Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh A Dục Vương Nhân Duyên

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH A DỤC VƯƠNG NHÂN DUYÊN  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật trú tại thành Vương Xá, trong Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà. Bấy giờ, vào buổi sáng sớm, Thế Tôn đắp y, mang bát, cùng với Tỳ Kheo Tăng vào thành khất thực.

Như bài kệ nói:

Sắc thân như núi vàng,

Rất đoan nghiêm vi diệu.

Bước đi như ngỗng chúa,

Mặt như trăng sáng đầy.

Thế Tôn cùng đại chúng.

Lúc ấy, Thế Tôn lấy chân giẫm lên phần đất giới hạn cửa thành tạo thành sáu thứ chấn động.

Như bài kệ nói:

Biển lớn và đất bằng,

Thành quách cùng núi non,

Chân Mâu Ni giẫm lên,

Dao động như thuyền sóng.

Đức Phật biến hiện thần lực như thế, lúc đó nhân dân cùng cất tiếng xướng lớn rằng: Kỳ diệu thay, pháp chưa từng có, thần lực biến hiện như Đức Thế Tôn khi vào thành, hiển bày những việc chưa từng có như thế.

Như bài kệ nói:

Đất thấp liền bằng lên,

Đất cao thành thấp xuống.

Do oai thần của Phật,

Nên gai góc, sỏi đá,

Đều chẳng còn thấy nữa.

Người mù, điếc, câm, ngọng,

Liền được thấy, nghe, nói.

Nhạc khí trong thành quách,

Chẳng đánh, phát diệu âm.

Bấy giờ, Thế Tôn tỏa ánh sáng chiếu khắp như ánh sáng của ngàn Mặt Trời.

Như kệ nói:

Thế Tôn thân sáng chói,

Chiếu khắp cả thành ấp.

Nhân dân nhờ ánh Phật,

Mát như thoa Chiên Đàn.

Bấy giờ, Đức Phật thuận theo thành ấp mà đi. Lúc đó có hai em bé, một đẳng cấp thượng và một đẳng cấp thứ, cùng nhau vọc cát chơi đùa. Một tên Xà Da, một tên Tỳ Xà Da.

Từ xa trông thấy Thế Tôn đầy đủ ba mươi hai tướng bậc Đại Nhân trang nghiêm thân, Đồng Tử Xà Da nghĩ thầm: Mình đem bột này cúng dường. Rồi tay nắm một nắm cát mịn bỏ vào bát Thế Tôn. Khi ấy, Tỳ Xà Da chắp tay tùy hỷ.

Như bài kệ nói:

Thấy Thế Tôn đại bi,

Toàn thân sáng một tầm.

Được nhìn thấy Thế Tôn,

Sanh lòng tin kính lớn,

Dâng nắm cát cúng dường,

Được thoát bờ sanh tử.

Bấy giờ, em bé kia phát nguyện rằng: Nhờ căn lành của công đức huệ thí này, mong con được làm một vị Tản Cái Vương của một thiên hạ, ngay đời này được cúng dường Chư Phật.

Như bài kệ đã nói:

Mâu Ni biết tâm kia,

Cùng ý kia mong muốn,

Được quả thêm căn lành,

Cùng với sức phước điền.

Phật với tâm đại bi,

Nhận nắm cát cúng dường.

Xà Da nhờ căn lành này được làm Vua, Vua xứ Diêm Phù Đề, cho đến thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Cho nên, Thế Tôn mỉm cười.

A Nan thấy Phật mỉm cười, liền chắp tay hướng về Phật, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, Chư Phật Thế Tôn, Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chẳng phải không nhân duyên gì mà mỉm cười.

Như kệ nói:

Thế Tôn lìa cười đùa.

Vô Thượng Tôn trên đời,

Răng trắng như ngọc quý,

Đấng Tối Thắng mỉm cười.

Dũng mãnh siêng tinh tấn,

Không thầy mà tự giác.

Lời hay khiến thích nghe,

Tiếng dịu dàng siêu tuyệt,

Huyền ký Đồng Tử kia,

Bằng Phạm âm trong vắt.

Lưỡng Túc Tôn Vô Thượng,

Ghi nhận quả thí cát.

Khi ấy Thế Tôn bảo A Nan: Đúng thế! Đúng thế! Như lời ngươi nói. Chư Phật không có nhân duyên chẳng mỉm cười. Hôm nay Ta cười là vì có nhân duyên.

A Nan nên biết, sau khi ta diệt độ một trăm năm, Đồng Tử này sẽ ở tại ấp Ba Liên Phất thống lãnh một phương, làm Chuyển Luân Vương, họ Khổng Tước, tên A Dục, đem chánh pháp cai trị, giáo hóa nhân dân và lại còn phân bố rộng rãi Xá Lợi của ta.

Sẽ xây dựng tám muôn bốn ngàn Tháp Pháp Vương, đem lại sự an vui cho vô lượng chúng sanh.

Như kệ nói:

Sau khi ta diệt độ,

Người này sẽ làm Vua,

Họ Khổng Tước, tên Dục,

Ví như Vua Đảnh Sanh,

Nơi Diêm Phù Đề này,

Được tôn quý bậc nhất.

A Nan! Hãy lấy nắm cát được bố thí trong bát đổ ra nơi chỗ Như Lai kinh hành. Ta sẽ đi nơi đó. A Nan vâng lời Phật dạy, liền lấy cát trong bát Phật rãi trên chỗ kinh hành.

Đức Phật dạy: A Nan nên biết, sau này tại thành ấp Ba Liên Phất có Vua hiệu là Nguyệt Hộ. Vị Vua ấy sẽ sanh con tên là Tần Đầu Sa La, cai trị nước đó. Vua lại có một người con nữa tên là Tu Sư Ma.

Thời bấy giờ, nước Chiêm Bà có một Thiếu Nữ Bà La Môn rất đẹp, khiến người ưa thích, nàng là trân bảo của đất nước.

Các nhà tướng số xem tướng Thiếu Nữ này đều đoán rằng: Nàng sẽ là Vương Phi và sẽ sanh ra hai người con. Một người sẽ thống lãnh thiên hạ và một người sẽ xuất gia học đạo, thành tựu Thánh đạo.

Người Bà La Môn nghe Tướng Sư nói vậy vui mừng vô hạn, liền đưa con gái của ông ta đến ấp Ba Liên Phất, sắm sửa trang điểm cho cô gái thật xinh đẹp. Ông muốn đem gả cho Vương Tử Tu Sư Ma.

Tướng Sư bảo: Nên gả cho Tần Đầu Sa La Vương. Cô này sẽ sanh con phước đức. Đứa con sẽ nối cơ nghiệp của nhà Vua. Bà La Môn đem con gái gả cho nhà Vua này. Vua thấy Thiếu Nữ đoan chánh, có Đức Hạnh, bèn phong làm Phu Nhân.

Những bà phu nhân trước và các thế nữ thấy phu nhân này đi đến liền nghĩ rằng: Thiếu Nữ này quá đoan chánh, là trân bảo của đất nước. Nếu nhà Vua say đắm nàng, nhà Vua sẽ bỏ chúng ta, cho đến mắt không nhìn tới nữa. Phu Nhân và các cung phi bắt Thiếu Nữ ấy học nghề thợ cạo. Sau khi học xong, nàng lo việc cắt tỉa râu tóc cho Vua.

Khi cắt râu tóc, nhà Vua rất hoan hỷ, bèn hỏi cô gái: Cô ước mơ điều gì?

Thiếu Nữ tâu: Tôi chỉ mong được Vua để tâm, thương yêu nghĩ đến. Nàng nói như vậy ba lần.

Lúc ấy Vua bảo: Ta là Vua Quán đảnh dòng Sát Lợi. Còn nàng là thợ cạo.

Làm sao ta có thể thương tưởng nàng được?

Thiếu Nữ tâu: Tôi chẳng phải là con dòng hạ tiện. Tôi con gái của dòng họ cao quý Bà La Môn.

Các Tướng Sư nói với cha tôi rằng: Cô gái này nên gả cho Quốc Vương. Vì thế nên tôi mới đến đây.

Vua lại hỏi: Nếu như thế, ai khiến nàng học tập cái nghề hèn mọn này?

Thiếu Nữ đáp: Phu Nhân trước và các thế nữ bắt tôi phải học nghề này.

Nhà Vua liền ra lệnh: Từ nay về sau, nàng chớ làm nghề hạ tiện này nữa. Vua liền lập nàng làm Đệ nhất Phu Nhân. Nhà Vua cùng nàng thụ hưởng dục lạc. Chẳng bao lâu nàng mang thai. Đầy tháng thì sanh con. Lúc sanh nở an ổn, mẹ không ưu não.

Qua bảy Ngài đặt tên là Vô Ưu. Rồi lại sanh thêm một người nữa đặt tên là Ly Ưu. Vô Ưu có thân thể thô nhám, Vua cha không muốn đến gần bồng bế, không có tình quyến luyến.

Nhà Vua lại muốn thử hai người con, nên gọi Bà La Môn Tân Già La A bảo rằng: Hòa Thượng xem giùm hai đứa con của ta.

Sau khi ta từ trần, ai sẽ làm Vua?

Bà La Môn đáp: Xin đem các Thái Tử này ra khỏi thành, đến lầu Kim Điện trong công viên. Ở nơi đó, tôi sẽ xem tướng. Bèn ra khỏi thành, đến khu vườn ấy.

Trong khi ấy, mẹ Vua A Dục nói với A Dục: Con hãy theo Vua cha ra nơi dinh thự trong vườn Kim Điện xem tướng các Vương Tử, sau khi nhà Vua mất rồi ai sẽ làm Vua?

Sao con không đi?

A Dục đáp: Vua cha chẳng nghĩ gì đến con và cũng chẳng vui khi thấy con.

Bà mẹ lại bảo: Con chỉ đến nơi ấy thôi.

A Dục thưa: Mẹ dạy con đi thì con vâng theo. Xin mẹ đưa đồ ăn uống đến cho con.

Mẹ đáp: Được. Con hãy ra khỏi thành đi. A Dục đi ra khỏi thành. Lúc ra cửa, gặp một vị Đại Thần tên là A Nậu La Đà.

Vị quan này hỏi A Dục: Vương Tử đi đâu thế?

A Dục đáp: Tôi nghe Đại Vương ra ngoài thành, ở trong vườn Kim Điện xem tướng các Vương Tử, để sau khi Vua băng hà, ai sẽ làm Vua. Bây giờ, tôi đi đến nơi ấy.

Nhà Vua đã ra lệnh cho các Đại Thần: Nếu A Dục đến thì phải khiến cưỡi con voi già chậm lụt mà đến và thêm người già làm tùy tùng. A Dục cưỡi voi già đến trong viên quán và ngồi dưới đất, giữa các Vương Tử. Bấy giờ, các Vương Tử soạn thức ăn uống. Mẹ của A Dục lấy chén nung đựng đầy sữa và cơm trao cho A Dục.

Trong lúc các Vương Tử ăn uống như thế, Vua cha hỏi thầy tướng: Trong đây ai có tướng Vua, sẽ kế vị ta được?

Thầy tướng nhìn kỹ các Vương Tử, thấy A Dục đầy đủ tướng Vua, sẽ được kế vị.

Nhưng lại nghĩ thầm: Nhà Vua không hài lòng về Vương Tử A Dục này. Nếu ta nói A Dục sẽ làm Vua, chắc chắn Đại Vương không vui.

Ông liền nói rằng: Bấy giờ tôi xin ghi nhận chung chung.

Vua nói lại: Cứ theo lời Sư chỉ.

Thầy tướng nói: Trong đây người nào cưỡi cỗ xe đẹp nhất thì người ấy sẽ làm Vua.

Các Vương Tử nghe nói như thế, mỗi người đều nghĩ rằng: Cỗ xe của mình đẹp nhất.

Lúc ấy A Dục nói: Tôi cưỡi con voi già, tôi được làm Vua.

Vua lại bảo thầy tướng: Xin xem lại rồi xác nhận.

Thầy tướng lại đáp: Trong đây người nào có chỗ ngồi bậc nhất, người ấy sẽ làm Vua. Các Vương Tử cùng bảo nhau. Chỗ ta ngồi là bậc nhất.

A Dục nói: Nay tôi ngồi dưới đất, là chỗ ngồi bậc nhất, tôi sẽ làm Vua.

Vua lại bảo thầy tướng: Hãy xem lại một lần nữa.

Thầy tướng lại bảo rằng: Trong đây vị nào có chén bát và thức ăn quý giá hơn hết, thì người ấy sẽ làm Vua.

Chi tiết, cho đến, A Dục nghĩ thầm: Ta có cỗ xe tốt nhất. Chỗ ngồi bậc nhất và thức ăn ngon nhất. Nhà Vua xem tướng các con xong rồi, trở về cung.

Mẹ của A Dục hỏi A Dục: Bà La Môn tiên đoán người nào sẽ làm Vua?

A Dục thưa mẹ: Người có cỗ xe tốt nhất, người có chỗ ngồi bậc nhất và đồ dùng quý nhất, thức ăn ngon nhất, người ấy sẽ làm Vua. Con tự thấy con sẽ làm Vua. Vì con cưỡi con voi già, ngồi dưới đất, chén bát thuần khiết đựng đầy thức ăn như cơm gạo khô trộn sữa.

Bà La Môn biết A Dục sẽ làm Vua nên tỏ vẻ cung kính mẹ của A Dục.

Mẹ của A Dục cũng ban thưởng trọng hậu cho Bà La Môn và tiện dịp hỏi: Sau khi Đại Vương Từ trần ai sẽ làm Vua?

Thầy tướng đáp: Điều này không thể nói được.

Bà hỏi mãi ba lần ông mới đáp: Tôi sẽ nói nhưng lệnh bà hãy cẩn thận, chớ cho ai biết. Lệnh bà sanh được người con này là A Dục. Chính người này sẽ làm Vua vậy.

Phu Nhân bảo rằng: Tôi nghe lời nói này hết sức vui mừng. Nếu nhà Vua nghe được, đối với thầy tướng Vua sẽ không còn tin kính nữa. Vậy thầy nên trở về chốn cũ. Nếu con tôi làm Vua thì thầy cũng sẽ được tất cả những điều tốt đẹp. Tôi sẽ cúng dường suốt đời.

Lúc ấy nước láng giềng Đức Xoa Thi La làm phản, Vua Tần Đầu La bảo A Dục: Con hãy đem bốn binh chủng đi bình phạt nước kia. Khi Vương Tử ra đi, chẳng cho binh giáp.

Bấy giờ, người đi theo thưa với Vương Tử: Nay đi bình phạt nước kia, nhưng không có quân cụ, thì làm sao dẹp yên được?

A Dục nói: Nếu ta sẽ làm Vua thì do phước báu của căn lành, binh giáp tự nhiên đến. Ứng theo tiếng nói của A Dục, mặt đất liền nứt ra, binh giáp từ đất hiện ra. A Dục bèn đem bốn thứ quân binh đến bình phạt nước ấy.

Nhân dân các nước kia nghe A Dục đến liền sửa sang đường sá, trang nghiêm thành quách, mang bình quý đựng nước và các thức cúng dường, đón tiếp kính dâng Vương Tử và nói rằng: Chúng tôi không phản Đại Vương và Vương Tử A Dục. Nhưng bọn quan lại làm hại chúng tôi, nên chúng tôi mới trái nghịch với Thánh Hóa.

Nhân dân đem các thức cúng dường Vương Tử. Rước Vương Tử vào thành. Sau khi bình định nước này rồi, lai sai đi chinh phạt nước Khư Sa. Đương thời có hai vị đại lực sĩ giúp Vua sửa sang đường sá, dời các đá núi.

Lại có Chư Thiên Đến tuyên lệnh cho nước này rằng: A Dục sẽ làm Vua thiên hạ này. Các người chớ nên khởi ý chống đối. Quốc Vương kia bèn quy hàng. Như thế, chi tiết cho đến, bình định thiên hạ này cho đến bờ biển.

Một hôm Vương Tử Tu Sư Ma ra ngoài Thành dạo chơi, lại gặp một vị Đại Thần. Vị Đại Thần này không chào Vương Tử theo nghi lễ. Vương Tử liền sai người đánh đập Đại Thần.

Đại Thần nghĩ rằng: Vương Tử này chưa được ngôi Vua, mà cách xử sự như thế. Nếu được làm Vua thì không thể nào chịu nổi. Lại nghe A Dục được thiên hạ, chinh phục được năm trăm Đại Thần.

Họ nói: Chúng ta sẽ cùng nhau lập A Dục làm Vua, thống lãnh thiên hạ này. Nước Đức Xoa Thi La lại làm phản. Các quan cùng nhau luận bàn, đề nghị Vương Tử Tu Sư Ma đi dẹp loạn. Vua bằng lòng.

Vương Tử liền đi đến nước kia, nhưng không hàng phục được, Vua cha lại bị bệnh nặng, bảo các quan: Nay ta muốn lập Tu Sư Ma làm Vua. Hãy lệnh cho A Dục đến nước kia. Bấy giờ, các quan muốn lập A Dục lên làm Vua. Họ lấy sắc vàng bôi lên thân thể, mặt mày và tay chân của A Dục.

Rồi các quan tâu với Vua: Vương Tử A Dục nay đang bệnh nặng.

Các quan trang nghiêm cho A Dục tề chỉnh rồi dẫn đến chỗ Vua: Nay nên lập người con này làm Vua. Chúng tôi từ từ sẽ lập Tu Sư Ma làm Vua sau. Vua nghe những lời này không vui. Lo lắng, buồn bực, im lặng không đáp.

Lúc ấy A Dục thầm suy nghĩ: Nếu ta xứng đáng làm được ngôi Vua, Chư Thiên sẽ đến rưới nước trên đỉnh đầu ta, lấy lụa trắng quấn trên đầu. Nói vừa dứt, Chư Thiên lấy nước rưới trên đỉnh đầu A Dục và lấy lụa trắng quấn lên đầu. Vua cha trông thấy cảnh tượng ấy thì vô cùng buồn bã, liền từ trần.

A Dục lo việc tang lễ cho Vua cha đúng theo nghi thức Vương Triều. A Dục kế vị xong, phong A Nậu Lâu Đà làm Đại Thần.

Trong khi ấy, Vương Tử Tu Sư Ma nghe Vua cha băng hà, nay lại lập A Dục lên làm Vua, sanh lòng bất bình, tập hợp binh lính kéo về đánh lại A Dục.

Trong bốn cổng thành của A Dục, hai cổng có đặt hai lực sĩ. Cổng thứ ba thì đặt một Đại Thần. Tự mình giữ cửa Đông. Đại Thần A Nậu Lâu Đà làm con voi máy bằng gỗ và đúc tượng A Dục. Tượng A Dục cưỡi voi, đặt ở ngoài cửa Đông. Lại làm hầm lửa không khói, lấy vật phủ lên.

Khi Tu Sư Ma đi đến, Đại Thần A Nậu Lâu Đà nói với Tu Sư Ma: Vương Tử muốn làm Vua, A Dục đang ở cửa Đông, đến đó đánh thắng được ông ấy, tự nhiên được làm Vua. Vương Tử Tu Sư Ma vội vàng đi thẳng đến cửa Đông, liền bị rơi xuống hầm lửa mà chết.

Bấy giờ, có một đại lực sĩ tên là Bạt Đà La do đà nghe Tu Sư Ma đã chết, ông đâm ra chán đời, đem tất cả quyến thuộc vào trong Phật Pháp Xuất Gia học đạo, gắng sức tinh tấn, chẳng bao lâu sạch các lậu, thành A La Hán.

Vua A Dục bằng Chánh Pháp trị hóa dân chúng. Bấy giờ bọn Quần Thần cậy vào thế đưa A Dục lên ngôi nên tỏ ra khinh mạn A Dục, không tuân hành nghi lễ Vua tôi.

Vua biết các quan khinh lời mình, bèn bảo bá quan: Các người hãy chặt cây hoa trái mà trồng gai góc.

Các quan tâu: Chúng tôi chưa từng thấy nghe dẹp bỏ hoa trái mà trồng gai góc, chỉ thấy dẹp bỏ gai góc mà trồng hoa trái. Cho đến, ba lần Vua ra lệnh phải chặt bỏ, nhưng các quan cũng chẳng làm theo.

Bấy giờ, Vua A Dục tức giận các quan Đại Thần, liền lấy gươm bén giết chết hết năm trăm Đại Thần. Lại có lúc Vua đem các thế nữ ra vườn ngoài chơi đùa. Vua thấy một gốc cây Vô Ưu đang trổ đầy hoa.

Nghĩ hoa này cùng tên với mình, trong lòng rất hoan hỷ. Vì Vua có thân hình xấu xí, da dẻ sần sùi, nên các thể nữ không yêu mến.

Họ chán ghét Vua, nên dùng tay bẻ gãy hết cây Vô Ưu. Nhà Vua nghỉ, vừa thức giấc dậy, thấy cây Vô Ưu trơ trọi, hoa thì nằm ngỗn ngang trên đất. Vua nổi trận lôi đình, bắt các thể nữ trói lại và đốt chết hết. Vì Vua làm điều bạo ác nên gọi là bạo ác A Dục Vương.

Lúc ấy Đại Thần A Nậu Lâu Đà tâu: Vua không nên làm những điều đó.

Sao lại tự tay giết các quan và thể nữ?

Bây giờ, Đại Vương nên lập ra một tên đao phủ. Ai có tội đáng chết thì giao cho người đó. Vua liền ra lệnh lập người đao phủ. Trong nước Vua A Dục có hòn núi tên là Kỳ Lê, nơi đó có nhà người thợ dệt.

Người này có một người con tên là Kỳ Lê, tánh tình rất hung ác, hay đánh đập, bắt trói các bé trai, bé gái và bắt các sanh vật trên đất cũng như dưới nước, cho đến ngỗ nghịch với cha mẹ. Vì thế người đời đồn đại là hung ác Kỳ Lê tử.

Bấy giờ các sứ giả của Vua đến nói với nó: Ngươi có thể vì Vua làm đao phủ để chém những tội nhân không?

Kỳ Lê đáp: Tất cả những người có tội ở Diêm Phù Đề này tôi đều có thể trừ sạch, huống chi chỉ có một xứ này!

Các sứ giả trở về tâu Vua: Người kia đã tìm được kẻ hung ác rồi.

Vua ra lệnh: Hãy đem hắn về đây.

Các sứ giả đi gọi nó.

Nó đáp: Chờ một chút, để tôi từ giã cha mẹ trước đã.

Nó nói đầy đủ những sự việc trên.

Cha mẹ nó khuyên can: Con chớ làm việc ấy!

Cha mẹ can ngăn ba lần, hắn sanh tâm bất nhân, giết chết cha mẹ sau đó mới đi.

Các sứ giả hỏi: Sao lâu thế, không đến sớm?

Tên hung ác ấy thuật lại đầu đuôi sự việc. Các sứ giả đem việc này tâu lại nhà Vua.

Vua ra lệnh cho hắn: Có tội nhân phạm tội đáng chết, ta giao cho ngươi phải biết đấy.

Hắn tâu: Xin Vua làm nhà cho tôi. Vua cho xây cất nhà cửa, phòng ốc cho Kỳ Lê rất đàng hoàng, nhưng chỉ mở một cửa. Cửa cũng rất nghiêm ngặt. Bên trong ấy bày la liệt các đồ trị tội như cảnh địa ngục. Ngục ấy rất đẹp.

Khi ấy tên hung ác kia tâu Vua: Bây giờ, xin Vua một điều. Nếu người nào đã vào đây rồi thì không được ra.

Vua trả lời: Ta chấp nhận như lời xin của ngươi. Một hôm tên đao phủ đi vào Chùa, nghe các Tỳ Kheo nói về địa ngục.

Lúc ấy có Tỳ Kheo đang giảng Kinh Địa Ngục.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường