Phật Thuyết Kinh Thập địa - Phẩm Mười - Phẩm địa Pháp Vân - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi La Đạt Ma, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH THẬP ĐỊA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi La Đạt Ma, Đời Đường
PHẨM MƯỜI
PHẨM ĐỊA PHÁP VÂN
TẬP HAI
Phật Tử! Ví như biển lớn chứa được nước mưa của một Vua rồng lớn. Cho dù hai, ba… cho đến vô số Vua rồng lớn, cùng lúc tuôn mưa, biển vẫn chứa hết được.
Vì sao?
Vì biển rộng mênh mông.
Phật Tử! Bồ Tát trụ địa này cũng vậy, chỉ trong khoảnh khắc sẽ nhận lãnh, thâu tóm, giữ gìn tất cả tạng pháp vân, pháp minh, pháp chiếu của một Đức Phật. Cho dù hai, ba, vô số Đức Phật cùng lúc thuyết giảng vô lượng pháp minh, pháp chiếu, pháp vân, thì Bồ Tát cũng đều lãnh thọ hết, chỉ trong khoảnh khắc. Vì vậy địa này được gọi là địa Pháp vân.
Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt thưa: Phật Tử! Có thể tính đếm được tạng pháp Đại vân, Quang minh.
Chiếu diệu mầu nhiệm mà Bồ Tát địa này có thể nhận lãnh, thâu tóm, giữ gìn trong sát na ấy không?
Bồ Tát Kim Cang Tạng đáp: Phật Tử! Không thể nào dùng toán số mà tính đếm được. Song tôi sẽ vì Hiền Giả mà nêu ví dụ về tạng pháp mầu nhiệm Đại vân, Quang minh, chiếu diệu mà Bồ Tát nhận lãnh, thâu giữ ở bao nhiêu Đức Phật.
Phật Tử! Giả sử trong cõi chúng sinh của vô số, vô lượng, vô biên Cõi Phật nơi mười phương, có một chúng sinh, đã đạt pháp Văn trì, Tổng trì cao tột, vì làm thị giả cho Phật, là bậc tài giỏi nhất trong hàng Thanh Văn, như Tỳ Kheo Đại Thắng của Cõi Phật Kim Cang Liên Hoa Thượng.
Một chúng sinh thành tựu diệu lực Đà La Ni đa văn như vậy, tất cả chúng sinh ở vô số cõi kia, cũng thành tựu giống như thế. Song pháp mà một chúng sinh này lãnh thọ thì chúng sinh khác không lãnh thọ lại.
Phật Tử! Nhân giả nghĩ sao?
Diệu lực của phương tiện trí tuệ đó có nhiều không?
Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt đáp: Rất nhiều, vô lượng.
Bồ Tát Kim Cang Tạng nói: Phật Tử! Bây giờ tôi sẽ nói rõ để nhân giả hiểu. Tạng pháp mầu mà Bồ Tát trụ nơi địa Pháp vân nhận lãnh, thâu giữ ở một Đức Phật, gọi là ba đời pháp giới tạng đại pháp quang minh pháp chiếu pháp vân. Gấp trăm ngàn vạn vô số lần diệu lực của phương tiện trí tuệ nơi một chúng sinh đạt được kia.
Cho dù tính đếm, ví dụ như thế nào cũng không thể sánh được một phần. Pháp của một Đức Phật đã thế, pháp của vô số, vô lượng Đức Phật khắp mười phương lại hơn cả vô lượng, vô biên số, nhưng chỉ trong khoảnh khắc, Bồ Tát này đều có thể nhận lãnh, thâu giữ được hết. Vì vậy, địa này được gọi là Pháp vân.
Phật Tử! Bồ Tát đã an trụ nơi địa Pháp vân, dùng sức thệ nguyện nổi mây đại bi, vang sấm pháp lớn, thần thông không sợ, ánh sáng rực rỡ, soi khắp mười phương, dùng phước trí lớn che rợp muôn nơi, hiện đủ loại thân hình, qua lại trong mây mù, rền tiếng pháp vĩ đại, đánh bại ma quân.
Nháy mắt đã đi khắp mọi nơi, mưa pháp lành lớn, dập tắt ngọn lửa mê mờ của chúng sinh, nhờ đó mọi sở thích, căn lành của họ thêm lớn và thành thục. Vì thế, địa này gọi là pháp vân.
Lại nữa, Phật Tử! Bồ Tát trụ nơi địa pháp vân, lúc đầu ở cùng Trời Đổ Sử Đa, xuống trần, vào thai mẹ, thọ sinh, xuất gia, thành đạo, nhận lời thỉnh cầu thuyết pháp, rồi nhập Niết Bàn. Tùy sở thích của chúng sinh mà thị hiện làm mọi việc Phật. Ở một Thế Giới như vậy nơi hai, ba, cho đến vô số cõi nước cũng đều thị hiện những việc như trên.
Bồ Tát đạt trí tự tại, sẽ phân biệt được rõ ràng, đủ trí lớn thần thông, tự tại tùy theo ý muốn. Có thể làm cho Thế Giới nhỏ thành lớn, lớn thành nhỏ, tạp nhiễm thành thanh tịnh, thanh tịnh thành tạp nhiễm. Cứ thế, dùng sức tự tại tùy ý muốn, Bồ Tát thị hiện vô số sự thô, tế, loạn, chánh, cúi, ngước.
Lại dùng sức mình đem một Thế Giới rộng lớn đủ sông núi, đặt vào trong một hạt bụi, mà hạt bụi không to lên, Thế Giới không nhỏ lại, vẫn đầy đủ mọi tác dụng của nó. Hoặc đem hai, ba vô số cõi nước đặt vào trong một hạt bụi nhưng nó vẫn đủ mọi tác dụng như trên. Hoặc tùy ý, thị hiện việc trang nghiêm, hai cõi nước trong một cõi nước, cho đến trang nghiêm vô số cõi nước.
Hoặc thị hiện việc trang nghiêm một cõi nước trong hai cõi nước, thị hiện chúng sinh trong vô số cõi nước vào trong một cõi nước nhưng chúng sinh không bị ngột ngạt. Hoặc thị hiện chúng sinh trong một cõi nước vào trong vô số cõi nước nhưng vẫn không ngại nhau. Tùy ý thị hiện trong mỗi chân lông có một cảnh giới Phật trang nghiêm, cho đến thị hiện vô số Cõi Phật trang nghiêm.
Trong nháy mắt, hóa hiện vô số thân, ở trong vô số cõi nước, mà ở mỗi thân lại thị hiện vô số tay để cung kính cúng dường Đức Phật nơi mười phương. Mỗi tay lại cầm vô số đồ trang sức như hương hoa, hương xoa, hương đốt, hương bột, lọng, cờ phướn, y phục.
Mỗi thân thị hiện vô số đầu, mỗi đầu có vô số lưỡi, khen ngợi công đức của Chư Phật nơi mười phương. Chỉ trong tích tắc, Bồ Tát đi khắp mười phương, thị hiện thành Phật, nhập Niết Bàn… ủng hộ việc trang nghiêm cõi nước. Trong ba đời, thị hiện vô số thân, hoặc từ thân mình thị hiện vô số thân Phật, vô số Cõi Phật, vô số sự thành hoại của cõi nước.
Từ mỗi chân lông phát ra phong luân nhưng không làm hại chúng sinh, rồi ở trong vô số cõi nước, thị hiện một biển lớn. Trong biển hiện hoa sen lớn, ánh sáng chiếu khắp vô số cõi nước. Trong hoa sen lại có cây Bồ Đề đẹp, đủ mọi việc trang nghiêm, cho đến mọi việc hiện ra đều hợp với tánh nhất thiết trí.
Hoặc từ trong thân phóng ra vô số ánh sáng, nào là ánh sáng của ngọc ma ni, nào là ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, sao, chớp điện, soi khắp cõi nước mười phương. Hoặc dùng miệng thổi hơi, chấn động vô số cõi nước, nhưng không làm cho chúng sinh kinh sợ.
Hoặc lại thị hiện những tai nạn như từ nơi nước, gió, lửa. Hoặc tùy ước muốn thị hiện thân hình chúng sinh đều tốt đẹp. Hoặc từ thân mình thị hiện thân Phật, từ thân Phật thị hiện thân mình. Hoặc từ thân Phật hiện ra cõi nước, từ cõi nước hiện ra thân Phật.
Phật Tử! Bồ Tát an trụ nơi địa Pháp vân, có thể thị hiện vô số những Thần Thông biến hóa như vậy.
Lúc ấy, trong hội chúng, các Bồ Tát, Tám chúng Trời, Rồng, Dược Xoa, Kiện Đạt Phược, A Tố Lạc, Yết Lộ Trà, Khẩn Nại Lạc Mâu Hô Lạc Già, các vị Đế Thích, Phạm Thiên, Hộ thế Thiên Vương, Ma Hê Thủ La, Chư Thiên Cõi Tịnh Cư, đều nghĩ: Bồ Tát mà đã có cảnh giới thần thông, diệu lực trí tuệ như vậy thì các Đức Phật ra sao?
Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt, biết tâm niệm của đại chúng, nên thưa với Bồ Tát Kim Cang Tạng: Phật Tử! Đại chúng hôm nay nghe nói về thần thông, sức trí tuệ của Bồ Tát địa Pháp vân, đều nghi ngờ. Xin Hiền Giả dứt trừ nghi, thị hiện một việc nhỏ về thần thông biến hóa của Bồ Tát.
Bấy giờ, Bồ Tát Kim Cang Tạng liền nhập tam muội thị hiện nhất thiết Phật sát thể tánh Bồ Tát. Nhập xong, tất cả chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa… cho đến Chư Thiên Cõi Tịnh Cư đều thấy thân mình ở trong thân Bồ Tát Kim Cang Tạng, thấy Cõi Phật có đầy đủ hành tướng trang nghiêm tốt đẹp, cho dù họ trải qua vô số kiếp, cũng không thể nói hết được.
Lại thấy cây Bồ Đề to bằng trăm vạn cõi nước, cành lá cao rộng khôn lường, che rợp khắp nơi nơi. Hợp với cây có tòa Sư tử, ở trên thấy có Phật hiệu là nhất thiết Thần Thông Tuệ Vương Như Lai an tọa nơi cội cây là Bồ Đề Đạo Tràng, ở đây thấy đầy đủ mọi việc trang nghiêm, cho dù trải qua vô số kiếp, cũng không thể nói hết được.
Thị hiện xong, Bồ Tát Kim Cang Tạng thâu thần, đưa đại chúng và hàng Trời, Rồng… trở về như cũ. Tất cả đều ngạc nhiên cho là kỳ lạ chưa từng có, nên im lặng chiêm ngưỡng Bồ Tát Kim Cang Tạng.
Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt thưa với Bồ Tát Kim Cang Tạng: Phật Tử! Thật là kỳ lạ và ít có, định này thật đầy đủ oai lực trang nghiêm như vậy.
Phật Tử! Vậy tên của định này là gì?
Bồ Tát Kim Cang Tạng đáp: Định này là tên Thị hiện thể tánh của tất cả Cõi Phật.
Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt hỏi: Cảnh giới hoạt động của định này như thế nào?
Bồ Tát Kim Cang Tạng đáp: Phật Tử! Bồ Tát tu tập định này có thể thị hiện mọi việc như vừa thấy ở trên, có vô số Cõi Phật trong thân mình.
Phật Tử! Bồ Tát trụ nơi địa Pháp vân này, đạt trăm ngàn tam muội. Vì thế tất cả các Bồ Tát, từ địa thứ nhất đến địa Thiện tuệ không thể suy xét biết được thân, hành động của thân. Lời nói hành động của lời nói. Ý, hành động của ý.
Bồ Tát đạt đầy đủ thần thông tự tại, quán sát ba đời, tùy cảnh giới trí tuệ mà an trụ nơi tam muội, vui vẻ qua lại nơi tất cả pháp môn giải thoát, không ai có thể lường biết được việc làm của Bồ Tát này, cho là việc cất chân lên, đặt chân xuống.
Phật Tử! địa Pháp vân của Bồ Tát không lường như vậy, nên chỉ có thể nói sơ lược, nếu nói rộng thì dù trải qua vô số kiếp cũng không thể nói hết được.
Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt hỏi: Cảnh giới chánh hạnh, sức gia trì của Bồ Tát là vô lượng như vậy, thì cảnh giới nơi đối tượng hành hóa chứng nhập của Phật ra sao?
Bồ Tát Kim Cang Tạng đáp: Phật Tử!
Ví như có người, lấy một viên sỏi vụn hoặc hai, ba viên lớn bằng hạt táo mà nói: Đất trong vô số cõi nước kia là nhiều hay số sỏi đất ở đây là nhiều?
Tôi xét câu hỏi của nhân giả cũng vậy. Trí tuệ của Phật là không lường, tánh pháp thì không thể so sánh được, sao nhân giả lại so sánh trí tuệ của Bồ Tát với trí tuệ của Phật.
Phật Tử! Sỏi đá lấy trong bốn cõi kia thật là ít ỏi. Số còn lại mới là không thể lường.
Phật Tử! Trí của Bồ Tát địa Pháp vân cũng thế. Giả sử chúng ta diễn nói trải qua vô số kiếp, cũng chỉ có thể nói được một phần nhỏ về Bồ Tát này, huống gì là địa Như Lai.
Phật Tử! Nay tôi sẽ nói để ông rõ, Đức Phật đang ở đây sẽ chứng minh cho tôi.
Phật Tử! Giả sử trong mười phương, mỗi phương đều có vô số Cõi Phật, trong mỗi cõi, có vô số người đạt địa Pháp vân. Với trí tuệ hạnh nghiệp của họ thì dù trải qua vô số kiếp để nói, cũng không thể sánh được một phần trong trăm ngàn vô số phần của trí tuệ hạnh nghiệp của Phật. Cho dù tính đếm, ví dụ thế nào cũng không thể được.
Phật Tử! Bồ Tát tùy thuận trí hạnh như vậy, không khác với hạnh nghiệp của Phật, không bỏ sức tam muội của Bồ Tát, lại được gặp Phật, cúng dường phụng sự mỗi kiếp, đều dùng các vật trang sức quý lạ để cúng dường Chư Phật, được Chư Phật hộ trì nên ngày càng tiến triển. Giải thích rõ ràng những câu hỏi về pháp giới, trải qua vô số trăm ngàn kiếp cũng không ai khuất phục được.
Phật Tử! Ví như thợ vàng, luyện vàng làm đồ trang sức, xen lẫn ngọc ma ni, trang sức ở đầu, cổ của Vua Trời Tự tại, thì các đồ trang sức của Cõi Trời, Người không sao sánh được.
Phật Tử! Cũng thế, trí hạnh của Bồ Tát trụ nơi địa Pháp vân không ai bằng được. Trí hạnh có được của tất cả Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát từ địa thứ nhất đến địa thứ chín, cũng không sao sánh được. Ánh sáng trí tuệ của Bồ Tát có thể giúp cho chúng sinh nhập trí nhất thiết trí mà những trí sáng khác không sao sánh bằng.
Phật Tử! Ví như ánh sáng của Vua Trời Đại Tự Tại, soi khắp chúng sinh ở mọi nơi, khiến cho ai nấy đều vui vẻ.
Phật Tử! Cũng thế, ánh sáng trí tuệ của Bồ Tát trụ ở địa này hơn hẳn ánh sáng của Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát từ địa thứ nhất đến địa thứ chín, và còn làm cho chúng sinh an trụ trong pháp tánh của trí nhất thiết trí.
Phật Tử! Bồ Tát đã tùy thuận trí tuệ mà hành động. Chư Phật còn nói về trí thông ba đời. Trí biết hết sự sai khác của pháp giới. Trí hiện hữu đầy khắp tất cả cõi nước. Trí soi sáng che chở tất cả cõi nước.
Trí biết khắp tất cả loài chúng sinh, về cảnh giới, về pháp. Tóm lại, Chư Phật là nói cả về trí nhất thiết trí. Trong mười Ba la mật, Bồ Tát tu nhiều về Trí Ba la mật, các Ba la mật khác thì tùy phần tùy sức mà tu tập.
Phật Tử! Đó là lược nói về địa Pháp vân thứ mười. Nếu nói rộng, dù trải qua vô số kiếp cũng không sao nói hết. Bồ Tát trụ địa này, thọ sinh thường làm Vua cõi rời Đại tự tại. Tự tại trong mọi pháp, để chỉ dạy hạnh Ba la mật cho chúng sinh, Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát. Trả lời rõ ràng về Pháp Giới sai khác mà không ai khuất phục được.
Làm mọi việc như bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự đều không rời suy nghĩ về Phật, về Pháp, về Tăng, về Bồ Tát, về hạnh Bồ Tát, về bờ giải thoát, về các trụ địa, về pháp không sợ, về Phật lực, về pháp Bất cộng của Phật, cho đến không rời suy nghĩ về hành tướng thắng diệu tương ưng với trí nhất thiết trí.
Lại nguyện: Ở trong chúng sinh, ta luôn là người đứng đầu, thù thắng vi diệu vô thượng, là người dẫn đường, là tướng soái, cho đến nguyện làm chỗ nương dựa để đạt trí nhất thiết trí. Nếu siêng tu tập trong khoảnh khắc sẽ đạt được trăm vạn A tăng kỳ da không thể nói tam muội của Bồ Tát, sẽ gặp trăm vạn A tăng kỳ da không thể nói Đức Phật, sẽ được Phật gia hộ khiến thông hiểu tất cả.
Sẽ làm chuyển động trăm vạn A tăng kỳ da không thể nói Thế Giới. Sẽ đi khắp trăm vạn A tăng kỳ da không thể nói cõi nước. Sẽ soi chiếu trăm vạn A tăng kỳ da không thể nói cảnh giới. Thành thục đầy đủ cho trăm vạn A tăng kỳ da không thể nói loại chúng sinh.
Sẽ sống trăm vạn A tăng kỳ da không thể nói kiếp. Trước sau đều vào trong trăm vạn A tăng kỳ da không thể nói kiếp. Suy xét rõ trăm vạn A tăng kỳ da không thể nói pháp. Thị hiện trăm vạn A tăng kỳ da không thể nói thân. Mỗi thân hiện trăm vạn A tăng kỳ da không thể nói Bồ Tát bạn.
Nhờ nguyện lực thù thắng, nên mọi việc đi lại, thần thông, thân tướng, ánh sáng, mắt, cảnh giới, âm thanh, hành động, trang nghiêm, sự hiểu biết, gìn giữ, tạo tác dù trải qua trăm vạn A tăng kỳ da không thể nói câu chi kiếp, cũng không thể nói hết.
Phật Tử! Bồ Tát tất phải tùy thuận đủ mười trí địa, thì nhất thiết chủng trí, trí nhất thiết trí sẽ dần dần hiện khởi.
Phật Tử! Ví như dòng nước từ ao vô nhiệt chảy ra bốn con sông, thấm ướt cả Châu Thiệm Bộ nhưng không bao giờ cạn mà lại thêm nhiều, cho đến chảy đầy ra biển cả.
Phật Tử! Cũng thế, từ tâm bồ đề sẽ phát khởi căn lành. Từ nguyện lớn thể hiện bằng bốn nhiếp pháp. Tạo đầy đủ lợi ích cho tất cả chúng sinh, nhưng không bao giờ hết mà còn tăng thêm, cho đến khi làm cho chúng sinh hội nhập vào biển nhất thiết trí.
Phật Tử! Đó là nhờ vào trí Phật hiện mười địa Bồ Tát.
Phật Tử! Ví như nhờ vào mặt đất mà có mười ngọn núi lớn hiện ra.
Mười ngọn núi ấy là gì?
Đó là:
1. Núi Tuyết.
2. Núi Hương Túy.
3. Núi Liệt Cùng.
4. Núi Thần Tiên.
5. Núi Trì Song.
6. Núi Mã Nhĩ.
7. Núi Trì Ngư.
8. Núi Luân Vi.
9. Núi Tràng Tướng.
10. Núi Diệu Cao.
Phật Tử! Ví như núi Tuyết, có nhiều cỏ thuốc, hái không bao giờ hết. Cũng thế, Bồ Tát trụ nơi địa cực hỷ là nơi nương tựa cho thơ luận, văn tụng, chú thuật phát triển, mà trong thế gian những điều này không bao giờ nói hết.
Phật Tử! Ví như núi Hương túy, có đủ loại hương phát sinh không bao giờ hết. Cũng thế, Bồ Tát trụ nơi địa Ly Cấu, là nơi nương tựa cho hương tịnh giới luật nghi mà điều này thì Bồ Tát hành không bao giờ hết.
Phật Tử! Ví như núi Liệt cùng, toàn bằng vật báu không bao giờ dùng hết. Cũng thế, Bồ Tát trụ nơi địa phát quang là nơi nương tựa cho thiền định, thần thông, giải thoát, tam muội, mà những việc này trong thế gian hỏi đáp không bao giờ hết.
Phật Tử! Ví như núi thần tiên, toàn bằng vật báu, là chỗ ở của các vị tiên đạt năm thần thông, không bao giờ vắng. Cũng thế, Bồ Tát trụ nơi địa diệm tuệ là nơi nương tựa cho trí tuệ thù thắng, chánh đạo hay tà đạo, mà những việc này hỏi đáp bao giờ cho hết.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi Hai - Bồ Tát Diệu Hống
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bốn - Phẩm Ngạ Quỷ - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Bi - Phẩm Mười Hai - Phẩm Các Thí Dụ Phụ Thuộc Chánh Pháp
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Chín Mươi Bốn - Kinh Lỗ Hổng Ma Ni
Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Một - Trụ Duyệt Dự Sơ Phát ý - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Thiên đế - Phần Một