Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nan đà Thuyết Pháp

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH NAN ĐÀ THUYẾT PHÁP  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, có Chúng Đại Thanh Văn Ni ở trong vườn Vua nước Xá Vệ.

Tên các Tỳ Kheo Ni này là Thuần Đà Tỳ Kheo Ni, Dân Đà Tỳ Kheo Ni, Ma La Bà Tỳ Kheo Ni, Ba La Giá La Tỳ Kheo Ni, Đà La Tỳ Ca Tỳ Kheo Ni, Sai Ma Tỳ Kheo Ni, Nan Ma Tỳ Kheo Ni, Cáo Nan Xá Cù Đàm Di Tỳ Kheo Ni, Ưu Bát La Sắc Tỳ Kheo Ni, Ma Ha Ba Xà Ba Đề Tỳ Kheo Ni.

Những vị này cùng một số Tỳ Kheo Ni khác đều ở trong vườn Vua.

Bấy giờ, Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba đề cùng với năm trăm Tỳ Kheo Ni lần lượt trước sau đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.

Lúc ấy, Thế Tôn vì Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề mà Thuyết Pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ.

Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, Ngài khiến họ lui về, bảo rằng: Tỳ Kheo Ni, thời gian thích hợp, nên đi!

Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề nghe những điều Phật dạy, vui vẻ làm lễ mà lui.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề đã về rồi, mới bảo các Tỳ Kheo: Ta nay tuổi đã già yếu, không còn có thể vì các Tỳ Kheo Ni Thuyết Pháp được. Tỳ Kheo Tăng các người, từ nay các Thượng Tọa tôn đức giáo thọ các Tỳ Kheo Ni.

Các Tỳ Kheo vâng lời Đức Thế Tôn, tuần tự theo thứ lớp giáo thọ các Tỳ Kheo Ni. Theo thứ tự, đến phiên Nan Đà.

Bấy giờ, theo thứ tự, Nan Đà nên đi nhưng không muốn đi giáo thọ.

Bấy giờ, Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng năm trăm Tỳ Kheo Ni trước sau lần lượt đến chỗ Đức Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân phật, cho đến… xin được nghe pháp. Nghe xong họ vui vẻ, đảnh lễ rồi ra về.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề đã về rồi, liền hỏi Tôn Giả A Nan: Hôm nay đến phiên ai giáo thọ các Tỳ Kheo Ni?

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, các Thượng Tọa đã lần lượt giáo thọ Tỳ Kheo Ni rồi, nay tới phiên Nan Đà, nhưng Nan Đà không muốn giáo thọ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Nan Đà: Ngươi hãy giáo thọ các Tỳ Kheo Ni, vì các Tỳ Kheo Ni mà nói pháp.

Vì sao?

Vì Ta đã đích thân dạy dỗ các Tỳ Kheo Ni, nên ngươi cũng phải như vậy. Ta đã vì các Tỳ Kheo Ni mà nói pháp, thì ngươi cũng nên như vậy.

Bấy giờ, Nan Đà im lặng vâng lời.

Sáng sớm hôm sau, Nan Đà đắp y mang bát vào thành Xá Vệ khất thực. Ăn xong, trở về Tinh Xá, thu cất y bát, rửa chân xong vào thất Tọa Thiền.

Rồi tỉnh giác thiền tịnh, Nan Đà đắp y Tăng Già Lê và dẫn theo một Tỳ Kheo đi đến vườn Vua.

Các Tỳ Kheo Ni từ xa trông thấy Tôn Giả Nan Đà đến, vội vàng trải chỗ ngồi và mời ngồi.

Tôn Giả Nan Đà an tọa xong, các Tỳ Kheo Ni cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên.

Tôn Giả Nan Đà nói với các Tỳ Kheo Ni: Này các cô! Các cô có điều gì xin hỏi tôi, tôi sẽ vì các cô mà nói pháp. Các cô nếu hiểu rồi, thì nói là đã hiểu. Nếu chưa hiểu thì nên nói là chưa hiểu.

Đối với những nghĩa lý mà tôi đã nói ra, nếu đã hiểu thì hãy khéo thực hành, nếu không hiểu thì phải hỏi lại, tôi sẽ sẵn sàng nói lại.

Các Tỳ Kheo Ni bạch Tôn Giả Nan Đà:

Ngày nay chúng con nghe Tôn Giả dạy, cho phép chúng con hỏi, bảo chúng con rằng: Các cô nếu hiểu rồi, thì nói là đã hiểu. Nếu chưa hiểu, thì nên nói là chưa hiểu. 

Đối với những nghĩa lý mà tôi đã nói ra, nếu đã hiểu thì hãy khéo thực hành, nếu không hiểu thì phải hỏi lại. Chúng con nghe được điều này, lòng rất vui mừng.

Bây giờ, chúng con xin hỏi về những nghĩa lý chưa được hiểu.

Lúc đó Tôn Giả Nan Đà bảo các Tỳ Kheo Ni: Thế nào các cô, khi quán sát về nội nhập xứ của mắt có thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Hỏi tiếp: Khi quán sát về nội nhập xứ của tai mũi, lưỡi, thân, ý có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Vì sao?

Bạch Tôn Giả Nan Đà, vì đối với pháp này chúng con đã từng thấy biết như thật.

Đối với sáu nội nhập xứ quán sát là vô ngã, chúng con từng hiểu ý như vậy: Sáu nội nhập xứ là vô ngã.

Tôn Giả Nan Đà bảo các Tỳ Kheo Ni: Lành thay! Lành thay! Các cô nên hiểu như vậy. Sáu nội nhập xứ nên quán sát là vô ngã.

Này các Tỳ Kheo Ni, ngoại nhập xứ của sắc có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Hỏi tiếp: Ngoại nhập xứ của thanh, hương, vị, xúc, pháp, có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau chăng?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Vì sao?

Vì đối với sáu ngoại nhập xứ này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã.

Chúng con thường hiểu ý này:  Sáu ngoại nhập xứ như thật là vô ngã.

Tôn Giả Nan Đà khen ngợi các Tỳ Kheo Ni: Tốt lắm!

Các cô đối với nghĩa này nên quán sát như vậy: Sáu ngoại nhập xứ là vô ngã.

Nếu duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, vậy thì nhãn thức này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Hỏi tiếp: Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, vậy thì ý thức này có phải là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Vì sao?

Vì đối với sáu thức thân này chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã.

Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu thức thân như thật là vô ngã.

Tôn Giả Nan Đà bảo các Tỳ Kheo Ni: Lành thay! Lành thay!

Đối với nghĩa này các cô nên quán sát như vậy: Sáu thức thân như thật là vô ngã.

Duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, vậy thì xúc này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Hỏi tiếp: Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, vậy thì xúc này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Vì sao?

Vì đối với sáu xúc này chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã.

Chúng con cũng thường hiểu ý như vậy: Sáu xúc như thật là vô ngã.

Tôn Giả Nan Đà bảo các Tỳ Kheo Ni: Lành thay!

Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vậy: Sáu xúc thân như thật là vô ngã.

Duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên thọ, vậy thì thọ này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Hỏi tiếp: Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên thọ, vậy thì thọ này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Vì sao?

Vì đối với sáu thọ thân này chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã.

Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu thọ thân như thật là vô ngã.

Tôn Giả Nan Đà lại bảo các Tỳ Kheo Ni: Lành thay!

Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vậy: Sáu thọ thân này như thật là vô ngã.

Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên tưởng, vậy thì tưởng này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Hỏi tiếp: Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên tưởng, vậy thì tưởng này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Vì sao?

Vì đối với sáu tưởng thân này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã.

Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu tưởng thân như thật là vô ngã.

Tôn Giả Nan Đà bảo các Tỳ Kheo Ni: Lành thay!

Tỳ Kheo Ni, đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vậy: Sáu tưởng thân này như thật là vô ngã.

Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên tư, vậy thì tư này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Hỏi tiếp: Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên tư, vậy thì tư này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Vì sao?

Vì đối với sáu tư thân này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã.

Chúng con thường hiểu ý này: Sáu tư thân này như thật là vô ngã.

Tôn Giả Nan Đà bảo các Tỳ Kheo Ni: Lành thay!

Tỳ Kheo Ni, đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vậy: Sáu tư thân này như thật là vô ngã.

Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên ái, vậy thì ái này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Hỏi tiếp: Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên ái, vậy thì ái này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Vì sao?

Vì đối với sáu ái thân này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã.

Chúng con thường hiểu ý này: Sáu ái thân này như thật là vô ngã.

Tôn Giả Nan Đà bảo các Tỳ Kheo Ni: Đối với nghĩa này các cô nên quán sát như vậy: Sáu ái thân này như thật là vô ngã.

Này các Tỳ Kheo Ni, ví như nhờ vào có dầu và nhờ vào tim đèn nên đèn được cháy sáng. Dầu này là vô thường, tim đèn là vô thường, lửa là vô thường, cây đèn cũng là vô thường.

Nếu có người bảo rằng không dầu, không tim, không lửa, không đèn mà có ánh sáng thường trụ mãi mãi, không biến đổi, thì lời nói này có đúng không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Tôn Giả Nan Đà nói: Vì sao?

Vì nhờ vào có dầu, tim, cây đèn, nên đèn cháy sáng. Dầu, tim và cây đèn này đều là vô thường.

Nếu không dầu, không tim, không đèn thì ánh sáng của cây đèn cũng theo đó mà diệt mất, tịch tĩnh, thanh lương, chân thật. Như vậy, này các cô, sáu nội nhập xứ này là vô thường.

Nếu có người bảo rằng:Hỷ lạc do nhân duyên sáu nội nhập xứ này mà sanh.

Nó thường hằng, thường trụ, không biến đổi, an ổn, thì lời nói này có đúng không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Vì sao?

Vì chúng con đã từng quán sát như thật rằng vì những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này.

Nếu những pháp làm duyên kia diệt, thì các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, tịch tĩnh, thanh lương, chân thật.

Tôn Giả Nan Đà bảo các Tỳ Kheo Ni: Lành thay!

Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vậy: Do những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này. Những pháp làm duyên kia nếu diệt đi, thì các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, tịch tĩnh, thanh lương, chân thật.

Này các Tỳ Kheo Ni, thí như cây đại thọ có gốc, cành, nhánh, lá. Gốc chúng cũng là vô thường, nên cành, nhánh, lá cũng đều là vô thường.

Nếu có người bảo rằng không có cành, nhánh, lá của cây này, mà chỉ có cái bóng của nó là thường trụ mãi mãi, không biến đổi, thì lời nói này có đúng không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Vì sao?

Vì như gốc, cành, nhánh, lá cây lớn này. Gốc chúng cũng là vô thường, nên cành, nhánh, lá cũng là vô thường. Không gốc, không cành, không nhánh, không lá, thì cái bóng nương vào nơi cây đó, tất cả cũng đều không.

Hỏi tiếp: Này các cô, duyên vào ngoại lục nhập xứ vô thường.

Nếu bảo rằng

Hỷ lạc do nhân duyên sáu ngoại nhập xứ mà sanh là thường trụ mãi mãi, không biến đổi và an ổn, thì lời nói này có đúng không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả, không.

Vì sao?

Vì đối với nghĩa này chúng con đã quán sát như thật, là do những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này.

Nếu những pháp làm duyên kia diệt, thì các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật.

Tôn Giả Nan Đà bảo các Tỳ Kheo Ni: Lành thay! Các Tỳ Kheo Ni, đối với nghĩa này nên quán sát như thật, là do những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này.

Nếu những pháp làm duyên kia diệt, thì các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật. Các cô hãy nghe tôi nói thí dụ, người trí nhờ thí dụ này mà hiểu rõ.

Như người đồ tể mổ trâu một cách thiện nghệ, hay người học trò của ông ta, tay cầm dao bén để lột da con trâu, bằng cách lòn lách vào giữa da và thịt mà không phạm vào phần thịt bên trong, cũng không rách phần da ở bên ngoài, kể cả việc mổ lột chân cẳng gân cốt con trâu, sau đó dùng tấm da ấy phủ lên nó trở lại.

Nếu có người bảo rằng: Da thịt của con trâu này hoàn toàn không bị cắt rời.

Vậy, lời nói này có đúng không?

Các Tỳ Kheo Ni đáp: Bạch Tôn Giả Nan Đà, không.

Vì sao?

Vì người đồ tể thiện nghệ này và học trò của ông ta tay cầm dao bén, lòn lách vào giữa da và thịt, để lột da mà không chạm đến da thịt của nó, kể cả chân cẳng gân xương, tất cả đều đứt hết, sau đó trùm lại con trâu ấy.

Nhưng da thịt đã bị cắt rời, không phải là không bị cắt rời.

Này các cô, tôi sẽ giải thích về ý nghĩa của thí dụ này: Con trâu dụ cho sắc thô của thân người, như được nói chi tiết trong Kinh Giỏ Rắn Độc. Thịt là chỉ cho nội lục nhập xứ.

Da ngoài chỉ cho ngoại lục nhập xứ. Người đồ tể chỉ cho bậc hữu học thấy dấu. Gân xương ở khoảng giữa da thịt chỉ cho sự câu hữu của hai món tham hỷ. Dao bén chỉ cho trí tuệ sắc bén.

Đa văn Thánh đệ tử dùng dao bén trí tuệ chặt đứt tất cả những kết sử, triền phược, tùy miên, phiền não, tùy phiền não. Cho nên, các cô nên học như vậy.

Đối với những pháp đáng yêu thích, tâm không nên đắm trước, vì để đoạn trừ tham vậy.

Đối với những pháp đáng sân hận, cũng không nên sanh tâm sân hận, vì để đoạn trừ sân vậy.

Đối với những pháp đáng si, không nên sanh tâm si, vì để đoạn trừ si vậy.

Đối với năm thọ ấm phải quán sát sanh diệt.

Đối với sáu xúc nhập xứ phải quán sát về sự tập khởi và sự diệt tận.

Đối với Bốn Niệm Xứ nên khéo buộc tâm. An trú nơi bảy giác phần. Khi tu bảy giác phần rồi, thì đối với dục lậu kia tâm không duyên đắm, tâm giải thoát.

Đối với hữu lậu, tâm không duyên đắm, tâm giải thoát. Đối với vô minh lậu, tâm không duyên đắm, tâm được giải thoát. Các cô nên học như vậy.

Bấy giờ, Tôn Giả Nan Đà, vì các Tỳ Kheo Ni thuyết pháp làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Lúc ấy, Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng đi với năm trăm Tỳ Kheo Ni quyến thuộc lần lượt đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ Phật, lui đứng qua một bên, … cho đến đảnh lễ Phật rồi trở về.

Bấy giờ Thế Tôn biết Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề đã ra về, Ngài mới bảo các Tỳ Kheo: Thí như Trăng sáng đêm mười bốn, có nhiều người ngắm Trăng.

Trăng đã tròn hay chưa tròn?

Nên biết vầng Trăng ấy chưa tròn lắm. Cũng vậy, thiện nam tử Nan Đà vì năm trăm Tỳ Kheo Ni chân chánh giáo thọ, chân chánh thuyết, đối với sự giải thoát của họ, vẫn chưa phải là rốt ráo.

Nhưng những Tỳ Kheo Ni này khi mạng chung không một kết sử nào là không đoạn, để có thể khiến cho họ sanh trở lại đời này.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Nan Đà: Hãy vì các Tỳ Kheo Ni mà nói pháp.

Lúc ấy, Tôn Giả Nan Đà im lặng vâng lời. Sáng hôm sau, Tôn Giả mang bát vào thành khất thực. Thọ trai xong, Tôn Giả đi tới vườn Vua, rồi ngồi xuống chỗ ngồi vì các Tỳ Kheo Ni nói pháp, làm cho hoan hỷ.

Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, rời khỏi chỗ ngồi, đứng dậy ra về.

Một hôm, Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề, cùng năm trăm Tỳ Kheo Ni trước sau lần lượt đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật,… cho đến đảnh lễ ra về.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề đã đi rồi, bảo các Tỳ Kheo: Thí như trăng sáng đêm rằm, không còn ai nghi ngờ về vầng Trăng tròn hay không tròn, nhưng vầng trăng kia hoàn toàn tròn đầy.

Cũng vậy, thiện gia Nam Tử Nan Đà, đã vì các Tỳ Kheo Ni chân chánh giáo thọ như vậy, cứu cánh giải thoát.

Nếu lúc mạng chung, dù không có người nào nói họ sẽ đi về đâu, nhưng họ cũng có thể tự biết đây là biên tế của khổ.

Bấy giờ, Thế Tôn thọ ký cho năm trăm Tỳ Kheo Ni chứng quả thứ nhất.

Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường