Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Ba - Phẩm Vô Thường - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường   

PHẨM BA

PHẨM VÔ THƯỜNG  

PHẦN MỘT  

Bấy giờ Phật bảo Đại Huệ Bồ Tát đại hữu tình: Nay ta sẽ vì ông nói các tướng sai biệt của thân do ý sinh. Ông hãy nghe kỹ, khéo suy nghĩ.

Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Này Đại Huệ! Thân do ý sinh có ba loại, ấy là:

1. Nhập tam muội ý sinh thân là thân do nhập pháp lạc tam muội mà thành.

2. Giác pháp tự tính ý sinh thân, là thân do biết rõ tự tính các pháp mà thành.

3. Chủng loại câu sinh vô tác hành ý sinh thân, là thân sinh ra theo đủ các loài nhưng không có tác hành.

Các bậc tu hành nhập sơ địa rồi dần chứng được các thân ấy.

Đại Huệ! Sao gọi là thân do nhập pháp lạc tam muội thành?

Ấy là, ở các địa thứ ba, bốn, năm, không tam muội lìa hết thảy phân biệt, tâm tịch nhiên bất động, biển tâm không khởi sóng chuyển thức, hiểu rõ các cảnh tượng đều do tâm hiện, thật ra không có gì, ấy là thân do nhập pháp lạc tam muội mà sinh.

Sao là thân giác pháp tự tính?

Ấy là ở địa thứ tám liễu tri các pháp như huyễn, không tướng, tâm chuyển các thức sở y, an trú định như huyễn và các định khác, có thể hiện vô lượng thần thông tự tại, như hoa nở, mau như ý khởi.

Như huyễn như mộng như bóng như hình, không phải do tứ đại tạo mà giống như do tứ đại tạo, các sắc tướng trang nghiêm đầy đủ, vào khắp các Cõi Phật, hiểu rõ tự tính các pháp, ấy cũng là thân do giác ngộ tự tính các pháp mà sinh.

Sao gọi là thân chủng loại câu sinh vô tác hành?

Ấy là hiểu rõ tướng các pháp do Chư Phật chứng đắc.

Đại Huệ! Ông nên siêng quán sát ba loại thân ấy.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:

Đại thừa ta không thừa

Không tiếng cũng không lời

Không chân lý, giải thoát

Cũng không cảnh, vô tướng

Nhưng thừa ma ha diễn

Tam ma đề tự tại

Các loại thân ý sinh

Hoa tự tại trang nghiêm.

Đại Huệ lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói có năm nghiệp vô gián pancànantanya.

Năm nghiệp ấy là gì, mà nếu làm thì đọa liền vào A tỳ địa ngục?

Ông hãy nghe, ta sẽ nói cho.

Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Năm tội vô gián là: Giết mẹ, giết cha, giết A La Hán, phá hòa hiệp Tăng, ôm lòng ác độc gây đổ máu thân Phật.

Đại Huệ! Sao gọi là mẹ chúng sinh?

Ấy là ái dục đưa đến sinh sản cùng ham vui v.v... đều như mẹ nuôi dưỡng tất cả.

Cha là gì?

Là vô minh khiến sinh vào sáu xóm làng Dục Giới. Cắt đức hai cội gốc ấy gọi là giết cha mẹ.

Sao là giết A La Hán?

Ấy là các tùy miên xem như kẻ thù, như độc của chuột sinh, tận diệt chúng gọi là giết A La Hán.

Sao là phá hòa hiệp Tăng?

Là các tướng khác nhau của các uẩn nhóm họp, đoạn trừ chúng gọi là phá hòa hiệp Tăng.

Sao gọi là ác tâm gây đổ máu thân Phật?

Là thân tám thức vọng sinh tư duy hiểu biết, thấy có tự tướng cọng tướng ngoài tâm, dùng tâm vô lậu, ba giải thoát mà diệt trừ thân Phật tám thức, ấy gọi là ác tâm đổ máu thân Phật.

Đại Huệ! Ấy là năm tội vô gián bên trong, nếu có người làm, liền có sự vô gián của hiện chứng thật pháp.

Lại nữa, Đại Huệ này! Ta sẽ nói cho ông năm tội vô gián ở ngoài, khiến ông và các Bồ Tát nghe xong đời sau không sinh nghi hoặc.

Sao gọi là năm vô gián ở ngoài?

Là nghe các tội vô gián nói trong các Kinh khác, nếu có tác giả, thì không thể hiện chứng được ba giải thoát, chỉ trừ Như Lai, các Đại Bồ Tát và đại Thanh Văn.

Thấy những người tạo nghiệp vô gián, vì muốn khiến họ sửa lỗi nên dùng thần thông chỉ ra các việc đồng như vậy. Những kẻ kia liền sám hối mà được giải thoát. Đấy đều là hóa hiện, không thật có.

Nếu có kẻ thực sự tạo nghiệp vô gián, thì suốt đời Phật không hiện thân cho họ giải thoát, chỉ trừ khi họ giác ngộ được thân, tài sản, chỗ ở đều do tâm tạo, lìa kiến chấp phân biệt ngã, ngã sở hoặc đời sau thọ sinh các nơi khác gặp thiện tri thức lìa được lỗi lầm phân biệt.

Thế Tôn lại nói bài tụng:

Tham ái gọi là mẹ

Vô minh ấy là cha

Thức rõ nơi cảnh giới

Thì đấy gọi là Phật

Tùy miên là La Hán

Các uẩn, hòa hiệp Tăng

Đoạn các vô gián ấy

Gọi là nghiệp vô gián.

Bấy giờ Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Xin vì con nói thể tính của Chư Phật.

Đại Huệ! Hiểu rõ hai vô ngã, trừ hai chướng ngại, lìa hai chết, dứt hai phiền não, ấy là thể tính Phật.

Đại Huệ! Thanh Văn Duyên Giác được các pháp ấy rồi cũng gọi là Phật. Ta vì nghĩa ấy mà chỉ nói một thừa.

Khi ấy Thế Tôn nói bài tụng:

Biết rõ hai vô ngã

Trừ hai chướng hai não

Cùng bất tư nghì tử

Nên gọi là Như Lai.

Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai do mật ý gì mà nói cùng đại chúng những lời này: Ta là hết thảy Phật quá khứ, và nói trăm ngàn chuyện tiền thân: Ta vào thời ấy làm Vua Đảnh Sinh, làm voi lớn, làm chim Anh Vũ, Nguyệt Quang, Diệu Nhãn v.v...

Đại Huệ! Đức Như Lai ứng chính đẳng giá, do nơi bí mật tứ bình đẳng mà nói với đại chúng những lời như vậy: Ta thuở xưa làm Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp.

Sao gọi là bốn?

Ấy là:

1. Tự bình đẳng.

2. Ngữ bình đẳng.

3. Thân bình đẳng.

4. Pháp bình đẳng.

Sao gọi là tự bình đẳng?

Ấy là:

Ta gọi là Phật, tất cả các Đức Như Lai cũng gọi là Phật. Danh tự không khác nên gọi là tự bình đẳng. Ngữ bình đẳng là, ta nói được sáu mươi bốn phạm âm, Chư Như Lai cũng vậy, phạm âm như tiếng Ca Lăng Tần Già không Tăng không giảm không sai biệt, nên gọi là ngữ bình đẳng.

Thân bình đẳng là ta với Chư Phật, pháp thân sắc tướng cùng các tướng tốt tướng phụ đều không khác, chỉ trừ khi vì điều phục các loài chúng sinh mà thị hiện các loại thân khác nhau, ấy là thân bình đẳng.

Pháp bình đẳng là, ta và Chư Phật đồng chứng ba mươi bảy pháp bồ đề phần. Cho nên Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nói với đại chúng những lời như vậy.

Khi ấy Thế Tôn nói bài tụng:

Ca Diếp, Câu Lưu Tôn

Câu Na Hàm là ta

Do bốn thứ bình đẳng

Mà nói lời như vậy.

Đại Huệ Bồ Tát lại bạch: Bạch Thế Tôn! 

Thế Tôn dạy: Khoảng thời gian từ đêm thành đạo cho đến khi nhập Niết Bàn ta không hề nói một chữ, không đã nói cũng không sẽ nói, vì không nói ấy mới là Phật nói.

Bạch Thế Tôn! Do mật ý gì mà dạy lời ấy?

Do hai pháp bí mật mà nói lời ấy.

Hai pháp ấy là gì?

Là tự chứng pháp pratyàmadharmatà.

Và bản trú pháp paurànasthitidharmatà.

Sao gọi là tự chứng pháp?

Ấy là pháp Chư Phật chứng ta cũng chứng hệt như vậy không thêm bớt, cảnh giới của tự chứng trí vốn lìa tướng ngôn thuyết, tướng phân biệt, tướng danh tự.

Sao gọi là bản trú pháp?

Ấy là, bản tính pháp giống như vàng trong mỏ, dù Phật có ra đời hay không có ra đời, pháp vẫn ở ngôi vị của pháp, pháp giới pháp tính đều thường trú.

Đại Huệ! Thí như có người đi trong khoảng đồng rộng, thấy có con đường cũ bằng phẳng dẫn vào một ngôi cổ thành, liền theo đường ấy vào nghỉ ngơi vui thú.

Đại Huệ! Ý ông nghĩ sao?

Người kia có làm ra con đường ấy và các thứ trong thành chăng?

Bạch Thế Tôn, không!

Đại Huệ! Chân như và pháp tính thường trú mà ta cùng các Phật chứng được cũng như vậy, cho nên nói từ khi thành Phật cho đến khi Niết Bàn, ta không nói một lời nào, không đã nói cũng không sẽ nói.

Khi ấy Thế Tôn lại nói bài tụng:

Từ đêm thành Chánh Giác

Đến đêm vào Niết Bàn

Giữa hai thời gian ấy

Ta đều không nói gì

Pháp bản trú tự chứng

Nên nói mật ngữ này

Ta cùng Chư Như Lai

Không có chút sai biệt.

Đại Huệ Bồ Tát lại bạch: Bạch Thế Tôn! Xin nói tướng hữu vô của hết thảy pháp, khiến con và các Bồ Tát lìa tướng ấy, mau được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Phật dạy: Hãy nghe kỹ, ta sẽ nói cho.

Xin nghe, bạch Thế Tôn.

Đại Huệ! Đa số chúng sinh ở thế gian đọa vào hai kiến chấp là chấp có astitvani'srita và chấp không nastitvani'srita. Vì đọa vào hai kiến chấp ấy nên không xuất ly mà tưởng đã xuất ly.

Hữu kiến là sao?

Là chấp thật có nhân duyên sinh ra các pháp, không phải không thật có, thật có các pháp do nhân duyên sinh, không phải là không nhân duyên sinh.

Đại Huệ! Nói như thế tức là nói không nhân.

Sao là vô kiến?

Ấy là nhân có tham, sân, si nhưng vọng chấp cái làm nhân cho tham v.v... là phi thực.

Đại Huệ! Lại có kẻ phân biệt có tướng mà không nhận có các pháp. Có kẻ thấy Phật, Duyên Giác, Thanh Văn không có tính tham sân si nên chấp những tính ấy không thật có.

Đại Huệ! Trong số đó ai là kẻ bị hoại vaina'sika?

Bạch Thế Tôn, ấy là kẻ công nhận có tính tham, sân, si nhưng sau lại chấp là không.

Hay thay! Ông đã đáp đúng lời ta. Ngưòi ấy không những chỉ bị hoại vì quan niệm không có tham sân si, mà còn phá hoại Phật, Thanh Văn, Duyên Giác.

Vì sao?

Vì phiền não ở trong và ngoài đều bất khả đắc, vì thể tính của nó không khác cũng không đồng.

Đại Huệ! tham sân si dù trong hay ngoài đều bất khả đắc, vì nó không có thể tính, không thể nắm bắt. Thanh Văn, Duyên Giác, Như Lai bản tính là giải thoát, vì trong họ không có tính trói buộc hay làm nhân cho trói buộc.

Đại Huệ! Nếu có tính trói buộc và làm nhân cho trói buộc tất là có cái bị trói buộc, nói như vậy gọi là kẻ phá hoại. Đấy gọi là tướng vô và tướng hữu.

Ta do mật ý ấy mà nói: Thà có ngã kiến to như núi Tu Di, không thà chấp không, ôm giữ tăng thượng mạn. Khởi chấp không như vậy là kẻ phá hoại, sa vào tự tướng cộng tướng, vui say trong kiến chấp ấy không hiểu các pháp do tự tâm hiện, vì không hiểu cho nên thấy có pháp ngoài, các tướng uẩn, giới, xứ sai biệt xoay chuyển Sát Na vô thường nối tiếp lưu chuyển rồi lại diệt.

Vì hư vọng phân biệt, lìa văn tự lìa Kinh Điển cũng thành kẻ phá hoại.

Thế Tôn lại nói bài tụng:

Hữu, vô là hai bên

Cho đến tâm tạo tác

Trừ sạch tạo tác ấy

Tâm bình đẳng tịch diệt

Không nắm giữ cảnh giới

Không diệt, không có gì

Có chân như diệu vật

Như cảnh giới Chư Thánh

Vốn không mà có sinh

Sinh rồi lại diệt mất

Nhân duyên có cùng không

Kẻ ấy không trú pháp ta

Không do ngoại đạo, Phật

Không do ta, chúng khác

Do nơi duyên mà có

Làm sao mà được không

Hữu do duyên mà thành

Ai muốn được là không

Ác kiến nói có sinh

Vọng tưởng chấp có, không

Nếu biết không gì sinh

Cũng không có gì diệt

Thấy thế gian rỗng lặng

Hữu vô đều xa lìa.

Bấy giờ Bồ Tát Đại Huệ lại bạch: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn vì chúng con nói tướng của các tông thú, con và Chư Bồ Tát đạt được nghĩa ấy, sẽ không theo những giải thích sai lầm của ngoại đạo, mau được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Hãy nghe kỹ, ta sẽ nói cho ông.

Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Đại Huệ! Hết thảy hàng nhị thừa và Bồ Tát có hai thứ tướng tông pháp, ấy là:

1. Tông thú pháp tướng siddhàntanayalaksana.

2. Ngôn thuyết pháp tướng De'sanànayalaksana.

Tông thú pháp tướng là tướng sở chứng thù thắng, lìa phân biệt văn tự ngữ ngôn, nhập cảnh giới vô lậu, thành tựu các hạnh của địa vị mình, vượt lên trên hết thảy những tri giác bất chính, hàng phục ma, ngoại đạo, phát sinh ánh sáng trí tuệ.

Ấy gọi là tông thú pháp tướng.

Ngôn thuyết pháp tướng là nói các giáo pháp thuộc chín bộ loại, lìa các tướng một, khác, có không, dùng phương tiện khéo léo tùy tâm chúng sinh mà làm cho họ hiểu được pháp này, ấy gọi là ngôn thuyết pháp tướng.

Ông và các Bồ Tát nên siêng tu học.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:

Tông thú cùng ngôn thuyết

Tự chứng và giáo pháp

Nếu hay biết rõ được

Không theo người giải bậy

Như kẻ ngu phân biệt

Không phải tướng chân thật

Kia há không cầu độ?

Không một pháp có được

Quan sát các hữu vi

Sinh diệt và tương tục

Tăng trưởng hai kiến chấp

Điên đảo không biết gì

Niết Bàn lìa tâm ý

Chỉ một pháp đấy thật

Quán thế gian hư dối

Như huyễn, mộng, bẹ chuối

Không có tham nhuế si

Lại cũng không có người

Do ái sinh các uẩn

Như cảnh trong chiêm bao.

Bấy giờ Đại Huệ Bồ Tát ma ha tát lại bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Xin vì con nói tướng hư vọng phân biệt Abhùtapariokalpa, hư vọng phân biệt này vì sao sinh?

Làm sao sinh?

Cái gì và do ai sinh?

Sao gọi là hư vọng phân biệt?

Phật dạy: Đại Huệ, hay thay! Hay thay! Ông vì thương xót thế gian, Trời, người mà hỏi nghĩa ấy, vì lợi ích cho nhiều người, vì an lạc cho nhiều người. Ông hãy lắng nghe kỹ, khéo suy nghĩ. Ta sẽ nói cho ông.

Đại Huệ bạch: Xin vâng!

Phật dạy: Này Đại Huệ! Hết thảy chúng sinh đối ngoại cảnh, không hiểu rõ tự tâm hiện, lại chấp năng thủ, sở thủ, chấp trước hư dối, khởi các phân biệt, sa vào các kiến chấp có và không. Tăng trưởng tập khí vọng kiến của ngoại đạo.

Khi tâm và các tâm sở tương ưng nhóm khởi, họ liền chấp các nghĩa bên ngoài đều có. Chấp ngã, ngã sở. Đó gọi là hư vọng phân biệt.

Đại Huệ bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu quả như Thế Tôn dạy, các pháp bên ngoài tính vốn lìa có không, siêu việt các quan niệm kiến chấp, thì đệ nhất nghĩa đế cũng vậy, lìa các hạn lượng tông, nhân, dụ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần