Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Bảy - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán

 

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI  

PHẨM BẢY  

CHUYỆN BẬC ĐẠI TRÍ VÔ SONG

TIỀN THÂN VIDHURAPANDITA

 

PHẦN MỘT  

Yếu gầy, ái Hậu lại xanh xao. Bậc Đạo Sư kể câu chuyện này khi Ngài trú ở Kỳ Viên Jetavana, liên quan đến sự viên mãn của trí tuệ Tối thắng.

Một ngày kia các Tỳ Kheo đưa ra một vấn đề tranh luận tại chánh pháp Đường, bảo nhau: Này các Hiền Giả, bậc Đạo Sư đã đạt đại trí, quảng trí, Ngài thật tinh thông, ứng đối mau lẹ, nhạy bén, lý giải sắc xảo và có khả năng đánh đổ mọi biện luận của các đối thủ của Ngài, nhờ uy lực Thắng trí của Ngài.

Ngài đã phá tan những vấn đề nan giải do các vị Hiền Trí Sát Đế Lỵ đưa ra và khiến họ phải yên lặng chấp nhận. Sau khi an trú họ vào Tam Quy và Ngũ Giới, Ngài dạy họ con đường đưa Niết Bàn bất tử. Bậc Đạo Sư đi vào, hỏi các Tỳ Kheo đang ngồi bàn luận đề tài gì và khi nghe vậy.

Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, Như Lai sau khi đạt Trí tuệ Viên mãn, đã phá tan mọi lý luận của các đối thủ và giáo hóa các vị Vua Sát Đế Lỵ cùng nhiều vị khác, việc chẳng phải kỳ diệu gì. Vì từ ngàn xưa khi Ta còn đang tầm cầu trí tuệ Tối thượng, ta đã đầy đủ trí tuệ để phá kiến các đối thủ.

Hơn thế nữa, chính vào thời Vidhurakumàra, trên đỉnh Hắc Sơn, cao chừng sáu mươi dặm, nhờ uy lực thắng trí của ta, ta đã hàng phục Đại tướng Dạ Xoa Punnaka, khiến y phải chịu im lặng và đem sinh mạng cúng dường. Nói xong Ngài kể một câu chuyện quá khứ.  

TRAI GIỚI BỐN PHÁP  

Ngày xưa tại Quốc Độ Kuru Câu Lâu thành Indapatta có vị Quốc Vương cai trị với danh hiệu Dhanañjaya Korabba. Ngài có vị Đại Thần tên gọi Vidhurapandita Trí Giả Vô song cố vấn cho Ngài trong các thế sự cũng như Thánh sự.

Nhờ lời lẽ êm ái và biện tài siêu việt lúc thuyết pháp, ông lôi cuốn mọi Quốc Vương ở cõi Jambudìpa Diêm Phù Đề: Ấn Độ bằng những pháp thoại du dương như các con voi say mê đàn sáo êm dịu, ông cũng không để cho các Quốc Vương trở về nước mình mà ở lại trong Kinh Thành đại vinh quang ấy và thuyết pháp cho dân chúng với thần lực của một vị Phật.

Lúc bấy giờ có bốn gia chủ Bà La Môn giàu sang tại Ba La Nại, vốn là thân hữu, đã thấy được cảnh khổ của mọi dục vọng, nên bỏ vào vùng Tuyết Sơn sống đời ẩn sĩ khổ hạnh.

Sau khi đã đạt được các thắng trí và các thiền chứng, các vị ấy cũng vẫn tiếp tục tu hành tại đó, hằng ngày sống bằng các thứ củ, quả rừng. Hôm đó các vị ấy du hành để khất thực muối và các thứ gia vị, cũng đến thành Kàlacampa thuộc Quốc Độ Anga.

Rồi bốn gia chủ vốn là thân hữu với nhau, rất hoan hỷ trước oai nghi của các vị này, họ cung kính đảnh lễ xong cầm lấy cái bình bát cúng dường các món ăn tuyệt hảo, mỗi gia chủ đều mời các vị về nhà mình, tự nguyện sắp đặt nơi an trú cho các vị trong hoa viên.

Thế là bốn vị ẩn sĩ, sau khi thọ thực trong nhà bốn vị gia chủ, liền du hành suốt ngày hôm ấy, một vị lên Cõi Trời Ba Mươi Ba, một vị khác lên cõi Long Vương Nàga , một vị khác lên cõi Kim Sí Điểu Vương Supanna và vị thứ tư đến ngự viên Migàcira thuộc quyền của Vua Koravya.

Lúc bấy giờ, vị được hưởng một ngày ở Thiên Giới, sau khi chiêm ngưỡng cảnh huy hoàng của Thiên Chủ Đế Thích Sakka , miêu tả thật đầy đủ chi tiết cho thí chủ mình nghe. Vị lên cõi Long Vương và Kim Sí Điểu Vương Supanna cũng vậy, rồi vị đến ngự viên của Vua Koravya Dhanañijaya cũng lần lượt miêu tả cảnh huy hoàng của mỗi cung Vua đã chứng kiến.

Vì vậy cả bốn thí chủ đều nguyện cầu được cộng trú với Chư Thiên, nên sau khi thực hành bố thí cùng nhiều công đức khác, đến lúc mạng chung, một vị sinh làm Thiên Chủ Đế Thích.

Một vị khác cùng với vợ con sinh vào cõi Long Vương. Một vị nữa sinh làm Kim Sí Điểu Supanna trong cung điện dưới hồ Simbali. Còn vị thứ tư được nhập mẫu thai Chánh Hậu của Vua Dhanañjaya, trong lúc ấy bốn vị ẩn sĩ được sinh lên Phạm Thiên Giới.

Vương tử Koravya lớn khôn, đến khi Vua Cha từ trần, lên ngôi trị vì rất đúng Pháp, nhưng Ngài còn lừng danh vì tài nghệ đánh súc sắc. Ngài nghe lời khuyến giáo của Trí Giả Vidhura chuyên tâm bố thí, giữ gìn giới hạnh và hành trì trai giới.

Một ngày kia, sau khi hành trì trai giới xong, Ngài vào ngự viên, nhất tâm tu tập thiền định, tĩnh tọa ở một nơi an tịnh, Ngài thực hành giới hạnh của một vị xuất gia.

Đế Thích Sakka cũng vậy, sau khi hành trì trai giới, nhận thấy Thiên Giới có nhiều trở ngại cho việc tu tập, liền đi xuống hoa viên ấy ở cõi nhân gian, tĩnh tọa ở một nơi an tịnh và hành trì Sa Môn hạnh.

Long Vương Varuna cũng thế, sau khi hành trì trai giới, nhận thấy cõi Long Vương có nhiều trở ngại cho việc tu tập, nên cũng lại vào hoa viên ấy, ngồi tĩnh tọa ở một nơi an tịnh thực hành Sa Môn hạnh.

Điểu Vương Supanna cũng vậy, sau khi hành trì trai giới, nhận thấy rằng cõi Điểu Vương có nhiều trở ngại cho việc tu tập, nên Ngài đi vào ngự viên ấy, tĩnh tọa ở một nơi êm mát, thực hành Sa Môn hạnh.

Lúc bấy giờ, cả bốn vị ẩn sĩ vào buổi xế chiều, sau khi đứng dậy từ chỗ độc cư thiền định đến bên hồ nước của Hoàng Gia, nhìn nhau, tâm đầy tình cố tri thân ái, cùng ngồi xuống chào hỏi rất niềm nở. Thiên Chủ Sakka ngồi trên Vương Tọa, còn ba vị kia ngồi theo danh vị của mình.

Lúc ấy Sakka Thiên Chủ liền hỏi: Chúng ta đây đều là bốn vị Đế Vương, vậy công đức đặc biệt nhất của mỗi vị là gì?

Long Vương Varulna đáp lời: đức hạnh của Ta cao trọng hơn các Tôn Giả.

Khi ba vị kia hỏi lý do, Ngài đáp: Điểu Vương Supanna này là cừu thù của ta, dù khi ta chưa ra đời hay ra đời rồi cũng vậy, thế mà khi nhìn thấy một kẻ cừu thù tiêu diệt nòi giống của ta như thế, ta không hề có chút sân hận, cho nên đức hạnh của ta là cao hơn cả.

Rồi Ngài đọc vần kệ đầu tiên trong Tiền Thân Catuposatha.

Thiện nhân không cảm thấy hờn căm,

Đối với một ai đáng hận sân,

Không để nội tâm sân khởi dậy,

Vị nào dù lúc giận trong lòng,

Cũng không để lộ cho người thấy,

Người gọi đó là thanh tịnh nhân.

Đặc tính của ta là như thế, cho nên đức hạnh của ta vượt trên các Tôn Giả.

Điểu Vương Supanna nghe vậy, liền đáp: Loài rồng Nàga là thức ăn chính của ta, nhưng nay dù thấy thức ăn kề tận miệng, ta cũng đành nhịn đói và quyết không làm ác vì miếng ăn, vậy đức hạnh của ta cao hơn cả.

Và Ngài ngâm bài kệ:

Người chịu đói, bụng đau rần,

Ẩn sĩ tự điều phục món ăn,

Không phạm ác hành vì thực phẩm,

Vị này, người gọi bậc Sa Môn.

Đến lượt Thiên Chủ Sakka nói: Ta để lại đằng sau mình mọi vinh quang ở Thiên Giới, mọi nguồn an lạc dâng tận tay, để xuống nhân gian thực hành công hạnh, vậy đức hạnh của ta cao hơn cả.

Rồi Ngài ngâm kệ:

Sau khi bỏ mọi thứ vui chơi,

Không nói lời gian dối giữa đời,

Vị ấy ghét xa hoa, nhục dục,

Như vậy người gọi Sa Môn rồi.

Thiên Chủ Sakka tự trình bày công đức của mình như vậy.

Rồi Vua Dhanañjaya bảo: Nay ta đã rời Triều Đình cùng hậu cung với mười sáu ngàn phi tần có đủ tài ca múa, ta hành trì Sa Môn hạnh trong ngự viên này, vậy đức hạnh của ta cao hơn cả.

Rồi Ngài ngâm kệ tiếp theo:

Bậc toàn trí bỏ hết hoàn toàn,

Mọi sở hữu và mọi dục tham,

Tự chế, kiên tâm, vô ngã chấp,

Vị này người gọi bậc Sa Môn.

Như vậy cả bốn vị đều tự cho đức hạnh của mình là cao quý hơn cả, rồi Vua hỏi Dhanañjaya: Này Đại Vương, có Bậc Hiền Trí nào trong triều có thể giải mối nghi này chăng?

Này các Đại Vương, có chứ, trẫm có bậc Trí Giả Vidhura đang giữ một chức vụ tối thượng trong triều, thường xuyên thuyết thế Pháp cũng như Thánh Pháp cho trẫm, vị ấy có thể giải quyết mối nghi này, ta hãy cùng đi đến vị ấy. Bốn vị Vua tức thì đồng ý.

Thế là bốn vị đều ra đi khỏi ngự viên, tiến về phía Thánh Lễ đường, ban lệnh trang hoàng nơi ấy thật uy nghi, xong hội chúng kính mời Bồ Tát ngồi trên bảo tọa, chào Ngài thật thân hữu rồi ngồi qua một bên và nói:

Thưa bậc Trí Giả, một mối nghi vừa khởi lên trong tâm chúng ta, xin Ngài giải quyết cho:

Xin hỏi Đại Thần thượng trí minh,

Trong khi đàm đạo, khởi phân tranh,

Nhờ khanh xét, giải nghi nan ấy,

Hội chúng thoát nghi hoặc bởi khanh!

Bậc Đại Sĩ nghe xong liền bảo: Tâu các Đại Vương, làm sao tiểu thần biết các Đại Vương nói đúng hay sai về đức hạnh của các Đại Vương, trong khi các Ngài ngâm lời kệ qua cuộc tranh luận này?

Rồi Ngài ngâm kệ thêm:

Bậc trí biết chân tướng việc đời,

Nói năng khôn khéo, đúng theo thời,

Nhưng dù Hiền Trí, làm sao biết,

Ý nghĩa kệ chưa nói với tôi?

Vương Tử Vi Na, Kim Sí Điểu,

Long Vương ấy nói thế nào rồi?

Thác Bà Vương, tối cao Hoàng Thượng,

Của xứ Câu Lâu, hãy mở lời!

Các vị Vua liền ngâm kệ này với Ngài:

Kham nhẫn, Long Vương thuyết giảng xong,

Vương tử Vi na, Sí Điểu Vương,

Lại thuyết giảng về lòng tốt đẹp,

Thác bà Vương thuyết đoạn trừ tham,

Câu Lâu Chúa Thượng ly triền cái,

Để đạt đến công hạnh vẹn toàn.

Sau khi nghe xong, bậc Đại Sĩ đáp kệ này:

Tất cả lời này chánh đáng thay,

Không gì sai trái ở nơi này,

Người nào thích hợp lời như thế,

Giống các tăm xe ở trục quay,

Người được gọi Sa Môn chánh hạnh,

Đủ đầy các đức tính trên đây.

Như vậy bậc Đại Sĩ tuyên thuyết đức hạnh của các vị Vương đều là một.

Khi nghe xong, bốn vị Vương đều rất hoan hỷ, liền ngâm kệ tán thán Ngài:

Khanh là bậc tối thắng, vô song,

Hộ Pháp, tinh thông luật, Trí Nhân,

Khi hiểu vấn đề nhờ trí tuệ,

Với tài khéo cắt mọi nghi nan,

Giống như người thợ ngà voi nọ,

Cắt với lưỡi cưa thật dễ dàng!

Thế là cả bốn vị Vua đều rất đẹp ý với lời giải thích vấn đề của Ngài. Thiên Chủ Sakka thưởng Ngài chiếc cẩm y bằng gấm Thiên Đình, Kim Sí Điểu Vương tặng Ngài tràng hoa bằng vàng, Long Vương Varuna tặng Ngài hạt minh châu và Vua Dhanañjaya ban thưởng một ngàn con bò cái v.v...

Rồi Vua Dhanãnjaya lại ngâm kệ với Ngài:

Một ngàn bò cái, trẫm truyền ban,

Một thớt voi, bò đực một chàng,

Mười cỗ xe và đàn ngựa quý,

Thêm mười sáu đệ nhất thôn làng,

Bởi vì trẫm thật đầy hoan hỷ,

Cách giải vấn đề của Trí Nhân!

Sau đó Sakka Thiên Chủ cùng các vị kia cung kính đảnh lễ bậc Đại Sĩ và từ giã ra về cảnh giới của mình. Đến đây kết thúc Phần trai giới bốn pháp.  

ƯỚC VỌNG CỦA CHÁNH HẬU VIMALÀ  

Lúc bấy giờ Chánh Hậu của Long Vương là bà Vimalà. Khi thấy Ngài không đeo minh châu trên cổ, liền hỏi thăm hạt châu ở đâu.

Ngài đáp: Trẫm rất hài lòng khi nghe bài thuyết pháp của bậc Trí Giả Vidhura, vị nam tử của Bà La Môn Canda, nên đã tặng minh châu cho vị ấy, không những chỉ riêng trẫm, mà Thiên Chủ Sakka cũng cũng cung kính tặng Ngài chiếc thiên y bằng gấm Trời, Điểu Vương tặng tràng hoa bằng vàng, còn Vua Dhanañjaya tặng một ngàn con bò cùng nhiều thứ khác nữa. Vậy thì thần thiếp đoán vị ấy là một bậc biện tài về chánh pháp.

Này ái Hậu, ái Hậu đang nói gì vậy?

Vị này chẳng khác nào một vị Phật xuất hiện ở cõi Diêm Phù Đề. Hằng trăm vị Vua ở khắp cõi Diêm Phù Đề say sưa những lời lẽ êm dịu của vị ấy, không còn muốn trở về triều nữa, chẳng khác nào bầy voi rừng mê mẩn vì tiếng đàn cầm mà chúng yêu thích vậy. Đó là đặc điểm của tài hùng biện của Ngài.

Khi bà nghe nói đến kỳ tài của Ngài như vậy, bà ước mong nghe Ngài thuyết pháp, bà nghĩ thầm: Nếu ta tâu với Đức Vua rằng ta muốn nghe vị ấy thuyết pháp và xin Đức Vua triệu vị ấy về đây, chắc Đức Vua sẽ không thuận. Chi bằng ta thử giả bệnh và than thở về nỗi ao ước của một nữ bệnh nhân. Bà liền ra hiệu cho thị nữ đem bà lên tọa sàng.

Khi Vua không thấy bà vào dịp Ngài đến vấn an bà và hỏi các thị nữ bà ở đâu, chúng tâu rằng bà bị bệnh, Ngài liền đến thăm, ngồi bên giường bà, xoa thân thể bà và ngâm kệ:

Yếu gầy, ái Hậu lại xanh xao,

Dung sắc chẳng như trước chút nào,

Nào hỡi Vimalà, hãy đáp:

Nỗi đau này đến bởi vì sao?

Bà đáp Ngài qua vần kệ sau:

Có một bệnh riêng của nữ nhân,

Gọi là ước vọng, tấu Long Quân,

Thiếp mong đem đến đây không dối,

Tim của Vidhura Trí Nhân!

Long Vương bảo bà:

Ái hậu ước Trời, Trăng, gió mây,

Gặp Hiền Nhân ấy khó khăn thay!

Nào ai có đủ tài năng để,

Đem Bậc Hiền Nhân ấy đến đây?

Khi bà nghe nói vậy, liền nói to:

Nếu không được như ý thần thiếp sẽ chết mất.

Rồi bà quay mặt đi, nghiêng lưng bà ra ngoài, lấy chiếc áo quay mặt lại.

Vua trở về tư thất ngồi trên tọa sàng suy nghĩ tìm hiểu vì sao Hoàng Hậu Vimalà lại muốn có trái tim của Vidhura: Nàng sẽ chết nếu không ăn được tim vị ấy, vậy làm sao ta lấy được nó cho nàng?

Lúc bấy giờ công chúa Irandatì, một Long Nữ diễm kiều, trang sức đầy ngọc vàng trân bảo, bước vào cung kính đảnh lễ Vua Cha, rồi đứng qua một bên.

Nàng trông thấy Vua Cha có vẻ lo âu, liền nói:

Phụ Vương có vẻ muộn phiền quá, vì duyên cớ gì?

Thân Phụ, sao cha dáng rối ren,

Long nhan như một đóa hoa sen,

Bị tay ngắt vụng, sao buồn khổ,

Bậc chiến thắng, xin chớ muộn phiền!

Nghe lời con gái, Long Vương đáp:

I Ran Da hỡi, mẫu thân con,

Ao ước trái tim bậc Trí Nhân,

Diện kiến Vi Dhu ra thật khó,

Triệu Ngài, ai có đủ tài năng?

Rồi Ngài lại bảo nàng:

Này con, không có một triều thần,

Ðủ sức triệu Vidhu Trí Nhân,

Con hãy hy sinh vì Mẫu Hậu,

Ði tìm ra một vị Phu Quân!

Thế là Vua ra lệnh cho nàng lui ra cùng với câu kệ, gợi nên những tư tưởng không phù hợp với một nàng công chúa:

Hãy tìm cho được một Phu Quân,

Chàng sẽ triệu hồi bậc Trí Nhân.

Công chúa đi ngay đêm tối ấy,

Ðể cho dòng dục vọng tuôn tràn.

Nàng đi hái các hoa trên Tuyết Sơn đủ sắc, hương, vị.

Sau khi trang hoàng toàn thể ngọn núi như một viên bảo ngọc, nàng trải tọa sàng bằng hoa trên núi, rồi nhảy múa tưng bừng, nàng trỗi giọng ca một điệu rất êm ái du dương:

Càn Thát Bà hay đại lực thần,

Long Thần, quái vật hoặc Tiên, nhân,

Bậc Hiền, tài đủ ban điều ước,

Ai sẽ làm chồng tiện nữ chăng?

Lúc bấy giờ cháu của Ðại Vương Vessavana Tỳ Sa Môn, tên gọi Punnaka, là một đại tướng Yakkha Dạ Xoa, thần Ðại lực đang phi thần mã Sindh dài ba dặm, băng qua triền núi đỏ tía của ngọn Hắc Sơn, để đến nơi hội họp của các Thần Dạ Xoa.

Chợt nghe lời ca của nàng, và lời ca của nữ nhân này chàng đã từng nghe trong đời vừa qua xoáy sâu tận thịt da cân não chàng, thấm vào tận xương tủy khiến chàng ngơ ngẩn say mê, liền quay ngựa lại, ngồi trên lưng thần mã, chàng vội an ủi nàng: Ôi Nương Tử, ta xin vì nàng đem trái tim của Vidhura đến đây bằng trí lực của ta, bằng thần lực cũng như bằng tính trầm tĩnh của ta, xin nàng chớ lo ngại việc đó nữa.

Rồi chàng ngâm thêm kệ này:

Long Nữ có đôi mắt diệu huyền,

Hãy an tâm nhé, hỡi nàng Tiên,

Quả nhiên tài trí ta như vậy,

Ta sẽ cùng nàng đẹp mối duyên.

Thế là Irandatì trả lời, nàng suy nghĩ theo kinh nghiệm xa xưa của một lần được cầu hôn trong đời trước của nàng: Xin chàng đến đây cùng với thiếp đi yết kiến Phụ Vương, Ngài sẽ giải thích việc này cho chàng rõ. Rồi điểm trang lộng lẫy với xiêm y rực rỡ, chói lòa, đeo tràng hoa, xức dầu đàn hương xong, nàng nắm tay thần Dạ Xoa đem đến yết kiến Vua Cha.

Và tướng Punnaka đỡ lấy lưng nàng, cùng đi yết kiến cha nàng là Long Vương xin cầu hôn công chúa:

Long Vương, nghe lấy lời cầu hôn,

Nhận sính lễ cân xứng quý nương,

Thần hỏi IRanDa Ngọc Nữ,

Hãy ban công chúa thuộc về thần,

Một trăm voi với trăm con ngựa,

Trăm cỗ xe và la một trăm,

Ngọc quý trăm kho, xin nhận hết,

Ban thần công chúa, tấu Long Quân!

Long Vương liền phán bảo: Hãy đợi ta hỏi ý kiến Vương Tộc, thân bằng quyến thuộc. Làm việc gì mà không hỏi ý kiến kẻ khác sẽ đem lại hối tiếc về sau.

Long Vương vào cung, hỏi ý kiến Vương Hậu: Thần Dạ Xoa Punnaka muốn cầu hôn công chúa Irandatì, vậy ta có nên gả con để đổi lấy vô số của cải ấy không?

Vương Hậu Vimalà đáp: Không ai chinh phục được công chúa Irandatì bằng ngọc vàng châu báu cả, nếu vị ấy có đủ tài năng đem trái tim của Trí Nhân Vidhura đến đây thì sẽ chinh phục được công chúa bằng bảo vật ấy, chứ chúng ta không đòi thêm của cải nào khác.

Thế là Long Vương Varuna bước ra khỏi cung, hội ý với Punnaka, và bảo chàng: Công chúa Irandatì không thể được chinh phục bằng ngọc vàng châu báu, nếu chàng có đủ tài năng đem lại đây quả tim của Trí Nhân Vidhura, chàng sẽ chiếm được công chúa bằng bảo vật đó, chúng ta không đòi thêm của cải gì.

Punnaka đáp lời: Có người được kẻ này gọi là Hiền Nhân thì kẻ khác lại gọi là ngốc tử, vì nhân thế có nhiều ý kiến khác nhau về một vấn đề như vậy.

Vậy xin Ðại Vương cho tiểu thần biết rõ ai là người được Ðại Vương gọi là Trí Nhân?

Long Vương đáp: Nếu chàng có nghe danh tiếng Vidhura, Đại Thần của Vua Dhanañjaya, thì hãy đem vị ấy về đây, công chúa Irandatì sẽ là chánh thê của chàng.

Khi nghe Long Vương Varuna nói vậy, thần Dạ Xoa nhảy lên reo mừng, tức thì bảo quân hầu cận của chàng: Hãy đem tuấn mã đầy đủ yên cương lại đây cho ta. Tai ngựa đeo vàng, móng ngựa đeo ngọc, áo giáp bằng vàng. Quân hầu vội đem tuấn mã Sindh trang sức đầy đủ như gã đã ra lệnh và Punnaka cưỡi tuấn mã phi nhanh qua bầu Trời về đến cung Vua Vessavana, kể lại cho Ngài nghe chuyến phiêu lưu của chàng và do đó mô tả cảnh giới Long Vương.

Việc này được diễn tả như sau:

Punnaka lên ngựa, một tuấn mã đủ năng lực mang các Thiên Thần, chàng trang sức thật sang trọng, đầy ngọc ngà trân bảo, râu tóc tỉa thật gọn gàng, rồi phi nhanh qua bầu Trời.

Lòng chàng đầy ước vọng đắm say, khao khát chiếm được Long Nữ Irandatì, chàng tìm đến Ðại Vương Vessavana Kuvera, tâu trình: Có cung thất Bhogavati được gọi là Kim Ðường, đó là Kinh Thành của Long Vương được xây trong thành trì bằng vàng.

Các Tháp canh có hình môi và cổ, với hồng ngọc và bảo châu màu lục nhãn, cung điện xây bằng cẩm thạch đầy đủ vàng ròng, bao phủ bằng ngọc chạm vàng.

Các cây xoài, tilaka, hồng đào, sattapanna, mucalinda, ketaka, piyaka, uddàlaka, saha và sinduvàrita với muôn hoa khoe sắc thắm trên bầu Trời.

Các cây hoa champac, nàgamàlika, bhaginimàlà và táo nặng trĩu lá cành, mang lại vẻ diễm kiều cho cung điện Long Vương.

Lại có một cây chà là khổng lồ bằng ngọc quý và hoa vàng không bao giờ tàn, đó là nơi ngự trị Long Vương Varuna đầy đủ oai thần và được sinh từ Thiên Giới.

Cũng là nơi ngự trị của Hoàng Hậu Vimalà với hình dáng mềm mại như cây leo bằng vàng, thanh thanh như cây kàlà mới mọc, yêu kiều với bộ ngực như đôi quả nimba.

Da mượt mà tô điểm bằng son tươi thắm tựa hồ cây Kanikàra nở hoa trong bóng mát, như một Nữ Thần trên Thiên Giới, như ánh chớp lóe sáng giữa vầng mây.

Bà đang say sưa tràn trề niềm ước vọng lạ lùng, bà mong có được quả tim của Vidhura Hiền Sĩ. Tiểu điệt xin đem nó lại cho các vị ấy, tâu Ðại Vương, rồi họ sẽ gả công chúa Irandatì cho tiểu điệt.

Vì không dám ra đi nếu không được lệnh của Ðại Vương Vessavana, nên chàng ngâm các bài kệ trên để Đức Vua nghe chàng vì Ngài đang bận dàn xếp một cuộc tranh chấp về một cung điện giữa hai vị Thiên Tử.

Punnaka biết rằng lời chàng nói không được Vua để ý đến nên chàng lại gần một trong hai vị đang tranh chấp nắm phần thắng lợi trong cuộc.

Vua Vessavana sau khi đã quyết định xong, không để ý đến vị Thiên Tử bại cuộc mà chỉ bảo vị kia: Chàng hãy đi về cung điện mà an trú.

Ngay khi Ngài bảo: Chàng hãy đi.

Punnaka liền gọi vài vị Thiên Tử làm chứng và bảo: Các vị xem thấy ta đã được Ðại Vương phái đi rồi. Lập tức chàng ra lệnh đem tuấn mã đến và leo lên yên ngựa khởi hành.

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau: Sau khi Punnaka từ giã Vessavana Kuvera, Ðại đế vinh quang của mọi loài, liền ra lệnh cho cận thần: Mang thần mã lại đây đầy đủ yên cương, với tai đeo vòng, mông đeo ngọc, áo giáp bằng vàng dát sáng ngời. Punnaka leo lên tuấn mã dành cho Thiên Thần, chàng trang điểm râu tóc thật oai vệ, rồi phi nhanh qua bầu Trời.

Trong lúc vân du, chàng nghĩ: Trí Giả Vidhura có đám cận vệ rất đông, nên không dễ gì bắt được ông. Tuy thế, Vua Dhanañjaya lại nổi tiếng về tài đánh súc sắc. Ta sẽ đánh thắng Vua này qua ván bài rồi bắt lấy Vidhura. Hiện nay có rất nhiều ngọc quý trong kho của Ngài, chắc Ngài không đánh cuộc bằng giải hèn mọn đâu.

Ta sẽ phải đem viên ngọc vô giá, vì Vua này không nhận viên ngọc tầm thường đâu. Hiện nay có viên bảo châu vô giá thuộc quyền Vua Chuyển Luân ở trong núi Vepulla gần thành Vương Xá. Ta sẽ đến lấy bảo ngọc ấy và dụ Vua chơi bài để thắng Ngài. Rồi chàng thực hành ý định ngay.

Bậc Ðạo Sư kể toàn thể câu chuyện: Chàng đến thành Vương Xá đầy lạc thú, Kinh Thành xa xôi của nước Anga, trù phú lương thực, tràn trề thức ăn uống. Chẳng khác gì Masakkaràsa, Kinh Thành của Thiên Chủ Indra, dậy âm thanh của bầy công, hạc, với hoa viên tráng lệ bao quanh, muôn loài chim ca hót giống như Tuyết Sơn bao phủ đầy hoa.

Thế là Punnaka trèo lên núi Vepulla với các đỉnh núi đá chồng chất, nơi các quỷ thần cư ngụ, chàng đi tìm bảo ngọc đầy hào quang, và cuối cùng chàng thấy nó nằm giữa lòng núi.

Khi chàng nhìn thấy viên bảo ngọc chiếu hào quang rực rỡ, diễm lệ muôn phần, chẳng khác nào tia chớp sáng lòa không gian, chàng vội vàng chụp lấy viên như ý bảo châu vô giá kia, leo lên thần mã vô song địch, và tướng mạo chàng thật tuấn tú cao sang, chàng phi nhanh qua bầu Trời vô tận.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần