Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Sáu - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
PHẨM SÁU
CHUYỆN BẬC ĐẠI TRÍ
MAHÀNÀRADA KASSAPA
TIỀN THÂN MAHÀNÀRADA KASSAPA
PHẦN MỘT
Một vì Vua xứ Vi Đề Ha. Câu chuyện này do bậc Đạo Sư kể, khi Ngài trú ngụ tại Lạc Viên Latthivanna Rừng Mía, về việc quy y của Tôn Giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp Uruvela Kassapa.
Lúc bấy giờ uy danh của bậc Đạo Sư về việc hoằng dương chánh pháp đã bắt đầu lừng lẫy. Sau khi Ngài giáo hóa các vị tu khổ hạnh khác cùng Tôn Giả Ưu Lâu Tần Loa, Ngài liền đi đến Lạc Viên Latthivana, với cả ngàn Tỳ Kheo vây quanh, các vị này trước đây là những Đạo Sĩ khổ hạnh.
Ngài muốn thuyết phục Vua Magadha Ma Kiệt Đà giữ lời hứa cúng dường Tinh Xá Veluvana Trúc Lâm và lúc ấy Vua Ma Kiệt Đà cùng đến với đám triều thần đông cả mười hai vạn người.
Sau khi đảnh lễ Đức Phật xong, Vua ngồi xuống, rồi một vấn đề được đưa ra tranh luận giữa các Bà La Môn và các gia chủ trong đám tùy tùng của Vua: Phải chăng Tôn Giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp phục tùng sự giáo hóa của bậc Đại Sa Môn, hay là bậc Đại Sa Môn phục tùng sự hướng đạo tu hành của Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp?
Lúc ấy Đức Thế Tôn nghĩ thầm: Ta sẽ cho hội chúng thấy rằng Ca Diếp đã phục tùng sự giáo hóa của Ta.
Rồi Ngài ngâm kệ này:
Thấy gì Hiền Giả KasSaPa,
Người ở rừng URuVeLa,
Lừng lẫy tiếng tăm về khổ hạnh,
Sao ông từ bỏ lửa thiêng xưa,
Này Ca Diếp hỡi, nghe ta hỏi: Sao bỏ tế Đàn với lửa kia?
Lúc ấy vị Trưởng Lão đã hiểu rõ ý nghĩa câu hỏi của Đức Phật, liền đáp kệ này:
Tế lễ nói lên ngũ dục trần:
Sắc, thanh, hương, vị với giai nhân,
Và khi biết những điều như thế,
Chỉ thấy trong đời sống thế gian,
Đều bất tịnh, con không thích thú,
Tế đàn dâng lễ cúng Thiên Thần.
Rồi để tỏ ra mình là đệ tử Phật, vị Tỳ Kheo này đặt đầu lên chân Đức Phật và nói: Đức Thế Tôn là Đạo Sư của con, con là đệ tử của Ngài. Nói xong ông bay lên không bảy lần đến ngọn một cây cọ dừa Tala, hai cây Tala cho đến bảy cây tala, rồi trở xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn và ngồi qua một bên.
Hội chúng trông thấy việc hy hữu như thế, liền tán thán uy danh củc bậc Đạo Sư, đồng nói to: Cao cả thay thần lực của Đức Phật, nên mặc dù đã tin tưởng vững chắc vào uy lực mình, mặc dù tự cho mình là Thánh Nhân, Tôn Giả Ưu Lâu Tần Loa cũng đã phá bỏ mọi vọng chấp sai lầm và xin quy y với Đức Như Lai.
Bậc Đạo Sư đáp: Việc ấy cũng không kỳ diệu gì, khi ngày nay ta đã đạt thắng trí viên mãn và giáo hóa vị này. Vì ngày xưa khi ta còn là một Bà La Môn tên gọi Narada và còn tham đắm dục lạc, ta cũng phá tan mọi vọng chấp sai lạc của ông và khiến ông phải quy phục.
Rồi theo lời thỉnh cầu của thính chúng.
Ngài kể câu chuyện sau đây: Ngày xưa ở thành Mithilà trong Quốc Độ Videha có một vị minh quân trị vì rất đúng pháp, tên là Angàti. Lúc bấy giờ Chánh Hậu của Ngài đang mang thai một công chúa xinh đẹp đầy ân phúc, tên gọi Rujà, có công hạnh rất lớn và là người đã phát đại nguyện suốt một trăm ngàn kiếp.
Mười sáu ngàn phi tần kia của Ngài đều không có con. Vì thế công chúa này rất được yêu quý nâng niu. Hằng ngày Ngài thường ra lệnh ban cho nàng hai mươi lăm giỏ hoa muôn màu và xiêm y lộng lẫy để nàng trang sức, lại ban cho nàng một ngàn đồng tiền để nàng bố thí các thức ăn uống tràn trề mỗi tháng hai lần.
Lúc bấy giờ Ngài có ba vị cận thần tên gọi Vijaya, Sunàma và Alàta. Vào một ngày rằm tháng tư kia, cả kinh thành và cả cung điện được trang hoàng lộng lẫy như cảnh Thiên Giới, sau khi Đức Vua đã tắm gội, xức dầu thơm và trang sức đủ ngọc ngà trân bảo, Ngài cùng các cận thần ngự lên thượng lầu mở cửa sổ nhìn mặt trăng tròn đang lên cao dần trên bầu Trời quang đãng.
Ngài bảo các cận thần: Đêm trăng này thật thú vị quá, các khanh muốn cùng ta hưởng lạc thú gì chăng?
Bậc Đạo Sư giải thích việc này như sau:
Một vì Vua xứ Vi Đề Ha,
Tên gọi An Ga Ti, thuở xưa,
Có lắm cỗ xe, tài sản quý,
Binh hùng tướng mạnh kể sao vừa.
Một đêm trăng sáng ngày mười lăm,
Canh một sắp qua, ánh nguyệt rằm,
Vào tháng tư mùa mưa mới đến,
Vua liền tụ họp đám Quần Thần.
Vi Ja Ya, Đại Tướng A Là,
Cùng với Đại Thần Su Ma Na,
Là các trí nhân, tươi nét mặt,
Đông con kinh nghiệm đủ phò Vua.
Vua Vi đề hỏi chúng Triều Đình:
Hãy nói ý mình muốn, mỗi khanh,
Nay đúng tháng tư, đêm mãn nguyệt,
Mây mờ không phủ ánh trăng thanh,
Đêm nay ta có gì vui thú,
Tiêu khiển thời giờ ấy thật nhanh?
Cứ thế khi được Vua hỏi đến, mỗi vị cận thần nói lên nguyện ước lòng của mình.
Bậc Đạo Sư giải thích việc này như sau: Lúc ấy Đại Tướng Alàtaka tâu với Vua: Tâu Đại Vương, ta hãy tập hợp binh hùng tướng mạnh lại, rồi đi chinh chiến cùng với muôn vạn dân chúng, cho phép chúng thần đem đặt dưới quyền Đại Vương những vị Vua trước đây đã tự trị, đó là thiển ý của thần, xin Đại Vương cho phép chúng thần đi chinh phục những vùng đất chưa từng bị chinh phục.
Khi nghe lời của Alàta tâu, Sumàna liền nói: Tâu Đại Vương, các quốc thù của Ngài đều đã được tập hợp về đây, họ đã buông khí giới qua một bên và quy hàng Đại Vương rồi. Hôm nay là ngày đại lễ hội, thần không thích việc chiến chinh, xin Đại Vương ra lệnh mang rượu thịt cùng các loại Sơn Hào hải vị lên đây ta cùng vui hưởng đờn ca xướng hát.
Nghe lời Sunàma tâu như vậy, Vijaya liền nói: Tâu Đại Vương, tất cả thú vui dục lạc lúc nào cũng sẵn sàng dâng lên Đại Vương, không phải là khó kiếm để làm thỏa lòng Đại Vương, nên dù có được những lạc thú ấy, thần cũng không tán đồng.
Xin Đại Vương ngự xa giá đến hầu thăm một vị Sa Môn hay Bà La Môn tinh thông Thánh Điển am tường Kinh nghĩa, có thể phá tan mọi hoài nghi của chúng thần hôm nay về tâm nguyện của chúng thần.
Khi nghe lời của Vijàya, Vua Angati bảo: Lời tâu của Vijàya rất hợp ý trẫm, ta hãy cùng đi hầu thăm một vị Sa Môn hay Bà La Môn nào tinh thông Thánh Điển, am tường mọi Kinh nghĩa để có thể phá tan mối hoài nghi của ta về tâm nguyện hôm nay.
Các khanh hãy mau mau thi hành quyết định này, vậy ta hãy đi hầu thăm vị Sư Trưởng nào đây?
Hôm nay vị nào tinh thông Kinh kệ cùng thâm nghĩa của Thánh Điển có thể phá tan lưới nghi của ta về các điều tâm nguyện.
Khi nghe Vua nói vậy, Alàta liền tâu: Có một vị khổ hạnh lõa thể trú trong vườn Lộc Uyển đằng kia, được mọi người tán thán là Bậc Hiền Nhân, tên gọi Guna dòng Ca Diếp, một bậc thuyết giáo đã lừng danh, có rất đông đệ tử theo học. Vậy ta hãy đến hầu thăm Ngài, Ngài sẽ phá tan lưới nghi của ta.
Nghe lời tâu của Alàta, Vua ra lệnh cho quan thủ xa: Trẫm muốn du hành đến vườn Lộc Uyển, hãy mang xa giá đầy đủ yên cương lại đây. Khi xa giá đã được chuẩn bị yên cương, trang hoàng đầy đủ ngọc ngà, vàng bạc, cỗ xe Vương mã sáng ngời màu bạch ngọc, vẻ tinh khiết như bầu Trời đêm quang đãng.
Bốn tuấn mã giống Sindh trắng như hoa súng đã chầu sẵn, có sức phi nhanh như gió, lại rất thuần thục, mang vòng vàng lục lạc cùng lộng trắng, xe trắng, ngựa trắng và quạt trắng.
Đức Vua khởi hành cùng đám cận thần, rực rỡ như mặt trăng bạc. Nhiều bậc trí giả và dũng sĩ nai nịt cung kiếm lên ngựa theo hầu Đức Vua anh hùng. Sau một đoạn đường dài, trong chốc lát, Vua Videha cùng đám cận thần xuống xe, đi bộ đến gần chòi ẩn sĩ Guna.
Ngay lúc ấy các Bà La Môn và các phú gia đã tề tựu đông đúc tại đó. Nhà Vua cũng không ra lệnh bảo họ lui ra, mặc dù chẳng có chỗ nào dành cho Ngài. Ngài ngồi qua một bên, được vây quanh bởi thính chúng gồm đủ hạng người như vậy, rồi Ngài làm lễ yết kiến vị ẩn sĩ kia.
Bậc Đạo Sư giải thích vấn đề này như sau: Lúc ấy Vua ngồi qua một bên trên một tấm nệm êm ái, bọc bằng da lông sóc mượt mà đủ loại cùng với một chiếc gối dựa mềm mại đặt ngang.
Khi vừa an tọa, Vua chào hỏi vị ẩn sĩ bằng những lời tán thán đầy tình thân hữu và cung kính: Thưa Tôn Giả, các nhu cầu về vật thực, y phục của Ngài có được đầy đủ chăng?
Sinh lực của Ngài không bị tiêu hao nhiều chứ?
Nếp sống của Ngài có dễ chịu chăng?
Ngài có được cúng dường đúng thời chăng?
Việc đi lại của Ngài có gì cản trở chăng?
Nhãn quang của Ngài vẫn được tinh tường chứ?
Ẩn sĩ Gunà từ tốn đáp lại Vua Videha đang hết sức quan tâm đến phận sự của Ngài: Tâu Đại Vương, mọi nhu cầu vật dụng của bần đạo đều được đầy đủ, hai vấn đề Ngài nêu sau cùng cũng được như ý.
Còn phần Đại Vương, các vị Quốc Vương lân cận không quá hùng mạnh đối với Đại Vương chứ?
Đại Vương có được ngọc thể khang an chăng?
Vương xa của Đại Vương thượng lộ bình an chứ?
Đại Vương không bị bệnh tật gì não hại chứ?
Vua mong cầu pháp lành nên sau khi được vấn an xong, Ngài liền hỏi vị ẩn sĩ ý nghĩa và giáo pháp cùng giới luật công hạnh: Thưa Tôn Giả Ca Diếp, một thế nhân phải cư xử như thế nào gọi là đúng pháp đối với cha mẹ, đối với Sư Trưởng, đối với vợ con?
Còn phải cư xử ra sao đối với các bậc trưởng lão, các Sa Môn, Bà La Môn, với binh sĩ cùng dân chúng trong Quốc Độ mình?
Làm thế nào để hành trì đúng pháp rồi chung cuộc được lên Thiên Giới?
Và một số thế nhân vì theo tà pháp đã đọa địa ngục như thế nào?
Vì lúc ấy không có một vị Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện, cũng không có một vị Độc Giác Phật, một vị Thánh Đệ Tử của Chư Phật hay một bậc trí nhân nào, nên Vua hỏi liên tiếp các vấn đề đáng được nêu ra của một vị Quốc Vương cho một khất sĩ lõa thể không hiểu biết gì và lại mù quáng tựa trẻ thơ.
Vừa khi được hỏi như vậy, ông đã không trả lời phù hợp câu hỏi, mà nhân cơ hội tâu ngay: Tâu Đại Vương, xin Đại Vương nghe đây. Rồi ông tuyên thuyết tà pháp của mình như kẻ đánh con bò trong khi nó đang đi hay làm rớt phân vào máng ăn của con bò khác.
Bậc Đạo Sư giải thích vấn đề như sau. Khi nghe Vua Videha hỏi, Kassapa trả lời.
Tâu Đại Vương, đây là chân lý không sai lạc: Không có quả báo thiện hay ác nào khi ta tuân giới luật, không có đời sau, tâu Đại Vương còn ai trở lại đời này sau khi mạng chung nữa?
Không có Tổ Tiên cha mẹ, làm sao có cha hay mẹ được?
Không có Sư Trưởng, vì ai có khả năng giáo hóa những Pháp không thể được giáo hóa?
Mọi thế nhân đều bình đẳng và giống nhau, không có kẻ nào đáng được kính lễ cũng không có kẻ nào phải kính lễ người khác, không có các đức tính như dũng mãnh hoặc can trường vì ở đời làm sao có được tinh tấn lực hay tính anh hùng?
Số phận các thế nhân đã được tiền định, cũng như đuôi con tàu phải đi theo dấu con tàu vậy.
Mỗi thế nhân được thọ hưởng phần mình phải thọ hưởng, thế thì bố thí để làm gì?
Tâu Đại Vương, việc bố thí không ích lợi gì cả. Người bố thí là kẻ yếu hèn, chẳng ai giúp đỡ, lễ vật bố thí được kẻ ngu ngốc đưa ra và được kẻ không nhận lấy. Những kẻ vô trí, yếu hèn lại tưởng mình khôn ngoan khi bố thí cho kẻ có trí.
Sau khi diễn giảng sự vô ích của bố thí, ông lại tiếp tục diễn tả tội chướng không có công năng tạo nghiệp quả đời sau: Có bảy uẩn không bị hủy diệt cũng không não hại, đó là hỏa, địa, thủy, không, lạc, khổ và tâm. Trong bảy uẩn này chẳng có uẩn nào đủ công năng tiêu hủy hay phân tán. Chúng cũng không hề bị phân hủy, gươm giáo đều vô hại đối với các uẩn này.
Kẻ nào cắt đầu kẻ khác bằng thanh kiếm sắc bén cũng không thể phân tán các uẩn này, thế thì làm sao lại có thể hưởng được nghiệp quả vì làm ác nghiệp?
Mọi chúng sanh đều được sạch tội lỗi khi đã sống qua tám mươi bốn đại kiếp, trước thời kỳ đó chẳng có một người phạm hạnh nào được rửa sạch tội lỗi cả.
Trước khi thời kỳ đó đến, dù họ thực hành giới hạnh bao nhiêu đi nữa, họ cũng không thể rửa sạch tội lỗi, và dù họ phạm bao nhiêu tội chướng đi nữa, họ cũng không thể vượt quá giới hạn đó.
Lần lượt con người sẽ được rửa sạch tội qua tám mươi bốn kiếp. Ta không thể vượt quá số phận ta, cũng như biển không thể vượt bờ.
Cứ thế kẻ biện luận cho thuyết hư vô ấy đã củng cố lý lẽ mình bằng giọng hăng say không cần đến một thuyết nào trước đây cả.
Khi nghe Kassapa nói vậy, Alàta đáp lời: Những điều Tôn Giả nói rất hợp ý ta, ta cũng nhớ lại đã trải qua một tiền kiếp: Ta là một thợ săn bò tên là Pingala ở một tỉnh thành kia. Ta đã phạm bao nhiêu tội lỗi ở thành Ba La Nại giàu có ấy. Ta đã giết biết bao nhiêu sinh mạng bò, heo, trâu, dê.
Hết kiếp đó, ta lại sinh vào gia đình phồn thịnh của một viên Đại Tướng. Như thế không hề có quả ác vì hành nghiệp ác nên ta đã không đọa vào địa ngục.
Lúc ấy có một tên nô lệ ăn mặc rách rưới tên là Bìjaka đang hành trì trai giới cũng đến đây nghe Guna thuyết pháp. Khi nghe Kassapa và Alàta đối đáp như vậy, gã thở dài não nuột và bật khóc.
Vua hỏi: Tại sao người khóc?
Ngươi đã nghe thấy gì chăng?
Tại sao ngươi lộ vẻ đau khổ với ta như vậy?
Bìjaka trả lời: Tâu Đại Vương, Tiểu Nô chẳng có gì làm khổ đâu, xin Đại Vương hãy nghe Tiểu Nô giải bày.
Tiểu Nô cũng nhớ lại tiền kiếp rất được sung sướng, Tiểu Nô là một Bhavasetthi phú thương trong thành Sàketa, chuyên trì công đức, giữ thân trong sạch hay bố thí, được các Bà La Môn và các phú gia rất quý trọng.
Tiểu Nô nhớ lại mình chẳng hề phạm tội ác bao giờ. Nhưng khi hết kiếp ấy, Tiểu Nô lại đầu thai vào bụng một gái giang hồ nghèo khó và ra đời chịu rất nhiều cực khổ. Tuy nhiên dù khổ cực như hiện nay, Tiểu Nô vẫn giữ tâm trí thanh tịnh, Tiểu Nô nhường phân nửa thức ăn cho kẻ nào cần thực phẩm.
Tiểu Nô giữ Trai giới các ngày mười bốn và rằm, chẳng hề sát sanh trộm cắp. Nhưng tất cả những điều lành đó không đem lại quả tốt nào như Alàta vừa nói, Tiểu Nô cho rằng công đức thật chẳng ích gì.
Tiểu Nô thua cuộc trong đời như kẻ chơi súc sắc bất tài, còn Alàta thắng cuộc như một kẻ đánh súc sắc khéo tay. Tiểu Nô không có cách nào lên Thiên Giới cả, vì thế Tiểu Nô rơi lệ khi nghe Ngài Ca Diếp nói pháp.
Sau khi nghe Bìjaka nói vậy, Vua Angati đáp: Không có lối lên Thiên Đàng, chỉ đợi chờ số phận. Số người sướng hay khổ là do số phận định đoạt. Chung cuộc mọi chúng sinh sẽ được giải thoát khỏi luân hồi, vậy đừng nóng lòng vì tương lai.
Trong các đời trước của ta, ta cũng đã được nhiều phước phần và chuyên tâm phụng sự các Bà La Môn cùng các phú gia, nhưng lúc ta bận chấp chánh trị dân, ta lại không được hưởng lạc gì cả.
Nói xong, Vua tạ từ ẩn sĩ: Thưa Tôn Giả Kassapa, từ lâu nay trẫm thật là vô tâm xao lãng, nhưng cuối cùng bây giờ trẫm đã tìm ra được một vị Sư Trưởng, vậy từ nay trẫm sẽ tuân theo lời dạy của Tôn Giả, trẫm sẽ an hưởng thú dục lạc mà thôi, dù có nghe thuyết giảng về công đức cũng không ngăn cản được trẫm đâu. Xin Tôn Giả ở lại, trẫm xin từ tạ Tôn Giả, ta sẽ còn dịp hội ngộ ngày sau.
Nói xong Vua Videha trở về cung. Thoạt tiên khi Vua đến viếng Guna, Ngài chào vị này rất cung kính rồi nêu câu hỏi ra, nhưng khi Ngài giả từ, Ngài chẳng chào hỏi gì nữa. Vì Guna không đúng như danh truyền, vì bất xứng nên chẳng được đảnh lễ, vả lại càng ít được cúng dường.
Qua đêm đó, rạng ngày hôm sau, Vua triệu tập Quần Thần lại và bảo: Các khanh hãy chuẩn bị đủ mọi thứ dục lạc, từ nay trẫm sẽ chỉ theo đuổi dục lạc, các khanh đừng nói việc gì khác trước mặt trẫm, hãy để những vị này vị kia ra chấp chánh trị dân. Và từ đó Vua chìm đắm trong việc hưởng lạc.
Bậc Đạo Sư giải thích việc này như sau: Qua đêm đó, rạng ngày mai, Vua Angàti triệu tập các vị Đại Thần lại và phán: Các khanh cho bày đủ mọi thứ dục lạc trong điện Candaka để trẫm an hưởng, không ai được dâng sớ về việc công tư gì nữa. Các khanhVijaya, Sunàma và Đại Tướng Alàtaka đều tinh thông luật pháp, hãy ngồi xét xử mọi vấn đề thay trẫm.
Vua nói thế xong, chẳng còn bận tâm điều gì nữa ngoài dục lạc và Ngài cũng chẳng còn thân cận với các Bà La Môn cùng các phú gia nữa.
Thế rồi vào đêm mười bốn, ái nữ của Vua, công chúa Rujà, nói với bà nhũ mẫu: Xin nhũ mẫu trang sức ngọc vàng cho con thật nhanh, bảo các thị nữ đến hầu con ngày mai là ngày lễ rằm, con sẽ đi yết kiến Phụ Vương.
Họ liền đem cho nàng một tràng hoa cùng gỗ đàn hương, ngọc ngà châu báu đủ loại và xiêm y lộng lẫy muôn màu, nhiều thị nữ vây quanh nàng lúc nàng ngồi trên chiếc kim đôn, trang sức cho nàng cực kỳ rực rỡ tôn vẻ kiều diễm của nàng.
Sau đó được đoàn thị nữ tháp tùng chung quanh, sáng ngời trong các món trang sức trân bảo, công chúa Rujà bước vào cung Candaka như tia chớp lóe giữa vầng mây. Sau khi đến gần Phụ Vương đảnh lễ hết sức cung kính xong, nàng ngồi xuồng một bên trên chiếc bảo tọa chạm vàng.
Khi Vua thấy nàng được đám cung nữ theo hầu như một bầy tiên nữ, liền phán bảo: Này công chúa, con có vui chơi thỏa thích trong hồ nước nội cung chăng?
Chúng có thường dâng con đủ loại cao lương mỹ vị chăng?
Con cùng các thị nữ có thường kết đủ loại tràng hoa và xây nhà mát để chúng con nghỉ ngơi, vui đùa giải trí chăng?
Bảo chúng đem lại đây ngay, con hãy thỉnh cầu Phụ Vương mọi điều con ưa thích, những điều gay go nhất, dù có khó như tìm mặt trăng đi nữa.
Nghe Vua Cha nói như vậy, công chúa thưa: Tâu Phụ Vương, trước long nhan, mọi nguyện vọng của tiện nữ đều được thỏa mãn. Ngày mai là ngày lễ rằm, xin Phụ Vương ban cho con một ngàn đồng tiền để con bố thí cho các kẻ hành khất.
Nghe Rujà nói, Vua liền đáp: Con đã phung phí nhiều của cải mà chẳng có kết quả gì, con giữ gìn trai giới, kiêng cử ăn uống, nhưng quan niệm về phận sự giữ gìn trai giới này đều do tiền định, cho nên con có giữ gìn Trai giới cũng không đạt công hạnh gì.
Trong lúc con còn sống đây với Phụ Vương, con đừng bố thí vật thực nữa, không hề có đời sau nào ngoài đời này nữa, tại sao con phải bận tâm vì việc không đâu?
Lúc ấy Rujà với nhan sắc cực kỳ lộng lẫy, nghe Vua Cha nói vậy liền đáp như sau, vì biết rằng nàng hiểu pháp lành ở đời quá khứ cùng vị lai: Tâu Phụ Vương, tiện nữ đã được nghe trong thuở quá khứ cũng như chính mắt tiện nữ được thấy rằng kẻ nào bầu bạn với trẻ thơ rồi cũng trở thành trẻ thơ mà thôi. Kẻ ngu thân cận với kẻ ngu lại càng chìm đắm trong sự ngu muội.
Alàtaka và Bìjaka bị lừa phỉnh là phải lắm, chứ còn Phụ Vương là một vị Vua hiền trí, rất có tài trong việc trị dân. Làm sao Phụ Vương lại rơi vào một lý thuyết thấp hèn như vậy, chỉ xứng hợp với trẻ thơ. Nếu con người được rửa sạch mọi tội chướng chỉ do dòng sinh tử thì việc tu khổ hạnh của Guna thật là hoài công, như con thiêu thân lao vào đèn sáng, kẻ ngu ngốc kia đã chịu đựng đời hành khất lõa thể.
Sau khi đã chấp nhận lý thuyết cho rằng kết cuộc mọi chúng sinh sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi qua luân hồi sinh tử, nhiều kẻ đã hành động sai lầm vì vô minh chồng chất, nên lại càng bị vây chặt hơn trong các nghiệp quả đời trước, khó thoát ra được, như con cá mắc lưỡi câu.
Tiện nữ xin kể hầu Phụ Vương một chuyện ngụ ngôn cho trường hợp này của Phụ Vương, vì bậc Trí giả đôi khi tìm được chân lý qua câu chuyện ngụ ngôn.
Như một con tàu của thương nhân, chở quá nhiều hành lý nặng nề, phải chìm trong biển cả, một con người chồng chất dần tội lỗi mãi cũng sẽ đọa vào địa ngục.
Tâu Phụ Vương, hành lý hiện tại của Alàta không phải là những thứ lão ta đang hưởng đâu, chính vì những thứ lão ta đang mang đi chất lên tàu mà lão sẽ đọa vào địa ngục kiếp sau.
Đời trước Alàtaka thành chánh nghiệp, nên kết quả là ngày nay lão ta hưởng thụ phú quý vinh hoa. Công đức ấy của lão đang bị tiêu tan vì lão chỉ chuyên tâm làm ác nghiệp, sau khi bỏ Chánh đạo, lão ta lại đang theo đuổi tà đạo, như chiếc cân được treo đúng đắn trong kho hàng sẽ làm cán cân nhấc lên cao khi có trọng lượng của một vật đặt lên nó.
Con người chung cuộc cũng làm cho số phận mình thăng hoa nếu biết tu tập công đức dần dần, như gã nô lệ Bìjaka kia đang chuyên tâm làm công hạnh và đang mơ tưởng thiết tha tới đến Thiên Giới. Nỗi khổ đau mà nô lệ Bìjaka phải chịu đựng là do nghiệp quả tội chướng gã đã phạm đời trước.
Tội chướng ấy sẽ tiêu trừ vì hiện gã đang chuyên tâm làm công đức, tuy nhiên đừng để gã lọt vào tà đạo của lão Ca Diếp kia.
Rồi nàng lại tiếp tục phô bày tội chướng của việc gây ác nghiệp cùng thiện quả của việc thân cận bạn lành:
Khi Vua quý trọng một thân bằng,
Dù Đức Hạnh hay kẻ ác gian,
Chuyên tạo ác hành hay thiện nghiệp,
Vua đều chịu ảnh hưởng quyền năng.
Bạn nào, Vua muốn chọn cho mình,
Như bạn ấy, Vua sẽ trở thành,
Uy lực này do tình mật thiết.
Kẻ luôn thân cận, bạn đồng hành,
Thường gây ảnh hưởng lên bằng hữu,
Như mũi tên đầu độc đáng Kinh,
Làm bẩn vỏ bao trong sạch ấy,
Trí nhân, ác hữu chớ giao tình.
Nếu người buộc xác cá hôi ươn,
Với dãi Ku Sa, cỏ cát tường,
Cỏ sẽ có mùi hôi thúi ấy,
Cũng vậy, kết giao kẻ dại cuồng.
Nhưng nếu người ta buộc cỏ hương,
Vào trong một ngọn lá thông thường,
Lá thơm mùi nhẹ nhàng êm dịu,
Cũng vậy, kết giao bậc trí nhân.
Do biết nghiệp ta sẽ thực thành,
Như là giỏ trái chín muồi nhanh,
Trí nhân chẳng bước theo người ác,
Nhưng chỉ bước theo bậc thiện hành.
Kẻ ác đưa ta vào địa ngục,
Người hiền đem bạn đến Thiên Đình.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tâm Phật - Phần ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Bi Phân đà Lợi - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Bố Thí Phương Thuốc
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Mười Tám - Phẩm Tàm Quý - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Hai Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Ba - Phẩm Ma Ha Tát - Phần Hai