Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Kiệt đàm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH KIỆT ĐÀM
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật du hành giữa những người Lực Sĩ, đến ở rừng Anh Vũ Diêm Phù, trú xứ của Uất Bệ La.
Bấy giờ có thôn chủ Kiệt Đàm nghe tin Sa Môn Cù Đàm du hành giữa những người Lực Sĩ, đến ở rừng Anh Vũ Diêm Phù, trú xứ của Uất Bệ La. Ngài nói về sự tập khởi của khổ và sự tiêu diệt của khổ hiện tại.
Ông nghĩ: Ta nên đến chỗ Sa Môn Cù Đàm kia. Nếu ta đến thì chắc Sa Môn Cù Đàm sẽ vì ta mà nói về sự tập khởi của khổ và sự tiêu diệt của khổ hiện tại.
Sau đó ông liền đến thôn Uất Bệ La và đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, tôi nghe Thế Tôn thường vì người nói về sự tập khởi của khổ và sự tiêu diệt của khổ hiện tại.
Lành thay! Thế Tôn vì tôi nói về sự tập khởi của khổ và sự tiêu diệt của khổ hiện tại.
Phật bảo thôn trưởng: Nếu ta nói về sự tập khởi của khổ và sự tiêu diệt của khổ quá khứ, Ta biết đối với điều đó ông có thể tin hay không tin, muốn hay không muốn, nhớ hay không nhớ, thích hay chẳng thích.
Nay ông có khổ không?
Nếu Ta nói về khổ vị lai, đối với điều đó ta biết ông có thể tin hay không tin, muốn hay không muốn, nhớ hay không nhớ, thích hay chẳng thích.
Nay ông có khổ không?
Hôm nay ta sẽ nói về sự tập khởi của khổ và sự tiêu diệt của khổ hiện tại.
Này thôn trưởng, tất cả những khổ phát sanh mà chúng sanh có, tất cả đều do dục làm gốc: Dục phát sanh, dục tập khởi, dục hiện khởi, dục làm nhân, dục làm duyên mà khổ phát sanh.
Thôn trưởng bạch Phật: Thế Tôn nói pháp quá sơ lược, không phân biệt rộng rãi, nên tôi có chỗ không hiểu.
Lành thay, Thế Tôn! Xin nói đầy đủ hơn cho chúng tôi được hiểu.
Phật bảo thôn trưởng: Bây giờ Ta hỏi ông, cứ theo ý ông mà đáp.
Này thôn trưởng, ý ông thế nào, nếu chúng sanh ở thôn Uất Bệ La này hoặc bị trói, hoặc bị đánh, hoặc bị khiển trách, hoặc bị giết, tâm ông có khởi buồn thương khổ não không?
Thôn trưởng bạch Phật: Bạch Thế Tôn, cũng không nhất thiết là vậy!
Nếu mọi người sống ở thôn Uất Bệ La này đối với tôi mà có dục, có tham, có ái, có nghĩ, gần gũi nhau, mà gặp khi họ hoặc bị trói, hoặc bị đánh, hoặc bị trách, hoặc bị giết, thì tôi sẽ cảm thấy buồn thương khổ não. Còn nếu những người kia đối với tôi mà không có dục, không có tham, không có ái, không có nghĩ và gần gũi nhau.
Khi gặp họ bị trói, đánh, trách, giết, thì làm sao tôi có thể sanh lòng buồn thương khổ não được?
Phật bảo thôn trưởng: Cho nên ông phải biết, mọi cái khổ của chúng sanh được phát sanh, tất cả chúng đều do từ dục làm gốc: Dục phát sanh, dục tập khởi, dục hiện khởi, dục là nhân, dục là duyên mà sanh ra các thứ khổ.
Này thôn trưởng, ý ông thế nào?
Nếu ông cùng cha mẹ nuôi mà không gặp nhau, thì có sanh lòng tham dục thương nhớ không?
Thôn trưởng nói: Bạch Thế Tôn, không!
Này thôn trưởng, ý ông thế nào?
Nếu hoặc thấy, hoặc nghe cha mẹ nuôi, ông có sanh lòng dục, thương nhớ không?
Thôn trưởng nói: Bạch Thế Tôn, có vậy!
Lại hỏi: Này thôn trưởng, ý ông thế nào?
Nếu cha mẹ nuôi kia bị vô thường biến khác, ông có sanh lòng buồn thương khổ não không?
Thôn trưởng nói: Bạch Thế Tôn, có vậy!
Nếu cha mẹ nuôi bị vô thường biến khác, thì tôi sẽ khổ đến gần chết được, đâu phải chỉ buồn thương khổ não!
Phật bảo thôn trưởng:
Cho nên ông phải biết, nếu các chúng sanh có được cái khổ phát sanh, thì tất cả đều do ái dục làm gốc: Dục phát sanh, dục tập khởi, dục hiện khởi, dục là nhân, dục là duyên mà sanh ra các thứ khổ.
Thôn trưởng nói: Lạ thay! Thế Tôn đã khéo nói thí dụ về cha mẹ nuôi như vậy. Tôi có cha mẹ nuôi, nhưng sống tại nơi khác. Hằng ngày tôi sai người thăm hỏi, vấn an sức khỏe thế nào.
Khi họ đi chưa về tôi đã lấy làm lo lắng khổ sở, huống chi là lại bị vô thường mà không lo lắng khổ đau sao được!
Phật bảo thôn trưởng:
Cho nên ta nói mọi lo khổ của chúng sanh, tất cả đều do dục làm gốc rễ: Dục phát sanh, dục tập khởi, dục hiện khởi, dục là nhân, dục là duyên mà sanh ra lo khổ.
Phật bảo thôn trưởng tiếp: Nếu có bốn ái niệm, mà bị vô thường biến khác, thì sẽ phát sanh ra bốn ưu khổ. Nếu có một hoặc hai, ba ái niệm bị vô thường biến khác, sẽ phát sanh một hoặc hai, ba ưu khổ.
Này thôn trưởng, nếu tất cả đều không có ái niệm, sẽ không có trần lao ưu khổ.
Rồi Thế Tôn nói kệ rằng:
Nếu không có ái niệm thế gian,
Thì không lo trần lao ưu khổ.
Tiêu diệt hết tất cả ưu khổ,
Giống như hoa sen không dính nước.
Trong khi Phật nói pháp này, thôn trưởng kiệt đàm xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh, thấy pháp, đắc pháp, thâm nhập pháp, thoát khỏi mọi nghi hoặc, không nhờ vào người khác, không do người khác độ, được vô sở úy ở trong chánh pháp luật.
Từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, chắp tay bạch Phật: Con đã được độ, đã siêu việt, bạch Thế Tôn, từ hôm nay con xin nương về Phật, nương về pháp, nương về Tăng Tỳ Kheo. Suốt đời con làm Ưu Bà Tắc. Xin Ngài nhớ nghĩ gia hộ con. Sau khi Phật nói Kinh này xong, thôn trưởng Kiệt Đàm nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ mà lui.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Trì Thế - Phẩm Chín - Phẩm Thế Gian, Xuất Thế Gian
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Thập địa - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Bốn Mươi - Phẩm Sinh Tử - Thí Dụ Bảy Mươi
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh độc Nhất - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Mười Sáu - Kim Cương Trí
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tự Tác
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Bốn - Phẩm Học Năm Loại Mắt