Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ma Thâu La
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH MA THÂU LA
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ. Bấy giờ Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên đang ở trong rừng rậm.
Lúc ấy, Quốc Vương nước Ma Thâu La là Tây Phương Vương Tử đi đến chỗ Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên, đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên: Người Bà La Môn tự nói, ta là nhất, kẻ khác là thấp hèn.
Ta là trắng, kẻ khác là đen. Bà La Môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà La Môn. Chính con Phạm Thiên từ miệng sanh ra, được hóa sanh từ Phạm Thiên, là thừa tự của Phạm Thiên, nên chúng là sở hữu của Phạm Thiên.
Thưa Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên nghĩa này thế nào?
Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên nói với Vua Ma Thâu La: Đại Vương, đây chỉ là ngôn thuyết của thế gian. Người thế gian cho rằng Bà La Môn là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Bà La Môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà La Môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà La Môn.
Chính Bà La Môn được Phạm Thiên sanh, từ miệng sanh ra, được hóa sanh từ Phạm Thiên, là thừa tự của Phạm Thiên. Đại Vương nên biết, nghiệp là chân thật. Điều đó căn cứ vào nghiệp.
Vua nói với Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên: Đó là những lời nói sơ lược, tôi không hiểu rõ. Xin giải thích phân biệt lại cho.
Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên đáp: Bây giờ, tôi sẽ hỏi Đại Vương, tùy theo câu hỏi mà Đại Vương trả lời.
Tôn Giả liền hỏi: Thưa Đại Vương, Ngài là Vua Bà La Môn, nơi đất nước của mình có bốn hạng người này là Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Cư Sĩ, gia chủ, đều được gọi đến.
Ngài dùng tiền của, thế lực khiến họ hầu cận phòng vệ, họ dậy trước ngủ sau và các mệnh lệnh được chấp hành, tất cả đều được như ý mình không?
Vua đáp: Như ý.
Tôn Giả lại hỏi: Tâu Đại Vương, Sát Đế Lợi là Vua, Cư Sĩ là Vua, gia chủ là Vua. Nếu tại đất nước của mình có bốn chủng tánh, đều được gọi đến.
Nhà Vua dùng của cải, thế lực, khiến họ hầu cận phòng vệ, họ dậy trước ngủ sau và Vua ra lệnh làm các việc, thì có được như ý Vua không?
Vua đáp: Như ý.
Thưa Đại Vương, như vậy bốn chủng tánh này, tất cả đều bình đẳng có sai biệt nào. Đại Vương nên biết, bốn chủng tánh này tất cả đều bình đẳng, không có sự sai biệt nào hoặc hơn hay bằng.
Vua Ma Thâu La bạch Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên: Thưa Tôn Giả đúng như vậy, bốn chủng tánh này đều bình đẳng, không có gì sai biệt dù là hơn hay là bằng. Cho nên, Đại Vương nên biết, bốn chủng tánh này theo ngôn thuyết của thế gian là có sai khác, cho đến, căn cứ vào nghiệp, chân thật chứ không sai khác.
Lại nữa, Đại Vương trong đất nước này, nếu dòng Bà La Môn có người trộm cắp thì nên hành xử như thế nào?
Vua thưa Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên: Trong dòng Bà La Môn nếu có người nào trộm cắp thì sẽ bị đánh bằng roi, bị trói, hoặc bị đuổi ra khỏi nước, hoặc phạt tiền của, hoặc bị chặt tay chân, xẻo tai mũi. Nếu là tội nặng thì sẽ bị giết chết. Kẻ trộm đó dù là dòng Bà La Môn cũng gọi là giặc.
Lại hỏi: Thưa Đại Vương, nếu trong dòng Sát Đế Lợi, Cư Sĩ, gia chủ có kẻ trộm cắp, thì phải làm thế nào?
Vua thưa Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên: Cũng bị phạt đánh roi, bị trói, bị đuổi ra khỏi nước, cũng phạt tiền của, bị chặt tay, chân, xẻo tai, mũi. Nếu tội nặng thì bị giết chết.
Như vậy, thưa Đại Vương, há không phải bốn chủng tánh đều bình đẳng sao?
Hay có sự sai khác nào chăng?
Vua thưa Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên: Ý nghĩa của chúng là như vậy. Thật ra không có bất cứ một sai biệt nào dù là hơn hay là bằng.
Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên lại nói với Vua: Đại Vương nên biết, về bốn chủng tánh này, ngôn thuyết của thế gian nói, Bà La Môn là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Bà La Môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà La Môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà La Môn.
Chính Bà La Môn được Phạm Thiên sanh, từ miệng sanh ra. Được hóa sanh từ Phạm Thiên, là thừa tự của Phạm Thiên.
Há không phải là y cứ vào nghiệp, chân thật y cứ vào nghiệp chăng?
Lại hỏi: Đại Vương, nếu người Bà La Môn sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời ác, hai lưỡi, nói thêu dệt, tham, nhuế, tà kiến, tạo mười nghiệp đạo bất thiện thì sẽ sanh vào cõi ác hay cõi lành?
Từ nơi vị A La Hán Vua đã nghe được những gì?
Vua thưa Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên: Bà La Môn tạo mười nghiệp đạo bất thiện sẽ đọa vào đường ác. Từ nơi A La Hán tôi nghe như vậy. Sát Đế Lợi, Cư Sĩ, gia chủ cũng nói như vậy.
Lại hỏi: Thưa Đại Vương, nếu Bà La Môn nào làm mười nghiệp đạo lành, xa lìa sát sanh cho đến chánh kiến thì sẽ sanh vào nơi nào?
Cõi lành hay cõi ác?
Từ nơi vị A La Hán Vua đã nghe được những gì?
Vua thưa Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên: Nếu Bà La Môn làm mười nghiệp đạo lành thì sẽ sanh vào cõi lành. Từ nơi A La Hán tôi nghe như vậy. Sát Đế Lợi, Cư Sĩ, gia chủ cũng nói như vậy.
Lại hỏi: Thế nào Đại Vương, bốn chủng tánh như vậy, là có bình đẳng không, hay có gì sai biệt dù là hơn hoặc là bằng?
Vua thưa Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên: Theo nghĩa như vậy thì là bình đẳng, không có gì sai biệt dù là hơn hay là bằng. Cho nên Đại Vương nên biết, bốn chủng tánh này đều bình đẳng không có gì sai biệt dù là hơn hay là bằng.
Theo ngôn thuyết thế gian mà nói, Bà La Môn là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Bà La Môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà La Môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà La Môn.
Chính Bà La Môn được Phạm Thiên sanh, từ miệng sanh ra. được hóa sanh từ Phạm Thiên, là thừa tự của Phạm Thiên. Nên biết là do nghiệp là chân thật, là y cứ vào nghiệp.
Vua thưa Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên: Thật đúng như những gì đã nói đó, tất cả đều ngôn thuyết của thế gian nên nói Bà La Môn là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Bà La Môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà La Môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà La Môn.
Chính Bà La Môn được Phạm Thiên sanh, từ miệng sanh ra, được hóa sanh từ Phạm Thiên, là thừa tự của Phạm Thiên. Nhưng đều do nghiệp là chân thật, là y cứ vào nghiệp.
Vua Ma Thâu La nghe Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên nói xong, tùy hỷ vui mừng làm lễ rồi đi.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Bốn - Phẩm Tám - Kinh Về Dục
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Ba - Phẩm Lợi Dưỡng - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Phổ Diệu - Phẩm Bảy - Phẩm Thị Hiện Học Chữ
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Mười - Mười Pháp - Phẩm Mười - Phẩm Nam Cư Sĩ - Phần Ba - Kiến
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Thủ Bồ Tát Hàng Phục Nhất Thiết Bộ đa đại Giáo Vương - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Công đức Thâm Sâu - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Vô Nhi Bình đẳng Tối Thượng Du Già đại Giáo Vương - Phần Mười Tám
KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN - NGHI THỨC KHAI KINH
Phật Thuyết Kinh Tam Mạn đà Bạt đà La Bồ Tát - Phẩm Hai - Phẩm Sám Hối Lỗi Lầm