Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm Thanh Văn - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM HAI MƯƠI TÁM
PHẨM THANH VĂN
PHẦN BA
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nay có nghĩa của bốn sự quảng diễn lớn.
Thế nào là bốn?
Nghĩa là Khế Kinh, Luật, A TỲ Đàm Luận và giới. Ðó là bốn.
Tỳ Kheo nên biết!
Nếu có Tỳ Kheo từ phương Ðông đến, tụng Kinh, trì pháp, vâng hành cấm giới và nói: Tôi hay tụng Kinh, trì Pháp, vâng hành cấm giới, học rộng nghe nhiều. Thì dù cho Tỳ Kheo đó có nói gì, các thầy chẳng nên thừa nhận, chớ hết lòng tin. Các thầy giữ Tỳ Kheo ấy lại, cùng luận nghị, án pháp cùng luận.
Thế nào là án pháp cùng luận?
Nghĩa là luận về bốn quảng diễn này: Ðó là Khế Kinh, Luật, A Tỳ Đàm, và Giới. Các thầy hướng Tỳ Kheo ấy thuyết Khế Kinh, bố hiện luật, phân biệt pháp. Ngay lúc thuyết Khế Kinh, lúc bố hiện luật, phân biệt pháp, nếu người ấy bổ hiện cùng với Khế Kinh tương ưng, Luật, Pháp, tương ưng thì hãy thọ trì.
Nếu chẳng cùng Khế Kinh, Luật, A Tỳ Đàm tương ưng, hãy đáp người ấy rằng: Này Hiền Giả nên biết! Ðây chẳng phải lời Như Lai nói. Lời Hiền Giả nói chẳng phải gốc của chánh Kinh.
Vì sao thế?
Nay tôi thuyết Khế Kinh, Luật, A Tỳ Đàm đều không tương ưng với lời Hiền Giả.
Vì không tương ứng, nên hỏi giới hạnh.
Nếu không cùng giới hạnh tương ưng, hãy bảo người ấy: Ðây không phải là tạng của Như Lai. Và các thầy nên đuổi người ấy đi. Ðây gọi là căn bản nghĩa lớn của quảng diễn đầu tiên.
Lại nữa, Tỳ Kheo! Nếu có Tỳ Kheo từ phương Nam đến nói: Tôi hay tụng Kinh, trì pháp, vâng hành giới cấm, học rộng nghe nhiều. Thì dù cho Tỳ Kheo ấy có nói gì, các thầy chẳng nên thừa nhận, chẳng nên tin hết. Hãy giữ Tỳ Kheo ấy để cùng luận nghị.
Ngay cho Tỳ Kheo ấy có nói gì, nếu không cùng với nghĩa tương ưng, hãy đáp người ấy rằng: Ðây là nghĩa thuyết, chẳng phải chánh Kinh Bổn. Bấy giờ nên giữ nghĩa ấy chớ nhận Kinh Bổn.
Vì sao thế?
Vì nghĩa là nguồn để hiểu giải Kinh. Ðó là căn bản nghĩa lớn của quảng diễn thứ hai.
Lại nữa, Tỳ Kheo! Nếu có Tỳ Kheo từ phương Tây lại, tụng Kinh, trì pháp, vâng hành cấm giới, học rộng nghe nhiều. Thì các thầy hãy hướng Tỳ Kheo ấy thuyết Khế Kinh, Luật, A Tỳ Đàm.
Nhưng Tỳ Kheo ấy chính giải vị chẳng giải nghĩa, hãy bảo Tỳ Kheo ấy rằng: Chúng tôi không rõ lời này có phải của Như Lai nói hay không!
Ngay lúc thuyết Khế Kinh, Luật, A Tỳ Đàm, giải vị, không giải nghĩa. Tuy nghe Tỳ Kheo ấy nói, các thầy cũng chẳng nên khen lành, cũng chẳng nên nói ác. Lại đem giới hạnh mà hỏi. Nều cùng tương ưng, hãy tương ưng, còn nghĩa chẳng thể rõ. Ðó là nghĩa của quảng diễn thứ ba.
Lại nữa Tỳ Kheo!
Nếu có Tỳ Kheo từ phương Bắc đến, tụng Kinh, trì Pháp, vâng hành cấm giới nói: Chư Hiền có nghi nan, liền nên hỏi nghĩa, tôi sẽ nói cho các thầy. Thì Tỳ Kheo ấy có nói gì, các thầy chẳng nên thừa nhận, chẳng nên phúng tụng. Nhưng hãy hướng Tỳ Kheo ấy hỏi Khế Kinh, Luật, A Tỳ Đàm và giới. Nếu cùng tương ứng, thì các thầy nên hỏi nghĩa.
Nếu lại cùng nghĩa tương ưng, thì nên khen ngợi Tỳ Kheo ấy: Lành thay! Lành thay! Hiền Giả! Ðây thật là lời Như Lai thuyết nghĩa, không lầm lẫn, đều tương ưng với khế Kinh, luật, A Tỳ Đàm và giới. Hãy dùng pháp cúng dường, phụng sự Tỳ Kheo ấy.
Vì sao thế?
Vì Như Lai cung kính pháp vậy. Nếu có người cung kính pháp, tức cung kính Ta. Ai đã quán pháp này là đã quán Ta. Ðã có pháp thì có Ta. Ðã có pháp thì có Tỳ Kheo Tăng. Có pháp thì có bốn bộ chúng. Có pháp thì có bốn giai cấp ở đời.
Vì sao thế?
Do có pháp ở đời, trong hiền kiếp có Ðại Oai Vương ra đời, từ đây về sau liền có bốn giai cấp ở đời.
Nếu có pháp ở đời thì có bốn dòng họ ở đời: Sát Lợi, Bà La Môn, thợ thuyền và dòng Cư Sĩ. Nếu pháp có ở đời thì có ngôi Chuyển Luân Thánh Vương chẳng dứt. Nếu pháp có ở đời thì có dòng Tứ Thiên Vương, Ðâu Suất Thiên, Diễm Thiên, Hóa Tự Tại Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên liền có ở đời.
Nếu pháp có ở đời thì có Trời Dục Giới, Trời Sắc Giới, trời Vô Sắc Giới ở tại thế gian. Nếu pháp có ở đời thì có quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, quả Bích Chi phật, Phật thừa liền hiện ở đời. Thế nên, Tỳ Kheo, hãy khéo cung kính đối với pháp. Hãy nên tùy thời cúng dường các thứ cần dùng cho Tỳ Kheo ấy.
Hãy bảo Tỳ Kheo ấy rằng: Lành thay! Lành thay! Như lời ông nói. Những lời hôm nay thật là lời Như Lai nói.
Tỳ Kheo! Ðó là bốn nghĩa được quảng diễn lớn này.
Thế nên, các Tỳ Kheo! Hãy để tâm hành bốn việc này chớ có sơ sót. Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Vua Ba Tư Nặc, sáng sớm, tụ tập bốn binh chủng, cỡi xe vũ bảo đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên.
Thế Tôn hỏi Vua: Ðại Vương từ đâu đến mà bụi bặm lấm đầy người như thế?
Tụ tập bốn binh chủng có việc gì?
Vua Ba Tư Nặc bạch Thế Tôn: Nay, nước ta có giặc lớn nổi lên. Nửa đêm hôm qua, con dấy binh bắt được.
Thân thể mệt mỏi, con muốn trở về cung, nhưng giữa đường, con lại nghĩ: Ta nên đến chỗ Như Lai trước rồi sau hãy vào cung. Con do việc này mà ngủ nghỉ không yên. Nay vì có công lao dẹp giặc xong, vui mừng hớn hở không kềm được, nên đến lễ bái thăm hỏi Như Lai.
Nếu hôm qua con không dấy binh thì không bắt được giặc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo: Ðúng vậy, Ðại Vương! Như lời Vua nói.
Vua nên biết rằng: Có bốn việc trước khổ mà sau vui.
Thế nào là bốn?
Sớm mai dậy sớm, trước khổ sau vui. Nếu dùng dầu bơ, trước khổ sau vui. Nếu lúc uống thuốc, trước khổ sau vui. Gia nghiệp, cưới gả tốt đẹp, trước khổ sau vui.
Này Ðại Vương!
Ðó là có bốn việc này trước khổ mà sau vui.
Vua Ba Tư Nặc bạch Thế Tôn: Thế Tôn nói thật đúng lẽ. Có bốn gốc của việc này trước khổ sau vui.
Vì sao thế?
Như hôm nay, con xem bốn việc này như xem châu trong tay, đều là nghĩa trước khổ mà sau vui. Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho Vua Ba Tư Nặc, khiến lòng vui hoan hỉ.
Vua nghe pháp xong, bạch Thế Tôn: Việc nước bề bộn, con muốn trở về cung.
Thế Tôn bảo: Vua nên biết đúng lúc.
Vua Ba Tư Nặc bèn từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy chân Phật, đi nhiễu ba vòng rồi lui đi.
Vua đi chưa lâu, Thế Tôn liền bảo các Tỳ Kheo: Nay có bốn việc trước khổ sau vui.
Thế nào là bốn?
Tu tập phạm hạnh, trước khổ sau vui. Tụng tập Kinh Văn, trước khổ sau vui. Tọa Thiền, niệm định, trước khổ sau vui. Ðếm hơi thở ra vào, bốn việc này, trước khổ sau vui. Nếu có Tỳ Kheo hành pháp trước khổ sau vui này thì sẽ hẳn xứng đáng được quả báo vui của Sa Môn.
Thế nào là bốn?
Tỳ Kheo siêng hành pháp này, không muốn pháp ác, nhớ giữ hỷ an, tâm dạo chơi ở Sơ thiền. Ðó là được điều vui đầu tiên của Sa Môn.
Lại nữa, có giác, có quán, dừng bên trong có tâm hỷ, chuyên ròng một lòng, không giác không quán niệm giữ hỷ an, đạo ở Nhị Thiền. Ðó là được điều vui thứ hai của Sa Môn.
Lại nữa, vô niệm, dạo tâm ở xả hộ, hằng tự giác tri, biết thân có lạc, chỗ các Hiền Thánh hy vọng, bỏ niệm lạc, dạo tâm ở Tam Thiền. Ðó là được điều vui thứ ba của Sa Môn.
Lại nữa, khổ vui đã dứt, trước không có hoạn lo lắng, không khổ, không vui, xả niệm không thanh tịnh, đạo tâm ở Tứ Thiền. Ðó là có bốn điều vui này của Sa Môn.
Lại nữa, Tỳ Kheo! Nếu có Tỳ Kheo hành trước khổ, sau được quả báo bốn điều vui của Sa Môn này, dứt ba lưới kết, thành tựu Tu Đà Hoàn, không lui sụt pháp, ắt sẽ đến diệt độ.
Lại nữa, Tỳ Kheo! Nếu dứt ba kết này, dâm nộ si nhạt mỏng, thành tựu Tu Đà Hàm, trở lại đời này, ắt dứt hết mé khổ.
Lại nữa, Tỳ Kheo! Nếu có Tỳ Kheo đoạn năm hạ phần kết, thành tựu A Na Hàm, ở đó Bát Niết Bàn, không đến cõi này nữa.
Lại nữa, Tỳ Kheo! Nếu có Tỳ Kheo hữu lậu đã hết, thành vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, ở trong hiện pháp thân tác chứng mà tự du hí, sanh tử đã đứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh. Như thật mà biết. Ðó là, Tỳ Kheo ấy tu pháp trước khổ này, sau được bốn quả vui của Sa Môn.
Thế nên, các Tỳ Kheo! Hãy cầu phương tiện thành tựu pháp trước khổ mà sau vui này. Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có bốn loại người xuất hiện ở đời.
Thế nào là bốn?
Có Sa Môn tợ như hoa hoàng lam, có Sa Môn tợ hoa Phân Đà Lợi, có Sa Môn tợ như nhu nhuyến và có Sa Môn nhu nhuyến trong nhu nhuyến.
Thế nào gọi là Sa Môn tợ hoa hoàng lam?
Hoặc có một người dứt ba kiết sử, thành Tu Đà Hoàn, chẳng thối chuyển pháp ắt đến Niết Bàn, chậm nhất là trải quả bảy phen sanh tử. Hoặc lại làm bậc hướng A Na Hàm ví như hoa hoàng lam sáng búp chiều nở.
Tỳ Kheo này cũng thế, ba kiết sử dứt sạch thành Tu Đà Hoàn, chẳng thối chuyển pháp ắt đến Niết Bàn, chậm nhất là qua bảy lần sanh tử, nếu cầu phương tiện có ý dũng mãnh làm bậc hướng A Na Hàm liền thành đạo tích.
Ðó gọi là Sa Môn như hoa Hoàng Lam.
Thế nào gọi là Sa Môn hoa Phân Đà Lợi?
Hoặc có một người dứt ba kiết sử, dâm nộ si nhạt mỏng, thành Tư Đà Hàm, trở lại cõi đời này dứt hết mé khổ. Nếu người hơi chậm thì đời sau trở lại cõi này dứt hết mé khổ. Còn nếu dũng mãnh thì ngay trong đây dứt hết mé khổ. Ví như hoa Phân Đà Lợi sáng sớm nở hoa, xế chiều khô héo. Ðó là Sa Môn như hoa Phân Đà Lợi.
Thế nào là Sa Môn nhu nhuyến?
Hoặc có một người đoạn năm hạ phần kết sử thành A Na Hàm, liền ở nơi ấy Bát Niết Bàn, chẳng trở lại cõi này. Ðó là Sa Môn nhu nhuyến.
Thế nào là Sa Môn nhu nhuyến trong nhu nhuyến?
Hoặc có một người dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự thân tác chứng mà tự du hý, Sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh nữa, như thật mà biết. Ðó là Sa Môn nhu nhuyến trong nhu nhuyến.
Ðó là, này Tỳ Kheo! Có bốn người này xuất hiện ở đời.
Thế nên, các Tỳ Kheo! Nên cầu phương tiện này làm Sa Môn nhu nhuyến trong nhu nhuyến. Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tu Đà, Tu Ma Quân.
Tân Đầu, Lộc Ế Thủ.
Lộc Ðầu, quảng diễn nghĩa.
Hậu lạc, nhu nhuyến Kinh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Pháp Môn Căn Bản - Phần Ba - Vị Hữu Học
Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Mười Bốn
Phật Thuyết Kinh Tu Chân Thiên Tử - Phẩm Năm - Phẩm Nói Về Vô úy
Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Phẩm Hai - Phẩm Thọ Lượng Của Như Lai