Phật Thuyết Kinh Thập địa - Phẩm Hai - Phẩm địa Ly Cấu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi La Đạt Ma, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH THẬP ĐỊA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi La Đạt Ma, Đời Đường  

PHẨM HAI

PHẨM ĐỊA LY CẤU  

Các Bồ Tát đã nghe

Pháp vi diệu tối thắng

Tâm ý rất thanh tịnh

Tất cả đều vui mừng

Từ chỗ ngồi đứng dậy

Bay lên trên hư không

Rải các hoa thượng diệu

Đồng thời cùng khen ngợi:

Hay thay Kim Cang Tạng

Bậc trí lớn không sợ

Giảng nói về địa này

Pháp Bồ Tát thực hành.

Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt

Biết tâm chúng thanh tịnh

Thích nghe các hành tướng

Của trụ địa thứ hai

Nên thưa Kim Cang Tạng

Xin đại trí diễn thuyết

Phật Tử đều thích nghe

Về trụ địa thứ hai.

Bồ Tát Kim Cang Tạng bảo các Bồ Tát: Phật Tử, Bồ Tát đã an trụ nơi địa thứ nhất, muốn cầu trí địa thứ hai, phải phát mười tâm ý lạc.

Mười tâm đó?

Đó là:

1. Ngay thật.

2. Dịu dàng.

3. Gắng nhận.

4. Điều phục.

5. Tịch diệt.

6. Hiền thiện.

7. Không tạp loạn.

8. Không tham luyến.

9. Thù thắng.

10. Rộng lớn.

Đã phát mười tâm này, tất cả sẽ an trụ địa Ly cấu thứ hai.

Phật Tử, khi Bồ Tát trụ địa Ly cấu, thì tự tánh thành tựu mười nghiệp lành. Từ bỏ sát sinh, vứt dao gậy, không mang hiềm hận, biết hổ thẹn, hiện bày tâm nhân từ, bao dung, luôn có tâm lợi ích, thương yêu chúng sinh, Bồ Tát luôn suy xét, với loài có mạng sống còn không làm hại, huống chi tự thân giết hại chúng sinh, chúng sinh có thân nghiệp, có suy xét đúng đắn!

Không trộm cướp, phải biết đủ với tài vật địa của mình, thương yêu, không hại danh vị tài vật người khác, không sinh tâm trộm cắp vật của người hoặc vật tưởng của người, ngay cọng cỏ, lá rau, người ta không cho thì không lấy, huống là những vật nuôi sống khác.

Bỏ tà dâm, là biết đủ với vợ mình, không hành dâm với vợ người, không có tâm ô nhiễm với vợ người, hoặc người đã được bà con thân thuộc cưới hỏi, hoặc người nữ đứng đắn, huống gì hai thân giao phối.

Bỏ lời nói dối, là luôn nói lời chân thật, hợp thời, cho đến trong giấc mộng cũng không có ý dối người bằng cách che giấu hay thích nói lời hư dối, huống gì cố ý. Bỏ lời nói chia rẽ, là không hủy hoại chúng sinh, không làm hại. Là tu tập hạnh chân chánh. Không vì hại người này mà đem lời người kia nói cho người này.

Những người chưa hại nhau, thì làm cho họ không hại nhau. Những người đã hại nhau thì không cho phát triển. Không vui thích và không nói lời chia rẽ, cho dù là thật hay không thật. Bỏ lời thô ác, tức là những lời nói độc ác, thô lỗ, khiêu khích người khác.

Làm cho họ sân hận sau lưng, trước mặt âu sầu. Những lời cộc cằn không vui tai, khiến họ tức giận như lửa thiêu đốt, sinh ra oán kết khổ não, hại cả mình lẫn người… phải từ bỏ tất cả những lời nói như vậy. Luôn nói lời êm dịu, hòa nhã, vui lòng, thích nghe. Để nghe người vui vẻ nhớ mãi.

Lời nhã nhặn hợp pháp, làm nhiều người yêu thích, vui vẻ thanh tịnh cả mình lẫn người. Bỏ lời ô tạp, suy xét lời chân thật hợp thời, đúng nghĩa, đúng pháp. Lời thuận đạo lý, điều phục, lời mạch lạc, tùy lúc suy xét, có duyên hợp mới nói, cho dù là lời đùa cũng suy xét kỹ, huống gì là cố ý nói lời tạp loạn.

Không tham dục lạc, tài vật của người, không sinh tâm tham cầu. Tâm không sân hận, luôn phát tâm từ bi, tạo lợi ích, yêu thương, ban ân cho tất cả chúng sinh, vĩnh viễn dứt trừ phẫn nộ, giận dữ, ganh ghét, luôn suy xét, tùy thuận thực hành tánh từ bi lợi ích. Hiểu đúng và tùy thuận chánh đạo. Bỏ việc xem bói, tốt xấu, và các giới tà vạy. Thấy biết đúng đắn, không dua nịnh dối trá, ý bền vững đối với Phật, Pháp, Tăng.

Phật Tử, Bồ Tát khi hộ trì mười nghiệp lành liên tục, không thiếu sót, thì phát những tâm như vạy. Thấy chúng sinh, sở dĩ bị khổ não trong đường ác chìm sâu, đều do làm mười việc ác. Cho nên ta phải an trụ nơi hạnh chân chánh để khuyên chúng sinh cũng an trụ nơi hạnh này.

Vì sao?

Vì không thể có việc: Mình không tu chân chánh mà dạy người tu chân chánh!

Lại suy xét: Vì làm mười việc ác nên có địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.

Do làm mười việc lành mà có cõi người, Cõi Trời… trên những cõi này, đều là do tu tập hành tướng của trí tuệ. Nghĩa là, do tâm tu mười nghiệp lành còn yếu kém, sợ ba cõi, thiếu đại bi, nghe người giảng dạy mới hiểu rõ. Thực hành lời dạy, thành tựu Thanh Văn thừa.

Lại từ đây tiến tu, làm thanh tịnh mười nghiệp lành, không do người chỉ dạy, tự mình giác ngộ. Thiếu phương tiện đại bi. Hiểu sâu pháp duyên sinh, thành tựu Độc Giác thừa. Rồi từ đấy, tiến tu thanh tịnh mười nghiệp lành, tâm rộng lớn bao la, đủ từ bi, gồm cả phương tiện quyền biến, phát nguyện lớn, không bỏ chúng sinh, hiện quán vô lượng trí của Phật, thành tựu pháp giải thoát, làm thanh tịnh các địa Bồ Tát, hành hạnh chân chánh thanh tịnh rộng lớn.

Rồi cũng từ đấy tiến tu, làm thanh tịnh mười nghiệp lành, cho đến thành tựu mười lực của Phật, tu chứng tất cả Phật Pháp. Ta nay đã xuất ly, nhưng lại ở trong tất cả hành tướng thanh tịnh của Niết Bàn mà tu tập. Phật Tử, Bồ Tát dần dần học những việc như vậy.

Lại nữa, mười nghiệp ác nếu vào hạng nặng thì làm nhân của địa ngục, hạng vừa thì làm nhân của súc sanh, hạng nhẹ thì làm nhân của quỷ đói. Giết chúng sinh thì bị đọa vào địa ngục, súc sanh, quỷ đói.

Nếu sinh trong cõi người chịu hai quả báo: Nghèo khổ.

Của cải bị phân tán.

Tà hạnh bị đọa vào địa ngục, súc sanh, quỷ đói.

Nếu sinh trong cõi người, chịu hai quả báo: Vợ không trinh thuận.

Không nhờ vả được bà con.

Nói dối thì bị đọa vào địa ngục, súc sanh, quỷ đói.

Nếu sinh trong cõi người, chịu hai quả báo: Luôn bị phỉ báng.

Bị người dối gạt.

Nói hai lưỡi thì bị đọa vào địa ngục, súc sanh, quỷ đói.

Nếu sinh trong cõi người, chịu hai quả báo: Bà con chống trái.

Thường bị chê bai.

Nói lời ác thì bị đọa vào địa ngục, súc sanh, quỷ đói.

Nếu sinh trong cõi người, chịu hai quả báo: Nghe lời trái tai.

Luôn bị tranh kiện.

Nói tạp loạn thì bị đọa vào địa ngục, súc sanh, quỷ đói.

Nếu sinh trong cõi người, chịu hai quả báo: Nói năng không ai nghe. Nói năng không rõ ràng.

Tham dục thì bị đọa vào địa ngục, súc sanh, quỷ đói.

Nếu sinh trong cõi người, chịu hai quả báo: Tâm không biết đủ.

Tham lam không chán.

Sân hận thì bị đọa vào địa ngục, súc sanh, quỷ đói.

Nếu sinh trong cõi người, chịu hai quả báo: Luôn bị người khác vạch chỗ hay dở.

Luôn bị người làm hại.

Tà kiến thì bị đọa vào địa ngục, súc sanh, quỷ đói.

Nếu sinh trong cõi người, chịu hai quả báo:

Thấy hiểu không ngay thẳng.

Tâm luôn dối trá.

Do mười nghiệp ác này mà tạo ra khổ uẩn lớn vô lượng, vô biên. Vì thế, ta phải đoạn trừ hẳn mười nghiệp ác. Để được ở trong vườn pháp, thọ hưởng niềm vui của pháp. Bồ Tát luôn an trụ trong mười nghiệp lành, khuyên dạy người an trụ. Đối với chúng sinh, Bồ Tát luôn phát khởi những tâm lợi ích, an lạc, từ bi, bao dung, gìn giữ, bảo hộ, khiêm tốn, làm gương, làm Thầy dẫn dắt, xem chúng sinh như mình.

Lại nghĩ: Thật khổ thay! Chúng sinh bị đọa trong tà kiến, chạy theo hiểu biết sai lầm, thuận ý sai lạc, đi trong rừng rậm phiền não, đường hẹp. Ta nên khiến chúng sinh quay về đường chánh, hiểu biết đúng, an trụ trong pháp như thật.

Chúng sinh nào chống trái, tranh tụng, lăng nhục nhau, luôn bị phẫn nộ giận dữ thiêu đốt. Ta nên khiến chúng an trụ trong pháp nuôi sống bằng nghề chân chánh, thanh tịnh thân, ngữ, ý. Chúng sinh nào chạy theo các nhân tham, sân, si, luôn bị lửa phiền não đốt mà không tìm cách ra khỏi.

Ta nên khiến chúng dập tắt lửa phiền não, an trụ trong Niết Bàn thanh tịnh, mát mẻ, không tai họa. Chúng sinh nào bị vô minh tăm tối che lấp, vào trong rừng rậm phiền não tối tăm, xa cách ánh sáng tuệ, rơi trong chốn mịt mù, đi vào đường hiểm, chấp chặt sự hiểu biết của mình.

Ta nên khiến chúng sinh đạt mắt tuệ thanh tịnh không chướng ngại, biết tánh như thật của các pháp, không tùy thuận giáo pháp khác. Chúng sinh nào chạy trong đường hiểm sinh tử vắng vẻ, sắp rơi vào hố sâu cõi ác địa ngục, súc sanh, quỷ đói, hoặc bị nhốt trong lưới tà kiến ác độc hại, bị ngu si che lấp, đi trong đường hẹp tà kiến, mất mắt tuệ, thiếu bậc Thầy dẫn đường, có tưởng không muốn xuất ly, đi vào cảnh giới của Ma Ba Tuần.

Bị giặc cướp bắt bớ giam cầm, xa lìa người dẫn dắt có tâm đại bi với phương tiện quyền xảo, chạy theo nẻo rừng rậm phiền não thuộc ý lạc của các ma, cách biệt hoàn toàn với ý lạc của Phật, đối với các chúng sinh ấy, ta nên tạo sự thuận hợp để chỉ rõ về đường hiểm sinh tử đó nhằm cứu vớt, để các chúng sinh đó an trụ trong thành lớn không lo sợ của trí nhất thiết trí.

Chúng sinh nào trôi nơi dòng thác lớn, chìm trong sóng to, bị cuốn theo dòng dục, hữu, vô minh kiến, men theo sinh tử, nổi chìm trong sông ái, bôn ba rong ruổi, không ngừng nghỉ để quán sát, thuận theo tham, sân, si, kiêu mạn, bị La sát thân kiến giữ chặt.

Qua lại tới lui trong tập khí dục, đắm chìm vui thích trong bùn nhơ sóng dữ, vào trong thác ngã mạn, không nơi nương tựa, không vượt khỏi sáu xứ xóm làng, xa cách bậc tài trí cứu độ. Ta nên dùng sức nơi căn lành đại Bi để cứu vớt, làm cho các chúng sinh đó an trụ nơi đảo nhất thiết trí, không tai họa, không nhơ uế, tịch tĩnh, không còn lo sợ.

Chúng sinh nào bị đóng kín nơi ưu sầu khổ não, bị xiềng trong gông cùm khát ái, trong rừng rậm vô minh ngu tối, bị nhốt nơi ngục ba cõi. Ta nên khiến chúng vĩnh viễn ra khỏi ba cõi, an trụ trong Niết Bàn rốt ráo không chướng ngại.

Chúng sinh nào chấp trước ngã, chấp giữ năm uẩn không thể tiến triển, làm theo bốn loại điên đảo, nương tựa vào xóm làng là sáu xứ trống không, bị rắn độc bốn đại chủng rượt đuổi, oán giặc năm uẩn vây hại, chịu vô lượng khổ. Ta nên khiến chúng trụ trong chỗ thù thắng, không còn tham vướng, tức là Vô dư Niết Bàn lìa chướng ngại.

Chúng sinh nào nghe giảng về tâm nhất thiết trí vô thượng mà hiểu biết hẹp hòi kém cỏi, phải cầu pháp giải thoát, phát tâm Thanh Văn và Độc Giác. Ta nên khiến chúng quán pháp vi diệu của Phật trụ trong tâm đạo Vô thượng rộng lớn.

Phật Tử! Bồ Tát tùy thuận vào sức gìn giữ giới thanh tịnh, làm mọi việc bằng phương tiện khéo léo, trụ trong địa Ly cấu.

Do hiểu biết và nguyện lực rộng lớn nên gặp được trăm trăm ngàn ngàn ngàn ức na do tha Phật. Đã gặp Phật, Bồ Tát này dùng tâm rộng lớn tăng thượng, cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường các thứ y phục, thức ăn, đồ ngồi, thuốc men, các vật cần dùng, phụng hiến cho Bồ Tát các thứ tạo an lạc vi diệu, cung kính đối với tăng chúng, hồi hướng căn lành lên đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Với tâm tôn trọng, Bồ Tát ở chỗ Phật, thọ trì mười nghiệp lành cho đến pháp Bồ Đề không hề quên sót. Nhờ vậy, Bồ Tát trải qua vô số, vô số kiếp, dứt trừ được tham lam bỏn sẻn và sự phạm giới, thành tựu đầy đủ bố thí, trì giới thanh tịnh.

Phật Tử! Ví như vàng được tôi luyện đúng cách, trừ hết tạp nhơ thì càng rực rỡ. Bồ Tát trụ nơi địa Ly cấu cũng thế trải qua vô số kiếp, trừ bỏ tham lam keo kiệt và sự phạm giới, thành tựu đầy đủ bố thí, trì giới thanh tịnh. Song trong bốn nhiếp pháp, Bồ Tát này tu nhiều về ái ngữ. Trong mười Ba la mật, Bồ Tát này tu nhiều về giới Ba la mật, còn các Ba la mật khác thì tùy sức tùy phần mà tu tập.

Phật Tử! Đó là lược nói về địa Ly cấu thứ hai của Bồ Tát. Bồ Tát trụ địa này, thường sinh làm Chuyển Luân Thánh Vương, đạt pháp tự tại đầy đủ uy lực, có đủ bảy báu, đủ sức mạnh trừ sạch các thứ nhơ uế, phạm giới của chúng sinh, đủ phương tiện hay, làm cho chúng sinh an trụ trong mười nghiệp lành.

Hành trì việc như bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự đều không rời suy nghĩ về Phật, về Pháp, về Tăng, về Bồ Tát, về hạnh Bồ Tát, về giải thoát, về các trụ địa, về pháp không sợ, về pháp Bất cộng của Phật, cho đến không rời suy nghĩ về hình tướng thắng diệu tương ưng với trí nhất thiết trí.

Lại nguyện, ở trong chúng sinh, ta luôn là người đứng đầu, thù thắng vi diệu vô thượng. Là người dẫn đường, là tướng soái, cho đến nguyện làm chỗ nương tựa để đạt trí nhất thiết trí, phải siêng năng phát tâm như vậy.

xả bỏ nhà cửa quyến thuộc, tài sản, xuất gia tin theo Thánh Giáo của Phật. Đã xuất gia thì trong khoảnh khắc tu tập, đạt ngàn tam muội, gặp ngàn Đức Phật, được Phật gia hộ, làm cho thông hiểu tất cả, làm chuyển động ngàn Thế Giới, đi khắp ngàn cõi nước, soi chiếu ngàn cảnh giới, thành tựu ngàn loại chúng sinh, sống ngàn kiếp, nơi ngằn métrước sau đều vào trong ngàn kiếp, suy xét rõ ngàn pháp, thị hiện ngàn thân, mỗi thân hiện bày ngàn Bồ Tát bạn.

Nhờ nguyện lực thù thắng, nên mọi việc đi lại, thần thông, ánh sáng, thân tướng, mắt, cảnh giới, âm thanh, hành động, trang nghiêm, hiểu biết, gìn giữ, tạo tác, cho dù trải qua ngàn ngàn câu chi kiếp, cũng không thể nói hết.

Bấy giờ, Bồ Tát Kim Cang Tạng muốn lặp lại nghĩa trên bèn nói kệ rằng:

Ngay thật, nhu hòa và gắng nhận

Điều phục, vắng lặng cùng hiền thiện

Không tạp, không luyến, thắng, rộng lớn

Nhờ mười ý lạc nhập hai địa

Ở đây thành tựu công đức giới

Xa lìa sát sinh, không làm hại

Trừ tâm trộm cướp và tà hạnh

Lừa dối, thô, tạp cùng chia rẽ

Không tham của vị, luôn thương yêu

Chánh kiến chân thật, không dua nịnh

Dứt bỏ kiêu mạn, tâm hòa nhã

Thực hành đúng pháp, không buông lung

Địa ngục, súc sanh chịu khổ não

Quỷ đói luôn bị lửa thiêu đốt

Tất cả đều do tội đưa đến

Ta nên trừ bỏ, trụ vườn pháp

Tùy ý thọ sinh trong cõi người

Cho đến hỷ lạc Trời Hữu Đảnh

Thanh Văn, Độc Giác và Phật thừa

Từ mười nghiệp lành được thành tựu

Suy xét như thế, không buông lung

Tự giữ tịnh giới, dạy người giữ

Lại thấy chúng sinh chịu khổ não

Phát khởi tâm bi càng mạnh mẽ

Phàm phu ngu si hiểu sai lệch

Luôn mang sân hận, thường tranh chấp

Tham cầu cảnh giới không biết chán

Ta nên khiến chúng trừ ba độc

Ngu si tăm tối luôn che lấp

Rơi trong đường hiểm, lưới tà kiến

Trói buộc trong vòng sinh tử khổ

Ta nên khiến chúng đuổi giặc ma

Trôi nổi chìm đắm theo bốn dòng

Nhốt trong ba cõi chịu khổ não

Xem uẩn là nhà, chấp trước ngã

Vì cứu chúng sinh, siêng hành đạo

Cầu pháp giải thoát, tâm yếu kém

Bỏ trí tối thượng của Chư Phật

Ta nên khiến chúng trụ Đại Thừa

Siêng năng tu tập không chán mệt

Bồ Tát ở đây tu công đức

Gặp vô lượng Phật lại cúng dường

Trải qua ức kiếp gắng tu tập

Như đem vàng quặng luyện vàng ròng

Người trụ địa này làm Luân Vương

Giáo hóa chúng sinh hành mười thiện

Tu tập tất cả các pháp lành

Thành tựu mười lực cứu thế gian

Muốn bỏ ngôi Vua và tài sản

Xuất gia hành hóa trong Phật Pháp

Dũng mãnh, tinh tấn chẳng bao lâu

Đạt ngàn tam muội, thấy ngàn Phật

Bồ Tát địa này thị hiện hết

Bao nhiêu thần thông, sức biến hóa

Nếu dùng nguyện lực thì hơn đây

Vô lượng tự tại cứu chúng sinh

Tu hạnh tối thắng của Bồ Tát

Đem lợi ích cho cả thế gian

Đã vì Phật tử diễn thuyết xong

Địa thứ hai, công đức là vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần