Phật Thuyết Kinh Thuần đà Chân đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH

THUẦN CHÂN ĐÀ LA SỞ VẤN

NHƯ LAI TAM MUỘI

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán  

PHẦN BẢY  

Khi Đức Phật giảng nói về bát nhã Ba la mật, Thuần Chân Đà La cùng quyến thuộc, Chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Kiền Đà La, chín vạn ba ngàn người đều phát tâm cầu đạt đạo quả vô thượng bồ đề. Theo Phật đến, có tám ngàn Bồ Tát đều chứng đắc pháp nhẫn vô sinh.

Vua Thuần Chân Đà La chứng đắc tam muội Minh tuệ. Nghe Phật nói, ông ta rất đỗi vui mừng, đem lụa trời dâng cúng Đức Phật. Lụa ấy rất quý, trên thế gian không thể sánh bằng.

Khi ấy, tám ngàn người trong cung Thuần Chân Đà La đem một ngàn lọng hoa dâng cúng dường Phật. Bằng oai thần, Đức Phật làm cho những lọng hoa lơ lửng giữa hư không và hợp lại thành một cái lọng hoa dài rộng bốn ngàn dặm che phía trên Ngài.

Các phu nhân và con của Thuần Chân Đà La thấy oai thần biến hóa ấy liền phát tâm Vô Thượng Bồ Đề và tất cả thưa Phật: Cúi xin Như Lai chỉ dạy để chúng con được thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề.

Khi nói như vậy, Đức Phật rời khỏi cách đất bốn ngàn hai trăm trượng rồi ngồi trên hư không. Từ nơi thân của Ngài phóng ánh sáng chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới. Tất cả nhạc cụ của quyến thuộc Thuần Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, các vị Trời ở Cõi Dục, Cõi Sắc không đánh mà tự kêu.

Ở núi Hương, các cây hoa lá đều phát ra tiếng đàn. Âm thanh ấy rất hay. Mỗi sợi lông trên toàn thân Phật đều phóng ánh sáng, mỗi vầng ánh sáng có mỗi hoa sen và có hóa Bồ Tát ngồi với đầy đủ ba mươi hai tướng tốt. Nhờ oai thần của Phật, âm thanh của các kỹ nhạc nói ra bằng những Kinh khó. Theo sự nghi ngờ của chúng, các Bồ Tát ngồi trên hoa sen dựa theo những câu hỏi về Kinh khó của ho mà giải nghi.

Các âm thanh phát ra tiếng nói: Phải phát tâm hạnh Bồ Tát như thế nào để không quên việc tự đi đến ngồi nơi gốc cây của Phật?

Bồ Tát trả lời: Tâm vui vẻ với tất cả chúng sinh thì có lòng đại từ vô cực. Do đó mà không quên.

Âm thanh hỏi: Ý ấy thế nào?

Do đâu mà có lòng đại từ vô cực?

Bồ Tát trả lời: Ý ấy do không dua nịnh, ví như tuệ. Nếu có đại bi vô cực thì đạt đến Nê Hoàn.

Âm thanh hỏi: Đối với bố thí thì cho như thế nào?

Do đâu việc làm không hối hận?

Vì sao không cầu sinh vào đâu cả?

Làm sao thực hành nguyện của Bồ Tát?

Bồ Tát trả lời: Không tham tiếc tất cả tài vật. Đã cho rồi, không có tâm hối hận. Luôn nghĩ đến đạo Bồ Tát, không mong cầu chỗ sinh.

Âm thanh hỏi: Giữ giới thanh tịnh, đối với giới làm thế nào để không tự cao?

Làm thế nào để chỉ dạy người phá giới?

Do đâu đạt được đại thừa?

Bồ Tát trả lời: Có tâm thiện thì có giới thanh tịnh. Vì biết tất cả pháp đều không, nên không tự cao. Vì có lòng đại từ vô cực nên có thể chỉ dạy dẫn dắt người phạm giới.

Âm thanh hỏi: Nếu bị người mắng chửi, đánh đập, muốn giết thì phải nhẫn nhục thế nào?

Làm thế nào để tâm không sân giận, được vui vẻ?

Bồ Tát trả lời: Nên nghĩ rằng: Khi ta thành Phật là làm Y vương cho chúng sinh, ai bị bệnh ta se trị hết bệnh. Nhờ đó mà có thể nhẫn nhục, dù bị người mắng chửi, đánh đập, muốn giết thì tâm không tức giận, lại vui vẻ.

Âm thanh hỏi: Tinh tấn thế nào để đạt đến cứu cánh?

Làm sao để không biếng nhác mà thành tựu hạnh Bồ Tát?

Bồ Tát trả lời: Người tinh tấn theo pháp, vì muốn cứu giúp chúng sinh tinh tấn đến tận cùng. Vì hiểu rõ tất cả đều không nên không biếng nhác.

Âm thanh hỏi: Làm sao để tâm ý đầy đủ và thâm nhập đúng đắn?

Thiền định thế nào để tự biết mình không còn chỗ mong cầu?

Bồ Tát trả lời: Tâm không mê nên có đầy đủ. Tâm không dua nịnh nên thâm nhập đúng đắn. Nhờ phương tiện thiện xảo nên có thể thiền định, cho nên không có sự mong cầu.

Âm thanh hỏi: Làm sao có trí tuệ hiểu biết để thực hành đúng đắn?

Làm thế nào để đầy đủ nghiệp pháp tuệ?

Làm sao giải quyết các nghi ngờ?

Bồ Tát trả lời: Thích học hỏi để tăng trưởng trí tuệ. Vì hiểu biết mười hai nhân duyên nên thực hành đúng đắn. Thích bố thí pháp nên giải quyết các nghi ngờ, hiểu rõ căn nguyên của nó.

Âm thanh hỏi: Làm sao có nhiều trí tuệ để thấu hiểu sự nghe biết?

Làm thế nào giáo hóa mọi người để tự đạt đến chỗ chí tôn?

Bồ Tát trả lời: Biết khiêm tốn nên có nhiều trí tuệ. Nghe và làm đúng mới có thể thấu đạt. Vì bố thí pháp không mong cầu nên đạt đến chỗ chí tôn.

Âm thanh hỏi: Từ bi thế nào để đạt đến lòng yêu thương vô cực?

Làm sao đày đủ hộ bình đẳng?

Làm sao đạt được địa vị Phạm Thiên?

Bồ Tát trả lời: Tâm bình đẳng là từ. Không nhàm chán là hộ. Nhờ tâm hoan hỷ vui vẻ nên được làm Phạm Thiên.

Âm thanh hỏi: Làm thế nào để Bồ Tát thấy Phật?

Thấy Phật rồi hoan hỷ thế nào?

Làm sao nghe pháp mà không nghi ngờ?

Bồ Tát trả lời: Vì tâm luôn nghĩ về Phật nên được thấy Phật, nghe pháp. Vì tâm thanh tịnh, trong sáng nên không nghi ngờ.

Âm thanh hỏi: Làm sao chứa nhóm các công đức?

Làm sao để có nhiều trí tuệ?

Làm sao biết hướng quán?

Những việc như vậy phải cầu thế nào?

Bồ Tát trả lời: Vì không nhàm chán công đức nên tích chứa nhiều. Vì học hỏi không nhàm chán nên đạt được trí tuệ. Vì tâm không loạn, vô niệm nên được hướng quán.

Âm thanh hỏi: Tàng, xứ nó thế nào?

Hành nó ra sao?

Chỗ duyên thế nao?

Bồ Tát trả lời: Tàng là trống không, không có sở hữu. Xứ là Ba la mật. Bốn bậc thiền là hành. Nơi chốn duyên cứu độ tất cả chúng sinh.

Âm thanh hỏi: Ma sự là thế nào?

Phật sự là thế nào?

Phải làm thế nào để thành Bồ Tát?

Bồ Tát trả lời: Không can đảm, gan dạ, sợ sệt gọi là ma sự. Tùy thuận với tâm Ma Ha Diễn gọi là Phật sự. Xả bỏ tất cả điều ác nên thành Bồ Tát.

Âm thanh hỏi: Làm sao để gần gũi Ca La Mật?

Làm sao tránh xa thầy ác?

Thế nào là trụ bình đẳng?

Thế nào là xả?

Bồ Tát trả lời: Ai chỉ dạy đạo Bồ Tát thì đó là bạn hành. Người dạy bảo xa lìa tâm Bồ Tát, đó là thầy ác. Làm viec gì đều tự biết, đó là trụ bình đẳng. Lìa bỏ các tà đạo, đó là xả.

Âm thanh hỏi: Làm sao để giữ gìn các pháp?

Làm thế nào để chỉ dạy mọi người?

Dùng phương tiện thiện xảo thế nào để thành đạo Bồ Tát?

Bồ Tát trả lời: Tinh tấn nên có thể giữ gìn pháp. Vì có phương tiện thiện xảo nên có thể chỉ dạy mọi người. Tùy theo sự hữu vô của người, hoặc đạo, hoặc thế tục mà khai đạo để thành Bồ Tát đạo.

Âm thanh hỏi: Làm thế nào để hành động bằng tuệ?

Thế nào là ma sự?

Siêng năng, cố gắng thế nào để không phí mất thời gian?

Bồ Tát trả lời: Việc làm không nhầm lẫn nên có tuệ. Việc làm phi pháp, đó là ma sự. Luôn vâng theo lời chỉ dạy, đó là siêng năng cố gắng, khiêm tốn được mọi người kính mến.

Âm thanh hỏi: Đạo là gì?

Phi đạo là gì?

Làm thế nào để dạy người thể nhập vào đạo?

Bồ Tát trả lời: Sáu Ba la mật là đạo. Tánh hạn hẹp la Thanh Văn, Bích Chi Phật, cho nên chẳng phải đạo Bồ Tát. Hiểu rõ phương tiện thiện xảo để dạy người nhập đạo.

Âm thanh hỏi: Sao gọi là suy?

Sao gọi là trấn an?

Làm thế nào khổ đau được vui vẻ?

Bồ Tát trả lời: Nếu đạt được bảy giác ý thì pháp ấy gọi là lợi. Trấn an là Đà La Ni. Lấy pháp giáo hóa, không còn đói khát thì được vui vẻ.

Âm thanh hỏi: Cha mẹ của Bồ Tát là gì?

Thân thuộc là gì?

Quyến thuộc là gì?

Tốt đẹp với ai?

Bồ Tát trả lời: Tuệ là mẹ, pháp là cha. Ba mươi bảy phẩm là thân thuộc.

Công đức là quyến thuộc. Tốt đẹp với tất cả.

Âm thanh hỏi: Do đâu biết vô ngã?

Do đâu có lòng từ để nhớ nghĩ tất cả?

Vô ngã và từ làm sao biết giống nhau?

Bồ Tát trả lời: Hiểu rõ mọi việc là không nên biết vô ngã, đó là đại từ. Và biết tất cả mọi người cũng đều không.

Tất cả sinh tử là do pháp không sinh tử. Biết như vậy cũng là sinh tử. Chỉ có hiểu rõ nó không đi, không trở lại, không ở yên một chỗ. Thực hành được như vậy gọi là đến với đạo.

Không, vô tướng, vô nguyện xưa nay là một tướng. Biết như vậy là hiểu rõ năm ấm đều không, không có tướng. Vì không có tướng nên không có nguyện. Nhưng một tướng là vô số tướng.

Năm ấm là không. Vì đã hiện quán nên năm ấm cũng hiện quán. Tất cả mọi người đều không, không có cũng không không. Trí tuệ là để bảo hộ không, dùng phương tiện thiện xảo để bảo hộ chúng sinh, đem lòng từ bi vô cực để chỉ dạy mọi người. Do đó mà đạt được Nê Hoàn.

Âm thanh hỏi: Vì không có sinh nên không có sở hữu.

Vậy tất cả các pháp do đâu biết được vi diệu của sinh tử?

Bồ Tát trả lời: Vì không có chỗ sinh nên không có sở hữu, cho nên tuệ diệt. Nhờ dùng phương tiện thiện xảo vi diệu nên biết có sinh tử.

Âm thanh hỏi: Sao gọi là quyết định?

Sao gọi là trở lại?

Làm sao để được nhẫn?

Làm sao không còn nghi ngờ?

Bồ Tát trả lời: Trụ bình đẳng là quyết định. Đã nhập pháp thân thì không trở lại. Đã được pháp nhẫn vô sinh nên không còn nghi ngờ.

Âm thanh hỏi: Sao gọi là cây Phật?

Sao gọi là tướng Bồ Tát?

Vì sao Phật gọi là Phật?

Sao gọi là Tát đát a kiệt?

Bồ Tát trả lời: Cây Phật như bầu trời bao trùm tất cả. Tu tập các pháp là tướng Bồ Tát, cho nên gọi là Phật. Do trí tuệ nên tâm không mong cầu, thân cũng vậy, nên gọi là Như Lai.

Khi nghe pháp này, các con của Thuần Chân Đà La được hoan hỷ tín nhẫn.

Mọi người đều cởi các thứ châu báu đeo nơi thân dâng lên cúng dường Đức Phật rồi cùng nhau nói: Chúng ta nhờ đem tất cả tài vật cúng dường Phật nên nay được nghe pháp.

Tất cả bạch Phật: Thật kỳ lạ thay! Những âm thanh của các kỹ nhạc đã hỏi như vậy, các hóa Bồ Tát đều giải nghi các vấn nạn ấy. Trong chúng hội không ai còn nghi ngờ gì cả. Chúng con đã xóa tan vô số tăm tối, lại được sáng suốt.

Vậy ai đã làm cho các âm thanh kỹ nhạc có những vấn nạn và các hóa Bồ Tát đều giải nghi cho chúng?

Phật dạy: Đó là do Như Lai làm ra. Ta làm hư không có các âm thanh còn có thể được, huống chi kỹ nhạc, cây Phật. Cho nên việc làm của Như Lai không thể tính kể.

Các con của Thuần Chân Đà La thưa: Chúng con muốn tất cả mọi người đều giống như Như Lai.

Tám vạn bốn ngàn phu nhân của Thuần Chân Đà La đều đem châu ngọc trời dâng cúng Đức Phật. Những châu ngọc ấy được rải phía trên đỉnh đầu Đức Phật và chúng hóa thành tám vạn bốn ngàn tấm trướng xen nhau. Ở giữa có giường bằng ngọc báu và có tua rèm bằng lụa trời. Giữa các tấm trướng có Đức Phật an tọa đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp.

Thấy sự biến hóa ấy, tám vạn bốn ngàn phu nhân rất vui mừng và đều phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.

Với lòng vui mừng vô bờ bến, tất cả đồng thanh khen ngợi Như Lai: Ngài là Bậc tự mình thanh tịnh và làm thanh tịnh người khác, tự trừ khử sạch sẽ không còn cấu bẩn, không còn chấp trước, không ô nhiễm. Ánh sáng rất đẹp, mắt như hoa Ưu Bát.

Nay xin tự quay về với Bậc sáng suốt như ánh trăng rằm. Niềm vui mừng lớn không gì bằng thấy Phật. Phật đã dùng phương tiện làm cho chúng sinh đoạn trừ phiền não, nghĩa là ai nghe lời nói của Ngài cũng đều vui vẻ, ưa thích nơi thanh vắng, dùng các châu báu họp lại làm kho cất giữ Pháp Bảo.

Nay xin tự quay về với Bậc vượt qua tất cả mọi nơi, như vượt biển đến bờ bên kia, đánh bại ngoại đạo, thu phục các tà kiến, trong sạch hơn hoa sen, lấy không để giáo hóa, lấy sự thật để hướng dẫn.

Nay xin tự quay về với Bậc hoan hỷ, vượt qua bốn hang sâu, lấy Tứ Đế để chỉ dạy mọi người, làm con mắt dẫn đường đi trong thế gian, dưới bàn chân có bánh xe ngàn căm tốt đẹp.

Nay tự quay về với Bậc có âm thanh vui vẻ, thân cao hơn người, giảng nói chánh pháp cho chúng sinh. Phật không ai sánh bằng.

Nay tự quay về với Bậc đầy đủ mười Lực, đoạn trừ tham dục. Được không vui, mất không buồn. Làm người khai sáng cho kẻ mù ở thế gian. Ví như ngọn đuốc sáng trong chỗ tối tăm, đã kiềm chế tâm, đạt được mười lực, bố thí, tự mình an vui, thân thanh tịnh và giải thoát.

Nay tự quay về với Bậc không ai sánh bằng. Thân tướng Ngài rất thù thắng, trong tất cả loài người không ai bằng. Vì chúng sinh, Ngài thị hiện làm cho tất cả đều đạt được bản thể của mình, lấy nhẫn và từ để tự vui.

Nay tự quay về với Bậc được tôn quý, cung kính, như người lái thuyền vượt qua tất cả mọi nơi. Phật là Đấng Chí Tôn, thiêu đốt ba độc, phá tan những tăm tối. Tất cả kẻ ngu si đều nhờ ân đức của Ngài, ai nấy đều đến cúng dường.

Nay tự quay về với Bậc tịch tĩnh đã diệt tận các ác. Ánh sáng của Ngài xa bảy thước, màu vàng ròng. Âm thanh rất to nhưng trong trẻo, làm người đứng đầu trong loài người nên gọi là tôn quý.

Nay tự quay về với Bậc làm nền tảng cho chúng sinh. Ngài đã phá trừ những tánh cao ngạo và các ngu si, cứu độ chúng sinh, tự giữ mình đúng với đạo, làm người dẫn đường cho chúng sinh. Lời nói chắc chắn hoàn toàn chân thật.

Nay tự quay về với Bậc làm ánh sáng chiếu khắp nơi tăm tối. Chúng sinh phụng sự Ngài rất thành kính, tiếng tăm vang khắp, tất cả đều nghe pháp. Lời nói của Ngài đúng như pháp, người nghe đều hiểu rõ.

Nay tự quay về với Bậc hoan hỷ, đã an trụ vào cảnh giới của mình, chiến thắng tâm tự cao, sử dụng mà không vướng mắc, nên biết rất chí tôn.

Nay tự quay về với Bậc thoát khỏi những ham muốn của con người. Âm thanh của Ngài rất hay, nghe như tiếng Phạm Thiên, biết rõ tội phước, diệt trừ tâm cấu bẩn cho chúng sinh, hiểu biết năm uẩn, làm việc rất cẩn thận, chú trọng, không ai sánh bằng.

Nay tự quay về với Bậc dứt sạch các cấu bẩn. Tâm Ngài bình đẳng, luôn ủng hộ chúng sinh, làm chủ tâm mình. Sự hiểu biết của Ngài thông hiểu tất cả mọi vấn đề, an trụ vào đạo, việc làm chân chánh, chỉ dạy rất vững chắc, ai nấy được giải thoát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần