Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Năm Mươi - Phẩm Lễ Tam Bảo - Phần Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM NĂM MƯƠI

PHẨM LỄ TAM BẢO  

PHẦN BỐN  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nương nơi núi Tuyết có đại thọ rất to lớn, năm thứ rộng lớn.

Thế nào là năm?

Gốc rất vững chắc, vỏ rất dày, cành nhánh dài xa, bóng mát che trùm, lá rậm rạp.

Các Tỳ Kheo! Ðó là trên núi Tuyết có cây to lớn này rất xanh tốt.

Nay thiện nam tử, thiện nữ nhân cũng lại như thế, nương nhà hào tộc được năm việc tăng trưởng lợi ích.

Thế nào là năm?

Là tăng trưởng lợi ích về tín, tăng trưởng lợi ích về giới, tăng trưởng lợi ích về văn, tăng trưởng lợi ích về thí, tăng trưởng lợi ích về tuệ.

Tỳ Kheo! Ðó gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân nương nơi nhà hào tộc, thành tựu được năm việc này. Cho nên, Tỳ Kheo nên tìm phương tiện thành tựu về tín, giới, văn, thí, tuệ.

Thế Tôn liền nói kệ:

Cũng như cây núi tuyết,

Thành tựu năm công đức,

Gốc, vỏ, nhánh dày rộng,

Bóng mát, lá râm rạp,

Thiện nam tử tín tâm,

Thành tựu năm công đức,

Tín, giới, văn, bố thí,

Trí tuệ cùng tăng trưởng.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, Tỳ Kheo Mậu La Phá Quần cùng các Tỳ Kheo Ni đi dạo chơi, các Tỳ Kheo Ni cũng thích cùng dạo chơi với thầy.

Có dân chúng cơ hiềm về Tỳ Kheo Mậu La Phá Quần, khi ấy các Tỳ Kheo Ni rất giận tức buồn lo không vui. Nếu lại có người hủy nhục các Tỳ Kheo Ni, lúc ấy, Tỳ Kheo Phá Quần cũng lo buồn không vui.

Bấy giờ có nhiều Tỳ Kheo bảo Tỳ Kheo Phá Quần: Nay vì sao thầy lại thân cận với các Tỳ Kheo Ni.

Các Tỳ Kheo Ni cũng giao tiếp với thầy?

Phá Quần đáp: Nay tôi hiểu rõ lời dạy của Như Lai, ai phạm giới dâm tội rất ít.

Các Tỳ Kheo lại bảo: Thôi, thôi, Tỳ Kheo!

Chớ nói lời ấy, chớ phỉ báng lời dạy của Như Lai. Người phỉ báng lời dạy của Như Lai, tội không ít. Lại nữa, Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói về sự ô uế của dâm dục. Người nào tập theo dâm dục mà không tội, trọn không có lý.

Nay thầy nên bỏ ác kiến này, sẽ bị khổ lâu dài, vô lượng. Nhưng Tỳ Kheo Phá Quần, cứ giao thiệp với các Tỳ Kheo Ni, không sửa đổi.

Bấy giờ, nhiều Tỳ Kheo đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy và bạch: Trong thành Xá Vệ có một Tỳ Kheo tên Phá Quần, giao tiếp với các Tỳ Kheo Ni. Các Tỳ Kheo Ni cũng giao tiếp qua lại với Tỳ Kheo Phá Quần.

Chúng con đến đó khuyên dụ sửa đổi hành động, song hai người ấy còn tăng thêm, không bỏ kiến pháp điên đảo, cũng không thuận theo chánh pháp.

Bấy giờ, Phật bảo một Tỳ Kheo:

Thầy hãy đến chỗ Tỳ Kheo Phá Quần nói rằng Như Lai gọi:

Tỳ Kheo vâng lời Phật dạy, liền đến chỗ Tỳ Kheo Phá Quần nói: Thầy nên biết Như Lai gọi. Tỳ Kheo Phá Quần nghe lời thầy Tỳ Kheo nọ, liền đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy lui ngồi một bên.

Thế Tôn hỏi: Có thật thầy thân cận với các Tỳ Kheo Ni không?

Tỳ Kheo Phá Quần thưa: Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Phật bảo: Thầy là Tỳ Kheo, vì sao lại giao thiệp với Tỳ Kheo Ni?

Thầy này là dòng dõi hào tộc, cạo bỏ râu tóc, mặc ba y, có phải do lòng tin vững chắc xuất gia học đạo chăng?

Phá Quần bạch Phật: Thưa vâng, Thế Tôn! Con nhà hào tộc, do lòng tin vững chắc xuất gia học đạo.

Phật bảo: Chẳng phải là pháp của thầy, tại sao lại giao thiệp với Tỳ Kheo Ni?

Phá Quần bạch Phật: Con nghe Như Lai dạy rằng người nào làm theo hạnh dâm, tội ấy không đáng kể.

Phật bảo: Thầy là người ngu.

Vì sao nói Như Lai dạy rằng theo dâm dục không tội?

Ta dùng vô số phương tiện nói sự nhơ uế của dâm dục.

Nay tại sao thầy nói lời này: Như Lai nói dâm dục không tội. Thầy nên khéo giữ miệng, đừng để mang tội báo lâu dài.

Phật bảo: Nay thầy hãy chờ, ta sẽ hỏi lại các Tỳ Kheo:

Phật bảo các Tỳ Kheo: Các thầy có nghe ta dạy các Tỳ Kheo rằng dâm dục không tội chăng?

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa Thế Tôn! Không nghe Như Lai nói dâm dục không tội.

Vì sao thế?

Như Lai dùng vô số phương tiện nói sự nhơ uế của dâm dục. Nếu nói không tội, việc ấy không đúng.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Lành thay, lành thay, các Tỳ Kheo! Như các thầy nói, ta dùng vô số phương tiện nói sự nhơ uế của dâm dục.

Phật lại bảo các Tỳ Kheo: Các thầy nên biết! Nếu có người ngu tụng tập theo pháp hành như là Khế Kinh, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Kệ, Nhân Duyên, Bổn Sự, Thí Dụ, Bốn Sanh, Phương Đẳng, Vị Tằng Hữu, Tự Thuyết, Luận Nghị. Tuy tụng tập pháp ấy mà không hiểu nghĩa lý. Do không quán sát nghĩa lý cũng không thuận theo pháp ấy nên pháp đáng tuân theo lại không theo.

Sở dĩ tụng pháp ấy chỉ buông lung muốn cạnh tranh cùng người, ý toan tính hơn thua, cũng không tự mình được lợi ích. Người ấy tụng pháp rồi ắt phạm cấm chế. Cũng như có người ra khỏi làng, muốn tìm bắt rắn độc.

Khi thấy rắn to lớn đến nơi người ấy dùng tay trái nắm đuôi rắn, rắn bèn quay đầu mổ vào tay, do nhân duyên này mà người ấy mạng chung. Ðây cũng như thế, có người ngu tụng tập Kinh Pháp, mười hai Bộ Kinh đều biết, lại không quán sát nghĩa lý các Kinh.

Vì sao thế?

Vì không biết rốt ráo nghĩa của chánh pháp.

Có Thiện Nam Tử, giữ gìn tụng tập Kinh Pháp như Khế Kinh, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Kệ, Nhân Duyên, Bổn Sự, Thí Dụ, Bốn Sanh, Phương Đẳng, Vị Tằng Hữu, Tự Thuyết, Luận Nghị.

Người ấy tụng đọc rồi, lại hiểu sâu ý nghĩa. Do hiểu sâu ý nghĩa Kinh Pháp, thuận theo lời dạy không sai trái. Sở dĩ tụng đọc thì không đem tâm hơn thua, cạnh tranh với người khác mà tụng đọc Kinh Pháp là muốn tự mình tu có lợi ích. Sở dĩ tụng đọc Kinh Pháp muốn đạt kết quả bổn nguyện. Do nhân duyên này, dần dần đến Niết Bàn.

Cũng như có người ra khỏi làng xóm kia, muốn bắt rắn độc. Người ấy thấy rằn rồi, tay cầm kềm sắt trước tiên kẹp đầu rắn, sau mới nắm chắc cổ rắn, không cho nhúc nhích. Nếu như rắn độc quay đuôi muốn hại người ấy thì trọn không thể được.

Vì sao thế?

Tỳ Kheo! Vì do người ấy nắm cổ rắn. Thiện nam tử này cũng lại như vậy, tụng đọc khắp các Kinh Pháp, quán sát ý nghĩa, thuận theo Kinh Pháp, trọn không sai trái, do nhân duyên này, dần dần được Niết Bàn.

Vì sao thế?

Do người kia giữ gìn chánh pháp vậy.

Cho nên, này các Tỳ Kheo! Người nào hiểu ý nghĩa của ta nói, nên ghi nhớ vâng làm, ai không hiểu nên trở lại hỏi ta. Như Lai còn đang hiện tiền, để sau hối hận vô ích.

Bấy giờ Phật bảo các Tỳ Kheo:

Nếu có Tỳ Kheo ở trong đại chúng nói lời thế này: Giới cấm Như Lai đã nói ra, tôi thảy đều biết rõ, ai tập theo dâm dục tội không đáng kể.

Các Tỳ Kheo nên nói với Tỳ Kheo ấy rằng: Thôi, thôi! Chớ nói lời ấy. Chớ phỉ báng Như Lai mà nói năng như thế này. Như Lai trọn không nói lời ấy. Nếu Tỳ Kheo ấy sửa đổi thì tốt, nếu không sửa đổi sẽ bị đọa. Nếu có Tỳ Kheo che giấu việc này không phát lộ ra, mọi người đều đọa.

Này các Tỳ Kheo! Ðó là cấm giới của ta. Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe lời Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Phạm Chí Sanh Lậu đến chỗ Thế Tôn, cùng hỏi thăm và lui ngồi một bên.

Phạm Chí Sanh Lậu bạch Phật: Có bao nhiêu kiếp quá khứ?

Phật bảo Phạm Chí: Các kiếp ở quá khứ không thể tính kể.

Phạm Chí bạch Phật: Có thể tính kể số ấy chăng?

Sa Môn Cù Đàm thường nói về ba đời.

Thế nào là ba?

Là quá khứ, hiện tại, tương lai. Sa Môn Cù Đàm cũng biết về các đời quá khứ, tương lai, hiện tại. Cúi xin Sa Môn diễn nói về ý nghĩa kiếp số.

Phật bảo Phạm Chí: Nếu ta nói về kiếp này, lại tiếp theo kiếp này thì ta diệt độ. Ông cũng mạng chung mà vẫn không biết ý nghĩa của kiếp số.

Vì sao thế?

Ngày nay thọ mạng của người ngắn ngủi, sống lâu tột cùng không hơn trăm tuổi. Tính số kiếp trong trăm năm ấy, thì ta diệt độ, ông đã mạng chung, trọn không biết được nghĩa của kiếp số.

Phạm Chí nên biết!

Như Lai cũng có trí này, biết hết, phân biệt đầy đủ về kiếp số, thọ mạng chúng sanh dài ngắn, hưởng sự khổ vui, thảy đều rành rẽ. Nay ta sẽ nêu thí dụ cho ông, người có trí do thí dụ mà hiểu.

Cũng như số cát Sông Hằng, cũng không giới hạn, không lường, không thể tính toán. Số của kiếp quá khứ như thế, không thể tính kể, không hạn lượng.

Phạm Chí bạch Phật: Có bao nhiêu kiếp số về tương lai?

Phật bảo Phạm Chí: Cũng như số cát Sông Hằng không có bờ mé, không thể tính kể, chẳng toán số nào theo kịp.

Phạm Chí lại hỏi Phật: Có kiếp hiện tại, kiếp thành, kiếp hoại chăng?

Phật bảo Phạm Chí: Có kiếp thành, kiếp hoại, chẳng phải là một kiếp, trăm kiếp. Cũng như cái chén để ở chỗ gập ghềnh không an toàn, nếu có đứng yên cũng bị chao động.

Các Thế Giới phương vức cũng bị chao động, hoặc có kiếp thành, hoặc có kiếp hoại, số ấy cũng không thể tính kể là bao nhiêu kiếp thành, là bao nhiêu kiếp hoại.

Vì sao như thế?

Vì sanh tử dài xa không có giới hạn, chúng sanh do vô minh đan kết ngăn che, trôi nổi từ đời này sang đời sau, từ đời trước đến đời này, chịu khổ não lâu dài. Nên chán ngán hoạn này, xa lìa khổ não này. Cho nên, Phạm Chí, nên học như thế.

Phạm Chí Sanh Lậu bạch Phật: Sa Môn Cù Đàm thật kỳ đặc, biết ý nghĩa của số kiếp quá khứ, hiện tại, tương lai. Nay con tự quy y Sa Môn Cù Đàm, cúi xin Sa Môn Cù Đàm nhận con làm Ưu Bà Tắc, suốt đời không sát sanh … không uống rượu. Bấy giờ Phạm Chí Sanh Lậu nghe lời Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở Thành La Duyệt, núi Kỳ Xà Quật, cùng Chúng Đại Tỳ Kheo năm trăm người câu hội.

Khi ấy, có một Tỳ Kheo bạch Phật: Kiếp số có bờ mé chăng?

Phật bảo Tỳ Kheo: Có phương tiện dẫn dụ, nhưng kiếp số không cùng tận. Về quá khứ lâu xa trong hiền kiếp này, có Đức Phật ra đời hiệu Câu Lưu Tôn, Chí Chân Ðẳng Chánh Giác.

Bấy giờ núi Kỳ Xà Quật này có tánh hiệu, lúc đó nhân dân trong thành La Duyệt, leo lên núi Kỳ Xà Quật này, bốn ngày bốn đêm mới tới đỉnh.

Lại nữa, này Tỳ Kheo!

Vào thời Đức Phật Câu Na Hàm Nâu Ni, núi Kỳ Xà Quật này cũng có tánh hiệu. Khi ấy, nhân dân trong thành La Duyệt leo ba ngày ba đêm tới đỉnh núi.

Ðức Như Lai Ca Diếp xuất hiện ở đời, núi Kỳ Xà Quật này cũng có tánh hiệu. Khi ấy nhân dân trong thành La Duyệt leo hai ngày hai đêm tới đỉnh.

Như ta ngày nay, Phật Thích Ca Văn xuất hiện ở đời, núi này tên Kỳ Xà Quật, trong khoảnh khắc lên tới đỉnh núi. Nếu Phật Di Lặc ra đời, núi này cũng tên là Kỳ Xà Quật.

Vì sao thế?

Vì thần lực của Chư Phật khiến núi này tồn tại. Tỳ Kheo, nên do phương tiện này biết, kiếp số suy tận không thể tính kể. Kiếp có hai thứ, đại kiếp và tiểu kiếp.

Nếu trong kiếp ấy không có Phật ra đời, bấy giờ có Bích Chi Phật ra đời, đó là tiểu kiếp. Nếu Như Lai xuất hiện ở kiếp nào, kiếp đó không có Bích Chi Phật xuất hiện, đây gọi là đại kiếp.

Tỳ Kheo! Do phương tiện này biết là kiếp số lâu dài không thể tính kể.

Cho nên, này các Tỳ Kheo, nên nhớ ý nghĩa của kiếp số này!

Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường