Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai - Phẩm Ba - Phẩm Thiện Pháp - Chuyện Núi Daddara Tiền Thân Daddara

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI  

PHẨM BA

PHẨM THIỆN PHÁP  

CHUYỆN NÚI DADDARA

TIỀN THÂN DADDARA  

Ai đã rống lớn tiếng. Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tỳ Kheo Kokàlika. Lúc bấy giờ tại cao nguyên Manosilà, nhiều Tỳ Kheo học rộng, rống tiếng của Sư Tử trẻ khiến cho Sông Hằng Thiên Giới Ngân Hà gần như rơi xuống và đọc lên những câu Kinh ở giữa Tăng Chúng.

Kokàlika không biết sự ngu dốt của mình đối với những câu Kinh mà các Tỳ Kheo đã tụng đọc, và suy nghĩ: Ta sẽ đọc những đoạn Kinh đó.

Kokàlika đi vào giữa chúng Tỳ Kheo, nhưng không biết được danh hiệu dành cho mình, cứ đến chỗ này chỗ kia và nói: Các Tỳ Kheo không yêu cầu ta đọc Kinh. Nếu họ yêu cầu, ta sẽ đọc.

Chúng Tỳ Kheo đã rõ biết khả năng đọc Kinh của Kokàlika rồi, nhưng họ nghĩ: Chúng ta sẽ thử Kokàlika, nên họ nói như sau: Này Hiền Giả Kokàlika, hôm nay Hiền Giả hãy đọc một vài đoạn Kinh cho Chúng Tăng.

Kokàlika không biết sự ngu dốt của mình, chấp nhận và nói: Lành thay, hôm nay tôi sẽ đọc. Kokàlika uống nước cháo, ăn một số món ăn và dùng một món canh hợp khẩu vị.

Khi mặt trời lặn, thời kỳ nghe pháp đã báo hiệu, chúng Tỳ Kheo đã họp, Kokàlika quấn hạ y màu vàng, lại xanh như cây Kantakurania hoa kèn xanh, đắp thượng y toàn trắng như bông Kanikàra, đi vào giữa Chúng Tăng, đảnh lễ các vị Trưởng Lão, bước lên Pháp Toạ đã được trang hoàng đặt dưới một cái đình lớn đính châu báu, cầm một cái quạt có màu sắc rực rỡ và ngồi trên ấy với ý định:

Ta sẽ tụng đọc một đoạn Kinh. Chính khi ấy, những hạt mồ hôi bắt đầu toát ra khắp thân của Kokàlika, vị ấy đọc câu Kệ thứ nhất trong đoạn thứ nhất, nhưng vị ấy không thể nhớ được câu kế tiếp. Run rẩy, từ chỗ ngồi đi xuống, cảm thấy xấu hổ, Kokàlika đi ra khỏi hội chúng và về phòng của mình.

Một Tỳ Kheo khác có học nhiều đã đọc đoạn Kinh kế tiếp. Từ đấy trở đi, tất cả các Tỳ Kheo đều biết được sự trống rỗng của Kokàlika.

Một hôm, các Tỳ Kheo tại Chánh Pháp đường bắt đầu nói về câu chuyện ấy: Này các Hiền Giả, ban đầu thật khó biết được sự trống rỗng của Kokàlika. Nhưng nay, Kokàlika đã tự mình rống lên và tự phơi bày sự kém cỏi của mình.

Bậc Ðạo Sư đến và hỏi: Này các Tỳ Kheo, các ông nay ngồi họp bàn câu chuyện gì?

Sau khi nghe câu chuyện ấy, bậc Ðạo Sư nói: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ nay Kokàlika mới phơi bày sự trống rỗng của mình. Trước kia, kẻ ấy cũng đã rống lên và phơi bày sự trống rỗng như vậy rồi. Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát sanh làm con Sư Tử ở khu vực Tuyết Sơn, là Vua loài Sư Tử đông đảo sống trong hang Bạc. Gần đấy, một con chó rừng sống trong một cái hang khác.

Một hôm trời mưa, không đi được, tất cả Sư Tử họp tại cửa hang Sư Tử chúa, rống lên tiếng rống Sư Tử và chơi các trò Sư Tử. Trong khi chúng rống lên và chơi như vậy, con chó rừng cũng lên tiếng.

Các con Sư Tử nghe tiếng của nó, suy nghĩ: Ðây là con chó rừng cũng rống lên với chúng ta. Chúng cảm thấy xấu hổ, nên im lặng.

Khi thấy chúng im lặng, con của Bồ Tát, một Sư Tử con, hỏi cha: Thưa cha thân, các Sư Tử thường rống lên và chơi trò Sư Tử, nhưng khi nghe thấy tiếng con chó rừng lại xấu hổ và im lặng.

Con vật ấy là con gì đã tự phơi bày tiếng rống hạ liệt của mình?

Sư Tử con đọc bài Kệ đầu để hỏi:

Ai đã rống lớn tiếng,

Vang dội Daddara,

Vì sao các Sư Tử

Lại không rống đáp lại?

Con thú rống như vậy

Tên nó gọi là gì?

Khi nghe vậy, Sư Tử cha đọc bài kệ thứ hai:

Chính là con chó rừng

Ðã rống, này con thân,

Con vật bần tiện nhất

Giữa các loại sanh thú,

Ghê tởm hạ sanh nó,

Sư Tử ngồi im lặng.

Bậc Ðạo Sư nói: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ nay Kokàlika với tiếng rống đã phơi bày sự kém cỏi của mình ta. Thuở trước, kẻ ấy cũng làm như vậy rồi.

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ, con chó rừng là Kokàlika, Sư Tử con là La Hầu La, còn Sư Tử chúa là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần