Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Phật Phược
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH PHẬT PHƯỢC
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo:
Ta nhớ về kiếp trước, khi chưa thành Chánh Giác, sống một mình ở chỗ thanh vắng, chuyên cần tinh tấn thiền định, tư duy, khởi nghĩ như vậy: Thế gian bị hãm nhập tai họa. Đó là sanh, già, bệnh, chết, đổi dời, thọ sanh. Nhưng chúng sanh lại không biết như thật về bên trên và sở y của sanh, già, bệnh, chết.
Ta nghĩ rằng: Do có pháp gì nên có sanh, do pháp gì làm duyên nên có sanh?
Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: Do có hữu nên có sanh, duyên hữu nên có sanh.
Ta lại tư duy: Do có pháp gì nên có hữu, do pháp gì làm duyên nên có hữu?
Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: Do có thủ nên có hữu, duyên thủ nên có hữu.
Ta lại nghĩ rằng: Thủ lại do duyên gì và vì có pháp gì nên có thủ, vì duyên pháp gì nên có thủ?
Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: Đối với pháp bị chấp thủ mà tham đắm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, ái dục tăng trưởng. Vì ái kia có nên có thủ.
Do ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thành thuần một khối khổ lớn như vậy.
Này các Tỳ Kheo, ý các ông nghĩ sao?
Giống như nhờ dầu, tim đèn, nên đèn được đốt sáng, vậy khi thường xuyên dầu và tim được thêm lên, thì ánh sáng ngọn đèn này có tồn tại lâu không?
Bạch Thế Tôn, tồn tại lâu vậy.
Này các Tỳ Kheo, đối với sắc bị chấp thủ, mà tham đắm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, ái dục tăng trưởng. Vì ái kia có nên có thủ. Do ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thành thuần một khối khổ lớn như vậy.
Lúc ấy Ta lại nghĩ: Do không có pháp gì mà không có lão, bệnh, tử này?
Vì pháp gì diệt mà lão, bệnh, tử bị diệt?
Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: Vì không có sanh nên không có lão, bệnh, tử. Và vì sanh diệt nên lão, bệnh, tử diệt.
Ta lại suy nghĩ như vậy: Vì không có pháp gì mà không có sanh?
Do pháp gì diệt mà sanh diệt?
Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: Vì không có hữu nên không có sanh. Vì hữu diệt nên sanh diệt.
Ta lại tư duy: Vì không có pháp gì nên không có hữu?
Vì pháp gì diệt nên hữu diệt?
Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: Pháp bị chấp thủ là vô thường, là sanh diệt, ly dục, diệt tận, xả ly, tâm không tham luyến, tâm không hệ lụy, thì diệt ái.
Vì diệt ái nên thủ bị diệt. Vì diệt thủ nên hữu bị diệt. Vì diệt hữu nên sanh bị diệt. Vì diệt sanh nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt và luôn khối khổ lớn thuần nhất đã tụ tập như vậy cũng diệt.
Này các Tỳ Kheo, ý các ông nghĩ sao?
Thí như dầu, tim đèn, nếu không châm thêm dầu và sửa tim, thì phải chăng ánh sáng của cây đèn này trong vị lai không còn nữa và nó sẽ bị tắt mất chăng?
Các Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, đối với các pháp bị chấp thủ nên quán sát là vô thường, sanh diệt, ly dục, diệt tận, xả, tâm không tham luyến, tâm không hệ lụy, thì ái diệt. Ái diệt thì thủ diệt, cho đến luôn khối khổ lớn thuần nhất đã tụ tập như vậy cũng diệt.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một