Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười - Phẩm Mười Bài Kệ - Chuyện Trí Giả Ghata Tiền Thân Ghata

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI  

PHẨM MƯỜI BÀI KỆ  

CHUYỆN TRÍ GIẢ GHATA

TIỀN THÂN GHATA  

Hắc Đế Kanha hãy đứng lên. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về cái chết của một nam tử. Hoàn cảnh cũng giống trong Matta Kundali.

Ở đây, bậc Ðạo Sư hỏi vị nam cư sĩ: Này cư sĩ, có phải ông đang phiền muộn chăng?

Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Ðức Phật bảo: Này cư sĩ, ngày xưa các bậc trí nghe lời dạy của các Hiền Nhân nên không phiền muộn về cái chết của con mình nữa. Và theo lời thỉnh cầu của ông, Ngài kể một chuyện quá khứ.

Ngày xưa một vị Vua có danh hiệu là Mahàkamsa, trị vì ở Uttaràpatha, trong địa hạt Kamsa ở Kinh Thành Asitanjanà. Ông có hai hoàng nam Kamsa và Upakamsa, và một công chúa Devagabbhà.

Vào ngày sinh nàng, các Bà La Môn tiên đoán tương lai của nàng, bảo: Một hoàng nam do công chúa này sinh ra sẽ phá hoại xứ sở và dòng họ Kamsa. Vua quá yêu thương con gái nên không thể giết nàng được, mà để cho các hoàng huynh của nàng lo liệu việc đó, còn Ngài chỉ sống hết đời thì từ trần. Khi Ngài băng hà, Kamsa lên làm Vua, và Upakamsa làm phó Vương.

Hai vị nghĩ sẽ có sự phản đối của Quần Thần nếu như bắt công chúa phải chết, vì thế quyết định không gả nàng cho ai cả, mà cứ để nàng sống không có chồng và canh giữ thật kỹ.

Các Ngài lại xây một cái Tháp tròn đơn độc để nàng ở đó. Bấy giờ nàng có một nữ tỳ tên là Nandagopà, và chồng nữ tỳ này là Andhakavenhu, gã gia nô canh giữ nàng.

Thời ấy vị Vua danh hiệu Mahàsàgara đang trị vì ở phương Bắc Madhurà, có hai Vương tử là Sàgara và Upàsàgara. Vào lúc Vua cha băng hà, Sàgara lên ngôi Vua và Upasàgara làm phó vương.

Vương tử này là bạn của Upakamsa, cùng lớn lên và cùng học với một thầy. Song chàng đã có âm mưu dan díu trong khuê phòng của hoàng huynh và bị bại lộ nên phải chạy trốn đến Upakamsa, trong địa phận Kamsa. Upakamsa tiến cử chàng với Vua Kamsa và Vua đón tiếp chàng rất trọng thể.

Upasàgara, trong lúc vào chầu Vua, thường quan sát cái tháp mà công chúa Devagabbhà trú ngụ, và khi hỏi ai ở đó, rồi nghe chuyện kia, chàng đem lòng yêu nàng. Còn Devagabbhà, một hôm, trông thấy chàng khi chàng cùng đi với Upakamsa vào chầu Vua. Nàng hỏi ai đó, và khi dược Nandagopà nói đó là Upasàgara, con của Ðại Vương Sàgara, thì nàng cũng yêu chàng ngay.

Chàng Upasàgara trao một món quà cho Nandagopà, bảo: Này Hiền tỷ, xin chị thu xếp cho tôi được gặp Devagabbhà.

Dễ lắm. Nandagopà vào và kể lại chuyện ấy với công chúa. Nàng đã thầm yêu chàng nên đồng ý ngay. Một đêm kia Nandagopà sắp đặt một cuộc hẹn hò và đem Upasàgara lên Tháp và chàng ở lại đó với Devagabbhà. Vì đôi bên tiếp xúc thường xuyên như thế, nên Devagabbhà có thai.

Dần dần ai cũng biết nàng có thai, nên hai vị hoàng huynh cật vấn Nandagopà. Nữ tỳ này xin hai vị tha tội cho nàng, rồi kể tình tiết của câu chuyện.

Khi hai vị nghe chuyện, liền suy nghĩ: Ta không thể bảo giết em gái ta được. Nếu em ta sinh con gái, chúng ta sẽ tha chết cho hài nhi ấy luôn, còn nếu con trai thì giết nó đi.

Và hai vị Vua gả Devagabbhà cho Upasàgara đem về làm vợ. Ðến thời mãn nguyệt khai hoa, nàng sinh hạ một gái. Hai vị hoàng huynh nghe tin ấy rất hoan hỷ đặt cho hài nhi tên là công nương Anjanà. Hai vị lại cho các em một ngôi làng để làm tài sản, đặt tên là Govaddhamàna. Upasàgara đem Devagabbhà đến sống cùng nhau tại ngôi làng ấy.

Devagabbhà lại có thai nữa và đúng ngày đó Nandagopà cũng có thai. Khi đến kỳ, cả hai lại cùng sinh một ngày. Deva sinh con trai và Nanda sinh con gái. Song Deva sợ rằng con trai nàng có thể bị giết nên bí mật gởi con đến Nanda và nhận con gái của Nanda về nuôi. Chúng lại báo tin nàng sinh con ấy với hai vị hoàng huynh.

Hai vị hỏi: Con trai hay gái?

Chúng đáp: Con gái. Vậy thì lo nuôi nấng nó đi. Các hoàng huynh bảo. Cứ như vậy, Devagabbhà sinh mười con trai, và Nandagopà sinh mười con gái. Bọn con trai sống với Nanda và bọn con gái sống với Deva, chẳng một ai biết được bí mật kia.

Con trai trưởng của Devagabbhà được đặt tên là Vàsu Deva, con trai thứ là Bala Deva, thứ ba là Canda Deva, thứ tư Suriya Deva, thứ năm Aggi Deva, thứ sáu Varuna Deva, thứ bảy Ajjuna, thứ tám Pajjuna, thứ chín Ghata Pandita, thứ mười Amkura. Chúng nổi tiếng là các con trai của gia nô Andhakavenhu hay Mười Anh Em Nô lệ.

Theo thời gian chúng lớn khôn, rất cường tráng lại hung dữ, bạo tàn, chúng đi khắp nơi cướp phá, chúng còn cả gan đến độ cướp lễ vật triều cống được dâng Vua.

Dân chúng đến tụ tập ở sân chầu Vua, kêu than: Các con trai của Andhakavenhu, cả mười anh em ấy đang cướp phá xứ sở. Vì thế Vua triệu Andhakavenhu đến, trách mắng y đã để các con mình đi cướp bóc. Cứ như vậy, các tiếng kêu than nổi dậy ba bốn lần, Vua hăm dọa y.

Vì lo sợ cho tính mạng mình nên y xin Vua ban cho y đặc ân được an toàn tính mạng rồi kể chuyện bí mật kia, rằng chúng không phải là con trai của y như thế nào, mà là con trai của Upasàgara. Vua hoảng sợ.

Làm thế nào bắt chúng nó được?

Ngài hỏi Quần Thần.

Quần Thần tâu: Tâu Ðại Vương, chúng nó là bọn đánh vật, chúng ta hãy tổ chức thi đánh vật tại Kinh Thành, và khi chúng vào vòng đấu, chúng ta sẽ bắt chúng và giết đi.

Thế là Quần Thần tìm hai người đánh vật Cànura và Mutthika, và cho loan báo khắp Kinh Thành bằng trống lệnh rằng vào ngày thứ bảy sẽ có một cuộc thi đô vật.

Vùng đấu được chuẩn bị trước hoàng môn, có hàng rào quanh đấu trường. Vòng được trang hoàng rất vui mắt. Cờ chiến thắng được buộc sẵn sàng. Cả Kinh Thành quay cuồng như ở trong cơn lốc.

Hàng hàng lớp lớp ghế ngồi chật ních. Cànura và Mutthika bước vào vòng đấu, đi nghênh ngang, nhảy nhót, la hét, vỗ tay. Mười Anh Em kia cũng thế.

Trên đường đi chúng đã cướp phá phố thợ giặt nên phục sức các xiêm y rực rỡ vào, lại cướp nước hoa của các tiệm nước hoa, xoa dầu thơm khắp người, đeo vòng trên đầu, hoa tai trên tai chúng nghênh ngang bước vào đấu trường, nhảy nhót, la hét vỗ tay.

Vào lúc ấy, Cànura đang đi quanh và vỗ tay, Baladeva thấy gã liền suy nghĩ: Ta không muốn đụng kẻ kia với bàn tay ta!

Nên chàng chụp lấy sợi dây lớn từ chuồng voi, vừa nhảy lên, hò hét, vừa ném dây quanh bụng Cànura, cột hai đầu dây lại thật chặt, rồi tung gã kia lên, quay cuồng gã quanh đầu mình, rồi đạp gã xuống đất cho lăn ra khỏi đấu trường. Khi Cànura đã chết, Vua cho gọi Mutthika. Mutthika bước lên, hò hét, vỗ tay.

Baladeva tát mạnh vào mặt gã và trong lúc gã la lớn: Ta không phải kẻ đấu vật. Ta không phải kẻ đấu vật!

Baladeva cột hai tay gã lại bảo: Ðấu vật hay không phải đấu vật đối với ta cũng thế thôi!

Rồi chàng xô mạnh gã xuống đất, giết gã, và ném gã ra ngoài đấu trường.

Mutthika trong cơn giãy chết, thốt ra lời nguyền: Ước mong ta thành quỷ để xé xác nó ra, và gã trở thành con quỷ ở trong rừng có tên gọi là Kàlamattiya.

Vua bảo: Bắt Mười tên Nô lệ này ra ngay. Vào lúc ấy Vàsudeva ném một cái bánh xe một loại binh khí, chặt đứt đầu cả hai anh em nhà Vua. Ðám đông kinh hoàng quỳ xuống chân chàng, và xin chàng cứu giúp che chở cho họ.

Thế là Mười Anh Em này, sau khi đã giết hai ông cậu xong, lên làm Vua tại Kinh Thành Asitanjanà và đem cha mẹ về đó ở.

Lúc bấy giờ họ bắt đầu dự định chinh phục cả cõi Diêm Phù Đề Ấn Ðộ. Chẳng mấy chốc, họ đi đến Kinh Thành Ayojjhà, nơi ngự trị của Vua Kàlasena. Họ bao vây Kinh Thành. tiêu diệt đám rừng rậm quanh đó, phá vỡ trường thành và bắt Vua làm tù binh, chiếm Vương Quốc vào tay họ.

Sau đó họ đến Dvàravati. Bấy giờ Kinh Thành này có một phía là biển, một phía là núi. Dân chúng đồn rằng nơi đó có quỷ hiện. Con quỷ giữ vị trí canh phòng, hễ thấy quân thù nó hóa thành con lừa, và hí như lừa vậy.

Lập tức nhờ sức kỳ bí của quỷ, cả Kinh Thành bay lên không gian đặt chân trên một hòn đảo giữa biển, khi quân thù đi rồi, nó sẽ trở lại và ổn định trên vị trí cũ.

Lần này cũng như thường lệ, vừa khi con lừa thấy Mười Anh Em kia đến, thì nó hí lên như lừa. Cả Kinh Thành bay lên không gian và đặt mình trên hòn đảo kia. Họ không thấy Kinh Thành nữa nên quay lui.

Sau đó Kinh Thành lại trở về chỗ cũ. Bọn họ trở lại, con lừa lại làm như trước, bọn họ không thể nào chiếm lấy thành Dvàravati được.

Vì thế họ đến yết kiến vị Hiền Giả Kanhadìpàyana và nói: Thưa Tôn Giả, chúng tôi đã thất bại trong việc chiếm Vương Quốc Dvàravati, xin cho chúng tôi biết phải làm cách nào?

Ông bảo: Trong một cái hào ở nơi kia, có một con lừa đi quanh quẩn. Nó hí lên khi thấy quân thù, nên lập tức Kinh Thành bay lên không. Các Ngài phải ôm lấy chân nó mà van xin, đó là cách để các Ngài đạt mục đích.

Sau đó họ tạ từ Ẩn Sĩ và cả mười người đi đến con lừa, quỳ xuống chân nó bảo: Thưa Tôn ông, chúng ta không nhờ cậy ai được ngoài Tôn ông! Khi chúng ta đến chiếm thành, xin đừng hí lên.

Con lừa đáp: Ta không thể nào không hí được. Song nếu các Ngài đến trước, và bốn người trong bọn các người đem các cây cày bằng sắt thật lớn, và đặt bốn cột trụ sắt lớn ở dưới đất tại bốn cổng thành.

Khi Kinh Thành bắt đầu bay lên, nếu các Ngài đóng vào trụ sắt một dây xích bằng sắt buộc vào cây cày thì Kinh Thành không thể nào bay lên nổi.

Họ cám ơn con lừa, và nó không kêu một tiếng khi họ đem đến các cây cày và đào hố chôn các cột trụ dưới đất ở bốn cổng thành rồi đứng đợi.

Sau khi con lừa hí, cả Kinh Thành bắt đầu bay lên. Song những người đứng ở bốn cổng thành với bốn cây cày đã đóng vào các cột trụ các dây xích sắt buộc vào các cây cày, nên Kinh Thành không thể bay lên được nữa. Thế là mười anh em vào thành giết Vua và chiếm Vương Quốc.

Như vậy họ chiếm được toàn cõi Diêm Phù Đề, và trong sáu mươi ba ngàn Kinh Thành, họ đã dùng bánh xe kia giết sạch mọi vị Vua các nước đó, rồi sống tại Dvàravati, chia Vương Quốc thành mười phần.

Song họ đã quên mất cô chị đầu là công nương Anjanà, vì thế họ bảo: Hãy chia Vương Quốc ra mười một phần.

Song Amkura đáp: Thôi cho chị ấy phần của tiểu đệ, và đệ sẽ làm việc khác mà sống, các vương huynh chỉ giảm thuế cho đệ ở mỗi Vương Quốc của các vương huynh thôi.

Họ đồng ý và đưa phần chàng cho chị đầu. Họ sống chung với nàng tại Dvàravati, cả chín ông Vua, trong khi Amkura đóng tàu đi buôn.

Với thời gian các Vua ấy sinh được nhiều con trai và con gái và lâu sau đó, các bậc cha mẹ họ từ trần. Vào thời ấy chuyện kể là con người sống đến hai mươi ngàn tuổi.

Sau đó Vương tử yêu quí của Ðại Vương Vàsudeva mất đi. Vua dở sống dở chết vì sầu muộn, nên xao lãng mọi việc, cứ nằm than khóc, bám chặt lấy sàng tọa.

Lúc ấy Trí Giả Ghata suy nghĩ: Trừ ta ra không ai đủ khả năng xoa dịu nỗi buồn của hoàng huynh. Ta muốn tìm phương tiện để làm giảm nỗi ưu phiền cho Ngài.

Vì thế chàng làm vẻ điên cuồng đi khắp Kinh Thành, nhìn lên bầu Trời và kêu lớn: Cho ta một con thỏ! Cho ta một con thỏ!

Cả Kinh Thành chấn động lên: Trí Giả Ghata nổi điên rồi. Họ bảo nhau.

Vừa lúc ấy một cận thần tên là Rohineyya, đi vào yết kiến Vua Vàsudeva và mở đầu câu chuyện bằng cách ngâm vần kệ đầu tiên:

Hắc Đế Kan ha, hãy đứng lên,

Sao Ngài nhắm mắt ngủ, nằm yên,

Kìa bào đệ, gió to đang cuốn

Tâm trí chàng bay mất, hãy nhìn:

Mất trí, Ghata mồm lảm nhảm,

Hỡi Ngài Ðại Đế tóc đen huyền!

Khi viên cận thần nói vậy xong, bậc Ðạo Sư thấy Vua ấy đứng dậy, rồi với trí tuệ Tối thắng, Ngài cảm hứng ngâm vần kệ thứ hai:

Chốc lát Vua dài tóc Kesa,

Nghe Ro hi lớn tiếng gào la,

Ðứng lên, Đại Đế đầy phiền muộn

Vì nỗi khổ buồn của Ghata.

Vua đứng lên, vội vàng bước xuống từ cung thất tiến về phía Trí Giả Ghata, Ngài chụp mạnh lấy chàng bằng cả hai tay và ngâm vần kệ thứ ba hỏi chàng:

Sao dáng điên rồ, đệ bước qua

Khắp miền non nước Dvàraka,

Và kêu: Thỏ, thỏ! này cho biết,

Ai lấy thỏ con của đệ à?

Trước câu hỏi của Vua, chàng chỉ đáp lại bằng cách ngâm mãi các lời kệ ấy.

Còn Vua ngâm thêm hai vần kệ nữa:

Thỏ làm bằng ngọc hoặc vàng ròng,

Như đệ ước ao, bạc hoặc đồng,

Vỏ óc, san hô, hay đá cuội,

Ta làm ngay thỏ, đệ an lòng.

Còn có nhiều loài thỏ biết bao,

Vẫn thường quanh quẩn chốn rừng sâu,

Ðược mang về nữa ta đòi bắt,

Hãy nói, em thích chọn thứ nào?

Nghe lời Vua, Bậc Hiền Nhân đáp lại bằng cách ngâm vần kệ thứ sáu:

Em chẳng ước ao thỏ thế gian,

Mà mơ con thỏ ở cung trăng,

Này Kesa, thỏ kìa, đem xuống,

Em chẳng đòi thêm một đặc ân.

Chắc em ta đã nổi điên rồi.

Vua suy nghĩ khi nghe nói vậy.

Lòng đầy sầu muộn, Ngài ngâm vần kệ thứ bảy:

Nói thật này em sẽ chết thôi,

Nếu em cầu khấn chuyện kia hoài,

Em đòi chuyện chẳng ai mong ước,

Con thỏ cung trăng ở Cõi Trời!

Trí Giả Ghata khi nghe Vua đáp lại, liền đứng yên không nhúc nhích và nói: Này Vương huynh, anh biết rằng con người đòi thỏ mặt trăng thì không thể nào có được và sẽ phải chết.

Vậy tại sao anh phiền muộn vì đứa con trai đã mất?

Nếu Kan ha hiểu chuyện này mau,

Và giải khuyên người khóc khổ đau,

Anh vẫn cớ sao đang phiền muộn

Ðứa con trai đã chết từ lâu?

Rồi chàng nói tiếp khi vẫn đứng trên đường. Này anh, em chỉ cầu xin cái có thật, còn anh lại phiền muộn vì cái không còn nữa.

Sau đó chàng giáo hóa Vua bằng hai vần kệ sau:

Con ta sinh, ước chẳng lìa trần,

Không một người hay cả Thánh Thần

Có thể đạt lời nguyền kia, vậy

Sao điều không có, lại cầu mong?

Không có bùa Thiên, hoặc thuốc Thần,

Chẳng loài cỏ thuốc hoặc tiền vàng

Ðủ công năng để làm cho sống

Người chết, Kan ha vẫn khóc than.

Vua nghe vậy, đáp: Này hiền đệ, em có mục đích tốt lành lắm. Em đã làm như vậy để xua tan phiền muộn của ta.

Sau đó Ngài ngâm bốn vần kệ để tán thán Trí Giả Ghata:

Trẫm nghe nhiều bậc Trí nhân,

Nhiều người lỗi lạc khuyên toàn điều hay,

Song Ghata đã khéo thay,

Mở đôi mắt trẫm từ nay sáng bừng!

Ta đang thiêu đốt trong lòng,

Như khi người đổ dầu trong lửa đào,

Em đà mang nước lạnh vào,

Và em dập tắt khát khao tủi buồn.

Vì con, bao nỗi sầu tuôn,

Mũi tên độc cắm trong hồn của ta,

Em vừa an ủi khuây khoa

Nỗi niềm bi thiết, nhổ ra tên này.

Tên vừa nhổ, hết đau ngay,

Giữ tâm thanh thản, ta rày bình an,

Nghe lời chân lý, hỡi chàng,

Ta không còn phải khóc than đau buồn.

Và cuối cùng:

Hãy làm như đấng từ tâm,

Và như các bậc trí nhân Đại Hiền

Giải tan các nỗi ưu phiền,

Như Ghata đã giải khuyên anh mình.

Ðây là vần kệ phát xuất từ trí tuệ Tối thắng.

Bằng cách ấy, Vàsudeva Ðại Vương đã được Vương tử Ghata an ủi nỗi buồn.

Sau một thời gian dài, Vua cai trị Vương Quốc, các Vương tử của mười anh em làm Vua kia suy nghĩ: Dân chúng đồn rằng Kanhadìpàyana có thần thông lực. Ta thử xem sao. Thế là cả bọn ấy kiếm một thanh niên cho gã phục sức đẹp vào rồi buộc một chiếc gối quanh bụng gã làm như thể gã có thai.

Rồi họ đem gã vào yết kiến Ngài và hỏi: Thưa Tôn Giả, khi nào thì người đàn bà này sinh con?

Nhà Ẩn Sĩ nhận thấy nhờ thần lực rằng mười anh em Vương Tử này đã đến hồi mạt vận. Rồi khi xem kỹ hạn kỳ mạng sống của chính mình được chừng nào, Ngài hiểu là Ngài phải chết đúng ngày hôm ấy.

Sau đó Ngài hởi: Thưa các vị Vương Tử, người này là gì của các vị?

Họ khăng khăng đáp lại: Xin hãy trả lời cho chúng ta rõ.

Ngài đáp: Từ ngày thứ bảy kể từ nay, người này sẽ sinh ra một khúc gỗ keo. Với khúc gỗ ấy, nó sẽ phá tan dòng họ Vàsudeva, dù cho các vị có lấy thanh gỗ ấy và đốt đi rồi thả tro xuống sông. A, Đạo Sĩ này giả hiệu họ đáp.

Ðàn ông không thể nào đẻ con được!

Rồi họ làm một sợi dây thừng giết Ngài lập tức. Các vị Vua triệu các Vương Tử vào hỏi tại sao đã giết Đạo Sĩ. Khi các vị nghe như vậy đều kinh hãi. Các vị cho người canh giữ chàng trai kia, và đến ngày thứ bảy, chàng ta lấy ra từ trong bụng một khúc gỗ keo, họ đem đốt đi và thả tro xuống sông.

Tro ấy trôi theo dòng nước dính vào một bên bờ nhờ một cái ngõ vào phía sau, từ nơi ấy mọc lên một cây Eraka. Một ngày kia, các Vua đề nghị đi hu hí dưới sông. Vì thế các vị ấy đến ngõ sau này dựng một chiếc rạp lớn, và trong cái rạp rực rỡ ấy, các vị Vua ăn uống vui đùa.

Sau đó, các vị bắt đầu đấm đá nhau và chia thành hai phe gây gổ dữ dội. Cuối cùng một người trong đám đó thấy không có gì tốt hơn để làm cây gậy liền hái một ngọn lá Eraka, ngay sau khi hái, nó liền biến thành cái gậy gỗ keo trong tay, người ấy dùng gậy đánh nhiều người.

Rồi các người khác cũng hái như vậy, và các lá cây mà họ hái đều biến thành gậy gộc, và bọn người ấy dùng gậy đánh nhau cho đến chết.

Trong lúc cả bọn tàn sát lẫn nhau, chỉ có bốn người: Vàsudeva, Baladeva, công chúa Anjanà, vương tỷ, và vị quan tế sư nhảy lên xe chạy trốn. Còn cả đám kia chết hết không sót ai. Bấy giờ bốn vị ấy dùng xe trốn đi đến khu rừng Kàlamattikà, nơi ấy gã đấu vật Mutthika tái sinh làm quỷ đúng như lời nguyện của y.

Khi y nhận thấy Baladeva, y liền dựng lên một ngôi làng tại đó rồi giả dạng làm người nô bộc vừa đi vừa nhảy nhót la hét vừa búng tay một hồi: Ai muốn đấu đây?

Baladeva mới thấy y liền nói: Này anh, em sẽ cố đánh gã này. Vàsudeva cố hết sức ngăn cản chàng, song chàng vẫn xuống xe, đi đến gã, búng tay, gã kia chụp ngay chàng trong lòng bàn tay và nhai chàng ngấu nghiến như một củ cải!

Vàsudeva thấy chàng đã chết, liền đi suốt đêm cùng chị và viên tế sư rạng ngày sau vừa đến một làng ở biên địa. Vua nằm xuống trong chổ ẩn sau một bụi rậm, nhờ chị và viên tế sư vào làng bảo nấu một ít thức ăn đem đến dâng Ngài.

Một người thợ săn tên là Jarà hay Lão niên thấy bụi rậm lay động: Chắc có con lợn rồi!

Gã suy nghĩ và đâm một giáo xuyên suốt chân Ngài.

Ai đã bắn ta bị thương đó?

Vàsudeva la lớn. Người thợ săn thấy gã đã đâm nhằm một người nên kinh hoàng bỏ chạy trốn.

Vua hồi tỉnh đứng lên gọi gã thợ săn: Này lão tiều phu, tới đây đừng sợ!

Khi gã đến, Vàsudeva hỏi: Người là ai?

Tâu Chúa Thượng, tiểu thần là Jàra.

Than ôi!

Vua nghĩ thầm: Hễ ai bị lão niên đâm bị thương đều phải chết, người xưa vẫn nói như vậy. Chắc chắn ta phải chết hôm nay rồi.

Sau đó Vua bảo: Này lão tiều phu, xin đừng sợ, đến đây buộc vết thương lại cho ta. Khi miệng vết thương buộc lại xong, Vua để gã đi. Vết thương khiến Ngài đau đớn ghê gớm, Ngài không thể ăn thứ gì mà các người kia mang đến.

Sau đó, Ngài bảo các người kia: Hôm nay ta phải chết. Các người yếu đuối lắm, không bao giờ có thể có nghề gì khác để sinh sống, vậy hãy học chuyên khoa này của ta. Nói xong Ngài dạy cho hai người học một chuyên khoa, rồi để cho họ ra đi, và Ngài chết ngay hôm đó. Như vậy trừ công nương Anjanà, tất cả đều chết không ai sót. Câu chuyện kể như vậy.

Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt pháp thoại này, Ngài bảo: Này cư sĩ, như vậy ngày xưa, có người đã thoát khỏi khổ đau vì con chết bằng cách nghe theo lời dạy của các bậc trí nhân. Thôi, ông đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa. Sau đó Ngài tuyên thuyết các sự thật, vị cư sĩ đã được an trú vào Sơ Quả Dự Lưu.

Rà Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, Ànanda A Nan là Rohineyya, Sàriputta Xá Lợi Phất là Vàsudeva, các đệ tử của Đức Phật là các người kia, và ta chính là Trí Giả Ghata.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần