Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tần đầu Thành
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH TẦN ĐẦU THÀNH
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại nước Câu Tát La du hành trong nhân gian đến ở trong rừng Thân Thứ, phía Bắc thành Tần Đầu.
Bấy giờ các Bà La Môn, Trưởng Giả trong thành Tần Đầu đều nghe Thế Tôn đang ở nước Câu Tát La, du hành trong nhân gian, đến ở trong rừng Thân Thứ, phía Bắc thành Tần Đầu.
Họ nghe vậy rồi, tất cả đều ra khỏi thành, đến rừng Thân Thứ, chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ, Đức Phật nói với các Bà La Môn, Trưởng Giả thành Tần Đầu:
Nếu có người hỏi các ông: Những hạng Sa Môn, Bà La Môn nào không đáng cung kính, lễ bái, thừa sự, cúng dường?
Thì các ông nên đáp là: Nếu có Sa Môn, Bà La Môn nào, mắt thấy sắc mà chưa lìa được tham, chưa lìa được dục, chưa lìa ái, chưa lìa khao khát, chưa lìa niệm, nội tâm không tịch tịnh, việc làm phi pháp, hành vi thô tháo.
Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy, thì những hạng Tỳ Kheo như vậy không đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, thừa sự, cúng dường.
Nói như vậy xong, lại có người khác hỏi: Vì sao những Sa Môn này không đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?
Các ông nên trả lời: Chúng tôi mắt thấy sắc mà không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm không tịch tịnh và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy.
Những Sa Môn, Bà La Môn kia, khi mắt thấy sắc cũng không lìa tham, không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm họ không tịch tịnh, hành động phi pháp, hành vi thô tháo và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Chúng tôi tìm sự sai biệt ở đây, nhưng không thấy họ khác biệt chúng tôi chỗ nào.
Vì vậy, chúng tôi không cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự cúng dường các hạng Sa Môn, Bà La Môn như vậy.
Nếu có người hỏi: Những Sa Môn, Bà La Môn nào đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?
Các ông nên trả lời: Nếu những vị ấy mắt thấy sắc mà lìa dục, lìa tham, lìa ái, lìa khao khát, lìa niệm, trong tâm tịch tịnh, không hành động phi pháp, làm những hạnh bình đẳng.
Việc làm không lôi thôi và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy, thì những hạng Sa Môn, Bà La Môn như vậy đáng được cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường.
Nếu lại hỏi: Vì sao những Sa Môn, Bà La Môn này được cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?
Các ông nên trả lời: Chúng tôi mắt thấy sắc mà không lìa tham, không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm không tịch tịnh, hành động phi pháp, hành vi thô tháo và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy.
Những vị Sa Môn, Bà La Môn này lìa tham, lìa dục, lìa ái, lìa khao khát, lìa niệm, nội tâm tịch tịnh, hành động đúng pháp, hành động không thô tháo. Và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy.
Ở đây, chúng tôi tìm sự khác biệt và thấy và những vị ấy có chỗ khác chúng tôi. Vì thấy có sự sai biệt, nên chúng tôi cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự cúng dường các Sa Môn, Bà La Môn ấy.
Đã trả lời như vậy, nếu có người lại hỏi: Những Sa Môn, Bà La Môn này có hành vi gì, có hình mạo thế nào và có dấu hiệu nào để khiến cho các ông biết những Sa Môn, Bà La Môn này lìa tham, hướng đến điều phục tham. Lìa sân, hướng đến điều phục lìa sân.
Lìa si, hướng đến điều phục lìa si?
Các ông nên trả lời rằng:
Chúng tôi thấy Sa Môn, Bà La Môn này có những biểu hiện như thế này: Ở trong rừng vắng, dưới bóng cây, giường thấp, hoặc nơi nệm cỏ, tu hạnh viễn ly, xa lìa người nữ, ưa gần người độc cư để cùng thiền định tư duy.
Nếu ở những chỗ đó mà không có sắc được thấy bởi mắt có thể sanh tâm tham đắm. Và không có tiếng được nghe bởi tai có thể sanh tâm tham đắm. Mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, có thể sanh tâm tham đắm.
Những Sa Môn, Bà La Môn này có hành vi như vậy, có hình mạo như vậy và có dấu hiệu như vậy để khiến cho các chúng tôi biết những Sa Môn, Bà La Môn này lìa tham, hướng đến điều phục tham. Lìa sân, hướng đến điều phục lìa sân. Lìa si, hướng đến điều phục lìa si.
Khi ấy, các Sa Môn và gia chủ Bà La Môn, bạch Phật: Kỳ diệu thay, Thế Tôn! Không tự khen mình, không chê người, mà chỉ nói ý nghĩa. Mỗi người nơi các nhập xứ tự mình phân biệt nhiễm ô hay thanh tịnh, nói rộng duyên khởi đúng lời nói của Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác.
Giống như người cứu được kẻ chết chìm, như mở chỗ bít kín, như chỉ lối cho kẻ lầm đường, như thắp đèn nơi tối.
Cũng vậy, Thế Tôn không khen mình, chê người, mà chỉ nói ý nghĩa… cho đến, như lời Như Lai nói.
Các gia chủ Bà La Môn ở thành Tần Đầu, sau khi nghe những gì Đức Phật đã nói, vui vẻ, làm lễ ra về.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tam Muội Niệm Phật - Phẩm Hai - Bản Sự Của Bồ Tát Bất Không Kiến - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Hưng Khởi Hạnh - Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Kiếp Trước Phải ăn Lúa Ngựa
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi Bảy - Kinh Vợ Chồng ăn Bánh
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thế Ký - Phẩm Hai - Uất ðan Viết
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Ba Mươi Bốn - Diệu Lạc