Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bí Mật Chẳng Nghĩ Bàn Của Như Lai - Phẩm Sáu - Phẩm Bồ đề đạo

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT

CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM SÁU

PHẨM BỒ ĐỀ ĐẠO  

Phật bảo Bồ Tát Tịch Tuệ: Nếu các Đại Bồ Tát muốn chứng quả vị giác ngộ cao tột, thì nên học theo việc làm của Bồ Tát, không phải chỉ dùng lời nói để được đạo tối thắng mà cần phải tu hành chân thật mới được chánh đạo bồ đề.

Sao gọi là bồ đề đạo?

Là không gây tổn hại đối với tất cả chúng sinh, mà khởi tâm từ siêng tu Ba la mật đa, dùng bốn nhiếp pháp rộng nhiếp tất cả. Tu bốn phạm hạnh, siêng hành trì ba mươi bảy phẩm trợ đạo, viên mãn sự nghiệp sáu thần thông, dùng thiện phương tiện nhiếp hóa chúng sinh, trưởng dưỡng tất cả pháp hạnh căn lành. Đây gọi là đại bồ đề đạo.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Bồ đề đạo nghĩa là ý tin vui, thâm tâm tôn trọng. Do tâm bình đẳng thanh tịnh ngay thẳng, không nịnh hót, do thực hành pháp bình đẳng, không tạo các tội nên không có sợ hãi. Pháp tăng trưởng bồ đề đạo là bố thí Ba la mật đa. Bồ đề đạo hướng đến an lạc đạo là trì giới Ba la mật đa.

Bồ đề đạo không có tổn hại là nhẫn nhục Ba la mật đa. Bồ đề đạo kiến lập các pháp là tinh tấn Ba la mật đa. Bồ đề đạo không có tạp loạn là thiền định Ba la mật đa. Bồ đề đạo khéo hiểu biết là bát nhã Ba la mật đa. Bồ đề đạo thông đạt phát sinh trí vô ngại là đại từ. Bồ đề đạo không thoái chuyển là đại bi.

Bồ đề đạo được hoan hỷ là đại hỷ. Bồ đề đạo hòa nhập chân như là đại xả. Bồ đề đạo khử trừ gai gốc là hay lìa nhiễm pháp tham, sân, hại, nghi v.v… Bồ đề đạo thuận pháp an lạc là tâm không chướng ngại. Bồ đề đạo lìa hiểm ác là không đắm trước sắc, thanh, hương, vị, xúc. Bồ đề đạo lìa các pháp tà ngoại là khéo quán uẩn, xứ, giới. Bồ đề đạo hàng phục các ma là hay trừ khử tất cả phiền não.

Bồ đề đạo pháp rộng lớn là lìa xa ý tưởng Thanh Văn, Duyên Giác. Bồ đề đạo thuận với chánh pháp, là khả năng tùy thuận các trước với Đức Phật Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, Bồ đề đạo rộng lớn có thể chứa nhóm đại pháp bảo là hay tùy thuận tất cả trí bảo. Bồ đề đạo thường khai sáng là có thể hiển phát trí quang vô ngại. Bồ đề đạo hay khéo nói là được thiện tri thức nhiếp thọ.

Bồ đề đạo lìa ý tưởng cao thấp là không trái thuận. Bồ đề đạo lìa tối tăm thế gian là không sân giận biếng nhác. Bồ đề đạo hướng đến đường thiện là lìa xa mọi pháp bất thiện. Bồ đề đạo trụ nơi an lạc là hướng đến chứng pháp Niết Bàn rốt ráo.

Tịch Tuệ nên biết! Các pháp trên đều là những pháp hành trì Đại bồ đề đạo của Bồ Tát. Nếu không phải hướng, không phải đạo, thì đó là Thanh Văn, Duyên Giác. Từ đó kiến lập chân thật Đại Bồ Tát thành tựu Chánh Đẳng, Chánh Giác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần