Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Năm Mươi Hai - Phẩm đại ái đạo Nhập Niết Bàn - Phần Ba

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM NĂM MƯƠI HAI

PHẨM ĐẠI ÁI ĐẠO NHẬP NIẾT BÀN  

PHẦN BA  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, có một Tỳ Kheo đi đến chỗ Đức Thế Tôn, cúi lạy lui ngồi một bên, giây lát sau rời chỗ ngồi bên trước bạch Phật: Kiếp có dài ngắn, có giới hạn chăng?

Phật bảo Tỳ Kheo: Kiếp rất dài xa, hay ta dẫn dụ cho thầy.

Hãy một lòng lắng nghe, nay ta sẽ nói: Tỳ Kheo nên biết, như một cái thành bằng sắt cao rộng một do tuần, chứa đầy hạt cải trong ấy không có chỗ trống. Giả sử có người trăm năm đến lấy đi một hạt cải, mà số hạt cải trong thành sắt ấy còn có thể giảm hết, nhưng một kiếp còn không thể tính kể.

Vì sao thế?

Sanh tử dài xa không có giới hạn, chúng sanh ân ái trói buộc, đắm trước trôi nổi trong sanh tử, chết đây sanh kia không có cùng tận. ta ở trong đó chán ghét sanh tử.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên tìm phương tiện khéo léo, thoát khỏi tưởng ái trước này!

Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, có một Tỳ Kheo, đến chỗ Đức Thế Tôn, cúi lạy xin lui ngồi một bên.

Tỳ Kheo ấy bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Kiếp là lâu dài chăng?

Phật bảo Tỳ Kheo: Kiếp rất lâu dài, không thể dùng toán mà tính được. Nay ta sẽ thí dụ cho thầy. Hãy khéo suy nghĩ, nay ta sẽ vì thầy nói. Tỳ Kheo nghe lời Phật dạy.

Thế Tôn bảo: Cũng như núi đá rộng lớn một do tuần, cao một do tuần. Giả sử có người đến đó, cầm Thiên y trăm năm quét một lần, đá còn có thể mòn, kiếp số khó hạn lượng.

Vì sao thế?

Kiếp số lâu dài không có bờ mé. Như thế chẳng phải một kiếp trăm kiếp.

Vì sao thế?

Sanh tử lâu dài, không thể hạn lượng không có bờ mé. Các loài chúng sanh bị vô minh che lấp, trôi lăn trong sanh tử không có thời hạn ra khỏi, chết đây sanh kia không cùng tận. Ta ở trong ấy chán ghét sanh tử.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên tìm phương tiện khéo thoát khỏi tưởng ái trước này. Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Tùy thời nghe pháp có năm công đức, thường không mất thời.

Thế nào là năm?

Pháp chưa từng nghe liền được nghe, nghe rồi liền thọ trì, trừ bỏ hồ nghi, không có tà kiến, hiểu pháp sâu xa. Ðó gọi là Tỳ Kheo tùy thời nghe pháp có năm công đức này. Cho nên các Tỳ Kheo nên ghi nhớ thường nghe pháp sâu xa. Ðây là lời dạy của ta.

Như thế, này các Tỳ Kheo nên học điều này. Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Tỳ Xá Ly, vườn Ma Ha Bà Na, cũng với chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người câu nội. Bấy giờ, đại tướng Sư Tử đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy, ngồi một bên.

Bấy giờ Phật bảo đại tướng: Ðàn Việt thí chủ có năm công đức.

Thế nào là năm?

Ở đây, danh tiếng của thí chủ vang xa, trong làng đó có người như thế ưa bố thí, chu cấp cho người nghèo, giúp đỡ người thiếu, không có yêu ghét.

Này đại tướng Sư Tử! Ðó là công đức thứ nhất, thí chủ đạt được.

Lại nữa, này đại tướng Sư Tử! Ðàn Việt thí chủ nếu đến trong chúng dòng Sát Lợi, dòng Bà La Môn, chúng Sa Môn, đều không sợ hãi cũng không nghi nan.

Này đại tướng Sư Tử! Ðó là công đức thứ hai.

Lại nữa, Ðàn Việt thí chủ được nhiều người thương mến nhớ nghĩ, khắp đến kính ngưỡng như con yêu mẹ, tâm không rời xa. Thí chủ cũng như thế, được nhiều người yêu mến.

Lại nữa, đại tướng Sư Tử! Ðàn Việt thí chủ khi bố thí phát tâm vui vẻ, do có tâm vui vẻ liền mừng rỡ, tánh ý chắc chắn, khi ấy liền tự biết có vui có khổ cũng không biến đổi, tự biết như thật.

Thế nào là tự biết?

Biết có khổ đế, khổ tập, khổ tận, khổ xuất yếu, như thật mà biết.

Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ:

Thí đầy đủ các phước,

Mà được đệ nhất nghĩa,

Ai hay nhớ bố thí,

Bèn phát tâm hoan hỉ.

Lại nữa, đại tướng Sư Tử! Khi Ðàn Việt thí chủ bố thí, thân hoại mạng chung sanh lên Trời Ba Mươi Ba, lại có năm việc hơn Chư Thiên cõi ấy.

Thế nào là năm?

Một là dung mạo hào quý oai thần sáng rỡ.

Hai là điều mong ước tự tại, việc gì cũng thành.

Ba là nếu Ðàn Việt thí chủ sanh trong loài người gặp nhà hào quý.

Bốn là nhiều tài lợi châu bảo.

Năm là nói ra nhiều người nghe.

Này đại tướng Sư Tử! Ðó là Ðàn Việt có năm công đức như thế dẫn vào đường lành.

Ðại tướng Sư Tử nghe lời Phật dạy, vui mừng hớn hở không thể tự kềm, đến trước bạch Phật: Cúi xin Thế Tôn và chúng Tỳ Kheo nhận lời thỉnh của con.

Thế Tôn im lặng nhận lời. Khi ấy, đại tướng Sư Tử thấy Thế Tôn đã im lặng nhận lời, liền đứng dậy cúi đầu lễ Phật rồi lui ra.

Về đến nhà, đại tướng sắm sửa đầy đủ các thức ăn uống, trải tòa ngồi tốt đẹp, rồi đến bạch Phật: Thời đã đến, nay chính phải thời, cúi xin bạch Ðại Thánh rủ lòng từ, hạ cố đến nhà. Thế Tôn đúng thời đắp y mang bát, dẫn chúng Tỳ Kheo vây quanh trước sau, đến nhà đại tướng theo thứ tự lớp ngồi. Bấy giờ, đại tướng Sư Tử thấy Phật và chúng Tỳ Kheo đã ngồi theo thứ tự, tự tay san sớt các thức ăn uống.

Khi đại tướng dâng thức ăn, Chư Thiên ở trên hư không bảo: Ðây là A La Hán, người này là hướng A La Hán. Cúng người này được phước nhiều, cúng người này được phước ít. Ðây là A Na Hàm, người này hướng A Na Hàm.

Người này là Tư Đà Hàm, người này hướng Tư Đà Hàm. Người này là Tu Đà Hoàn, người này hướng Tu Đà Hoàn. Người này còn bảy phen qua lại, người này còn trở lại một đời. Người này giữ lòng tin, người này vâng theo pháp. Ðây là người lợi căn, đây là độn căn.

Người này hạ liệt, người này tinh tấn trì giới, người này phạm giới. Cúng người này được phước nhiều, cúng người này được phước ít. Bấy giờ, đại tướng Sư Tử nghe Chư Thiên nói rồi cũng không để tâm. Thấy Như Lai thọ trai xong, rửa bát sạch, rồi lấy một chiếc ghế nhỏ ngồi trước Như Lai.

Ðại tướng Sư Tử bạch Thế Tôn: Trước đây có Chư Thiên Đến chỗ con nói từ vị A La Hán đến người phạm giới, đều đem thưa hết với Phật.

Tuy con nghe lời như thế cũng chẳng để tâm, cũng chẳng sanh ý tưởng: Ta sẽ bỏ người này cúng người kia, bỏ người kia cúng người này.

Con lại sanh ý tưởng này: Nên cúng dường tất cả loài chúng sanh có hình dáng, vì có ăn mới sống, không ăn ắt chết. Con đích thân được nghe từ Như Lai nói bài kệ ấy, thường ghi nhớ trong lòng không quên mất.

Kệ như thế nào?

Bố thí khắp bình đẳng,

Trọn không chỗ trái nghịch,

Ắt sẽ gặp Hiền Thánh,

Duyên đây mà được độ.

Bạch Thế Tôn! Bài kệ này được nói ra, con đích thân nghe từ Đức Thế Tôn, thường ghi nhớ vâng làm.

Phật bảo đại tướng: Lành thay! Ðây gọi là tâm Bồ Tát, bố thí bình đẳng.

Khi Bồ Tát bố thí thì cũng chẳng sanh ý niệm như vậy: Ta sẽ cho người này, bỏ người này, thường đem lòng bình đẳng mà bố thí, cũng lại khởi ý niệm này: Tất cả chúng sanh có ăn mới tồn tại, không ăn ắt chết. Khi Bồ Tát làm việc bố thí, cũng suy nghĩ nghĩa này.

Phật bèn nói kệ:

Phàm người tu hạnh này,

Làm ác và làm lành,

Mỗi mỗi tự thọ báo,

Việc làm trọn không hao.

Như người làm hạnh này,

Liền chịu quả báo này,

Làm lành được quả lành,

Làm ác chịu báo ác.

Là ác hay là lành.

Tùy theo người tập quen,

Như gieo năm thứ lúa,

Ðều gặt được kết quả.

Này đại tướng Sư Tử!

Do phương tiện này nên biết lành, ác mỗi việc có hạnh của nó.

Vì sao thế?

Từ khi mói phát tâm đến khi thành đạo tâm không tăng giảm, không chọn lựa người cũng không quán sát chỗ nơi.

Cho nên đại tướng Sư Tử! Khi muốn bố thí, hãy thường nghĩ nhớ bình đẳng, chớ khởi tâm thị phi. Như thế, Sư Tử, nên học điều này.

Khi ấy, Thế Tôn lại nói kệ:

Thí làm vui người nhận,

Mọi người đều khen ngợi,

Ðến đâu không nghi nan,

Cũng không tâm tật đố.

Cho nên người trí thí,

Trừ bỏ các tưởng ác,

Ðến chỗ lành lâu dài.

Nơi Chư Thiên hoan hỷ.

Thế Tôn nói kệ xong, liền đứng dậy đi.

Ðại tướng Sư Tử nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy, ngồi một bên.

Nhà Vua bạch Phật: Phàm bố thí, nên bố thí nơi nào?

Phật bảo Nhà Vua: Tùy theo tâm hoan hỉ nơi nào thì bố thí nơi ấy.

Vua lại bạch Phật: Bố thí nơi nào được công đức lớn?

Phật bảo: Trước Ðại Vương hỏi nên bố thí nơi nào, nay lại hỏi về phước công đức.

Vua bạch Phật: Nay con hỏi Như Lai bố thí nơi nào được công đức?

Phật bảo: Nay ta hỏi lại, Ðại Vương tùy sở thích trả lời ta.

Thế nào, Ðại Vương, nếu có người dòng Sát Lợi đến, dòng Bà La Môn đến, nhưng ngu si không biết chi, tâm ý tán loạn, thường không nhất định, đến chỗ Nhà Vua tâu rằng: Chúng tôi sẽ cung phụng Ðại Vương, tùy thời cần dùng.

Thế nào, Ðại Vương có cần người ấy làm tả hữu chăng?

Vua bạch Phật: Bạch Thế Tôn không cần.

Vì sao thế?

Do người ấy không có trí tuệ, tâm thức không định, không kham đối phó với kẻ địch từ ngoài đến.

Phật bảo Nhà Vua: Này Ðại Vương, nếu hàng Sát Lợi, Bà La Môn có nhiều phương tiện không sợ khó, cũng không sợ hãi, có thể trừ được kẻ địch bên ngoài, đến chỗ Ðại Vương và tâu rằng: Chúng tôi tùy thời cung phụng Ðại Vương, cúi xin rủ lòng ân tứ nạp thọ.

Thế nào, Ðại Vương có nhận người ấy chăng?

Vua bạch Phật: Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Con sẽ nạp thọ người ấy.

Vì sao?

Vì người ấy có thể đối phó với kẻ địch bên ngoài, không sợ khó cũng chẳng khủng khiếp.

Phật bảo: Nay Tỳ Kheo cũng lại như thế, các căn đầy đủ, bỏ năm, thành tựu sáu, hộ trì một, hàng phục bốn. Bố thí cho người như thế thì được phước rất nhiều.

Vua bạch Phật: Thế nào là Tỳ Kheo bỏ năm, thành tựu sáu, hộ trì một, hàng phục bốn?

Phật bảo Nhà Vua:

Là vị Tỳ Kheo bỏ năm điều ngăn che: Tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo cử, nghi. Tỳ Kheo như thế gọi là bỏ năm.

Thế nào là Tỳ Kheo thành tựu sáu?

Ðại Vương nên biết, nếu Tỳ Kheo thấy sắc rồi không khởi tưởng sắc, duyên nơi đây giữ gìn căn, trừ bỏ niệm ác không lành, mà giữ gìn nhãn căn, hoặc tai, mũi, miệng, thân, ý, không khởi ý thức, mà giữ gìn ý căn. Tỳ Kheo như thế gọi là thành tựu sáu.

Thế nào là Tỳ Kheo hộ trì một?

Là khi Tỳ Kheo buộc niệm ở trước. Tỳ Kheo như thế gọi là hộ trì một.

Thế nào là Tỳ Kheo hàng phục bốn?

Là khi Tỳ Kheo hàng phục thân ma, dục ma, tử ma, Thiên Ma, thảy đều hàng phục. Tỳ Kheo như thế là hàng phục bốn.

Ðại Vương! Như thế là Tỳ Kheo bỏ năm, thành tựu sáu, hộ trì một, hàng phục bốn. Bố thí cho người như thế được phước khó lường.

Này Ðại Vương! Những người thích hợp với tà kiến và biên kiến, bố thí cho những người như thế là vô ích.

Khi ấy, Vua bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ðúng thế, bố thí cho người như thế được phước khó lường. Nếu Tỳ Kheo thành tựu một pháp phước còn khó lường, huống gì những pháp khác.

Thế nào là một pháp?

Là thân niệm vậy.

Vì sao?

Ni Kiền Tử thường chấp thân hành, ý hành, không kể khẩu hành.

Phật bảo Nhà Vua: Ni Kiền Tử ngu si, ý thường tán loạn, tâm thức không định. Ðây là pháp của thầy họ nên nói như thế. Họ chịu quả báo về thân hành, khẩu hành không đáng kể, ý hành vô hình không thể thấy.

Vua bạch Phật: Trong ba hành này, cái nào quan trọng nhất, thân hành ư, khẩu hành ư, ý hành ư?

Phật bảo: Trong ba hành này, ý hành rất quan trọng. Khẩu hành, thân hành không đáng kể.

Vua bạch Phật: Do nhân duyên gì nói ý suy nghĩ là thứ nhất?

Phật bảo: Phàm người hành động, trước ý suy nghĩ sau mới phát ra miệng, miệng đã phát khởi, thân mới làm sát, đạo, dâm. Lưỡi không nhất định cũng không phải đầu mối. Nếu người ấy mệnh chung, thân và lưỡi vẫn còn.

Ðại Vương, vì sao người ấy thân và lưỡi không làm, không nói?

Vua bạch Phật: Do người ấy không có ý căn nên như thế.

Phật bảo Nhà Vua: Do phương tiện này nên biết ý căn rất quan trọng, hai cái kia nhẹ hơn.

Thế Tôn liền nói kệ:

Tâm là gốc pháp,

Tâm tôn, tâm sử,

Tâm khởi nghĩ ác,

Liền làm liền tạo.

Nơi ấy chịu khổ,

Vết xe theo xe.

Tâm là gốc pháp,

Tâm tôn, tâm sử.

Trong tâm nghĩ thiện,

Liền làm liền tạo,

Nhận quả báo lành,

Như bóng theo hình.

Vua Ba Tư Nặc bạch Phật: Ðúng thế, bạch Thế Tôn! Người làm ác, thân hành ác, tùy hành động rơi vào đường ác.

Phật hỏi Nhà Vua: Ðại Vương quán sát nghĩa gì mà đến hỏi ta rằng bố thí cho người nào được phước tăng nhiều?

Vua bạch Phật:

Xưa con đến chỗ Ni Kiền Tử hỏi Ni Kiền Tử rằng: Nên bố thí nơi nào?

Ni Kiền Tử nghe con hỏi, lại luận bàn việc khác, cũng không trả lời.

Ni Kiền Tử bảo con rằng:

Sa Môn Cù Đàm nói thế này: Bố thí cho ta được phước nhiều, người khác không phước. Nên bố thí cho đệ tử ta, không nên bố thí cho người khác. Có ai bố thí cho đệ tử ta, phước ấy khó lường.

Phật bảo: Bấy giờ Ðại Vương trả lời ra sao?

Vua bạch Phật:

Khi ấy con liền nghĩ: Có lý này, bố thí cho Như Lai phước ấy khó lường chăng?

Nên nay con đến hỏi Phật là bố thí nơi nào được phước khó lường. Song nay Thế Tôn không tự khen mình cũng chẳng chê người.

Phật bảo Nhà Vua:

Ta không nói lời rằng: Bố thí cho ta được phước nhiều, cho người khác không được phước.

Nay ta chỉ nói rằng: Thức ăn trong bát còn dư đem cho người, phước ấy khó lường.

Dùng tâm thanh tịnh chuyên Chú vào trong nước sạch, luôn sanh ý niệm này: Mong những loài hữu tình trong đây được nhờ cậy vô lượng, huống gì loài người.

Nhưng này Ðại Vương! Nay ta nói bố thí cho người trì giới, phước ấy khó lường, cho người phạm giới không đáng kể.

Ðại Vương nên biết! Như nông dân khéo săn sóc ruộng đất, dọn bỏ rác dơ, đem giống lúa tốt gieo vào ruộng tốt, trong đó thu hoạch không hạn lượng. Và như nông dân kia không chăm sóc đất, không dọn bỏ rác dơ mà gieo giống, sau thu hoạch không đáng kể.

Nay Tỳ Kheo cũng lại như thế, Tỳ Kheo bỏ năm, thành tựu sáu, giữ một, hàng phục bốn. Những người như thế được phước vô lượng, cho người tà kiến phước không đáng kể.

Cũng như Ðại Vương, người dòng Sát Lợi, dòng Bà La Môn, ý không nghi nan, có thể hàng phục giặc ngoài nên xem như bậc La Hán, còn người Bà La Môn kia, ý không chuyên định nên xem như người tà kiến.

Vua Ba Tư Nặc bạch Phật: Bố thí cho người trì giới phước ấy khó lường ấy khó lường, từ nay về sau có ai đến xin, con trọn không trái ý. Nếu Bốn bộ chúng có điều mong cầu cũng không trái thì con tùy thời cấp y phục, thức ăn, sàng nằm, tọa cụ. Con cũng lại bố thí cho người phạm hạnh.

Phật bảo: Chớ nói thế ấy, vì sao?

Bố thí cho loài súc sanh phước còn khó lường, huống gì bố thí cho người. Song nay ta nói bố thí cho người trì giới, phước khó tính kể, hơn cho người phạm giới.

Vua Ba Tư Nặc bạch Phật: Nay con lại tự quy y. Ðức Thế Tôn ân cần đến thế, ngoại đạo dị học phỉ báng Thế Tôn, song Thế Tôn thường khen ngợi hơn. Ngoại đạo dị học tham trước lợi dưỡng, Như Lai không tham lợi dưỡng. Việc nước nhiều, con muốn lui về.

Phật bảo: Nên biết đúng thời.

Bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường