Phật Thuyết Kinh Thành Cụ Quang Minh định ý - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Diệu, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH
THÀNH CỤ QUANG MINH ĐỊNH Ý
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Chi Diệu, Đời Hậu Hán
PHẦN BA
Bấy giờ, hàng Bồ Tát khắp mười phương trong đại hội của Đức Phật ấy đều thọ trì, giảng nói định ý Thành cụ quang minh này, thành tựu đầy đủ Phật sự.
Lúc ấy, có vị trưởng giả tên Mẫn Kiến, năm trăm tuổi, còn là thiếu niên đối với dân chúng nước ấy. Được nghe đại hội của Đức Phật, Mẫn Kiến xin cha mẹ được đi đến chỗ Đức Phật để quán sát, tu tập chánh pháp của Phật. Cha mẹ cho phép, Mẫn Kiến liền đến yết kiến Đức Phật, kính lễ sát đất rồi đứng ngay thẳng, tâm rất vui mừng cởi chuỗi ngọc đủ loại báu quý giá trên thân dâng lên Đức Phật.
Đức Phật dùng oai thần, lập tức biến hóa thành lọng hoa che trên đại chúng và khiến tất cả chúng hội đều an tọa rồi giảng nói pháp định ý Thành cụ quang minh.
Thiếu niên ấy tâm càng vui mừng, liền phát nguyện: Nguyện con sinh ra ở đâu cũng thường được gặp định ý Thành cụ quang minh này, tu hành mau chóng, giới đức không giảm sút.
Lúc ấy, thiếu niên kia dùng tất cả châu báu để bố thí rồi phát nguyện như trên, do vậy, đời đời được nghe nhận pháp này.
Này Thiện Minh! Ông biết thiếu niên lúc đó là ai không?
Là ông đó. Nay ta ra đời, ông lại gặp được định ý này. Từ nay về sau, không bao lâu nữa, khi đạt được trí tuệ, hai trăm kiếp sau, ông sẽ thành Phật, hiệu là Đạo Thế Vương, là bậc tôn quý bậc nhất trong Chư Thiên và cả thế gian, sẽ giáo hóa cho người tăm tối giống Như Lai hôm nay.
Nghe Đức Phật thọ ký và ban danh hiệu cho mình, tâm Thiện Minh thanh tịnh, thân nhẹ nhàng, ví như lưu ly trong ngoài tinh khiết không hề nhơ uế, dù đem nó đặt để bất cứ đâu, về sau tâm Thiện Minh thanh tịnh như vậy.
Nếu khi đạt được như thế thì được mười pháp tịch tĩnh:
1. Tịch tĩnh không bị kiến chấp lay động.
2. Đối với các phiền não thường đầy đủ tịch tĩnh.
3. Đối với các tưởng, tịch tĩnh không tưởng.
4. Đối với các niềm vui của thế gian và các việc xoay vần liên tục, tịch tĩnh mà xả bỏ hết.
5. Đối với đức, chẳng phải đức đều tịch tĩnh không mong cầu, nhớ nghĩ, cũng chẳng nghĩ là không.
6. Pháp thiện, pháp ác tịch tĩnh không chấp thủ.
7. Người khiêm cung, Bậc Hiền thánh, tịch tĩnh không mong cầu.
8. Cúng dường, xả bỏ, tịch tĩnh không vui buồn.
9. Đối với tất cả như pháp hay chẳng như pháp đều tịch tĩnh, đồng với nguồn gốc.
10. Thể nhập tịch tĩnh đối với những nơi bất tịnh, dùng pháp giáo hóa, tịch tĩnh, không chấp giữ, phân biệt, không có ý niệm nhàm chán, xả bỏ, nên dùng tâm như vậy.
Thiện Minh thưa: Bạch Đấng Thiên Tôn! Thế Tôn trao pháp cốt yếu cho con, con sẽ giảng nói khắp tất cả để báo ân, khiến người chưa nghe được nghe, người chưa biết được biết, người chưa độ được độ.
Con đã nhiều lần sinh tử, tuy nhiều tuy lâu nhưng chẳng vì thế mà mệt mỏi, đã không chấp trước, đã giác ngộ, đã chí thành, đã không mê hoặc, đã có thể vào hàng ngũ này thì tùy nhân duyên mà thị hiện.
Con không xem sinh tử là sinh tử, đã nhận được oai thần của Phật rồi, con đều hiểu rõ và sẽ cùng tu với năm trăm vị này. Cúi xin Đấng Thiên Tôn ban đại bi nơi bốn tâm bình đẳng để dẫn dắt thể nhập giáo pháp, khiến con mau đạt được định ý thành cụ quang minh này.
Bấy giờ, Đức Thiên Tôn mỉm cười, chúng hội đều thấy ánh sáng từ miệng phát ra, có năm màu sắc rực rỡ chiếu khắp mười phương, những ai đang đau khổ thì đều được an lạc, rồi ánh sáng ấy trở về đỉnh đầu như thường lệ.
Tôn Giả A Nan sửa y phục, ngồi sang một bên chắp tay thưa: Đức Phật chưa từng cười vô cớ, Phật cười chắc là có nguyên do. Cúi xin Đức Như Lai giảng nói cho những người chưa nghe được nghe.
Bấy giờ, Tôn Giả A Nan nói kệ:
Tôn nhan Phật đẹp đẽ
Mặt, mũi, miệng trang nghiêm
Thân vàng ròng đẹp tuyệt
Phật cười, do nhân gì?
Trong miệng, răng trắng muốt
Môi đỏ như ánh lửa
Tám mươi tướng tốt đẹp
Cười chắc có nguyên do.
Răng bóng, bốn mươi chiếc
Lưỡi rộng phủ khắp mặt
Lời nói thoảng hương thơm
Phật cười, ai thành tựu?
Lông mi, râu xanh biếc
Hai mí mắt cân đối
Chính giữa tướng
Bạch hào Phật cười, ai mong nghe?
Thiên nhãn đã thông suốt
Đạo nhãn đã tròn đầy
Pháp nhãn cùng tuệ nhãn
Bốn nhãn này đều đủ.
Cười ắt có cảm hứng
Giáo hóa người chưa chứng
Hoặc Phật sẽ thọ ký
Nên cười, rạng tôn nhan.
Đức Phật bảo: Này A Nan! Như Lai cười chân thật không hư dối. Năm trăm Hiền Sĩ đi theo Thiện Minh, đời trước đã cúng dường hai trăm ức Đức Phật, đã ngồi nơi ấy, nghe một trăm ba mươi lăm hành của tuệ Thành cụ quang minh này.
Từ khi mới được nghe, trải qua nhiều đời, họ thường kiên cường dũng mãnh, chứa nhóm nhiều điều thiện nhỏ, nhưng chưa thể hàng phục tâm để thọ trì hạnh của định ý tối thượng vi diệu thanh tịnh này.
Tuy vậy, nhưng nhờ công đức được nghe, họ sinh bất cứ nơi đâu cũng thoát khỏi ba đường ác, thường được gặp pháp định ý tôn quý này. Hôm nay đến trong hội này, họ chú tâm nghe nhận, hiểu rõ cặn kẽ, thể nhập chân lý.
Vào đời Đức Phật Từ Nhân, họ sẽ chứng đắc định ý Thành cụ quang minh này, sau ba mươi sáu vạn ức kiếp đều sẽ được thành Phật, lại dùng pháp này để giáo hóa, mỗi vị đều có một cõi nước, đều có danh hiệu là Tràng Tiết Bố Diệu Vương, lại tên Đại Quang Biến Hiển, Đại Thế Phục Ác, Mãnh Thạnh Oai Đức, Lưu Thủy Tịnh Âm, Cao Đức Phổ Tiếp, Cảnh Hiện Trừ Kiết và Hóa Huyễn Tự Tại, tên mỗi vị đều như vậy.
Bấy giờ, năm trăm hiền sĩ nghe Đức Phật thọ ký nên rất đỗi vui mừng, chứng đắc năm tâm không thoái chuyển:
1. Cúng tế cầu được phước tâm không lay chuyển.
2. Tất cả năm vị đều có thể nếm, đều là thân mạng của chúng sinh, không hề lay chuyển làm hại chúng sinh để làm ngon miệng mình.
3. An trụ chân chánh nơi hạnh vô thượng độc tôn, không bao giờ lay chuyển, xả bỏ đạo nhỏ.
4. Biết pháp là tôn quý không gì sánh bằng, siêng năng tu hành, tuy có pháp khác hư vọng, xen lẫn nhưng tự mình dùng tâm pháp quán sát không hề lay chuyển.
5. Giả sử đời có Phật hay không có Phật, pháp hưng thịnh hay pháp suy tàn hoặc chấm dứt, tâm vẫn trụ nơi định ý, không vì chẳng có ngôi Tam Bảo mà lay chuyển, làm theo nghiệp tà.
Đó là năm tâm không lay chuyển.
Khi thấu đạt được ý nghĩa tâm pháp này, chư vị ấy đều quỳ trước Đức Phật thưa: Đức Như Lai thương xót chúng con nên trao cho chúng con danh hiệu Phật, chúng con sẽ báo đáp ân này.
Về sau, nếu có sinh vào đời tệ ác, chúng con sẽ siêng tu chân chánh, giữ gìn, tuyên nói pháp tôn quý, giáo hóa người chưa biết, người loạn động khiến chân chánh, người biếng nhác khiến siêng năng, người thoái lui khiến gắng sức, người chao đảo thì nâng đỡ, người thiếu sót thì bổ sung, người tăm tối thì chiếu ánh sáng.
Người kết sử khiến giải thoát, người sát sinh thì nói tai họa chết yểu, người trộm cắp thì nói sự nghèo khổ, bần cùng, người dâm dục thì nói họa của thân, người nói lời thêu dệt lừa dối thì nói tai họa của sự tiêu diệt tánh, người say sưa thì nói sự suy biến của thân.
Hôm nay, ở trước Đức Phật chúng con xin phát năm lời nguyện, tu hành hạnh Bồ Tát cho đến khi thành Phật không bao giờ dừng nghỉ. Cúi xin Đức Phật thương xót chúng con mà chấp nhận những lời nguyện này.
Nguyện thứ nhất: Chúng con tu tập hạnh Bồ Tát khiến thân mau được biến hóa khắp mười phương.
Nếu gặp đời không có Phật, bốn chúng đệ tử hoặc người biết pháp tin là thật có Phật đã diệt độ, người ở thế gian thì sinh tà kiến, lưới nghi, không biết Phật cũng chẳng biết pháp, liền nói không có Phật, chỉ có hư vọng mà thôi, nếu xét có Phật sao không thấy oai thần của Phật?
Hai bên tranh cãi như vậy, trong lúc tranh cãi, chúng con liền đến giáo hóa, thị hiện thân Phật, tướng tốt chiếu sáng, lại biến hóa oai thần trước hai người tranh cãi, khiến họ thấy liền tin có Phật, rồi lại nói: Các ông chớ nghi ngờ! Người nghi ngờ này liền kinh sợ, vui mừng. Nhờ đây, chúng con thuyết pháp, dạy cho họ được giải thoát, rồi họ lại đi giáo hóa, như vậy không cùng tận.
Nguyện thứ hai: Đức Phật có mười hai bộ loại kinh cốt yếu, vô lượng pháp môn rất sâu xa vi diệu, sau khi Đức Như Lai diệt độ, mỗi đệ tử học một kinh, chỉ biết một quyển mà không thể biết hết, chưa hiểu sự bình đẳng về phương tiện của bốn thuyết, liền vấn nạn lẫn nhau, hoặc nói không, hoặc nói có, nói nghĩa này như vậy, nghĩa này không như vậy.
Người thật biết nghĩa của pháp thì nói về tướng mạo của từ ngữ, người không hiểu ý nghĩa thì tham danh tự, trau chuốt hình dáng, nếu thông suốt liền vào trong chúng hội, hai bên tranh cãi, sân hận, bỏ thiện theo ác.
Lúc họ đang tranh cãi, chúng con sẽ đến, hiện thân biến hóa vượt hơn chúng hội khiến họ im lặng không còn tranh cãi, những người ấy đã chân chánh rồi, chúng con giảng nói Kinh pháp khiến họ đều vui mừng, rồi họ lại đi giáo hóa, như vậy không cùng tận.
Nguyện thứ ba: Sau khi Đức Phật diệt độ, những người thế tục, ngoại đạo và trong đại chúng đệ tử Đức Phật, hàng đệ tử Phật bàn luận giảng nói về ý nghĩa của pháp, phân biệt tà, chánh của các đạo, thứ lớp cao thấp, liền cho rằng trong chín mươi sáu đạo, Phật là tôn quý nhất, Ngài có bốn thần thông, bay đi biến hóa. Chư Thiên, Nhân gian không thể bằng trí của Phật.
Người ở thế gian không thấy Phật, theo tà kiến tin theo pháp nhỏ, bỏ pháp lớn, liền nói với đệ tử Phật: Các ông chớ nói dối, cho rằng Phật có thần thông, bay đi biến hóa. Từ xưa đến nay trong loài người không ai được như vậy.
Lúc họ đang nói điều này, chúng con hóa làm thân tướng Đức Phật, thị hiện các tướng tốt, biến hiện thần thông, đi giữa hư không, thân phát ra lửa, nước, khiến các người thế gian ngoại đạo kinh sợ, khi họ thấy được sự biến hóa thần thông rồi, chúng con thuyết pháp cho họ, trao chánh giới, rồi họ lại đi giáo hóa, cứ như vậy không cùng tận.
Nguyện thứ tư: Nếu người đọc tụng Kinh Phật, ở một mình nơi nhà trống hoặc ở núi non, hoặc dân chúng, trưởng giả tôn quý ở nước lớn mà không có thầy dạy pháp hoặc thầy không sáng suốt, không có ai để thưa hỏi, tâm luôn nghi ngờ, chúng con sẽ hóa làm người dẫn dắt đi đến những nơi ấy, giảng rõ từng câu, phân biệt rõ ràng, khai mở tâm nghi ngờ khiến họ hội nhập vào pháp vi diệu, không còn nghi ngờ, rồi họ lại đi giáo hóa, cứ như vậy không cùng tận.
Nguyện thứ năm: Nguyện sinh ở cõi nước nào cũng được gặp Phật, sau khi Đức Phật diệt độ, hàng đệ tử xây tháp tạo hình Tượng Phật và dựng giảng đường bàn luận ý nghĩa Kinh Pháp.
Nếu người thế tục ít học hỏi, kém trí tuệ, bị trói buộc bởi bốn điên đảo, nghe đệ tử Đức Phật giảng nói pháp xuất thế, cốt lõi của sinh tử, liền đến vấn nạn, không tin pháp chân chánh, chê bai, chỉ trích, tham danh cầu lợi, hoặc còn sân hận muốn đến phá hoại, lấn hiếp, mắng nhiếc, khinh thường khiến họ khó đến được chánh đạo, không thể tu hành.
Đang lúc này, chúng con liền biến hóa hiện thân Phật, giảng nói pháp tuyệt diệu cho họ, hiện bày sự sinh tử, tai ương, phước đức ứng hợp với họ, đem họ đến Cõi Trời để xem phước đức, dẫn đến địa ngục để thấy tội báo, dùng oai thần của pháp để làm cho họ chấn động, dùng diệu lực của trí để hàng phục khiến những người ấy được hàng phục, tin theo đạo lớn, rồi lại đi giáo hóa, cứ như vậy không cùng tận.
Chúng con tu đạo Bồ Tát như thế cho đến khi thành Phật, luôn thực hành năm lời nguyện này không hề ngừng nghỉ. Cúi xin Đức Thế Tôn dùng ân phước lớn để che chở, hộ trì cho chúng con khiến chúng con đạt được chí nguyện.
Bấy giờ, Đức Phật nói: Lành thay! Những lời nguyện này, những ai muốn thành tựu Bồ Tát thì nên nhớ nghĩ, từ nay về sau chắc chắn không mất di. Các ông nên thường hộ trì tu hạnh này, chớ để đoạn dứt, siêng tu tất cả mới mau đạt được chí nguyện này.
Đức Phật nói kệ:
Khởi tâm nguyện rộng lớn
Dùng năm nguyện giáo hóa
Vô số kiếp sẽ thành
Người nghi được vào đạo.
Đức này chẳng thể lường
Tu tập các hạnh lành
Nếu người nghe nguyện này
Lưới nghi được trừ sạch.
Năm nguyện là Phật địa
Giáo hóa hợp với đạo
Tuệ lớn, chẳng thể sánh
Nguyện này vượt loài người.
Năm trăm Bậc Hiền sĩ
Phát nguyện ít ai bằng
Đời sau chẳng thể mất
Tất cả phước an vui.
Đức Phật bảo các.
Hiền sĩ và tất cả chúng hội: Pháp này là chân thật, nên phụng hành, nên lấy pháp này làm căn bản, nên nhẫn nhục không làm ác, không dùng lời dối trá, trau chuốt mà giảng pháp.
Nếu ở nơi thanh vắng hoặc ở nơi tôn ty trong chúng hội thì bên trong nên chế ngự tâm mình khiến đúng như giới pháp, không vì ở nơi thanh vắng mà làm trái, không vì ở nơi chúng hội mà tự cao, không xem sự tôn vinh làm cao quý, không vì sự thấp hèn mà lay chuyển, không hổ với thiện, không thẹn với ác.
Không làm các việc vô ích, tâm như chánh pháp không bị lay động, chẳng tạo tác các niêm tăng hay giảm. Các Bồ Tát như vậy là đạt được căn lành của năm nguyện, mau chóng thành tựu quả vị Phật.
Bấy giờ, Bồ Tát Vô Uế Vương đang ngồi một bên liền quỳ gối thưa: Bạch Thế Tôn! Hôm nay cúi xin Đức Như Lai thị hiện oai thần của định ý thành cụ quang minh này, khiến tất cả chúng hội được thấy rồi vui mừng, đều sẽ phát tâm kiến lập cội công đức này, những người chưa thành tựu được thành tựu, những người chưa độ được độ.
Khi ấy, trong chúng hội có vị Bồ Tát tên là Đại Lực Phổ Bình, Đức Phật bảo vị Bồ Tát này thị hiện oai thần của định ý Thành cụ quang minh.
Bồ Tát liền vâng lời, nhưng vẫn ngồi yên không lay động, thể nhập vào định ý tịch tĩnh, trong khoảng khảy móng tay, các cõi nước trong tam thiên đại thiên Thế Giới, các núi lớn nhỏ, các núi chướng ngại lớn nhỏ, thảy đều biến mất, tất cả đều bằng phẳng, có màu lưu ly xanh biếc.
Lại khiến các Cõi Phật khác ở khắp mười phương đều thông suốt, cùng thấy rõ nhau, cùng cách xa mà như cách một tầm vậy, quán sát nơi cư trú của Chư Phật khắp mười phương như xem các vì sao, không thể tính toán được, lại dùng tay phải nâng tam thiên đại thiên Thế Giới Chư Phật khắp mười phương đặt lên một ngón tay rồi nâng lên hạ xuống như nâng một hạt bụi, nhân dân và chúng sinh trong nước ấy không hề hay biết cũng chẳng có ý niệm sợ hãi.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Mười Sáu - Phẩm Hai Mươi Kệ
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Ba Mươi Bảy - Phẩm Bị Thâu Thành Vật Khước Trưng Pháp
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Cúng Dường Tam Bảo
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Hai Mươi - Phẩm đao Trượng - Thí Dụ Bốn Mươi Mốt