Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Mao đoan - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH MAO ĐOAN  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Như hồ nước vuông vức năm mươi do tuần, chiều sâu cũng như vậy, với nước tràn đầy. Lại có người dùng sợi lông, dùng cọng cỏ, hay móng tay để hất nước.

Này các Tỳ Kheo, ý các ông thế nào?

Nước do người kia hất lên là nhiều hay là nước hồ nhiều?

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Nước mà người kia dùng lông, dùng cỏ, hay móng tay để hất lên là rất ít, không đáng để nói. Nước hồ thì rất nhiều, gấp cả trăm ngàn vạn lần, không thể nào so sánh được.

Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, các khổ được đoạn trừ do thấy Thánh đế, cũng như nước hồ kia, vĩnh viễn không sanh lại trong đời vị lai.

Khi Đức Thế Tôn nói pháp này xong, bèn vào Thất Tọa Thiền.

Sau khi Đức Thế Tôn vào Thất, bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất đang ngồi trong chúng, bảo các Tỳ Kheo: Thật là điều chưa từng được nghe, hôm nay Đức Thế Tôn khéo nói thí dụ về cái hồ.

Vì sao?

Thánh Đệ Tử đầy đủ kiến đế, đạt được quả Vô Gián đẳng. Nếu kẻ phàm tục nào khởi tà kiến, thân kiến, căn bản thân kiến, tập thân kiến, sanh thân kiến, nghĩa là che giấu những cảm giác lo âu, giữ gìn tiếc thương những điều vui mừng, nói là ngã, nói là chúng sanh, nói là kỳ đặc, kiêu căng, tự cao.

Các thứ tà như vậy tất cả đều bị trừ diệt, cắt đứt cội rễ như cây Đa La bị bẻ gãy, khiến cho đời vị lai không còn tái sanh lại nữa.

Này các Tỳ Kheo, những gì là các thứ tà kể trên bị đoạn trừ bởi Thánh đệ tử khi thấy Thánh đế, vị lai vĩnh viễn không khởi lên lại nữa?

Phàm phu ngu si không học, thấy sắc là ngã, là khác ngã, là ngã ở trong sắc, sắc ở trong ngã. Thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, là khác ngã, là ngã ở trong thức, là thức ở trong ngã.

Thế nào thấy sắc là ngã?

Chứng đắc chánh thọ nhập nhất thiết xứ về đất, sau khi quán, khởi lên ý nghĩ, đất tức là ngã, ngã tức là đất. Ngã và đất chỉ là một chứ không phải hai, không phải khác, không phân biệt.

Cũng vậy, chánh thọ nhập nhất thiết xứ về nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, sau khi quán, khởi lên ý nghĩ, hành tức là ngã, ngã tức là hành, chỉ là một chứ không phải hai, không phải khác, không phân biệt. Như vậy, ở nơi các nhất thiết nhập xứ, mỗi mỗi đều được chấp là ngã. Đó gọi là sắc tức là ngã.

Thế nào là sắc khác ngã?

Nếu người kia thấy thọ là ngã. Khi thấy thọ là ngã rồi thì thấy sắc là ngã sở. Hoặc thấy tưởng, hành, thức tức là ngã thì thấy sắc là ngã sở.

Thế nào là thấy sắc ở trong ngã?

Thấy thọ là ngã thì sắc ở trong ngã. Nếu lại thấy tưởng, hành, thức tức là ngã thì sắc ở trong ngã.

Thế nào là thấy ngã ở trong sắc?

Nếu thấy thọ tức là ngã thì nó hiện hữu trong sắc, nhập vào trong sắc, phổ biến khắp tứ chi. Hay nếu thấy tưởng, hành, thức là ngã thì nó hiện hữu ở trong sắc và, biến khắp tứ chi. Đó gọi là ngã ở trong sắc.

Thế nào là thấy thọ tức là ngã?

Là sáu thọ thân. Thọ phát sanh từ xúc của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu thọ thân này, mỗi mỗi được thấy là ngã và ngã là thọ. Đó gọi là thọ tức ngã.

Thế nào là thấy thọ khác ngã?

Nếu thấy sắc là ngã, thì thọ là ngã sở. Và nếu tưởng, hành, thức là ngã, thì thọ là ngã sở. Đó gọi là thọ khác ngã.

Thế nào là thấy thọ ở trong ngã?

Nếu sắc là ngã, thì thọ ở trong nó. Và nếu tưởng, hành, thức là ngã, thì thọ ở trong nó. Đó gọi là thọ trong ngã.

Thế nào là thấy ngã ở trong thọ?

Nếu sắc là ngã, thì nó hiện hữu ở trong thọ và biến khắp toàn thân. Và nếu tưởng, hành, thức là ngã, thì chúng hiện hữu ở trong thọ và biến khắp toàn thân. Đó gọi là ngã ở trong thọ.

Thế nào là thấy tưởng tức là ngã?

Là sáu tưởng thân. Tưởng phát sanh từ xúc của mắt. Tưởng phát sanh từ xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu tưởng thân này, mỗi mỗi được thấy là ngã. Đó gọi là tưởng tức là ngã.

Thế nào là thấy tưởng khác ngã?

Nếu thấy sắc là ngã, thì tưởng là ngã sở. Và nếu thức là ngã, thì tưởng là ngã sở. Đó gọi là tưởng khác ngã.

Thế nào là thấy tưởng ở trong ngã?

Nếu sắc là ngã, thì tưởng hiện hữu ở trong nó. Và nếu thọ, hành, thức là ngã, thì tưởng hiện hữu ở trong chúng. Đó gọi là tưởng ở trong ngã.

Thế nào là thấy ngã ở trong tưởng?

Nếu sắc là ngã, thì nó hiện hữu trong tưởng và biến khắp toàn thân. Và nếu thọ, hành, thức là ngã thì chúng hiện hữu trong tưởng và biến khắp toàn thân. Đó gọi là ngã ở trong tưởng.

Thế nào là thấy hành là ngã?

Là sáu tư thân. Tư phát sanh từ xúc của mắt. Tư phát sanh từ xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu tư thân này, mỗi mỗi được thấy ngã. Đó gọi là hành tức ngã.

Thế nào là thấy hành khác ngã?

Nếu thấy sắc là ngã, thì hành là ngã sở. Và nếu thọ, tưởng, thức là ngã, thì hành là ngã sở. Đó gọi là hành khác ngã.

Thế nào là thấy hành ở trong ngã?

Nếu sắc là ngã, thì hành hiện hữu ở trong nó. Và nếu thọ, tưởng, thức là ngã, thì hành hiện hữu ở trong chúng. Đó gọi là hành ở trong ngã.

Thế nào là thấy ngã ở trong hành?

Nếu sắc là ngã, thì nó hiện hữu ở trong hành và biến khắp toàn thân. Và nếu thọ, tưởng, thức là ngã, thì chúng hiện hữu ở trong hành và biến khắp toàn thân thể. Đó gọi là ngã ở trong hành.

Thế nào là thấy thức là ngã?

Chỉ cho sáu thức thân: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Sáu thức thân này, mỗi mỗi được thấy là ngã. Đó gọi là thức tức ngã.

Thế nào là thấy thức khác ngã?

Nếu thấy sắc là ngã, thì thức là ngã sở. Và nếu thấy thọ, tưởng, hành là ngã, thì thức là ngã sở. Đó gọi là thức khác ngã.

Thế nào là thấy thức ở trong ngã?

Nếu thấy sắc là ngã, thì thức hiện hữu ở trong nó. Và nếu thọ, tưởng, hành là ngã, thì thức ở trong chúng. Đó gọi là thức ở trong ngã.

Thế nào là ngã ở trong thức?

Nếu sắc là ngã, thì nó ở trong thức và biến khắp toàn thân. Và nếu thọ, tưởng, hành là ngã thì chúng ở trong thức và biến khắp toàn thân. Đó gọi là ngã ở trong thức.

Như vậy, Thánh đệ tử thấy bốn Chân Đế sẽ đạt được quả Vô Gián đẳng và đoạn trừ các thứ tà kiến, vĩnh viễn không khởi lên trở lại trong đời vị lai.

Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu.

Hoặc xa, hoặc gần, được tích tụ về một nơi, cần được quán như vậy: Tất cả đều là vô thường, tất cả là khổ, tất cả là không, tất cả là phi ngã, không nên ái lạc, thâu lấy, chấp thủ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy, không nên ái lạc, chấp thủ, bảo trì.

Khéo quán sát như vậy, buộc tâm an trụ, không mê mờ đối với pháp, lại luôn luôn tinh tấn quán sát, xa lìa tâm biếng nhác, thì sẽ đạt được hỷ lạc, thân tâm khinh an, tịch tĩnh, an trụ với xả.

Đầy đủ các phẩm đạo, tu hành trọn vẹn, vĩnh viễn xa lìa các thứ ác. Không phải không tiêu tan, không phải không tịch diệt.

Diệt mà không khởi, giảm mà không tăng, đoạn mà không sanh, không chấp thủ, không đắm trước, tự giác ngộ Niết Bàn: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Khi Tôn Giả Xá Lợi Phất nói pháp này, sáu mươi Tỳ Kheo không khởi lên các lậu hoặc, tâm được giải thoát.

Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường