Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Ba Mươi Mốt

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN BA MƯƠI MỐT  

Bồ Tát Phổ Trí lại bạch Đức Phật: Đạo từ hữu ngôn hay vô ngôn mà đạt đến?

Đức Phật dạy: Cũng từ hữu ngôn, cũng từ vô ngôn! Đọa ở khổ nạn sinh tử nơi năm đường, năm ấm, sáu trần các kiến chấp trói buộc, mười hai nhân duyên, sáu mươi hai thứ tà kiến quấy nhiễu chẳng yên. Hoặc mười hai biển nên chẳng qua được bờ kia.

Vì những sự việc ấy, trăm ngàn thứ bệnh nên Đức Phật thiết lập giáo lý, ban bố pháp dược: Giới, định, tuệ, giải thoát, độ tri kiến, bốn đẳng tâm, bốn ân, ba mươi bảy phẩm, sáu độ vô cực, mười hai bộ kinh, không, vô tướng, vô nguyện, bốn đế, ba giải thoát và Tam Bảo dùng để trị những thứ bệnh cấu uế này.

Thuốc là vì bệnh mà cho, không bệnh thì không có thuốc. Ba độc, các uế đều là bệng nặng. Đến được tuệ Chánh chân thì tức là không bệnh.

Do sự ràng buộc của nhân duyên mà chẳng rõ được đạo nên Đức Phật làm cho họ thông suốt nơi văn dụ để hiểu rõ về chỗ ngôn thuyết. Tức ví như đống bọt, bong bóng nước, cây chuối, sóng nắng, tiếng vang, bóng hình, huyễn hóa, giấc mơ, trăng dưới nước, vụt hiện rồi mất để rõ ý ấy. Những việc này đều hư giả, nhân nơi mê lầm sinh ra.

Chẳng tham thế tục, tu tập theo thuốc đạo pháp như: Sáu Độ, bốn đẳng tâm, bốn ân phụng hành những việc này thì được đến với đạo, lý giải được các ngôn giáo vốn là vô ngôn.

Hoặc có Cõi Phật không có sự ràng buộc năm ấm, sáu trần, ba độc, mười hai nhân duyên nên không có văn thuyết, không thân, không lời, rỗng lặng, tịch tĩnh. Lý giải được không có ba cõi, chẳng trụ ở hữu vi, chẳng ở vô vi, chẳng ở vào khoảng giữa. Đó gọi là đạt đến từ vô ngôn.

Bồ Tát Phổ Trí lại hỏi: Hôm nay chúng hội tập hợp ở đây, hoặc có người hiểu sâu thâm, các căn sáng suốt, hoặc có người trung bình vừa tiến vừa lùi, hoặc có kẻ căn trí thấp kém chẳng biết nẻo về. Kẻ trí đạt thì không nghi ngờ, người trung bình, thấp kém đều mang tâm do dự.

Vì sao?

Họ nghe con hướng về người hỏi hai trăm việc mà Bồ Tát Phổ Hiền đem hai ngàn việc để đáp lại nên họ đều suy niệm: Sự việc phiền tạp, chẳng biết việc nào nên làm, nên bỏ. Nguyện xin Đức Phật mở bày và phân biệt ý ấy.

Vì những lý do gì mà việc có hai trăm nhưng đáp đến hai ngàn?

Đức Phật dạy: Hay thay! Hay thay! Việc hỏi của ông là điều hết sức thú vị vì giải quyết được sự nghi ngờ cho đời sau, khiến hàng hậu học chẳng vướng vào lưới nghi!

Đức Phật dạy: Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ! Như Lai sẽ vì ông mà giảng nói nẻo về của nghĩa này!

Bồ Tát thưa: Chúng con xin thọ giáo!

Đức Phật dạy: Dụng có hai nên hỏi hai trăm.

Sao gọi là hai?

Có vị thần tham thân chấp có ta người, có trong, có ngoài, tại có, tại không, nên hỏi hai trăm.

Bồ Tát lại hỏi: Dụng có chỗ chấp ấy nên có sinh tử, sao lại nêu hỏi đến hai trăm việc?

Đức Thế Tôn bảo: Nêu hỏi hai trăm việc ấy là để trừ hết các chấp về ta người, trong ngoài, có không. Đó là dùng quyền tuệ để khai hóa về chỗ không ngằn mé bờ bến. Chẳng thủ đắc trong, ngoài thì mới đến được đạo, mở bày dẫn dắt tất cả.

Bồ Tát Phổ Trí lại hỏi: Vì sao Bồ Tát Phổ Hiền lại dốc tâm dùng hai ngàn sự việc để đáp?

Đức Thế Tôn bảo: Tất cả Bồ Tát nơi mười phương đều đến tập hội, tâm ý mỗi mỗi đều khác, hành niệm chẳng đồng. Người thông tỏ nghe được yếu nghĩa thì đạt được đạo.

Kẻ không thể thông đạt thì nên vì họ diễn nói nhiều lời, hiển dụ bằng ngôn thuyết, dắt dẫn bằng nghĩa lý, mắt được nhìn thấy hình. Dùng dụ thì ý của họ mới được tuệ giải, như áo bẩn nhiều thì phải dùng nhiều chất tẩy giặt nhiều lần mới sạch, sau đó đem áo nhuộm thì màu sắc mới tươi.

Ví như có người muốn khởi công xây cất nhà cửa, chỗ đất dùng để xây cất ấy cao thấp không bằng phẳng, nhiều chỗ uế tạp rắn độc, trùng hại ẩn nấp. Các chỗ thấp cao thì san lấp cho bằng phẳng, trừ bỏ các thứ bất tịnh, xua đuổi rắn độc, xây tường vây quanh và tạo nền móng, rồi mới bắt đầu xây dựng nhà cửa.

Bồ Tát cũng như vậy trừ bỏ năm ấm, sáu trần, mười hai nhân duyên, tội ta, các thứ ngăn ngại… hành đại từ bi, trí tuệ thiện quyền để là làm nhà là các pháp, làm hộ thế gian, làm sự che chở cho thế gian.

Bồ Tát Phổ Trí lại hỏi: Sao gọi là nhà pháp?

Đức Thế Tôn bảo: Giáo hóa tất cả chúng sinh đều vào tuệ không, không ghét, không yêu, tâm không vọng tưởng, độ thoát muôn loài, đó là nhà pháp.

Bồ Tát Phổ Trí lại hỏi: Sao gọi là đài?

Đức Thế Tôn dạy: Dùng sáu Thần thông nhìn xét thấu suốt, thấy rõ tâm niệm của muôn loài trong mười phương. Nghe thông triệt, nghe hết cả loài hữu hình lẫn vô hình. Thân biến khắp mười phương, không có khứ lai.

Tâm đạo nhìn thấy tất cả các cội nguồn vốn không xứ sở. Đã thấy bản tế thì chẳng vướng nơi có không, chẳng ở nơi sinh tử, chẳng trụ nơi diệt độ, tâm mở bày tất cả, đều đến đại đạo, đó gọi là đài.

Sao gọi là sự che chở?

Đức Phật đáp: Tùy lúc khai hóa, vào trong năm đường mà làm thanh tịnh ngũ nhãn.

Những gì là ngũ nhãn?

1. Nhục nhãn.

Ở thế gian, hiện thân bốn đại, nhờ đó mà khai hóa độ thoát mọi chúng sinh.

2. Sao gọi là thiên nhãn?

Những người ở trên Cõi Trời và tại thế gian chưa biết được đạo thì thị hiện ba thừa để khiến họ đến với chánh pháp.

3. Sao gọi là tuệ nhãn?

Những người không thể lý giải về Độ vô cực Ba la mật thì đều khai hóa, khiến họ nhập vào đại tuệ.

4. Sao gọi là pháp nhãn?

Kẻ thiên lệch cục bộ không thấy sự to rộng của pháp thì đều khai hóa khiến họ lý giải được Pháp thân là một, không quá khứ, vị lai và hiện tại, ba đời bình đẳng.

5. Sao gọi là Phật nhãn?

Người mê lầm chẳng biết nẻo giác ngộ chánh chân, bị ấm cái che phủ, ví như người ngủ mê thì hiện hạnh bốn Đẳng tâm, bốn nhiếp pháp, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ, thiện quyền phương tiện, rồi tùy lúc mà giáo hóa, tiến lùi thuận hợp, chẳng mất tất cả, đều khiến đạt được, đều phát tâm đạo vô thượng chánh chân.

Bồ Tát Phổ Trí lại hỏi: Tại sao Kinh này gọi là Độ Thế Phẩm?

Đức Phật dạy: Tất cả chúng sinh bị trói buộc ở thế gian.

Sao gọi là trói buộc?

Sự che lấp của năm ấm, sáu trần, đường sinh tử triền miên, chúng sinh không thể tự cứu vớt nên phải dùng phương tiện quyền xảo nơi trí Độ vô cực để trừ diệt năm ấm, lìa bỏ sáu trần, chẳng kể ngã, ngã sở, chẳng ở sinh tử, chẳng trụ diệt độ.

Ví như mặt trời, mặt trăng ngày đêm tỏa ra ánh sáng. Như vậy quyền tuệ bỗng nhiên không dấu vết, đức như hư không, không thể ví dụ, nên gọi là Độ Thế Phẩm.

Đức Phật nói như thế xong, Bồ Tát Phổ Trí, Bồ Tát Phổ Hiền, những vị trong pháp hội, các chúng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, A Tu Luân nghe điều Đức Phật nói không ai là không hoan hỷ, kính lễ Đức Phật và lui ra.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần