Phật Thuyết Kinh Tệ Ma Thử Tôn Giả Mục Liên

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH

TỆ MA THỬ TÔN GIẢ MỤC LIÊN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật Giáo hóa trong Vườn Nai, làng xóm Khủng Cụ, núi Diệu Hoa, nước Phàn Kỳ. Bấy giờ Hiền Giả Đại Mục Kiền Liên đang kinh hành trong đêm tối. Trong lúc Tôn Giả đang kinh hành trên khoảng đất trống, bấy giờ Tệ Ma đi đến chỗ Ngài, tự hóa hình nhỏ xíu, chui vào trong bụng của Tôn Giả Mục Liên.

Lúc đó Hiền Giả Đại Mục Kiền Liên nghĩ như vậy: Trong bụng của ta tại sao lại có tiếng ầm ầm như sấm, giống như người đang đói mà gánh phải vật nặng. Vậy ta nên vào trong thất nhập chánh thọ tam muội quán sát để tìm căn nguyên.

Khi ấy Tôn Giả Mục Liên liền vào trong thất nhập tam muội để quán thân, Tôn Giả liền thấy Tệ Ma hóa hình nhỏ xíu chui vào bụng mình.

Tôn Giả liền nói rằng: Này Tệ Ma, hãy đi ra đừng có quấy nhiễu Đức Như Lai và đệ tử của Ngài, để rồi mãi mãi gánh lấy khổ đau, bất an, đọa vào ác xứ.

Khi ấy trong tâm ma nghĩ rằng: Nay Sa Môn này chưa thấy ta, cũng chưa biết ta, thế mà dối nói rằng này Tệ Ma hãy đi ra, hãy đi ra, chớ có quấy nhiễu Đức Như Lai và đệ tử của Ngài, sẽ mãi mãi bị khổ thống, bất an.

Ngay như thầy của ông là Thế Tôn Đại Thánh còn không thể biết được ta, huống chi là đệ tử của ông ta mà biết được ta sao?

Tôn Giả Mục Liên lại nói với Tệ Ma: Ta còn biết trong ý của ngươi nghĩ rằng Đại Sư của ông ta là bậc Đại Thánh còn không thể biết được ta huống chi là đệ tử mà biết được ta.

Lúc ấy Tệ Ma liền sợ hãi nghĩ rằng: Nay Sa Môn này đã biết ta rồi. Nó liền hóa hình nhỏ xíu nhảy ra đứng ở phía trước.

Tôn Giả Mục Liên bảo với ma: Vào thời quá khứ lâu xa về trước, lúc Đức Phật Câu Lâu Tần xuất thế, khi đó ta đã từng làm ma tên là sân hận. Ta có một người em gái tên là Quỷ Hắc. Lúc đó mày là con trai của nó. Như vậy nên biết rằng mày là con của em gái ta.

Bấy giờ Đức Phật xuất hiện ở thế gian hiệu là Câu Lâu Tần Như Lai, bậc chí chân Đẳng Chánh Giác. Ngài có hai người đệ tử, người thứ nhất tên là Hồng Âm, người thứ hai tên là Tri Tưởng, là bậc tối tôn, nhân hiền thứ nhất không ai bằng.

Sao gọi Hiền Giả ấy là Hồng Âm?

Vì Tôn Giả đó lúc sống trên Trời Phạm Thiên, tiếng nói của Ngài to lớn vang rền cả ba ngàn đại thiên thế giới.

Còn sao gọi Hiền Giả kia là Tri Tưởng?

Vì Tôn Giả ấy hoặc nương ở chỗ thanh vắng, ngồi dưới gốc cây nơi đồng trống hay ở trong núi, liền nhập tam muội chánh thọ như Kỳ Tượng.

Lúc ấy có những người đang chăn dê, chăn trâu, người lấy củi gánh cỏ, cày ruộng, người đi đường, họ vào trong núi thấy Ngài nhập định như vậy, đồng bảo nhau rằng: Vị Sa Môn này ngồi ở đây mà chết, bọn chúng ta hãy cùng nhau chất củi và cỏ lên để hỏa thiêu. Như lời nói ấy, họ cùng nhau hỏa thiêu Ngài Trà Tỳ.

Tỳ Kheo Tri Tưởng từ tam muội đứng dậy, đập phủi y phục, dũ các tro bụi. Khi sửa lại y phục xong, Tôn Giả ôm bát vào thành, quốc ấp làng xóm để khất thực.

Những người chăn trâu dê, lấy củi gánh cỏ đều rất kinh ngạc, nói với nhau rằng: Chúng ta ở chỗ đồng trống vắng vẻ, thấy Tỳ Kheo này ngồi dưới gốc cây mà chẳng còn hơi thở cho là đã chết nên cùng nhau chất củi, cỏ khô để hỏa thiêu Ngài. Ngày nay vì vậy gọi Tỳ Kheo Tri Tưởng là Tưởng Thức.

Bấy giờ ma sân hận tự suy nghĩ: Bọn Sa Môn này tự cho là trì giới, vắng lặng không nói mà hành tư duy. Giống như con chó, con mèo suy nghĩ cách để bắt con chuột nên nó im lặng bất động, chờ con chuột ra là bắt. Sự thiền tư của Sa Môn này cũng lại như vậy.

Giống như con hạc già muốn bắt con cá, nó im lặng không có tiếng động, trầm tư, chờ con cá ra là nó nuốt. Các Sa Môn này cũng lại như vậy, trầm tư suy nghĩ về mục đích mong cầu.

Giống như con lừa trong ngày mang nặng, cho đến buổi tối mệt mõi, đói khát, nó chìm đắm trong suy nghĩ muốn được ăn uống. Các Sa Môn này cũng lại như vậy.

Bấy giờ trong tâm của suy nghĩ: Ta nên giáo hóa các trưởng giả Phạm Chí ở trong nước này, đánh đập chưởi mắng, làm cho y rách, bát bể, đầu vỡ, các Đạo Nhân, Sa Môn giữ giới này, làm cho họ sanh tâm sân hận. Ta nhờ đó tìm được phương tiện.

Như điều suy nghĩ, ma liền xúi dục các trưởng giả Phạm Chí đánh đập mắng chửi, đập bể bát, đánh vỡ đầu, xé rách y phục các Sa Môn trì giới phụng pháp này.

Các Sa Môn này giống như con mèo bắt chuột, như con hạc bắt cá, giống như chim chí kiêu đứng ở giữa cây để bắt chuột, các Sa Môn ngồi thiền cũng lại như vậy, in như con lừa đói mệt mỏi. Khi ấy các Tỳ Kheo đều bị hủy nhục, cúi đầu đi thẳng đến chỗ Đức Phật Câu Lâu Tần.

Bấy giờ Đức Phật vì bốn Chúng Thiên Long Quỷ Thần nói rộng về Kinh Đạo, thấy các Tỳ Kheo bị hủy nhục đi đến, Ngài bảo các Tỳ Kheo: Nay ma sân hận đã xúi giục các trưởng giả Phạm Chí ở trong nước đánh đập, mắng nhiếc, đánh bể đầu, đập bể bát, xé rách y của các Sa Môn trì giới phụng pháp, làm cho tâm họ tức giận, khởi ý sân hận. Nhờ nhân duyên đó ma tìm được phương tiện làm cho những vị ấy không thành đạo.

Này các đệ tử, đối với trường hợp như vậy hãy nên thực hành bốn thứ bình đẳng: từ, bi, hỷ và hộ. Không ôm lòng oán kết. Không tâm sân hận.

Rộng lớn không hạn lượng. An lạc vô biên biến khắp mười phương. Với tâm như vậy dù ma có tìm phương tiện để phá hoại cũng không thể được.

Các Tỳ Kheo vâng lời Đức Phật dạy, ở một cách an nhàn nơi đồng trống, một lòng thiền định tư duy, thực hành bốn đẳng tâm, ý không tăng giảm. Bấy giờ ma sân hận tuy mong muốn được những tiện lợi nơi các Sa Môn trì giới phụng pháp nhưng vĩnh viễn không thể được.

Khi ấy những trưởng giả Phạm Chí nghe lời ma xúi giục, hủy nhục Sa Môn trì giới phụng pháp, sau khi mạng chung đều bị đọa vào đường ác, bị tra tấn khổ não, ở trong địa ngục thọ lãnh hóa thân của mình.

Giống như cây lớn, bóng nó tỏa ra một khoảng đất trống to lớn. Ở trên mặt đất địa ngục như sắt đốt cháy, lõa hình, lịm mình vào đó.

Họ đều bảo nhau rằng: Chúng ta bạc phước, thọ lấy tai ương tệ ác hung bạo này là do chúng ta hủy nhục, mắng nhiếc Sa Môn phụng pháp trì giới, vì vậy chúng ta mới vào đây.

Than ôi! Không thể thấy được Sa Môn phụng pháp trì giới, muốn cầu phương tiện nhân duyên để tương kiến, vì đã tự tạo điều này phải tự thọ lấy tai ương. Vì nghe theo ma xúi giục nên mới không thể che chở thân mình.

Bấy giờ trong tâm của ma sân hận nghĩ rằng: Ta nhờ phương tiện này để tìm được sự tiện lợi nơi các Sa Môn trì giới, nhưng hoàn toàn không thể được. Bây giờ ta phải biến hình xúi dục các trưởng giả Phạm Chí rằng các ngươi hãy cúng dường phụng sự Sa Môn trì giới, dùng áo quần, cơm ăn, giường nằm, thuốc men, khiến cho vị ấy tham sự cúng dường, nhờ nhân duyên đó ta mới có cơ hội.

Liền như mưu kế ấy, ma liền xúi các trưởng giả Phạm Chí trong nước đến giữa ngã tư đường, nếu ở ngã tư đường thấy các Sa Môn Đạo Nhân trì giới hãy trải tóc trên đất để các vị ấy đi qua và tán thán rằng: Các Ngài là những vị Sa Môn trì giới siêng năng tu thân, khó thấy khó gặp, xin các Ngài hãy đạp lên tóc của tôi để tôi mãi mãi được vô lượng phước.

Hoặc có trưởng giả Phạm Chí mang y phục đến chỗ các Sa Môn trì giới đảnh lễ, quỳ xuống thưa rằng: Xin các Ngài thương xót chúng con nhận lấy y phục này.

Hoặc họ mang đầy thức ăn đi đến Tinh Xá hoặc họ đến ngã tư, đầu các ngõ tắt trong làng dâng lên để cúng dường các Sa Môn trì giới, thưa rằng: Các Ngài thật khó gặp khó thấy, xin các Ngài hãy nhận vật cúng dường này để chúng con mãi mãi được phước vô lượng.

Hoặc họ bồng các Ngài, dìu các Ngài, cõng các Ngài vào nhà họ, mời ngồi trên giường đẹp, rồi họ mang ra các thứ phạn thực, y phục, Cà Sa, vàng bạc bảy báu để ở phía trước, quỳ mà thưa rằng: Ngài là vị Sa Môn trì giới khó gặp khó thấy, xin Ngài hãy thọ nhận những vật cúng dường này. Xin các Ngài vì lòng thương xót tự ý thọ dụng để con mãi mãi được vô lượng phước.

Lúc đó, Đức Phật Câu Lâu Tần vì bốn chúng Chư Thiên, Long, Thần thấy các đạo sĩ Sa Môn trì giới được các trưởng giả Phạm Chí đến gặp, cúng dường cung kính vô lượng.

Ngài bảo các Tỳ Kheo: Nay ma sân hận xúi dục các trưởng giả Phạm Chí cúng dường Sa Môn đạo sĩ trì giới các thứ y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men, tùy ý muốn gì cũng cúng dường đủ.

Nhờ nhân duyên đó ma có cơ hội phá hoại thiện tâm vị ấy, làm cho không thể đắc đạo. Các ngươi hãy nên ở nơi núi non, đồng trống vắng vẻ suy niệm về sự vô thường của vạn vật.

Tuy được áo cơm nhưng đừng tham đắm, phải quán thấy nó là khổ, không, phi thân. Ma tuy tìm cơ hội để phá hoại nhưng rốt cuộc vẫn không được.

Các Tỳ Kheo liền vâng theo lời dạy của đức Câu Lâu Tần Như Lai chí chân, Đẳng Chánh Giác, tu hành như pháp cho nên dù ma có tìm cơ hội vẫn không có.

Vì ma xúi dục cho trưởng giả Phạm Chí bảo họ cúng dường Sa Môn trì giới, nhờ công đức ấy nên họ đều được sanh lên Trời.

Khi họ sanh lên trời xong, họ đều suy nghĩ rằng: Chúng ta nhờ cúng dường, thờ pháp của Sa Môn trì giới thanh tịnh nên tự mình được phước này, không phải nhờ người khác hay Trời mà có được như vậy.

Bấy giờ Đức Phật Câu Lâu Tần Như Lai, bậc chí chân Đẳng Chánh Giác, sau khi thọ thực, lúc mặt trời xế bóng cùng đệ tử lớn của Ngài là Tôn Giả Hồng Âm du hành nơi quận huyện.

Khi ấy Tệ Ma hóa thành một người dũng mảnh to lớn, tay cầm gậy lớn đứng bên đường, lén giơ gậy lớn đập vào đầu Tôn Giả Hồng Âm làm bể đầu, máu chảy lênh láng. Bấy giờ Tôn Giả vẫn đi sau Đức Thế Tôn như bóng theo hình im lặng không nói.

Đức Câu Lâu Tần Như Lai là bậc Thánh không ai bằng, quay đầu nhìn lại miệng nói lời trách rằng: Này ma sân hận, không biết kiềm chế đã tạo ra sự đại ác này. Khi ấy ma sân hận ngay thân của nó liền đọa vào địa ngục, rồi hết ngục này đi đến ngục khác.

Giống như con nòng nọc, con cá ra khỏi nước lên đất liền, giống như lột da trâu sống, dần dà trong địa ngục chịu sự thống khổ không sao nói được.

Lúc ấy ma Ba Tuần nó ở trong địa ngục dần dần chịu sự đau đớn kịch liệt, trải qua ức năm, gấp bội ngàn vạn năm ở trong địa ngục ấy.

Thí như có người thân bị bệnh cuồng, chạy đến chỗ bất an. Khi ấy này Ma Ba Tuần nó bị đọa vào đại địa ngục bị thống khổ vô lượng.

Lúc đó ngục tốt đến nói rằng: Ngươi nên biết rằng nếu có một cái thẻ là một con chim bay lên, trải qua mười ngàn vạn năm như vậy. So sánh như vậy cũng khó biết được số năm Tệ Ma ở trong địa ngục. Sau cùng mới ra khỏi địa ngục lại gặp ách nạn hơn hai vạn năm. Khi ấy Tệ Ma mới hết sầu khổ.

Đức Phật nói cho Tôn Giả Mục Liên bài kệ rằng:

Ma sân phải chịu tội

Địa ngục ấy thế nào

Lúc Phật Câu Lâu Tần

Hóa độ chúng đệ tử

Nó tai hoạn áo não

Bị khảo trị tất cả

Lửa đốt tự thiêu thân

Lửa thiêu mặt thiêu hình

Địa ngục ấy như vậy

Ma sân hận ở đó

Lúc Phật Câu Lâu Tần

Hồng Âm đệ tử lớn

Giả sử trước Đức Phật

Và xem các Tỳ Kheo

Do duyên đó thọ tội

Tại vì làm nhiễu loạn

Nếu ưa thích phê bình

Tỳ Kheo đệ tử Phật

Phải thọ tai ương này

Sanh nơi cực khổ hoạn

Như người nhảy vực sâu

Bỏ mất cung điện lớn

Không ở với Ngọc Nữ

Bỏ thú vui Cõi Trời

Ai hiểu rõ điều này

Tỳ Kheo đệ tử Phật

Từ đó được thoát ra

Nguy hại đọa khổ hoạn

Ma nên biết thân ta

Nương vào cửa giải thoát

Không thiên xứ, thiên nhân

Trời Danh Văn Đao Lợi

Nếu phân biệt như vậy

Tỳ Kheo đệ tử Phật

Tự thân phạm phi pháp

Do đó vào đường dữ

Ai dùng một ngón chân

Rung động cung tối thắng

Xử dụng thần túc lực

Đại cảm ứng Mục Liên

Ai hiểu rõ điều này

Tỳ Kheo đệ tử Phật

Nếu hưng lập tự thân

Sao lại đọa ác thú

Ví có trăm đoan chánh

Ngọc nữ đẹp vi diệu

Thấy Tỳ Kheo thiền tư

Liền không ở viên quán

Vì phân biệt như vậy

Tỳ Kheo đệ tử Phật

Tỳ Kheo tự tạo nghiệp

Hoặc bị đọa ác thú

Giả sử cùng hòa đồng

Đến hỏi Trời Đế Thích

Thiên đế hiểu hay không

Nhân đâu được giải thoát

Lúc phát khởi thích ứng

Tùy theo người hỏi đáp

Nếu mình không đắm trước

Sau đó được giải thoát

Nếu hiểu rõ việc này

Tỳ Kheo đệ tử Phật

Tùy mình tạo hành động

Tự mình đến ác thú

Hoặc đến Cõi Phạm Thiên

Thưa hỏi Vua Phạm Thiên

Do đâu đến chỗ này

Được ở nơi Phạm Thiên

Phạm Thiên liền đáp rằng

Tùy hỏi mà trả lời

Nay ta ở chỗ này

Chưa từng sanh tà kiến

Từ Phạm Thiên khắp xem

Ánh sáng bị thối chuyển

Nay ta sẽ nói gì?

Thân ta trường thọ ư?

Nếu ai hiểu điều này

Tỳ Kheo đệ tử Phật

Tự thân phạm phi pháp

Tự nhiên khỏi khổ đau

Như lửa không nghĩ rằng

Ta sẽ đốt kẻ ngu

Ngu tự sờ vào lửa

Lại bị lửa thiêu thân

Ba Tuần nên hiểu thế

Dụng ý hướng Như Lai

Chỉ nguy hại thân mình

Như lửa thiêu kẻ dại

Người thích làm điều ác

Thân họ mãi khổ đau

Đời sau không tự giác

Đừng nhiễu loạn Tỳ Kheo

Ma Sân chớ thử Phật

Và nhiễu loạn đệ tử

Mãi mãi không an ổn

Phải sanh vào ác thú

Bấy giờ ma hàng phục

Vì khủng bố Tỳ Kheo

Nghe như vậy ưu sầu

Bỗng biến mất không hiện.

Đức Phật nói như vậy, Chư Thiên, Long Thần ai cũng đều hoan hỷ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần