Phật Thuyết Kinh Thương Chủ Thiên Tử Sở Vấn - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT KINH
THƯƠNG CHỦ THIÊN TỬ SỞ VẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẦN HAI
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát có thể đạt được sự tịch tĩnh?
Đáp: Này Thiên Tử! Nếu ở trong phiền não mà không bị các thứ phiền não xấu ác thiêu đốt, vì các chúng sinh diệt trừ các phiền não, diễn nói giáo pháp, Bồ Tát như thế gọi là đạt được tịch tĩnh.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát có thể đạt được tâm tin tưởng?
Đáp: Này Thiên Tử! Nếu vào lúc thân Phật bị hại mà không thể hủy hoại được, Bồ Tát như thế là đạt được tâm tin tưởng.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát tạo các phương tiện thiện xảo?
Đáp: Này Thiên Tử! Nếu thấy tâm bồ đề cũng như thấy các chúng sinh, Bồ Tát như vậy gọi là tạo các phương tiện thiện xảo.
Khi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi giảng nói pháp này thì trong đại chúng có một vạn hai ngàn chúng sinh phát tâm bồ đề, năm trăm Bồ Tát đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Này Văn Thù Sư Lợi! Lành thay, lành thay! Vì các Bồ Tát mà khéo giảng nói pháp này. Đúng vậy, đúng vậy, ông có thể vì các bậc trượng phu thiện thắng kia mà thuyết giảng các công đức lớn như thế, ngoài ra còn có vô lượng vô số các công đức khác.
Bấy giờ, Thiên Tử Thương Chủ hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Từ xa xưa Bồ Tát đã từng cúng dường bao nhiêu Đức Phật mà đạt được biện tài như vậy?
Đáp: Này Thiên Tử! Ví như tâm suy nghĩ của người biến hóa dứt trừ mọi hình tướng.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Biến hóa thì không có tâm suy nghĩ, huống nữa lại chẳng phải là biến hóa?
Đáp: Này Thiên Tử! Thể tướng của các Đức Phật Như Lai là như vậy. Thể tướng ấy như thế thì sự cúng dường của tôi cũng như thế.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát đã thực hành bố thí Ba la mật trong bao lâu?
Đáp: Này Thiên Tử! Cũng như chỗ biến hóa của Đức Như Lai.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Tôi vừa hỏi Bồ Tát đã thực hành bố thí Ba la mật được bao lâu, vì sao hôm nay Bồ Tát lại đáp như vậy?
Đáp: Này Thiên Tử! Điều đó không thể giải đáp, nên tôi trả lời như thế.
Văn Thù Sư Lợi nói: Tướng của sự biến hóa là như vậy thì làm sao có thể giải đáp là tôi đã thực hành bố thí Ba la mật trong bao lâu.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Như vậy thì tôi sẽ nghĩ là Ngài tham tiếc sao?
Đáp: Này Thiên Tử! Tôi thật sự là tham tiếc.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Do nhân duyên gì mà Ngài nói như thế?
Đáp: Này Thiên Tử! Nếu tâm không xả bỏ, đó gọi là tham tiếc.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Vì sao không xả bỏ được gọi là tham tiếc?
Đáp: Này Thiên Tử! Tôi thường không xả bỏ Phật, Pháp, Tăng, cũng không xả bỏ tất cả chúng sinh. Do nghĩa này nến gọi tôi là tham tiếc.
Như tôi suy nghĩ kỹ theo chỗ nói của Ngài thì hiện tại đấy cũng là phá giới?
Đáp: Này Thiên Tử! Tôi cũng là phá giới.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Do nhân duyên gì mà nói như thế?
Đáp: Này Thiên Tử! Nếu người phá giới thì lẽ nào không bị đọa vào ba đường ác sao?
Đáp: Đúng như lời Phật dạy.
Văn Thù Sư Lợi nói: Này Thiên Tử! Tôi luôn suy nghĩ nên đi vào ba đường ác để tạo sự thành tựu đầy đủ cho chúng sinh. Do nghĩa ây nên gọi tôi là phá giới.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát đâu phải là không có tâm sân giận?
Đáp: Đúng vậy, Thiên Tử.
Do nhân duyên gì mà nói như thế?
Đáp: Lẽ nào không do tâm sân giận mà dứt mọi ái niệm sao?
Đáp: Đúng vậy!
Văn Thù Sư Lợi nói: Này Thiên Tử! Vì thế tôi đối với các thứ phiền não, cũng như đối với hàng nhị thừa không có ái niệm. Do ý nghĩa này nên tôi có giận dữ.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nay Bồ Tát thật sự có tâm biếng nhác chăng?
Đáp: Đúng vậy!
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Vì nhân duyên gì mà nói như thế?
Đáp: Này Thiên Tử! Phàm là người biếng nhác thì không dùng thân, miệng, ý để phát khởi, tu tập các hành. Nay tôi như thế là cũng không phế bỏ các hành, cũng không ham thích các hành, không bỏ, không chấp lấy. Do ý nghĩa này nên gọi tôi là biếng nhác.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thật sự có tâm tán loạn chăng?
Đáp: Đúng thế!
Vì nhân duyên gì mà nói như vậy?
Đáp: Này Thiên Tử! Phàm là người biếng trễ thì không có nơi chốn an trụ, điều đó cũng có thể gọi là tâm tán loạn.
Này Thiên Tử! Tôi ở trong Cõi Thánh tâm đã được giải thoát, thành tựu đầy đủ cho tất cả chúng sinh, nên không có nơi chốn an trụ. Vì ý nghĩa ấy nên gọi tôi là tán loạn.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Theo như hiện tại thì Bồ Tát là không có trí sao?
Đáp: Đúng vậy, Thiên Tử.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Do ý nghĩa gì mà Bồ Tát nói như thế?
Đáp: Này Thiên Tử! Ông lẽ nào chẳng do không có trí tuệ, nên không sợ sinh tử, không sợ phiền não, cùng với chúng sinh mê lầm, tạo sự vui sướng sao?
Đáp: Đúng vậy, thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi!
Văn Thù Sư Lợi lại nói: Tôi ở trong sinh tử với các thứ phiền não mà không hề sợ hãi, cùng với chúng sinh mê lầm an trụ một chốn, cùng với họ vui thích, vì đạt được mọi thành tựu đầy đủ cho nên gọi tôi là không có trí tuệ.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Hiện tại Bồ Tát là chẳng phải ruộng phước của thế gian sao?
Đáp: Đúng là ruộng phước giết hại.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Do nghĩa gì mà nhân giả nói như vậy?
Đáp: Này Thiên Tử! Phàm nên giết hại đó là tham dục, giận dữ, ngu si. Nếu có thể giết hại những thứ ấy thì đó chính là ruộng phước lớn.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Chúng sinh ở thế gian, nêu nghe những lời giảng nói của Ngài sẽ sinh nhiều sợ hãi sao?
Đáp: Này Thiên Tử! Nếu sợ hãi thật tế, tức là cũng sinh ra sợ hãi thế gian.
Vì sao?
Vì tất cả thế gian không lìa thật tê mà trụ nơi thật tế.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nếu có người chê bai chỗ giảng nói của Bồ Tát thì họ sẽ hướng đến đâu?
Đáp:Này Thiên Tử! Sẽ hướng đến Niết Bàn.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Do nhân duyên gì mà nhân giả nói như thế?
Đáp: Này Thiên Tử! Tất cả các pháp đều không thực có, nên lời nói hủy báng cũng không thực có, mà có thể đạt đến nẻo giải thoát của Bậc Thánh.
Vì sao?
Vì trong Thánh Đạo không có danh tự, câu chương, ngôn ngữ để có thể nêu bày, chỉ dẫn. Nếu người không tin thì không thể đạt được giải thoát.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Do nhân duyên gì mà Bồ Tát nói như thế?
Đáp: Này Thiên Tử! Chẳng thể đã đạt được giải thoát lại được giải thoát lần nữa.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Người phỉ báng chánh pháp lẽ nào không bị đọa vào địa ngục sao?
Đáp: Này Thiên Tử! Phàm là giải thoát thì tất cả đều không còn phiền não.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát đã giảng nói giáo pháp đều không có sự hỗ trợ chăng?
Đáp: Này Thiên Tử! Đối với pháp không, vô tướng, vô nguyện thì đều không thể hỗ trợ.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Phàm là hành không thì phải hành ở chỗ nào?
Đáp: Này Thiên Tử! Hành không tức là hành từ bi đối với tất cả chúng sinh.
Vì sao?
Vì hành không thì không xa lìa hết thảy các chúng sinh.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát đạt đến biên giới tận cùng của các chúng sinh?
Đáp: Này Thiên Tử! Nếu thấy rõ các pháp từ do nhân duyên sinh, cũng không rơi vào trong hai nẻo chấp thường, đoạn. Do vì nghĩa này, Bồ Tát được gọi là đạt đến biên giới tận cùng của chúng sinh.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Cảnh giới nào là cảnh giới của chúng sinh?
Đáp: Này Thiên Tử! Pháp giới là cảnh giới của chúng sinh.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Pháp giới là cảnh giới như thế nào?
Đáp: Này Thiên Tử! Cảnh giới của tánh hư không là pháp giới.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Cảnh giới của hư không ấy là cảnh giới gì?
Đáp: Này Thiên Tử! Vượt hơn tất cả các cảnh giới, đó là cảnh giới hư không.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Cảnh giới của Chư Phật là cảnh giới như thế nào?
Đáp: Này Thiên Tử! Cảnh giới của mắt là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy không phải là cảnh giới của nhãn thức.
Cảnh giới của tai là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy cũng chẳng phải là cảnh giới của nhĩ thức.
Cảnh giới của mũi là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy cũng không phải là cảnh giới của tỷ thức.
Cảnh giới của lưỡi là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy cũng không phải là cảnh giới của thiệt thức.
Cảnh giới của thân là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy không phải là cảnh giới thân thức.
Cảnh giới của ý là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy cũng không phải là cảnh giới của ý thức.
Cảnh giới của sắc là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy cũng không phải là cảnh giới của sắc.
Cảnh giới của thọ là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy cũng không phải là cảnh giới của thọ.
Cảnh giới của tưởng là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy cũng không phải là cảnh giới của quán.
Cảnh giới của các hành là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy cũng không phải là cảnh giới của tạo tác.
Cảnh giới của các thức là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy cũng không phải là cảnh giới của nhận thức.
Cảnh giới của vô minh là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy cũng không phải là cảnh giới của nhân duyên… cho đến cảnh giới của lão tử là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy cũng không phải là những cảnh giới ấy.
Cảnh giới của dục hành là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy không phải là cảnh giới của dục hành.
Cảnh giới của cõi sắc là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy cũng chẳng phải là cảnh giới của sắc hành.
Cảnh giới của Cõi Vô Sắc là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy cũng không phải là cảnh giới của kiến giới.
Cảnh giới của pháp hữu vi là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy cũng chẳng phải là hai cảnh giới.
Cảnh giới của pháp vô vi là cảnh giới của Phật, nhưng cảnh giới của Phật ấy cũng không xa lìa cảnh giới của ba tướng.
Này Thiên Tử! Đây là cảnh giới của Chư Phật, cảnh giới hiện có, cảnh giới hội nhập vào tất cả, cảnh giới vô biên là cảnh giới của Phật.
Này Thiên Tử! Đại Bồ Tát vào cảnh giới này rồi thì hành hóa tạo được sự lợi ích. Trong cảnh giới của tất cả chúng sinh cũng lại chẳng sinh. Trong cảnh giới của ma thì Bồ Tát phải nên nhận biết rõ. Cảnh giới của ma và cảnh giới của Phật là bình đẳng, không hai, không có phân chia cảnh giới khác.
Này Thiên Tử! Đây chính là thần thông nơi đại trí của Bồ Tát. Nếu có thể vượt hơn cảnh giới bình đẳng thì đem cảnh giới bình đẳng ấy để tạo mọi thành tựu cho chúng sinh.
Này Thiên Tử! Trong ấy những gì là bình đẳng, những gì là không bình đẳng.
Tất cả pháp là vắng lặng bình đẳng, nên gọi là bình đẳng. Bồ Tát nếu hội nhập vào pháp vắng lặng, bình đẳng thì trụ nơi pháp không bình đẳng. Nếu Bồ Tát đã thành tựu đầy đủ các pháp bình đẳng ấy thì ở trong pháp không cũng chẳng dời chuyển.
Tất cả các pháp là vô tướng nên gọi là bình đẳng. Nếu Bồ Tát không hội nhập vào pháp vô tướng, bình đẳng thì trụ vào chỗ không bình đẳng. Nếu Bồ Tát thành tựu các pháp bình đẳng ấy rồi thì ở trong pháp vô tướng không dời chuyển.
Tất cả các pháp là vô nguyện nên gọi là bình đẳng. Nếu Bồ Tát không hội nhập vào pháp vô nguyện, bình đẳng thì trụ vào chỗ không bình đẳng. Bồ Tát thành tựu đầy đủ các pháp bình đẳng ấy rồi thì ở trong pháp vô nguyện cũng không dời chuyển.
Tất cả các pháp là vô tác nên bình đẳng, nếu Bồ Tát không hội nhập vào pháp vô tác, bình đẳng thì trụ vào chỗ không bình đẳng. Bồ Tát thành tựu đầy đủ các pháp bình đẳng ấy rồi thì ở trong pháp vô tác cũng không chuyển đổi.
Tất cả các pháp là chẳng sinh, chẳng phát sinh bình đẳng, nên gọi là bình đẳng. Xa lìa dục, riêng hành bình đẳng nên gọi là bình đẳng, không có vật nào có thể diệt.
Niết Bàn là bình đẳng nên gọi là bình đẳng. Nếu Bồ Tát không hội nhập vào nẻo bình đẳng ấy thì còn trụ nơi pháp không bình đẳng. Bồ Tát thành tựu đầy đủ các pháp bình đẳng ấy thì ở trong pháp Niết Bàn cũng không dời chuyển.
Này Thiên Tử! Hành bình đẳng, không bình đẳng như vậy mà Bồ Tát hội nhập vào đó, gọi là thực hành hạnh Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chuyển Luân - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Diệu Cát Tường Bình đẳng Tối Thượng Quán Môn đại Giáo Vương - Phần Mười
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Sakuludayi - Phần Sáu - Con đường Hành Trình Tứ Niệm Xứ
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Giới Gì
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Giận Dữ - Tập Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Tám Mươi Năm - Phẩm Tánh Không