Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Kiến
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH KIẾN
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở tại Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà trong thành Vương Xá.
Bấy giờ có xuất gia họ Bà Sa, đến chỗ Phật, cùng nhau thăm hỏi, thăm hỏi xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
Thưa Cù Đàm, thế nào, Cù Đàm có thấy như vậy, có nói như vậy: Thế gian thường, đây là chân thật, ngoài ra là hư vọng?
Phật bảo Bà Sa xuất gia:
Ta không thấy như vậy, không nói như vậy: Thế gian thường, đó là chân thật, ngoài ra là hư vọng?
Thế nào, thưa Cù Đàm, có thấy như vậy, có nói như vậy: Thế gian vô thường, vừa thường, vừa vô thường. Chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Có biên, không biên. Vừa biên, vừa vô biên. Chẳng phải biên, chẳng phải vô biên. Mạng tức là thân. Mạng khác, thân khác. Như Lai, sau khi chết có còn, sau khi chết không còn. Sau khi chết vừa có, vừa không.
Sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không?
Phật bảo Bà Sa xuất gia:
Ta không thấy như vậy, không nói như vậy: Cho đến sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không.
Lúc ấy, Bà Sa xuất gia bạch Phật: Thưa Cù Đàm, những kiến giải này có những sai lầm nào, mà đối với tất cả những kiến giải này Ngài không ký thuyết?
Phật bảo Bà Sa xuất gia:
Nếu thấy như vậy: Thế gian thường, đó là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng, thì đó là kiến giải điên đảo, là kiến giải do quán sát, là kiến giải dao động, là kiến giải cấu nhiễm, là kiến giải kết sử, là khổ, là ngại, là não, là nhiệt, bị kiến kết trói buộc. Phàm phu ngu si không học ở đời vị lai sẽ bị sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não sanh.
Này Bà Sa xuất gia, nếu thấy như vậy: Thế gian vô thường. Vừa thường, vừa vô thường. Chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Có biên, không có biên. Vừa biên, vừa vô biên. Chẳng phải có biên, chẳng phải không biên.
Là mạng là thân. Mạng khác thân khác. Như Lai, sau khi chết có còn, sau khi chết không còn. Sau khi chết vừa có vừa không. Sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không, đó là đảo kiến, cho đến ưu, bi, khổ, não sanh.
Bà Sa xuất gia bạch Phật: Thưa Cù Đàm, sở kiến của Ngài thế nào?
Phật bảo Bà Sa xuất gia: Sở kiến của Như Lai đã hoàn toàn dứt hết.
Này Bà Sa xuất gia, nhưng Như Lai thấy là thấy rằng: đây là khổ Thánh đế. Đây là Khổ Tập Thánh đế, sự diệt tận của khổ diệt Thánh đế, đây là khổ diệt đạo Thánh đế. Sau khi biết như vậy, thấy như vậy rồi, đối với tất cả kiến, tất cả thọ, tất cả sanh, tất cả kiến chấp về ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử, đều khiến cho đoạn diệt, tịch tịnh, mát mẻ, chân thật. Đối với Tỳ Kheo giải thoát tất cả như vậy, sanh không đúng, không sanh cũng không đúng.
Bà Sa bạch Phật: Thưa Cù Đàm, vì sao nói, sanh không đúng?
Phật bảo Bà Sa: Bây giờ, Ta hỏi ông, cứ tùy ý mà trả lời cho Ta.
Này Ba Sa, giống như có người đốt lửa trước ông, ông có thấy lửa cháy không?
Ngay đó dập tắt lửa trước ông, ông có thấy lửa tắt không?
Bà Sa bạch Phật: Thưa Cù Đàm, thấy như vậy.
Phật bảo Bà Sa:
Nếu có người hỏi ông: Lửa vừa cháy đó, nay ở chỗ nào?
Đi về phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc?
Nếu hỏi như vậy, ông sẽ nói thế nào?
Bà Sa bạch Phật:
Thưa Cù Đàm, nếu có người nào đến hỏi như vậy, con sẽ trả lời như vậy: Nếu có ai đốt lửa trước tôi, nhờ nhân duyên củi, cỏ nên lửa cháy. Nếu không thêm củi, lửa tắt, vĩnh viễn không sanh khởi trở lại được. Nói đi về phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc thì không đúng.
Phật bảo Bà Sa:
Ta cũng sẽ nói như vậy: Sắc đã đoạn, đã biết. Thọ, tưởng, hành, thức đã đoạn, đã biết. Đoạn tận gốc rễ của nó như chặt đứt ngọn cây Đa La không thể sanh lại được.
Đối với đời vị lai không thể sanh khởi trở lại nữa. Nếu bảo đến phương Đông, phương Nam, Tây, Bắc thì điều đó không đúng. Vì điều đó sâu xa, rộng lớn, vô lượng, vô số, vĩnh viễn tịch diệt.
Bà Sa bạch Phật: Con sẽ nói thí dụ.
Phật bảo Bà Sa: Ông biết đúng lúc.
Bà Sa bạch Phật: Thưa Cù Đàm, thí như gần thành thị hay làng xóm, có một vùng đất mầu mỡ, mọc lên một khu rừng kiên cố. Có một cây to lớn bền chắc. Nó sanh trưởng đã trải qua hàng ngàn năm.
Lâu ngày, cành lá rơi rụng. Vỏ cây khô mục. Chỉ còn gốc cây đứng trơ trọi. Cũng vậy, thưa Cù Đàm, pháp luật của Như Lai lìa bỏ những thứ cành nhánh cọng lá, chỉ còn trơ gốc không, đứng một mình kiên cố.
Bấy giờ, Bà Sa xuất gia nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ha Lê - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Ba - Thiên Uẩn - Chương Hai - Tương ưng Radha - Phẩm Thân Cận
Phật Thuyết Kinh Lô Chí Trưởng Giả Nhân Duyên
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Bảy Mươi - Phẩm Bất Khả động - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ma Cù
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Chín - Phẩm Nhân - Kinh Tưởng
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Ba Mươi Hai - Phẩm Chư Bồ Tát Trụ Xứ