Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nhất Thiết Sự

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH NHẤT THIẾT SỰ  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni Câu Luật, tại nước Ca Tỳ La Vệ.

Bấy giờ, có người họ Thích, là Ma Ha Nam đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu Bà Tắc?

Phật bảo Ma Ha Nam: Ưu Bà Tắc là người sống tại gia trong sạch, cho đến suốt đời quy y Tam Bảo, làm Ưu Bà Tắc. Xin chứng tri cho con.

Ma Ha Nam bạch Phật: Bạch Thế Tôn, sao là làm thành mãn tất cả sự của Ưu Bà Tắc?

Phật bảo Ma Ha Nam: Nếu Ưu Bà Tắc nào có tín, nhưng không có giới, đó là không đủ, mà hãy nỗ lực tinh cần, đủ tịnh giới. Có đủ tín và giới, nhưng không bố thí thì cũng chưa đủ.

Vì chưa đủ nên phải nỗ lực tinh cần, tu tập bố thí để làm được đủ. Tín, giới và thí đã đầy, nhưng nếu không tùy thời đến Sa Môn để lắng nghe lãnh thọ chánh pháp, thì vẫn chưa đủ.

Vì chưa đủ cho nên phải nỗ lực tinh cần. Tùy thời đến Chùa Tháp, nhưng gặp các Sa Môn mà không một lòng lắng nghe lãnh thọ chánh pháp, thì vẫn chưa đủ.

Tín, giới, thí và nghe tu tập đã đầy, nhưng nghe rồi mà không ghi giữ, thì vẫn chưa có đủ. Vì không đủ nên phải nỗ lực tinh cần. Tùy thời đến Sa Môn, chuyên tâm lắng nghe pháp, nghe rồi thì phải khéo ghi giữ.

Nếu không thể quán sát nghĩa lý sâu xa của các pháp, thì đó chưa phải là đủ. Vì không có đủ nên phải nỗ lực tinh cần hơn, làm cho có đủ.

Tín, giới, bố thí, nghe, nghe rồi thì khéo ghi giữ, ghi giữ rồi quán sát nghĩa lý sâu xa, mà không tùy thuận để biết hướng đến pháp và thứ pháp, thì đó vẫn chưa có đủ.

Vì chưa có đủ nên phải nỗ lực tinh cần. Tín, giới, bố thí, nghe, ghi giữ, quán sát, hiểu rõ nghĩa lý sâu xa và tùy thuận thực hành hướng đến pháp, thứ pháp. Ma Ha Nam, đó gọi là có đủ tất cả sự của Ưu Bà Tắc.

Ma Ha Nam bạch Phật: Bạch Thế Tôn, sao là Ưu Bà Tắc hay tự an ủy mình, chẳng an ủy người khác?

Phật bảo Ma Ha Nam: Nếu Ưu Bà Tắc nào có thể tự mình đứng vững trong giới nhưng không thể khiến cho người đứng vững trong chánh giới.

Tự mình giữ tịnh giới, nhưng không thể khiến cho người khác giữ giới có đủ.

Tự mình làm việc bố thí, nhưng không thể xác lập bố thí nơi người khác.

Tự mình đi Chùa Tháp, đến gặp các Sa Môn, nhưng không thể khuyên người khác đi Chùa Tháp, đến gặp Sa Môn.

Tự mình chuyên nghe pháp, nhưng không thể khuyên người thích nghe chánh pháp. Nghe chánh pháp tự mình thọ trì, nhưng không thể khiến người khác thọ trì chánh pháp.

Tự mình có thể quán sát nghĩa lý sâu xa, nhưng không thể khuyên người quán sát nghĩa lý sâu xa.

Tự mình biết pháp sâu xa có thể tùy thuận thực hành hướng đến pháp, thứ pháp, nhưng không thể khuyên người khiến họ tùy thuận thực hành hướng đến pháp, thứ pháp.

Này Ma Ha Nam, người thành tựu tám pháp như vậy, thì đó gọi là Ưu Bà Tắc có thể tự an ủy, nhưng không thể an ủy người khác.

Ma Ha Nam bạch Phật: Bạch Thế Tôn, Ưu Bà Tắc thành tựu bao nhiêu pháp để tự an ủi và giúp người được an ủi?

Phật bảo Ma Ha Nam: Nếu Ưu Bà Tắc nào thành tựu mười sáu pháp, đó gọi là Ưu Bà Tắc tự an ủi và giúp người được an ủi.

Những gì là mười sáu pháp?

Này Ma Ha Nam, nếu Ưu Bà Tắc đủ có chánh tín và cũng xác lập cho người khác.

Tự mình giữ tịnh giới, cũng xác lập tịnh giới cho người khác.

Tự mình hành bố thí và dạy người hành bố thí.

Tự mình đến Chùa Tháp gặp các Sa Môn, cũng dạy người khác đến gặp các Sa Môn.

Tự mình chuyên cần nghe pháp, cũng dạy người nghe.

Tự mình thọ trì pháp và dạy người khác thọ trì.

Tự mình quán sát nghĩa dạy người quán sát.

Tự mình biết nghĩa lý sâu xa tùy thuận tu, hành pháp thứ, pháp hướng, cũng lại dạy người hiểu rõ nghĩa lý sâu xa, tùy thuận tu hành hướng đến pháp, thứ pháp.

Này Ma Ha Nam, người nào thành tựu mười sáu pháp như vậy, được gọi là Ưu Bà Tắc có thể tự an ủy và làm người khác được an ủi.

Này Ma Ha Nam, nếu Ưu Bà Tắc nào thành tựu mười sáu pháp như vậy, thì tất cả người trong các chúng Bà La Môn, chúng Sát Lợi, chúng Trưởng Giả, chúng Sa Môn đều đến chỗ họ. Ở trong các chúng này, oai đức của họ sáng chói. Giống như Mặt Trời, ánh sáng chiếu soi cả sáng, trưa, chiều.

Cũng vậy, Ưu Bà Tắc nào thành tựu mười sáu pháp, thì oai đức họ cũng tỏ rạng cả đầu, giữa và cuối. Như vậy, này Ma Ha Nam, nếu Ưu Bà Tắc nào thành tựu mười sáu pháp thì đó là một điều mà thế gian khó thành tựu được.

Phật nói Kinh này xong, Ma Ha Nam dòng họ Thích nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ rồi lui.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường