Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Ba - Phẩm Một - Phẩm Sankappa - Chuyện Người Hầu Cận Gàmani Canda Tiền Thân Gàmani Canda

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG BA  

PHẨM MỘT

PHẨM SANKAPPA  

CHUYỆN NGƯỜI HẦU CẬN

GÀMANI CANDA

TIỀN THÂN GÀMANI CANDA  

Nó không giỏi làm nhà. Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư kể về sự tán thán trí tuệ.

Tại Chánh Pháp đường, các Tỳ Kheo ngồi họp và tán thán trí tuệ Đức Thế Tôn: Như Lai là Bậc đại tuệ, quảng tuệ, thiệp tuệ, mẫn tuệ, duệ tuệ, đạt tuệ. Ngài vượt thế giới Chư Thiên và thế giới này về trí tuệ.

Bậc Ðạo Sư đến và nói: Này các Tỳ Kheo, nay các ông ngồi họp tại đây và bàn đến vấn đề gì?

Khi nghe vấn đề trên, Ngài nói: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ nay mà xưa cũng vậy, Như Lai đã là Bậc đại trí tuệ. Rồi Bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, này các Tỳ Kheo, khi Vua Janasandha trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát sanh ra làm con của bà Hoàng Hậu chánh cung.

Mặt Bồ Tát thanh tịnh, chói sáng, đạt được sắc đẹp tối thượng, như mặt gương bằng vàng được đánh bóng. Ðến ngày lễ đặt tên, Ngài được gọi là Àdàsa Mukha Hoàng Tử có khuôn mặt như gương.

Trong thời gian bảy năm, Phụ Vương đã mời thầy về dạy Hoàng Tử ba tập Vệ Đà và mọi bổn phận phải làm ở đời. Bồ Tát học xong thì Phụ Vương mệnh chung. Các Đại Thần tổ chức lễ tang Vua rất long trọng và lập đàn bố thí cho các người chết.

Ðến ngày thứ bảy, quần thần hội họp tại Triều Đình và bàn luận: Hoàng Tử còn trẻ quá, không thể làm lễ quán đảnh lên ngôi Vua được. Chúng ta hãy thử tài Hoàng Tử rồi sẽ làm lễ quán đảnh cho Hoàng Tử sau.

Một hôm, họ trang hoàng Thành Phố, tổ chức một Pháp Đình, sửa soạn chiếc ngai rồi đi yết kiến Hoàng Tử và nói: Thưa Thiên Tử, Thiên Tử hãy đến Pháp Đình. Hoàng Tử chấp thuận cùng với một số đông tùy tùng đến Pháp Đình và ngồi xuống trên chiếc ngai.

Khi Bồ Tát ngồi xuống để xử án, họ bắt một con khỉ đi hai chân, mặc áo giả làm một vị Sư Trưởng giỏi nghề chọn vị trí tốt để làm nhà, rồi họ dẫn nó đến Pháp Đình.

Họ nói: Thưa Thiên Tử, trong thời đại của Phụ Vương Ngài, người này là một Sư Trưởng có thiên tài tiên đoán vị trí tốt để làm nhà và rất thuần thục trong nghề.

Vị này thấy chỗ làm được hay không nên làm, và ngay cả chỗ có khuyết điểm dưới mặt đất sâu đến bảy khuỷu tay, vị này cũng biết. Nhờ sự giúp đỡ của vị ấy, cung điện của Vua đã được xây dựng. Thiên Tử hãy nhận vị ấy và ban cho vị ấy một chức vụ.

Hoàng Tử nhìn nó từ dưới lên và suy nghĩ: Ðây không phải là người mà chỉ là một con khỉ. Bọn khỉ chỉ biết phá hoại những gì đã được làm ra chứ chúng không biết làm gì cả hay xây dựng những công trình gì cả.

Vì vậy, Hoàng Tử đọc bài kệ đầu cho các đình thần nghe:

Nó không giỏi làm nhà,

Ðó là khỉ mặt nhăn,

Chỉ phá việc đã làm,

Thói của nòi giống đó.

Các đình thần, nói: Thưa Thiên Tử, có thể là như vậy. Và họ dắt khỉ đi ngay.

Sau một hai ngày, họ cho con khỉ ấy mặc y phục sang trọng, dắt nó đến Pháp Đình và nói: Thưa Thiên Tử, trong thời Phụ Vương Ngài, người này là Pháp Quan xử kiện. Thiên Tử hãy sử dụng vị ấy và cho vị ấy xử kiện.

Hoàng Tử nhìn nó và nghĩ: Một người có tâm và có trí không có nhiều lông lá như vậy. Nó là con khỉ vô trí, không thể nào xử kiện được.

Vì vậy, Bồ Tát đọc bài kệ thứ hai:

Vật đầy lông lá này

Không sao có tâm trí,

Nó chỉ là con thú

Không gây được lòng tin,

Như Phụ Vương đã dạy: Con này chả biết gì!

Các đình thần nghe câu kệ này liền nói: Thưa Thiên Tử, có thể là như vậy. Rồi họ đem con khỉ ấy đi ngay.

Một ngày khác họ lại mặc y phục và trang điểm cho nó, dắt nó đến pháp đường và nói: Thưa Thiên Tử, người này trong thời Phụ Vương Ngài đã hầu hạ đầy đủ mẹ và cha, đã kính lễ các Bậc lớn tuổi trong gia đình. Hãy sử dụng người này.

Hoàng Tử nhìn nó và nghĩ: Ðây là con khỉ với tâm dao động. Nó không thể làm được công việc ấy.

Vì vậy, Bồ Tát đọc bài kệ thứ ba:

Con vật ấy không thể

Giúp đỡ mẹ hay cha,

Hay là anh, chị, bạn,

Phụ Vương dạy ta vậy.

Các đình thần nói: Thưa Thiên Tử, có thể là vậy!

Rồi họ đem con khỉ đi ngay và họ nói với nhau: Hoàng Tử là Bậc Hiền Trí, có thể trị vì Vương Quốc.

Sau đó, họ làm lễ quán đảnh cho Hoàng Tử lên ngôi Vua, rồi truyền đánh trống khắp thành và rao: Ðây là những Pháp Lệnh của Quốc Vương có khuôn mặt như gương sáng. Từ đấy trở đi, Bồ Tát trị vì theo chánh pháp, và tiếng đồn Bồ Tát là Bậc Hiền Trí được truyền đi khắp cõi Diêm Phù Đề.

Với mục đích làm chói sáng trí tuệ của Bồ Tát, mười bốn vấn đề này được đem đến cho Bồ Tát giải quyết:

Con bò, chàng trai và con ngựa,

Thợ đan giỏ, và vị thôn trưởng,

Kỹ nữ, thiếu phụ và con rắn,

Con nai, chim đa đa, Nữ Thần,

Rắn chúa, và các vị khổ hạnh,

Cùng các thanh niên Bà La Môn. Ở đây, câu chuyện được lần lượt kể như sau.

Trong thời Bồ Tát được làm lễ quán đảnh lên ngôi Vua, một người hầu của Vua Janasandha tên là Gàmani Canda đã suy nghĩ: Vương Quốc này thật vinh quang nếu được Vua cai trị cùng với sự phò tá của những người đồng lứa tuổi với Vua. Ta nay già cả, không thể hầu hạ Hoàng Tử trẻ tuổi, vậy ta sẽ sống làm nghề nông ở thôn quê.

Vì vậy ông ta ra khỏi thành phố khoảng ba dặm và sinh sống tại một ngôi làng nhỏ. Nhưng ông không có bò để cày ruộng.

Sau khi Trời mưa, ông mượn hai con bò của một người bạn, cả ngày ông cày xong, cho các con bò ăn cỏ, rồi dắt bò về trả lại cho người chủ.

Trong lúc ấy, người chủ đang ngồi ăn cơm với vợ ở giữa nhà. Các con bò đi vào nhà, rất quen thuộc. Trong khi các con bò đi vào, người chồng giơ bát lên, và người vợ đặt bát xuống.

Gàmani Canda nhìn thấy suy nghĩ: Họ không mời ta ăn, liền bỏ đi và không giao tận tay bạn các con bò. Ðêm đến, bọn ăn trộm phá chuồng bò và dắt các con bò ấy đi.

Vào buổi sáng, người chủ đi vào chuồng bò, không thấy các con bò ấy, biết các con bò bị ăn trộm liền nghĩ:

Ta sẽ tóm cổ Gàmani, rồi đi đến gặp ông ta và nói:

Này ông, hãy trả các con bò cho tôi.

Nhưng các con bò đã vào trong chuồng rồi.

Nhưng ông có giao trả cho chúng tôi đâu?

Không, tôi không giao trả.

Vậy đây là sứ giả của Vua đến mời ông đi.

Bấy giờ, những người dân xứ này có tục lệ khi họ lượm một hòn đá hay một vỏ sò và nói: Ðây là sứ giả của Vua xin mời đi.

Nếu ai nghe nói: Ðây là sứ giả của Vua, mà không đi, sẽ bị Vua phạt. Do vậy, khi ông ta nghe chữ sứ giả, ông liền đi theo. Trong khi hai người cùng đi đến cung Vua họ đi ngang ngôi làng có một người bạn của Gàmani ở.

Ông ta nói với người kia: Này ông, tôi rất đói. Ông cho tôi vào làng ăn xong và trở lại, ông hãy ở tại đấy!

Nói xong ông ta đi vào nhà người bạn.

Nhưng người bạn không ở nhà.

Người vợ bạn nói: Thưa ông, đồ ăn chín không có. Hãy chờ một lát, tôi nấu xong sẽ mời ông. Người vợ leo thang lên kho gạo, vì quá hấp tấp nên té xuống đất khiến cho bà ấy sẩy thai.

Vừa lúc ấy người chồng đi về, thấy vậy liền nói: Anh đánh vợ ta khiến bà ấy sẩy thai. Ðây là sứ giả của Vua, hãy đi ngay.

Anh ta dắt Gàmani Canda và ra đi. Từ đấy, hai người dắt Gàmani ở giữa cùng đi với nhau.

Tại một ngôi làng nọ, có người giữ ngựa không thể bắt con ngựa quay lại, lúc nó đang chạy đến gần những người ấy.

Người giữ ngựa thấy Gàmani liền nói: Này cậu Gàmani, hãy đánh con ngựa này với một vật gì khiến nó quay trở lui. Gàmani cầm hòn đá và ném con ngựa.

Hòn đá ném trúng chân con ngựa, làm gãy chân nó như cọng cây y lan, người giữ ngựa kêu to: Ông làm gãy chân con ngựa của tôi rồi!

Ðây là sứ giả của Vua. Và anh ta dắt Gàmani đi.

Trong khi bị ba người dắt đi, ông ta suy nghĩ: Những người này sẽ tố cáo ta trước mặt Vua.

Ta không thể trả tiền mấy con bò, còn nói gì đến tiền phạt làm sẩy thai, rồi ta đào đâu ra được tiền đền ngựa?

Thà ta chết còn tốt hơn! Vì vậy khi họ đang đi, ông ta thấy một vực thẳm bên sườn đồi.

Dưới bóng ngọn đồi ấy, hai cha con thợ đan giỏ đang dệt một tấm chiếu, Gàmani Canda nói: Thưa các ông, tôi muốn đi vệ sinh, hãy chờ đây một lát cho đến khi tôi trở lại. Nói xong, ông ta lên lên ngọn đồi, thả mình xuống vực thẳm lại rơi đúng trên lưng cha người thợ đan giỏ. Người thợ đan giỏ già bị thương nặng chết ngay tại chỗ. Gàmani liền đứng dậy.

Người con nói: Ðồ ác độc, ông đã giết cha ta chết rồi! Ðây là sứ giả của Vua. Anh ta nắm tay Gàmani và đi khỏi lùm cây.

Những người kia hỏi: Chuyện gì thế này?

Anh ta trả lời: Ðây là tên đại ác đã giết cha tôi!

Từ đấy bốn người vây quanh dắt Gàmani đi giữa. Họ đến trước cửa một ngôi làng khác.

Vị thôn trưởng thấy Gàmani liền hỏi: Chào cậu Gàmani, cậu đi đâu vậy?

Ông ta trả lời: Ði gặp Vua.

Có thật chăng cậu đi đến gặp Vua?

Tôi muốn trình Vua một chuyện, cậu có thể mang đến trình không?

Vâng tôi sẽ mang.

Tôi thường có sắc đẹp, tài sản, có danh tiếng, và không có bệnh. Nay tôi nghèo khổ, lại mắc bệnh vàng da.

Vì lý do gì vậy?

Hãy hỏi Vua như vậy. Người ta nói Vua là Bậc Hiền Trí, Vua sẽ nói với cậu và cậu sẽ đem lời Vua về nói cho tôi. Ông ta nhận lời, rồi tiếp tục đi.

Tại cửa một làng khác, một kỹ nữ thấy ông ta liền gọi: Chào cậu Gàmani, cậu đi đâu vậy?

Ông ta bảo đi gặp Vua, kỹ nữ ấy nói: Người ta nói Vua là Bậc Hiền Trí, cậu hãy mang theo câu chuyện của tôi trình Vua. Trước kia, tôi thường được nhiều lợi dưỡng.

Nay tôi không đáng giá một miếng trầu!

Không ai đến tán tỉnh tôi. Cậu hãy hỏi Vua tại sao vậy, và về nói lại cho tôi.

Rồi Gàmani lại đi nữa.

Tại cửa một ngôi làng khác, một thiếu phụ thấy ông ta cũng hỏi tương tự và nói: Tôi không thể sống trong nhà chồng cũng không thể sống trong gia đình tôi.

Vì lý do gì vậy?

Cậu hãy hỏi Vua và về nói lại cho tôi.

Rồi Gàmani đi nữa.

Từ đấy đi qua một đia phận khác có một con rắn sống trong một gò mối, nó thấy ông ta liền hỏi: Này cậu Gàmani đi đâu vậy?

Khi được đáp đi gặp Vua, con rắn nói: Người ta nói Vua là Bậc Hiền Trí. Hãy mang đến trình Vua câu chuyện của tôi. Khi tôi đi ra tìm mồi và rời gò mối, tôi ốm yếu, đói lả nhưng thân tôi đầy cả hang mối, tôi phải kéo thân tôi khỏi ổ một cách khó khăn.

Còn khi đi tìm mồi xong trở về, tôi được no nê thỏa mãn và thân lớn ra, nhưng bò vào hang thật mau lẹ, thân tôi không chạm sườn hang.

Tại sao vậy?

Hãy hỏi Vua và đem câu trả lời về cho tôi.

Ông ta đi một đoạn nữa, một con nai thấy ông ta cũng hỏi tương tự: Tôi không thể ăn cỏ ở một chỗ nào khác ngoại trừ dưới gốc cây này.

Vì lý do gì vậy?

Hãy hỏi Vua.

Ði qua một phần đất khác, một con chim đa đa thấy ông ta liền hỏi: Khi tôi đậu dưới chân một gò mối, tôi hót lên tiếng hót rất hay. Nhưng ở bất cứ chỗ nào khác, tôi không thể làm được như vậy.

Vì lý do gì vậy?

Hãy hỏi Vua.

Ông ta đi tới một chỗ khác, một Nữ Thần cây thấy ông ta hỏi: Này Gàmani đi đâu vậy?

Khi được trả lời đi gặp Vua, Nữ Thần cây nói: Người ta nói Vua là một Bậc Hiền Trí. Trước kia tôi rất được trọng vọng. Bây giờ ngay ca một ít nhánh non tôi cũng không có được.

Vì sao vậy?

Hãy hỏi Vua.

Ði qua một phần đất khác, một con rắn chúa thấy ông ta và hỏi tương tự: Người ta nói Vua là một Bậc Hiền Trí. Trước kia trong hồ này, nước trong như pha lê. Nay nước hồ vẩn đục với bọt nước trùm khắp.

Vì sao lại vậy?

Hãy hỏi Vua.

Ði tới một chỗ khác, có một số nhà tu khổ hạnh sống tại một khu vườn gần thành phố, thấy ông ta cũng hỏi tương tự: Người ta nói Vua là một Bậc Hiền Trí, trước kia tại khu vườn này, các loại trái ngọt rất nhiều, nhưng nay chúng trở nên lạt lẽo và lại đắng.

Tại sao vậy?

Hãy đến hỏi Vua.

Từ đấy đi đến một chỗ khác, một số thanh niên Bà La Môn đang ở trong một gian nhà gần cửa thành, thấy ông ta bèn hỏi: Này cậu Gàmani, cậu đi đâu vậy?

Khi được trả lời đi đến gặp Vua hỏi nói:

Vậy cậu hãy mang theo câu chuyện của chúng tôi: Trước kia chúng tôi học bất cứ đoạn Kinh nào, chúng tôi đều nhớ rõ ràng. Nhưng nay, điều chúng tôi học không được giữ lại trong trí và không được hiểu rõ ràng, tất cả đều trở thành mù mờ như nước trong một cái ghè nứt rạn.

Vì sao sự việc lại vậy?

Hãy đến hỏi Vua. Thế là Gàmani Canda đến yết kiến Vua với mười bốn câu hỏi như trên. Khi ấy Vua đang ngồi tại Pháp Đình.

Vua thấy Gàmani Canda, và nhận ra ông ta: Người này là người hầu hạ Phụ Vương ta, thường hay bồng bế ta thuở trước.

Từ đấy cho đến nay, ông ta sống ở đâu?

Vì vậy Vua hỏi: Này Gàmani, trong thời gian qua khanh sống ở đâu?

Ðã lâu rồi khanh không trình diện.

Vì mục đích gì khanh đến đây?

Gàmani thưa: Tâu Thiên Tử, từ khi tiên vương lên Cõi Trời, thần đi về thôn quê làm nghề cày ruộng để sinh sống. Tại đấy, người này vì vấn đề kiện tụng hai con bò đã đem sứ giả của Vua ra và kéo thần đến trước Thiên Tử.

Nếu không bị kéo đi, khanh sẽ không đến đây chứ gì?

Nay khanh bị kéo đến, như vậy là tốt rồi, và ta mới thấy khanh.

Vậy người kia ở đâu?

Thưa Thiên Tử, đó là người này.

Có phải chính ông đưa sứ giả của trẫm đến bắt Canda?

Tâu Thiên Tử, thật vậy.

Tại sao?

Vì ông ta không chịu trả đôi bò của thần!

Có đúng chăng Canda?

Tâu Thiên Tử, hãy nghe chuyện của thần. Rồi Canda thuật lại tất cả câu chuyện. Nghe xong, Vua hỏi người chủ của các con bò.

Ngươi có thấy các con bò đi vào chuồng nhà ngươi không?

Tâu Thiên Tử, thần không thấy.

Này từ trước ngươi chưa bao giờ nghe mọi nơi gọi ta là Vua có mặt sáng như gương sao?

Người hãy nói thật đi.

Tâu Thiên Tử, thần có thấy.

Này Canda, khanh không dắt đôi bò về trả, như vậy khanh mắc nợ đôi bò. Người này có thấy nhưng nói không thấy, tức là cố ý nói láo. Do đó khanh phải tự tay móc mắt người này và phần khanh phải trả cho anh ta hai mươi bốn đồng tiền vàng. Nghe Vua nói vậy, quân hầu dắt người chủ các con bo ra ngoài.

Anh ta liền nghĩ: Khi bị móc mắt, thì ta lấy tiền làm gì!

Vì vậy, anh ta sụp lạy dưới chân Gàmani và nói: Thưa Ngài Canda, số tiền các con bò ấy thuộc về Ngài. Hãy lấy thêm những đồng tiền này nữa. Nói vậy xong, anh ta đưa cho Canda một số tiền rồi bỏ trốn chạy.

Người thứ hai nói: Tâu Thiên Tử, người này đánh vợ tôi khiến cho bà ấy sẩy thai.

Có thật vậy chăng, này Canda?

Thưa Ðại Vương, xin hãy nghe thần. Rồi ông ta thuật toàn bộ câu chuyện với các chi tiết.

Vua hỏi: Có phải khanh đánh vợ người này và làm cho bà ta sẩy thai?

Thưa Thiên Tử, thần không làm như vậy.

Này người kia, ngươi có thể chữa lại sự sẩy thai do người này đã gây ra không?

Thưa Thiên Tử, không thể được.

Nay ngươi muốn làm gì?

Tôi muốn phải có một đứa con trai!

Này Canda, hãy đem vợ người này về nhà của khanh cho đến khi nào bà ta sanh một đứa con trai thì đưa nó đến và trả cho người này.

Người ấy nghe vậy liền sụp xuống lạy dưới chân Canda: Thưa Ngài, chớ phá vỡ gia đình của tôi! Rồi anh ta cho Canda một số đồng tiền vàng và bỏ chạy trốn.

Người thứ ba đến và nói: Tâu Thiên Tử, người này đánh gãy chân con ngựa của tôi.

Có thực chăng, này Canda?

Thưa Ðại Vương, xin hãy nghe thần. Rồi Canda tường thuật rõ ràng câu chuyện.

Nghe xong, Vua hỏi người chủ con ngựa: Có phải chính ngươi nhờ Canda đánh con ngựa khiến cho nó quay lui không?

Tâu Thiên Tử, tôi không nói.

Nhưng khi được hỏi thêm một lần nữa, anh ta nói: Thưa, tôi có nói.

Vua gọi Canda và bảo: Này Canda, người này có nói nhưng lại bảo không nói, như vậy là đã cố ý nói láo.

Khanh hãy Cắt Lưỡi của nó rồi cho nó một ngàn đồng tiền vàng để bù lại con ngựa kia! Số tiền này ta sẽ cho khanh.

Nhưng kẻ giữ ngựa liền cho Canda một số tiền rồi bỏ chạy vì sợ bị cắt lưỡi!

Rồi đến con trai của người thơ đan giỏ nói: Tâu Thiên Tử, người này là kẻ sát nhân đã giết chết cha tôi.

Có thật như vậy chăng, này Canda?

Tâu Thiên Tử, xin hãy nghe thần. Rồi Canda thuật lại câu chuyện một cách rõ ràng.

Vua gọi người thợ kia: Nay ngươi muốn gì?

Tâu Thiên Tử, tôi muốn có được cha tôi!

Này Canda, người này cần có một người cha. Nhưng khanh không thể đem lại cho nó người cha đã chết, vậy hãy đem mẹ của nó về nhà khanh và trở thành cha nó.

Con người đan giỏ vội nói: Thưa Ngài, chớ phá vỡ gia đình người cha đã chết của tôi! Nói xong anh ta cho Canda một số tiền rồi bỏ chạy.

Gàmani đã thắng các vụ kiện nên hoan hỷ rồi thưa với Vua: Tâu Thiên Tử, thần có nhiều vấn đề của nhiều người muốn hỏi Thiên Tử.

Thiên Tử có bằng lòng cho thần nói không?

Hãy nói đi, này Canda. Canda theo thứ tự đảo ngược bắt đầu từ vấn đề các thanh niên Bà La Môn trở về trước và kể ra từng vấn đề một. Nhà Vua lần lượt trả lời.

Ðối với vấn đề đầu tiên, khi nghe xong, Vua đáp: Thuở trước, tại chỗ họ ở, có một con gà biết gáy đúng giờ. Khi nghe tiếng gà gáy, họ thức dậy, lấy các bài Chú ra đọc lớn tiếng cho đến khi Trời sáng. Do đó họ không quên mất điều đã học. Nhưng nay tại chỗ họ ở, có một con gà trống gáy không đúng giờ. Nó gáy vào lúc còn đêm khuya hay đã quá sáng.

Khi nghe tiếng gà gáy trong đêm khuya, họ thức dậy, lấy các bài Chú ra học, nhưng quá buồn ngủ nên không thể đọc được.

Rồi khi nghe tiếng gà gáy quá sáng họ thức dậy, nhưng không còn thì giờ tụng chú nữa. Do vậy, họ không nhớ rõ những điều đã học.

Khi nghe vấn đề thứ hai, Vua trả lời: Những người ấy thuở trước hành trì Sa Môn Pháp và chuyên tâm chuẩn bị các đề tài thiền định. Nhưng bây giờ họ từ bỏ Sa Môn Pháp, và chuyên tâm vào các việc không nên làm.

Các trái cây sanh ở trong vườn được họ lấy đem cho các người hầu hạ. Còn họ sống bằng tà mạng, thay phiên nhau đi khất thực.

Do hòa hợp với nhau như trước, chuyên tâm hành trì các Sa Môn Pháp, thì các trái cây v.v... của họ sẽ ngọt như cũ. Các vị tu khổ hạnh ấy không biết trí tuệ của các Vua chúa. Hãy bảo họ hành trì Pháp Sa Môn chân chánh.

Khi nghe vấn đề thứ ba, Vua nói: Những rắn chúa ấy thường hay cãi nhau nên nước hồ trở thành đục. Nếu chúng hòa hợp với nhau như trước thì nước sẽ trở lại trong.

Khi nghe vấn đề thứ tư, Vua nói: Nữ Thần cây ấy trước kia bảo vệ các người đi qua lại khu rừng, do vậy nhận được nhiều đồ hiến cúng khác nhau. Nay Nữ Thần cây ấy không bảo vệ họ nên không nhận được đồ hiến cúng thượng hạng. Nữ Thần hay dặn nàng bảo vệ những người đi lên khu rừng ấy.

Khi nghe vấn đế thứ năm, Vua nói: Dưới gò mối mà con chim đa đa ấy đậu và hót với giọng khả ái có một cái ghè lớn chứa châu báu. Hãy đào lên và lấy ghè ấy.

Khi nghe vấn đề thứ sáu, Vua nói: Dưới gốc cây mà con nai ấy có thể ăn cỏ tức là trên cây có một ong mật lớn. Con nai ấy thèm ăn thứ cỏ được mật rớt dính vào, nên nó không có thể ăn các thứ cỏ khác. Khanh hãy lấy tổ ong, gửi phần mật tốt nhất cho ta. Khanh ăn phần còn lại.

Khi nghe vần đề thứ bảy, Vua hỏi: Dưới gò mối mà con rắn ấy ở có một ghè lớn chứa châu báu. Con rắn ấy sống ở đó để bảo vệ châu báu ấy. Do vậy, khi nó bò ra, vì lòng tham châu báu, thân nó bám chặt vào hang.

Nhưng khi kiếm thức ăn xong, thân không còn bám chặt vào hang vì tham châu báu, nên nó bò vào thật mau và mạnh. Hãy đào ghè châu báu ấy lên và cất giữ kỹ.

Khi nghe vấn đề thứ tám, Vua nói: Giữa làng người chồng và làng cha mẹ của thiếu phụ ấy, có một ngôi nhà của tình nhân thiếu phụ ấy. Nàng nhớ tình nhân, không thể ở trong nhà người chồng, và vì luyến ái tình nhân, nàng nói nàng sẽ đi thăm cha mẹ.

Nàng đi đến sống vài ngày trong nhà của tình nhân, rồi nàng đến nhà cha mẹ. Sau khi ở đấy vài ngày, nàng lại nhớ tình nhân, bèn nói nàng sẽ đi về nhà chồng, và nàng lại đi đến nhà của tình nhân.

Khanh nói cho thiếu phụ ấy biết rằng còn có pháp luật của nhà Vua. Bảo nàng phải sống với người chồng. Nếu không, Vua sẽ truyền bắt nàng và nàng sẽ không còn mạng sống nữa.

Hãy nói cho nàng biết phải cẩn thận!

Khi nghe vấn đề thứ chín, Vua nói: Người phụ nữ ấy trước kia thường lấy một số tiền từ tay một người đàn ông nào, thì nàng không đi với người khác cho đến khi nàng đã để anh ta hưởng lạc xứng với số tiền kia.

Do vậy trước kia nàng đã nhận được nhiều tiền. Nay nàng đã từ bỏ nguyên tắc ấy của mình. Khi chưa từ giã một người mà nàng đã nhận tiền, nàng lại lấy tiền từ một người khác!

Do vậy, nàng không có tiền vì không ai tìm đến nàng nữa. Nếu nàng duy trì nguyên tắc cũ của mình, sự việc sẽ giống như trước kia.

Hãy bảo nàng duy trì nguyên tắc cũ của mình!

Khi nghe vấn đề thứ mười, Vua nói: Người thôn trưởng ấy trước kia xử kiện đúng pháp và bình đẳng, do vậy được mọi người thương mến và thích thú. Vì thích ý, họ biếu anh ta nhiều quà tặng.

Nhờ đó anh ta đẹp trai, có tài sản, và danh vọng. Nay anh ta thích nhận tiền hối lộ và xử kiện không đúng pháp. Do vậy, anh ta trở thành nghèo nàn, khốn khổ và bị bệnh vàng da.

Nếu anh ta xử kiện đúng pháp như trước, mọi việc trở lại giống như trước. Anh ta không biết sự có mặt của Vua chúa trong nước này. Hãy bảo anh ta phải xử kiện đúng pháp.

Như vậy Gàmani Canda đã thuật lại tất cả vấn đề được nêu trên. Với trí tuệ của mình, Vua đã giải quyết tất cả vấn đề ấy như Đức Phật nhất thiết trí và ban cho Gàmani Canda nhiều tài sản.

Và ngôi làng Canda ở được Vua ban thưởng ông ta như là một tặng vật anh cho một vị Bà La Môn. Rồi Vua bảo đưa ông ta đi về.

Canda ra khỏi thành, nói lại các câu trả lời của Bồ Tát cho các thanh niên Bà La Môn, các vị khổ hạnh, con rắn chúa và Nữ Thần cây. Sau đó ông ta lấy tài sản chôn tất cả tại chỗ chim đa đa đậu. Rồi ông ta lấy tổ ong mật từ thân cây mà dưới đó con nai ăn cỏ và gởi mật về dâng Vua.

Ông ta phá vỡ gò mối tại chỗ con rắn ở, thâu lượm tài sản chôn cất, và thuật lại cách Vua trả lời cho người thiếu phụ, người kỹ nữ và người thôn trưởng.

Rồi Canda đi về làng của mình với danh vọng lớn, và sống tại đấy cho đến hết đời, rồi đi theo nghiệp của mình. Còn vị Vua có mặt sáng như gương ấy trọn đời làm các công đức như bố thí v.v... và sau khi mạng chung, Ngài đi lên Cõi Trời làm đông đảo hội chúng Chư Thiên.

Bậc Ðạo Sư nói: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ nay Như Lai có đại trí tuệ mà thuở trước cũng đã có đại trí tuệ như vậy. Sau khi kể pháp thoại này, Ngài thuyết giảng các sự thật. Cuối bài giảng ấy, nhiều người chứng quả Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Lai, quả A La Hán.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ, Gàmani Canda là Ànanđa, còn vị Vua có mặt sáng như gương ấy là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần