Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Thấy Phật A Súc

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM HAI MƯƠI NĂM

PHẨM THẤY PHẬT A SÚC  

Khi Đức Phật thuyết giảng pháp bát nhã Ba la mật, cho bốn bộ chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và các hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân…

Trong đại hội họ đều nhờ thần lực của Phật, mọi người thấy mình đang cung kính trang nghiêm vây quanh Đức Phật A Súc ở trong đại hội đó để nghe thuyết pháp, giống như nước trong biển cả không hề có sự di động. Khi ấy các vị Tỳ Kheo đều là bậc A La Hán, các lậu đã sạch, không còn phiền não, tâm được tự tại.

Cho đến vô số, vô lượng các Đại Bồ Tát, cũng cùng nhau cung kính vây quanh. Bấy giờ Đức Phật thu nhiếp thần lực, bốn chúng trong đại hội đều không thấy Đức Như Lai và cõi nước trang nghiêm của hàng Thanh Văn Bồ Tát.

Đức Phật bảo A Nan: Này A Nan! Tất cả các pháp cũng như vậy, nó không phải là đối tượng của con mắt. Cũng như hiện nay Phật A Súc và các vị A La Hán cùng các chúng Bồ Tát đều không hiện ra nữa.

Vì sao vậy?

Vì pháp không thấy pháp, pháp không biết pháp.

Này A Nan! Tất cả pháp không phải để biết, không phải để thấy, không có người tạo tác nên không có sự tham trước, cũng không có phân biệt.

Này A Nan! Tất cả các pháp không thể nghĩ bàn, giống như người huyễn và tất cả các pháp cũng không có người thọ nhận nên nó không bền vững. Bồ Tát nào thực hành như vậy thì gọi là hành bát nhã Ba la mật và đối với các pháp vị ấy không còn chấp trước nữa. Bồ Tát học như vậy thì gọi là học bát nhã Ba la mật.

Này A Nan! Nếu Bồ Tát muốn đạt đến tất cả pháp ở bờ bên kia giải thoát thì phải học bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Này A Nan! Vì học bát nhã Ba la mật là sự học tối thắng đệ nhất ở trong các sự học và nó sẽ làm an lạc, lợi ích cho thế gian.

Này A Nan! Người học như vậy thì sẽ làm chỗ nương tựa cho những ai không có chỗ nương tựa và người nào học như vậy thì sẽ được Chư Phật chấp nhận, Chư Phật khen ngợi. Chư Phật nhờ học như vậy mới có năng lực dùng ngón chân làm chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới.

Này A Nan! Chư Phật nhờ học bát nhã Ba la mật ấy mà chứng tất cả các pháp tri kiến vô ngại trong đời quá khứ, vị lai và hiện tại.

Này A Nan! Chính vì thế mà ta nói bát nhã Ba la mật là tối thượng vi diệu.

Này A Nan! Nếu ông muốn suy lường bát nhã Ba la mật thì phải suy lường hư không.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật là vô lượng.

Này A Nan! Ta không nói bát nhã Ba la mật có giới hạn và có số lượng. A Nan, danh tự, chương cú, ngôn ngữ còn có số lượng, nhưng bát nhã Ba la mật thì không có số lượng.

A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà bát nhã Ba la mật vô lượng?

Phật dạy: Này A Nan! Vì bát nhã Ba la mật là vô tận nên nó vô lượng. Vì bát nhã Ba la mật xa lìa nên nó vô lượng.

Này A Nan! Chư Phật thời quá khứ đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra, nhưng bát nhã Ba la mật chẳng tận. Chư Phật thời vị lai đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra, nhưng bát nhã Ba la mật chẳng cùng tận. Trong vô lượng thế giới đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra nhưng bát nhã Ba la mật bất tận, vì thế nên, bát nhã Ba la mật đã bất tận, nay bất tận và sẽ bất tận.

Này A Nan! Nếu người muốn tận bát nhã Ba la mật là muốn tận hư không.

Khi ấy Tu Bồ Đề nghĩ: Việc này rất là sâu xa, ta phải thưa hỏi Phật.

Liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật là vô tận chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật là vô tận. Vì hư không vô tận nên bát nhã Ba la mật cũng vô tận.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu bát nhã Ba la mật là vô tận thì phải làm thế nào để sinh ra bát nhã Ba la mật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì sắc vô tận nên sinh ra bát nhã Ba la mật. Vì thọ, tưởng, hành, thức vô tận nên sinh ra bát nhã Ba la mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào khi ngồi Đạo Tràng mà quán sát nhân duyên như vậy thì vị ấy sẽ không rơi vào hàng nhị biên Thanh Văn, Bích Chi Phật. Đó là pháp Bất cộng của Bồ Tát. Nếu Bồ Tát quán pháp nhân duyên như vậy thì sẽ không rơi vào địa Thanh Văn, Bích Chi Phật. Vị ấy mau gần nhất thiết trí và chắc chắn sẽ chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Này Tu Bồ Đề! Nếu các Bồ Tát có sự thoái chuyển thì không được suy nghĩ như thế, Bồ Tát không biết thực hành bát nhã Ba la mật thì làm sao dùng pháp vô tận để quán mười hai nhân duyên?

Nếu các Bồ Tát không thoái chuyển, đều được sức phương tiện như vậy. Đó gọi là Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, dùng pháp vô tận như thế để quán mười hai nhân duyên.

Nếu khi Bồ Tát quán như vậy mà chẳng thấy các pháp không có nhân duyên sinh, cũng không thấy các pháp thường, cũng không thấy có người tạo tác và cũng không thấy có người thọ nhận các pháp.

Tu Bồ Đề! Đó gọi là Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật quán pháp mười hai nhân duyên.

Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật mà không thấy sắc, không thấy thọ, tưởng, hành, thức, không thấy thế giới của Phật này hay không thấy thế giới của Phật kia. Cũng không thấy có pháp, thấy thế giới của Phật này hay thế giới của Phật kia.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào có thể hành bát nhã Ba la mật như vậy thì khi ấy ác ma sẽ ưu sầu như sắp bị mũi tên bắn vào tim. Ví như người có cha mẹ mới chết nên họ rất đau buồn. Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật làm cho bọn ác ma rất ưu sầu cũng như vậy.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Chỉ có một ác ma ưu sầu hay là tất cả ma trong tam thiên thế giới đều ưu sầu?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Các ác ma ấy đều ưu sầu, mỗi ác ma ở chỗ ngồi, bản thân không thể nào an ổn.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào hành bát nhã Ba la mật như vậy thì hàng Trời, Người, A tu la trong tất cả thế gian không thể nào hại được vị ấy, cũng không thấy có pháp nào làm cho họ bị thoái chuyển lại Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Thế nên, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào muốn chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì phải thực hành bát nhã Ba la mật như vậy. Khi Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật như vậy thì vị ấy sẽ đầy đủ bố thí Ba la mật, trì giới Ba la mật, nhẫn nhục Ba la mật, tinh tấn Ba la mật và thiền định Ba la mật.

Khi Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật thì đầy đủ được các pháp Ba la mật, cũng có thể đầy đủ cả sức phương tiện nữa. Bồ Tát ấy hành bát nhã Ba la mật, nếu có những gì phát sinh thì vị ấy liền biết ngay.

Thế nên này Tu Bồ Đề! Bồ Tát muốn được sức phương tiện đó thì nên học bát nhã Ba la mật và phải tu tập bát nhã Ba la mật.

Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật và khi sinh bát nhã Ba la mật thì phải nhớ nghĩ Chư Phật hiện tại trong vô lượng, vô biên thế giới ở hiện tại, thì nhất thiết trí của Chư Phật đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra.

Khi Bồ Tát nhớ nghĩ như vậy thì phải suy nghĩ như vậy: Như mười phương Chư Phật đã chứng đắc thật tướng của các pháp thì ta cũng sẽ chứng đắc.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào thực hành bát nhã Ba la mật thì cũng phải sinh niệm như vậy.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào có thể sinh niệm như vậy, cho đến khoảnh khắc thời gian khảy móng tay thì công đức của vị ấy sẽ vượt hơn công đức của người bố thí trong hằng hà sa kiếp, huống gì chỉ trong một ngày hay nửa ngày. Phải biết Bồ Tát ấy chắc chắn sẽ đạt đến bậc không thoái chuyển và phải biết Bồ Tát ấy được Chư Phật hộ niệm.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát được Chư Phật hộ niệm thì vị ấy sẽ không sinh vào chỗ nào khác mà chắc chắn chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Bồ Tát ấy rốt cuộc không rơi vào ba đường ác, thường sinh vào cảnh giới tốt lành và không xa lìa Chư Phật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật và sinh bát nhã Ba la mật, cho đến khoảnh khắc thời gian bún ngón tay mà còn được công đức như vậy, huống gì một ngày hoặc hơn một ngày như Bồ Tát Hương Tượng hiện đang ở chỗ Phật A Súc hành Bồ Tát đạo mà không bao giờ xa lìa hạnh bát nhã Ba la mật.

Khi Đức Phật nói pháp xong các chúng Tỳ Kheo và tất cả hàng Trời, Người, A Tu La… trong đại hội, đều rất hoan hỷ vui mừng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần