Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tâm ý - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA MƯƠI MỐT

PHẨM TÂM Ý  

TẬP BA  

Sinh diệt tiếp nối mãi. Sinh sinh rồi diệt, sinh sinh rồi sinh, diệt diệt rồi diệt, diệt diệt rồi sinh, sinh không thấy sinh, diệt không thấy diệt. Phàm phu quen theo sự hiểu biết điên đảo, không giác ngộ.

Cho nên nói: Quán thân như chùm bọt, như ngựa đồng nắng lóa, dùng tuệ đánh với ma, giữ thắng chớ để mất. Tóm lại, quán sát thế gian cũng giống như vậy.

Tâm nhớ bảy giác ý

Quyết ý không sai trái

Phải bỏ ý ngu lầm

Vui với nhẫn bất khởi

Hết lậu, không còn nhơ

Ở đời mà diệt độ.

Tâm nhớ bảy giác ý, quyết ý không sai trái: Như người tu hành, tu tập pháp giác ý, lúc nào cũng nghĩ đến nó, không hề buông rời.

Cho nên nói: Tâm nhớ bảy giác ý, quyết ý không sai trái.

Phải bỏ ý ngu lầm, vui với nhẫn bất khởi: Nếu có chúng sinh không khởi tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh thì không đến được đạo và thành tựu được gì, phải bỏ ý ngu lầm, không đắm mê những ý tưởng về sắc, mới thích ứng với đạo chân, vui với xả và pháp nhẫn bất khởi, không còn tâm sinh diệt là bước vào nhà đạo.

Cho nên nói: Tâm nhớ bảy giác ý, quyết ý không sai trái.

Hết lậu không còn nhơ, ở đời mà diệt độ: Người tu hành hết hữu lậu thành vô lậu, tâm được giải thoát, tuệ được giải thoát, ở trong pháp hiện tại được tự tại. Hạng người như vậy được vào cảnh vô vi bước vào Niết Bàn. Vắng lặng mãi mãi, không còn sinh trở lại nữa.

Cho nên nói:

Hết lậu không còn nhơ,

Ở đời mà diệt độ.

Phải tự giữ ý mình

Như trâu Ly giữ đuôi

Bố thí cho tất cả

Không bao giờ lìa vui.

Phải tự giữ ý mình, như trâu Ly giữ đuôi: Tâm luôn hành đạo, tạo tác không đầu mối, thường phải gom nhiếp tâm ý, không để gây lỗi lầm, như con trâu Ly lúc nào cũng giữ gìn cái đuôi của nó, sợ bị đứt mất, thà mất mạng sống và mất sự nghỉ ngơi chứ không để cho cái đuôi của mình bị chấm xuống đất. Tỳ Kheo học đạo cũng giống như thế, thà bỏ thân mạng chứ không phạm giới.

Cho nên nói: Phải tự giữ ý mình, như trâu Ly giữ đuôi.

Bố thí cho tất cả, không bao giờ lìa vui: Phải sinh tâm từ bi thương xót tất cả chúng sinh. Xem kẻ oán thù như con đỏ. A Tu Luân, Ca Lưu La, Chiên Đà La, Ma Hư Lặc, Nhân và Phi nhân không có dịp làm hại người ấy. Tự nhiên hưởng phước, vui sướng vô cùng.

Cho nên nói:

Bố thí cho tất cả,

Không bao giờ lìa vui.

Một voi ra khỏi bầy

Voi sáu ngà trong voi

Tâm tâm tự bình đẳng

Vui một mình đồng trống.

Thuở xưa, các thầy Tỳ Kheo ở Câu Thâm ưa tranh chấp, không hề vui vẻ. Họ không thích cảnh núi rừng vắng vẻ. Khi ấy Đức Thế Tôn thường đến quở trách, can ngăn, nhưng họ không nghe. Như Lai thường nói pháp, họ cũng không nghe. Ngài bỏ đi đến một nơi, không xa chỗ Ngài có một con voi sống một mình lặng lẽ nơi núi rừng thanh vắng.

Con voi thầm nghĩ: Khi ta ở trong bầy bị đàn voi quấy nhiễu, ăn thì ăn cỏ xấu, uống thì uống nước đục. Nay ta ở nơi đây, không bị quấy nhiễu vui sướng làm sao!

Khi ấy Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Một voi ra khỏi bầy

Voi sáu ngà trong voi

Tâm tâm tự bình đẳng

Vui một mình đồng trống.

Nói kệ rồi, Đức Như Lai bèn bỏ ra đi.

Không có tâm làm hại

Vì tất cả mọi người

Tâm từ vì chúng sinh

Không ai oán giận mình.

Không có tâm làm hại, vì tất cả mọi người: Dứt bỏ tất cả tâm ghét bỏ thù hận, từ bi thương xót tất cả các loài chúng sinh.

Cho nên nói: Không có tâm làm hại, vì tất cả mọi người.

Tâm từ vì chúng sinh, họ không có oán giận: Coi thân mình như thân họ không có khác nhau. Không để lòng dù lời khen hay chê, không có tâm oán giận, cũng không có ý làm hại. Một lòng hướng về chúng sinh, lo nghĩ canh cánh bên lòng, không bao giờ lìa bỏ họ.

Cho nên nói:

Tâm từ vì chúng sinh,

Họ không có oán giận.

Tâm từ thương một người

Thì được các gốc lành

Phải nên vì tất cả

Hiền Thánh khen phước cả.

Tâm từ thương một người: Như trong Khế Kinh của Phật có nói: Nếu có người bố thí cho tất cả chúng sinh, lại thêm tâm từ bi bố thí cho một người thì người nào được phước nhiều?

Thầy Tỳ Kheo đáp rằng: Người thực hành tâm từ bi thương xót nghĩ nhớ chúng sinh được phước rất nhiều.

Cho nên nói: Tâm từ thương một người thì được các gốc lành.

Phải nên vì tất cả, Hiền Thánh khen phước cả: Bố thí cho một người mà phước còn khó lường nổi, huống gì bố thí cho tất cả các loài chúng sinh?

Thì phước này là vô hạn, vô lượng, không thể tính kể. Nó lớn gấp muôn ức lần không thể lấy gì để thí dụ cho được.

Cho nên nói:

Phải nên vì tất cả,

Hiền Thánh khen phước cả.

Từ bi khắp tất cả

Thương các loài chúng sinh

Tu hành tâm từ bi

Đời sau vui không cùng.

Từ bi khắp tất cả, thương các loài chúng sinh: Người thực hành từ bi phát tâm bình đẳng, đối với tất cả chúng sinh trên mặt đất này thì có tâm từ bi thương xót tất cả chúng sinh, về sau chịu thân người hưởng vui không bao giờ nhàm chán. Nếu sinh trên Cõi Trời thì hưởng phước tự nhiên, nhìn Đông thì quên Tây, các ngọc nữ vây quanh nhiều không kể hết.

Nếu sinh làm người thì giàu có sang trọng thuộc bốn chủng tộc cao quý, bảy báu đầy đủ không thiếu món chi. Cha mẹ là người chân chánh, không phải hạng hèn mọn.

Cho nên nói:

Từ bi khắp tất cả,

Thương các loài chúng sinh,

Tu hành tâm từ bi,

Đời sau vui không cùng.

Nếu với tâm hớn hở

Vui mừng không biếng nhác

Tu tập các pháp lành

Thì đạt được an ổn.

Nếu với tâm hớn hở, vui mừng không biếng nhác: Người tu hành dứt hết dâm, nộ, si, giữ ý vững chắc không bỏ bản nguyện. Tất cả công đức có được đều bố thí cho hết quả vô lượng đạo chánh Đẳng Giác, chứ không lấy phước này mà cầu làm Chuyển Luân Thánh Vương hay các Vua chư hầu.

Lại cũng không cầu làm Đế Thích, Phạm Vương, cũng không mong làm Ma hay Ma Vương, mà chỉ mong Niết Bàn tận diệt, vô vi, vô tác, là pháp sinh vô diệt.

Cho nên nói:

Nếu với tâm hớn hở,

Vui mừng không biếng nhác,

Tu tập các pháp lành

Thì đạt được an ổn.

Dứt hết được vui mừng

Thân, miệng, ý tương ưng

Đạt được đẳng giải thoát

Tỳ Kheo dứt ý vui

Tất cả các kết hết

Không còn có trần lao.

Dứt hết được vui mừng, thân, miệng, ý tương ưng: Tâm người đã dứt thì các bệnh đều hết, không còn tạo các nghiệp của thân, miệng, ý nữa. Bố thí, trì giới, nhiếp ý, thọ trai đều cầu đạo vô vi, người xuất gia tu tập phước nghiệp, buông bỏ thế trí biện thông, tu tập bốn biện tài, để được tám pháp giải thoát. Thầy Tỳ Kheo tu tập nên theo sát Bậc Hiền Thánh.

Cho nên nói: Dứt hết được vui mừng, thân, miệng, ý tương ưng. Ở đây nói kết là vì nó trói buộc tâm người, các kết trói buộc nhau, như con Ngài tự trói lấy nó. Trói buộc tâm người nên không thấy được ánh sáng rực rỡ. Xua tan trần cấu kia thì tự mình soi thấy.

Cho nên nói:

Tất cả các kết hết,

Không còn có trần lao.

Dù cho năm nhạc âm

Không làm vui ý người

Không bằng một tâm chánh

Hướng về pháp bình đẳng.

Dù cho năm nhạc âm, không làm vui ý người: Người tu hành chí an trụ trong thiền định. Phân biệt thân này là nơi hội tụ của thành bại. Dù cho các vị Trời có trổi kỹ nhạc để làm cho tâm người này lay chuyển, thì việc đó không thể được.

Vì sao?

Vì tâm chánh kiến, không còn điên đảo.

Cho nên nói:

Dù cho năm nhạc âm,

Không làm vui ý người,

Không bằng một tâm chánh,

Hướng về pháp bình đẳng.

Được ngủ ngon hơn hết

Cũng không chấp có ngã

Những ai tâm ưa thiền

Thì không vui ý dục,

Được ngủ ngon hơn hết, cũng không chấp có ngã: Người tu hành không chấp tôi, ta, không đắm nhiễm hiển vinh, chức tước.

Thà nằm co ro trong giá lạnh trên đất, chứ không để tâm trói buộc mà được nằm giường cao với màn trướng vây quanh.

Cho nên nói: Được ngủ ngon hơn hết, cũng không chấp có ngã.

Những ai tâm ưa thiền, thì không vui ý dục: Người nhập định thì tâm không đổi dời. Khi đang nhập định thì vắng lặng, không một âm thanh. Cả ngàn xe cùng lúc rầm rộ chạy qua cũng không thể làm người nhập định xa lìa chánh thọ.

Vì sao?

Vì lòng từ của người này đã lan khắp.

Cho nên nói:

Những ai tâm ưa thiền,

Thì không vui ý dục.

Ý hớn hở hơn hết

Cũng không thấy có ngã

Những ai tâm ưa thiền

Thì không vui ý dục.

Ý hớn hở hơn hết: Người không thấy có ngã, phân biệt than bốn đại này từ trong ngoài, từ nơi có nó ra, hiểu rõ mỗi món đều không chân thật.

Cho nên nói: Ý hớn hở hơn hết, cũng không thấy có ngã, những ai tâm ưa thiền, thì không vui ý dục.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần