Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chăn Bò - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH CHĂN BÒ
PHẦN HAI
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Người chăn bò nếu có đủ mười một pháp, sẽ không thể làm cho bò tăng trưởng, cũng không thể giữ gìn bầy bò lớn được an ổn.
Những gì là mười một?
Không biết sắc.
Không biết tướng.
Không biết trừ trùng.
Không băng giữ vết thương.
Không un khói.
Không biết chọn đường.
Không biết chọn chỗ nghỉ.
Không biết chỗ qua sông.
Không biết chỗ cho ăn.
Vắt hết sữa của bò.
Không biết chăm sóc con đầu đàn.
Đó gọi là người có đủ mười một pháp thì không thể chăn giữ đàn bò lớn.
Cũng vậy, Tỳ Kheo có đủ mười một pháp, không thể tự mình an ổn, cũng không thể an ổn cho người khác.
Những gì là mười một điều?
Không biết sắc.
Không biết tướng.
Không thể trừ trùng hại.
Không băng vết thương.
Không thể un khói.
Không biết đường chánh.
Không biết chỗ dừng nghỉ.
Không biết chỗ vượt qua.
Không biết chỗ để ăn.
Vắt hết sữa của bò.
Hoặc có Thượng Tọa đa văn kỳ cựu, tu phạm hạnh lâu, được Đại Sư khen ngợi, mà không hướng đến các phạm hạnh có minh trí để khen ngợi đức độ kia, khiến tất cả tôn kính, phụng sự, cung dưỡng.
Thế nào là không biết sắc?
Những gì có sắc, tất cả đều là bốn đại và sở tạo từ bốn đại. Đó gọi là không biết như thật về sắc.
Thế nào gọi là không biết tướng?
Không biết như thật về sự nghiệp nào là tướng lỗi, sự nghiệp nào là tướng tuệ. Đó gọi là không biết tướng. Thế nào gọi là không biết trừ trùng. Dục giác đã khởi mà nhẫn thọ, không xa lìa, không giác sát, không trừ diệt. Sân nhuế, hại giác đã khởi, mà nhẫn thọ, không xa lìa, không giác sát, không trừ diệt. Đó gọi là không biết trừ trùng.
Thế nào là không băng vết thương?
Mắt thấy sắc, theo đó nắm giữ hình tướng. Do không thủ hộ mắt, khiến cho tham ưu thế gian, pháp ác bất thiện chảy lọt vào tâm mà không thể phòng hộ. Tai mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là không băng vết thương.
Thế nào là không un khói?
Như những pháp đã nghe, như những pháp đã thọ, không thể vì người phân biệt, chỉ rõ. Đó gọi là không un khói.
Thế nào là không biết chánh đạo?
Tám chánh đạo và Thánh pháp luật, đó gọi là đạo. Kia không biết như thật. Đó gọi là không biết chánh đạo.
Thế nào là không biết chỗ nghỉ?
Đối với những pháp mà Như Lai sở tri, không đạt được sự hoan hỷ, sự hân hoan, sự thắng diệu, sự ích lợi xuất ly. Đó là không biết chỗ dừng nghỉ.
Thế nào là không biết chỗ vượt qua?
Không biết Tu Đa La, Tỳ Ni, A Tì Đàm, không biết tùy thời đến thưa hỏi thỉnh thọ, rằng: Thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là có tội, thế nào là không có tội.
Tạo những pháp nào là pháp thù thắng không phải ác?
Đối với pháp ẩn mật thì không thể khai phát, đối với pháp hiển lộ thì không thể hỏi rộng, đối với cú nghĩa sâu xa đã tự biết mà không thể diễn rộng chỉ rõ. Đó gọi là không biết chỗ vượt qua.
Thế nào là không biết chỗ chăn thả bò?
Bốn Niệm Xứ và pháp luật Thánh Hiền, gọi là chỗ chăn thả bò. Ở đó mà không biết như thật, thì đó gọi là không biết chăn thả bò.
Thế nào là vắt hết sữa?
Hàng Sát Đế Lợi, Bà La Môn hay gia chủ kia, tự tại bố thí y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men và những vật dụng trong đời sống. Tỳ Kheo thọ dụng không biết hạn lượng, đó gọi là vắt hết sữa.
Thế nào là đối với các Thượng Tọa, Đại Đức đa văn kỳ cựu, cho đến không hướng đến chỗ các vị thắng trí, phạm hạnh, xưng dương công đức kia, khiến cho họ tôn trọng thừa sự, cung dưỡng để được an vui?
Là Tỳ Kheo không tán dương Thượng Tọa kia, cho đến khiến các bậc trí tuệ phạm hạnh đi đến chỗ đó, đem thân khẩu ý nghiệp tùy thuận thừa sự.
Đó gọi là không hướng đến những bậc Thượng Tọa đa văn kỳ túc, cho đến, khiến tất cả tôn kính, phụng sự, cung dưỡng. Người chăn bò kia nếu có đủ mười một pháp thì có thể làm cho đàn bò kia tăng trưởng, bảo vệ bầy bò, làm cho vui vẻ.
Những gì là mười một?
Biết sắc, biết tướng, nói rõ ràng phân biệt như trên, cho đến có thể lãnh đàn, tùy thời liệu lý, khiến được an ổn. Đó gọi là người chăn bò có đủ mười một pháp, sẽ khiến cho bầy bò tăng trưởng, bảo vệ khiến chúng được an ổn.
Cũng vậy, Tỳ Kheo có đầy đủ mười một pháp, tự mình sẽ được an lạc, cũng có thể làm cho người khác được an lạc.
Những gì là mười một?
Biết sắc, biết tướng, cho đến nói đầy đủ phân biệt rõ ràng. Đó gọi là Tỳ Kheo có đủ mười một điều, tự mình an và làm cho người an.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sa Môn Pháp Sa Môn Nghĩa - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Hợp Bộ - Phẩm Bốn - Phẩm Sám Hối
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Bốn - Phẩm đà la Ni - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Quá Khứ
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Một - Phẩm Một Kệ - Phẩm Mười Hai