phạm Chí đáp: Nay Sa Môn Cù Đàm tuy nói như thế, song Bà La Môn tự khen rằng: Dòng họ ta rất tôn quý không ai hơn.

Phật bảo Phạm Chí: Trước ông khen ngợi người mẹ, sau lại khen ngợi người cha. Nếu cha cũng dòng Bà La Môn, mẹ cũng dòng Bà La Môn, sau sanh hai người con, Một người giỏi nhiều kỹ thuật, không việc gì không biết, người thứ hai lại không biết gì cả.

Khi đó cha mẹ thương mến người nào?

Thương mến người con có trí tuệ, hay thương mến người con không biết gì?

Phạm Chí đáp: Cha mẹ ấy nên thương mến người thông minh cao đức, không nên thương mến người không có trí.

Vì sao vậy?

Nay người con việc gì cũng biết, việc gì cũng giỏi, nên thương người đó, không nên thương người con vô trí.

Phật bảo Phạm Chí: Nếu hai người con ấy, người thông minh lại khởi tâm làm mười việc sát sanh, trộm cắp, tà dâm v.v... người con không thông minh kia lại giữ gìn thân, miệng, ý, trong mười việc thiện đều giữ đủ, thì cha mẹ người ấy nên thương mến ai?

Phạm Chí đáp: Cha mẹ người ấy nên thương đứa con làm theo mười việc thiện.

Người làm việc bất thiện, thương mến làm gì?

Phật bảo Phạm Chí: Trước đây ông khen ngợi người đa văn, sau lại khen ngợi về giới đức. Thế nào, Phạm Chí, nếu lại có hai người con, một người có cha chuyên chánh, mẹ không chuyên chánh, một người thì cha không chuyên chánh, mẹ chuyên chánh.

Người con có mẹ chuyên chánh, cha không chuyên chánh ấy, hiểu biết nhiều, hiểu rộng các Kinh thuật. Người thứ hai cha chuyên chánh, mẹ không chuyên chánh, không học rộng chỉ giữ mười điều lành.

Vậy nên kính trọng người có cha mẹ nào?

Kính trọng người có mẹ thanh tịnh, cha không thanh tịnh?

Hay kính trọng người có cha thanh tịnh, mẹ không thanh tịnh.

Phạm Chí đáp: Nên kính trọng người con có mẹ thanh tịnh.

Vì sao?

Vì người ấy biết các Kinh Sách, giỏi rộng về kỹ thuật. Còn người thứ hai, cha thanh tịnh, mẹ không thanh tịnh, tuy giữ giới mà không trí tuệ, không đi đến đâu. Vì có đa văn ắt có giữ giới.

Phật bảo Phạm Chí: Trước ông khen ngợi cha thanh tịnh, không khen ngợi mẹ thanh tịnh. Nay lại khen ngợi mẹ thanh tịnh, không khen ngợi cha thanh tịnh. Trước ông khen ngợi đức đa văn, sau khen giữ giới. Ông lại khen về giới, sau mới nói đến đa văn.

Thế nào Phạm Chí, nếu hai người con dòng Phạm Chí ấy, người thứ nhất đa văn bác học lại thêm giữ Thập Thiện. Người thứ hai không trí tuệ và làm mười điều ác.

Vậy nên kính trọng người có cha mẹ thế nào?

Phạm Chí đáp: Nên kính trọng người có cha thanh tịnh, mẹ không thanh tịnh.

Vì sao?

Vì người ấy đọc nhiều Kinh Sách, hiểu biết các kỹ thuật, do cha thanh tịnh mà sanh con như thế, thêm giữ mười điều lành không trái phạm, đầy đủ tất cả giới đức vậy.

Phật bảo: Ông vốn nói về dòng họ, sau lại nói về sự đa văn, không nói đến dòng họ. Ông nói về giữ giới không nói về đa văn, rồi lại nói về đa văn không nói về giới.

Nay ông khen ngợi về cha mẹ, về văn và giới, há không trái với lời nói trước ư?

Phạm Chí bạch Phật:

Sa Môn Cù Đàm tuy nói lời như thế, nhưng dòng Bà La Môn tự xưng rằng: Dòng học của ta rất tôn quý không ai hơn.

Phật bảo: Những nơi cần kết hôn, ắt bàn luận về dòng họ.

Song trong pháp Ta không có nghĩa này, ông có nghe nói về những người ở biên giới, các nơi xa và biên địa khác không?

Phạm Chí đáp: Vâng, tôi có nghe những người như thế.

Phật bảo: Nhân dân ở các nơi ấy có hai hạng.

Thế nào là hai?

Một là người, hai là tôi tớ. Hai hạng này cũng không nhất định.

Lại hỏi: Như thế nào là không nhất định?

Phật bảo: Hoặc khi làm người, sau lại làm tôi tớ. Hoặc làm tôi tớ, sau lại làm người. Song loài chúng sanh, thảy đồng một loại, không có nhiều hạng.

Lại thế này, Phạm Chí! Khi Trời Đất bị hủy hoại, thế gian đều trống rỗng, lúc ấy núi sông, đất đá, cỏ cây đều bị thiêu hủy hết thảy, người cũng chết. Khi Trời Đất sắp thành lập, chưa có phân chia ngày giờ năm tháng.

Bấy giờ, Chư Thiên ở Cõi Trời Quang Âm đến chỗ này. Lúc đó, Chư Thiên Trời Quang Âm phước đức tiêu hết, không còn ánh sáng, dần dần nhìn nhau, khởi lên dục tưởng.

Dục ý nhiều bèn thành người nữ, dục ý ít thành người nam, họ dần dần giao hợp bèn có bào thai. Do nhân duyên ấy nên có người ban đầu, chuyển sanh bốn dòng họ khắp trong thiên hạ. Do việc ấy nên biết, mọi người đều phát xuất từ dòng Sát Lợi.

Bấy giờ, Phạm Chí bạch Phật: Hãy thôi, thưa Cù Đàm! Như người gù được thẳng lưng, người mù được sáng mắt, người đui tối được thấy ánh sáng. Sa Môn Cù Đàm cũng lại như vậy, dùng vô số phương tiện vì tôi thuyết pháp. Nay tôi tự quy y với Sa Môn Cù Đàm, xin vì tôi nói pháp, cho phép được làm Ưu Bà Tắc.

Phạm Chí lại bạch Phật: Cúi xin Như Lai, nhận lời thỉnh của con, cùng chúng Tỳ Kheo đến nhà con. Thế Tôn im lặng nhận lời, Phám chí thấy Phật im lặng nhận lời thỉnh, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ chân Phật rồi lui ra.

Phạm Chí về nhà, sắm sửa các thức ăn uống đầy đủ, trải các sàng tọa, rưới nước thơm trên đất và tự nói rằng: Ðức Như Lai sẽ ngồi chỗ này.

Bấy giờ Phạm Chí Thí La dẫn năm trăm Đồng Tử đến nhà Phạm Chí Sí Ninh, xa thấy nhà ấy trải nệm ghế tốt, thấy rồi bèn hỏi Phạm Chí Sí Ninh: Hôm nay ông định làm lễ cưới gả cho con hay mời Vua Tần Bà La Sa đến nhà?

Phạm Chí Sí Ninh đáp: Tôi không mời Vua Tần Bà Sa La cũng không có việc cưới gả.

Hôm nay tôi muốn làm phước nghiệp lớn.

Phạm Chí Thí La hỏi: Xin được nghe ý ấy.

Ðịnh làm phước nghiệp gì?

Bấy giờ, Phạm Chí Sí Ninh trịch bày vai phải, quỳ gối chấp tay bạch Thế Tôn, tự xưng tên họ.

Phạm Chí Sí Ninh bảo Phạm Chí Thí La rằng: Thí La nên biết, có người dòng họ Thích xuất gia học đạo, thành bậc Ðẳng Chánh Giác Chí Chân Vô Thượng. Nay tôi thỉnh Phật và Tỳ Kheo Tăng, cho nên sửa soạn đầy đủ chỗ ngồi như vậy.

Phạm Chí Thí La nói: Ông nói về Phật đấy ư?

Nay tôi nói về Phật.

Thí la lại nói: Thật lạ kỳ! Thật đặc biệt! Hôm nay tôi mới nghe đến âm thanh Phật.

Như Lai hiện giờ ở đâu?

Tôi muốn được gặp.

Sí ninh đáp: Hiện ở ngoài thành La Duyệt, trong Vườn Trúc, cùng với năm trăm đệ tử.

Nếu ông muốn gặp, nên biết đúng thời.

Lúc ấy, Phạm Chí Thí La bền dẫn năm trăm Đồng Tử đi đến chỗ Phật, đến rồi nói lời chào hỏi lui ngồi một bên.

Phạm Chí Thí La bèn khởi nghĩ: Sa Môn Cù Đàm rất đoan chánh, thân tướng sắc vàng.

Trong Kinh Điển của chúng ta cũng có ghi rằng: Như Lai ra đời thật rất khó gặp, như hoa Ưu Đàm Bát đúng thời mới xuất hiện. Nếu thành tựu ba mươi hai tướng, và tám mươi vẻ đẹp, sẽ có hai trường hợp.

Nếu ở nhà sẽ là bậc Chuyển Luân Thánh Vương, đầy đủ bảy thứ báu. Nếu xuất gia sẽ thành đạo Vô Thượng, là bậc cứu giúp ba cõi. Nay ta muốn nhìn thấy ba mươi hai tướng của Phật.

Bấy giờ, Phạm Chí chỉ thấy được ba mươi tướng, còn hai tướng nữa không thấy, liền sanh nghi ngờ, do dự, vì không thấy được tướng lưỡi rộng dài và tướng mã âm tàng của Phật.

Phạm Chí bèn dùng kệ hỏi:

Tôi nghe có ba hai,

Tướng tốt bậc Ðại Nhân,

Nay không thấy hai tướng,

Rốt cuộc ở chỗ nào?

Mã âm tàng trong sạch,

Tướng ấy khó thí dụ,

Có tướng lưỡi rộng dài,

Trùm khắp tai, mặt chăng?

Xin hiện tướng lưỡi dài,

Khiến tôi không nghi ngờ.

Lại khiến tôi được thấy,

Trọn không kết lưới nghi.

Bấy giờ, Thế Tôn bèn đưa lưỡi liếm lỗ tai bên mặt và bên trái rồi thâu vào. Và Ngài liền nhập chánh định, khiến Phạm Chí ấy thấy được tướng mã âm tàng. Khi Phạm Chí thấy Phật đủ ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp thì vui mừng phấn khởi không thể tự kiềm.

Phạm Chí Thí La bạch Phật: Nay tôi là Bà La Môn, Sa Môn dòng Sát Lợi, song Sa Môn hay Bà La Môn đều một đạo, cầu một giải thoát.

Sa Môn chấp nhận chúng ta đồng một đạo chăng?

Phật bảo Phạm Chí: Ông có kiến chấp này.

Phạm Chí thưa: Tôi có kiến chấp ấy.

Phật bảo Phạm Chí: Ông nên khởi ý hướng về một giải thoát. Ðó là chánh kiến.

Phạm Chí bạch Phật: Chánh kiến tức là một giải thoát, lại có giải thoát chăng?

Thế Tôn bảo: Phạm Chí! Có giải thoát được Niết Bàn. Việc ấy có tám. Ðó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.

Này Phạm Chí, đó là Tám đạo phẩm đưa đến Niết Bàn.

Phạm Chí bạch Phật: Có chúng sanh nào biết được Tám đạo phẩm này chăng?

Phật bảo: Chẳng phải một, trăm, nghìn.

Phạm Chí nên biết! Có vô số trăm nghìn chúng sanh được biết tám đạo phẩm này.

Phạm Chí bạch Phật: Lại có chúng sanh nào không hiểu được tám đạo phẩm này chăng?

Phật bảo: Chúng sanh không hiểu điều này chẳng phải một người.

Phạm Chí bạch Phật: Có chúng sanh nào không được pháp này chăng?

Phật bảo: Có chúng sanh không được đạo này gồm mười một hạng người như thế này.

Thế nào là mười một?

Ðó là những người gian ngụy, ác ngữ, khó can gián, không biết ơn, tánh ưa ganh ghét, giết hại cha mẹ, giết A La Hán, đoạn dứt căn lành, việc lành trở lại làm ác, chấp ngã, khởi ý ác đối với Như Lai.

Phạm Chí! Ðó là mười một hạng người không thể đạt được tám đạo phẩm này. Khi Đức Phật đang nói Tám đạo phẩm, Phạm Chí ấy dứt sạch các trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh.

Bấy giờ Phạm Chí Thí La bảo năm trăm đệ tử: Các ông đều học được điều tốt, mỗi người tự tụng tập. Ta muốn ở chỗ Phật tu phạm hạnh.

Các đệ tử thưa: Chúng con cũng muốn xuất gia học đạo.

Bấy giờ, Phạm Chí và năm trăm đệ tử mỗi mỗi quỳ xuống bạch Phật: Cúi xin Thế Tôn cho chúng con xuất gia học đạo.

Phật bảo các Phạm Chí: Thiện lai Tỳ Kheo! Ở nơi Như Lai khéo tu phạm hạnh thì dần dần sẽ chấm dứt gốc khổ. Khi Phật nói lời ấy, năm trăm Phạm Chí liền thành Sa Môn. Thế Tôn dần dần vì năm trăm người giảng dạy về luận vi diệu.

Ðó là luận bố thí, trì giới, sanh Thiên, dục tưởng bất tịnh, xuất yếu là an vui. Như các pháp mà Chư Phật Thế Tôn thường dạy khổ, tập, diệt, đạo, Thế Tôn cũng vì các thầy ấy giảng nói rộng. Khi ấy, năm trăm Sa Môn vĩnh viễn dứt sạch các lậu hoặc, được pháp hơn người.

Bấy giờ, Phạm Chí Sí Ninh lại bạch: Ðến thời, xin Thế Tôn quang lâm.

Phật bảo Thí La và năm trăm Tỳ Kheo.

Các ông hãy đắp y mang dĩa.

Một nghìn vị Tỳ Kheo vây quanh, đi vào thành đến nhà Phạm Chí, lên tòa ngồi.

Phạm Chí Sí Ninh thấy năm trăm Bà La Môn đều làm Sa Môn liền bảo rằng: Lành thay các Vị! Ðiều cần yếu hướng về đạo không gì hơn việc này.

Tỳ Kheo Thí La vì Sí Ninh nói kệ:

Ngoài đây không có pháp

Hay hơn điều cần ấy,

So sánh như thế ấy,

Ðiều lành không gì hơn.

Phạm Chí Sí Ninh bạch Phật: Cúi xin Thế Tôn đợi giây lát, chính lúc này lại dọn thêm thức ăn.

Phật bảo: Các thức ăn đã xong, đúng giờ cứ đem đến, đừng sợ không đủ. Phạm Chí Sí Ninh vui mừng vô lượng, đích thân tự san sớt thức ăn cúng dường Phật và Tỳ Kheo Tăng.

Khi Thế Tôn thọ trai xong, ông dọn rửa bát, đem bao nhiêu thứ hoa rải lên Phật và Tỳ Kheo Tăng, và đến trước bạch Phật: Xin thưa Thế Tôn! Hết thảy người lớn nhỏ, nam nữ trong nhà con đều xin làm Ưu Bà Tắc.

Bấy giờ, phu nhân của Phạm Chí đang có thai, bèn bạch Phật: Con đang mang thai, không biết là nam hay nữ, cũng xin tự quy y, xin Như Lai nhận cho làm Ưu Bà Di.

Phật vì đại chúng nói pháp vi diệu, liền ngồi trên tòa, nói kệ này:

Lành thay phước báo này,

Sở nguyện ắt được quả,

Dần lên chỗ an lạc,

Trọn không lo nguy tai,

Chết được sanh lên Trời,

Cũng không thể khiến cho

Người làm phước bị tội.

Họ cũng tìm phương tiện,

Ðược trí tuệ Hiền Thánh,

Sẽ dứt sạch gốc khổ,

Xa bỏ hẳn tám nạn.

Thế Tôn nói kệ ấy rồi, rời tòa mà đi.

Bấy giờ, Phạm Chí Sí Ninh nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường