Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Tám - Chuyện Con Dê Và Con Chó
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
PHẨM TÁM
CHUYỆN CON DÊ VÀ CON CHÓ
Một ngày kia, sau bữa điểm tâm, Vua dạo chơi trên lối đi bộ chợt thấy qua bậc cửa một con dê và một con chó đang đánh bạn với nhau.
Lúc bấy giờ con dê có thói quen ăn cỏ ném cho bầy voi cạnh chuồng voi trước khi voi ăn, cho nên những người quản tượng đánh đuổi con dê đi.
Trong khi nó vừa chạy vừa kêu be be thì một người rượt theo lấy gậy đánh vào lưng nó. Con dê oằn lưng lại vì đau đớn, chạy đến nằm cạnh trường thành của Hoàng Cung, trên chiếc ghế dài.
Lúc bấy giờ có một con chó đã ăn hết xương, da và vật thừa trong nhà bếp của Hoàng Cung, cùng ngày hôm ấy, người đầu bếp đã nấu nướng thức ăn xong, để vào dĩa hẳn hoi.
Trong khi gã đang lau mồ hôi trên mình thì con chó nghe mùi thơm của cá thịt, chịu không nổi, liền vào bếp giở nắp đậy ra và bắt đầu ăn thịt. Những người đầu bếp nghe tiếng bát đĩa rổn rảng liền chạy vào thấy chó đang ăn thịt, gã đóng cửa lại, lấy đá và gậy đánh nó.
Con chó thả miếng thịt vừa chạy vừa la ẳng ẳng, người đầu bếp thấy nó chạy, còn rượt theo đánh một gậy đích đáng vào lưng. Con chó cong lưng lại co rút một chân lên, chạy đến nơi con dê đang nằm.
Con dê hỏi: Này bạn, tại sao bạn cong lưng lại, bạn đau bụng chăng?
Con chó đáp: Bạn cũng đang cong lưng lại đấy chứ, bạn cũng đau bụng chăng?
Con chó liền kể chuyện của nó xong, con dê hỏi thêm: Thế bạn có vào nhà bếp được nữa không?
Không, chuyện này cũng đáng đời ta lắm rồi, thế bạn có đến chuồng voi được nữa chăng?
Cũng chẳng hơn gì bạn, chuyện đó cũng đáng đời ta lắm rồi. Thế rồi chúng bắt đầu băn khoăn không biết làm cách nào để sống đây.
Dê nói: Hay là ta cùng chung sống được chăng?
Tôi có ý kiến này. Xin cho ta biết ngay. Này bạn, bạn hãy đi đến chuồng voi, những người quản tượng sẽ không để ý đến bạn vì họ nghĩ rằng chó không ăn cỏ đâu, thế là bạn mang cỏ về cho tôi.
Tôi sẽ đến nhà bếp và người đầu bếp sẽ không chú ý đến tôi vì nghĩ rằng tôi không ăn cá thịt được đâu. Thế là tôi sẽ đem thịt về cho bạn.
Thật là diệu kế! Con chó đáp.
Rồi chúng giao hẹn: Con chó đến chuồng voi tha về một nắm cỏ trong mồm và đặt cạnh trường thành và con dê vào nhà bếp mang ra một miếng thịt lớn đặt vào cùng chỗ ấy, con chó ăn thịt và con dê ăn cỏ. Theo cách này chúng sống chung hòa hợp cạnh bức trường thành.
Khi Vua thấy tình bằng hữu của chúng, Ngài suy nghĩ:
Trước kia ta chưa từng thấy một việc kỳ lạ như thế: Hai kẻ thù truyền kiếp lại sống chung đầy thân tình với nhau. Ta sẽ đưa câu chuyện này thành một vấn đề bàn cãi cho các hiền thần của ta.
Nếu họ không hiểu nổi, ta sẽ đuổi họ ra khỏi triều, còn nếu ai đoán được, ta sẽ tuyên dương là bậc Trí Giả Vô Thượng và sẽ tỏ lòng tôn kính vị ấy. Hiện nay không có việc, nhưng ngày mai, khi họ đến chầu ta, ta sẽ đem vấn đề ra hỏi.
Thế là hôm sau, khi các hiền thần vào chầu Vua, Ngài liền đặt vấn đề qua vần kệ:
Hai kẻ thù theo lẽ tự nhiên,
Chưa từng bảy bước đứng kề bên,
Trở thành bạn thiết không rời nữa,
Duyên cớ là đâu?
Các Bậc Hiền!
Sau đó, Vua ngâm thêm một vần kệ:
Nếu không giải đáp trước trưa nay,
Trẫm sẽ đuổi luôn hết cả bầy,
Trẫm không cần những người ngu nữa,
Vậy hãy tìm lời giải đáp ngay.
Lúc bấy giờ Senaka ngồi trên chiếc cẩm đôn hàng đầu, bậc Trí Giả ngồi cẩm đôn cuối cùng, Ngài tự nhủ thầm: Đức Vua chậm hiểu không tự nghĩ ra cách giải quyết vấn đề này, chắc Ngài phải thấy một chuyện gì đấy. Nếu ta được gia hạn một ngày, ta sẽ giải quyết xong việc này. Senaka chắc chắn sẽ tìm kế hoãn lại một ngày.
Còn bốn vị kia chẳng thấy việc gì cả, chẳng khác nào ở trong phòng tối, Senaka nhìn Bồ Tát xem Ngài sẽ làm gì, Bồ Tát liền nhìn lại Senaka.
Nhìn vẻ mặt bậc Trí Giả Mahosadha, Senaka hiểu được tâm trạng Ngài, ông thấy rằng ngay cả bậc Trí Giả cũng không hiểu vấn đề, Ngài chưa giải đáp được hôm nay mà cần gia hạn thêm một ngày nữa, Ngài sẽ hoàn thành việc giao ước này.
Thế là ông cười to để trấn an và nói: Tâu Đại Vương, Đại Vương sẽ đuổi chúng thần nếu chúng thần không giải đáp được vấn đề này chăng?
Chính phải, Hiền Khanh. Đại Vương biết đây là một vấn đề rắc rối, chúng thần không thể giải đáp nổi, vậy xin Đại Vương đợi một thời gian. Một vấn đề rắc rối không thể giải quyết giữa đám đông. Xin cho chúng thần suy nghĩ thật kỹ rồi sẽ giải đáp sau. Xin hãy cho chúng thần một cơ hội.
Ông nói vậy vì tin tưởng bậc Đại Sĩ, rồi ngâm hai vần kệ:
Giữa đám đông người tụ tập trung,
Thật ồn ào quá, trí mông lung,
Không sao tập hợp tư duy được,
Để giải đáp ngay, tâu Đại Vương.
Nhưng hễ khi nào được độc cư,
Bình tâm tĩnh trí để suy tư,
Vấn đề xem xét cho tường tận,
Sẽ giải đáp ngay, hãy đợi chờ.
Mặc dù nổi giận khi nghe lời này, Vua vẫn đáp lại giọng đe dọa: Được lắm, các khanh cứ suy nghĩ cho kỹ rồi trả lời trẫm, nếu không được, trẫm sẽ đuổi hết đi.
Bốn vị hiền thần rời triều ra về, Senaka bảo ba vị kia: Chư Hiền, Đức Vua đặt một vấn đề gay go, nếu chúng ta không giải quyết nổi thì thật đại họa cho chúng ta. Vì vậy ta hãy ăn uống no say rồi suy nghĩ cho kỹ.
Sau đó mỗi vị về tư dinh, còn bậc Trí Giả đi tìm Hoàng Hậu Udumbarà và thưa bà: Tâu Hoàng Hậu, hôm qua và hôm nay Thánh Thượng thường ở đâu?
Này bậc Trí Giả, Ngài dạo chơi trên lối đi và nhìn ra cửa sổ.
Bồ Tát liền nghĩ: Ồ, thế thì phải thấy chuyện gì đó. Bồ Tát liền đến nơi ấy nhìn ra và thấy việc làm của con chó và con dê. Vấn đề của Đức Vua đã được giải quyết rồi, Ngài kết luận và đi về nhà.
Ba vị hiền Thần kia chẳng tìm thấy gì liền đi đến Senaka, ông hỏi: Các vị đã tìm ra vấn đề ấy chưa?
Thưa Ngài, chưa.
Nếu vậy, Đức Vua sẽ đuổi các vị, tính sao đây?
Còn Ngài đã nghĩ ra chưa?
Cũng chưa nghĩ ra.
Ngài còn chưa tìm ra, huống hồ chúng tôi?
Chúng ta đã rống lên như sư tử trước mặt Đức Vua là xin để chúng ta suy nghĩ rồi sẽ giải quyết. Nay ta làm không được ắt Vua sẽ tức giận.
Vậy ta phải làm thế nào đây?
Vấn đề này chúng ta giải quyết không được đâu. Chắc chắn bậc Trí Giả đã giải quyết cả trăm cách rồi. Thế thì ta đi đến Ngài xem sao.
Cả bốn vị kéo nhau đến trước cửa nhà Bồ Tát, nhờ thông báo việc họ đến gặp Ngài, rồi bước vào kính cẩn chào Ngài xong, họ đứng sang một bên hỏi bậc Đại Sĩ: Thưa Ngài, Ngài đã nhìn ra vấn đề ấy chưa?
Nếu ta chưa nghĩ ra thì còn ai nghĩ ra đó chứ. Dĩ nhiên ta đã nghĩ ra rồi. Vậy xin Ngài cho chúng tôi biết với.
Ngài nghĩ thầm: Nếu ta không nói cho họ biết, Đức Vua sẽ đuổi họ và ban thưởng cho ta bảy báu vật nhưng thôi, chớ để những tên ngu si kia tàn đời, ta sẽ cho họ biết.
Rồi Ngài bảo họ ngồi xuống ghế thấp, đưa tay lên chào Ngài, sau đó, không nói thẳng cho họ biết những gì Vua đã thấy tận mắt, Ngài chỉ làm bốn vần kệ, dạy cho mỗi vị một vần bằng tiếng Pàli để đọc lên trình Vua khi được hỏi đến, xong cho họ ra về.
Ngày hôm sau khi họ vào chầu Vua, rồi ngồi xuống chỗ được Vua cho phép, Vua liền hỏi Senaka: Hiền Khanh đã giải đáp vấn đề được chưa, Senaka?
Tâu Đại Vương, nếu thần không giải đáp được thì còn ai nữa chứ?
Vậy nói cho trẫm biết. Xin Đại Vương nghe đây.
Rồi vị này đọc bài kệ đã học được:
Bọn hành khất trẻ, các ông hoàng,
Rất thích thịt dê đực ngọt ngon,
Thịt chó, họ đều không thọ dụng,
Nhưng dê chó giữ mối thân bằng.
Mặc dù Senaka đọc kệ, ông vẫn chẳng hiểu ý nghĩ gì, còn phần Vua lại hiểu, vì Ngài đã chứng kiến sự việc ấy.
Ngài nghĩ: Senaka đã tìm ra rồi.
Ngài liền quay sang Pukkusa và hỏi ông ta: Tại sao thế tâu Đại Vương, Tiểu Thần không phải là người có trí chăng?
Pukkusa hỏi Vua, rồi đọc bài kệ đã học được:
Họ lấy da dê phía núi rừng,
Phủ che ngựa quý ở trên lưng,
Còn da của chó không dùng được,
Nhưng chó dê cùng kết bạn thân.
Ông này cũng chẳng hiểu chuyện gì, nhưng Vua tưởng ông hiểu vì chính Ngài đã chứng kiến sự việc.
Rồi Ngài lại hỏi Kàvinda và ông cũng đọc vần kệ:
Cặp sừng cong xoắn, chú dê rừng,
Nhưng chó lại không có cặp sừng,
Một con ăn cỏ, con ăn thịt,
Tuy thế, chó, dê, kết bạn thân.
Vị này cũng tìm ra rồi.
Vua nghĩ thầm, rồi hỏi đến Devinda, ông ta cũng như các vị kia, đọc lên bài kệ đã học được:
Cừu dê ăn cỏ, lá cây luôn,
Cỏ, lá thì con chó chẳng ăn,
Chó thích ăn mèo hay thịt thỏ,
Nhưng dê chó giữ mối thân bằng.
Kế đó Vua hỏi bậc Trí Giả.
Này Vương nhi, con có hiểu vấn đề này chăng?
Tâu Đại Vương, còn ai khác nữa hiểu được nó từ địa ngục Avìci A Tỳ hay Vô Gián đến từng Trời Bhavagga Hữu đảnh, từ địa ngục thấp nhất đến vùng Trời cao nhất?
Vậy thì hãy nói cho trẫm. Xin Phụ Vương nghe đây.
Rồi Ngài nói rõ sự hiểu biết vấn đề của Ngài qua hai bài kệ này:
Con dê cao tám tất dùng chân,
Tám móng, không ai thấy, vội mang,
Món thịt về cho con chó ấy,
Chó đem cỏ đến chú dê rừng.
Vi Đề Ha, chúa toàn dân chúng,
Đứng tại thượng lầu tận mắt trông,
Việc lấy thức ăn trao đổi ấy,
Giữa dê, chó kết mối thân bằng.
Vua không hiểu các vị kia đã biết câu chuyện nhờ Bồ Tát, nên rất hoan hỷ cho rằng cả năm vị đều tìm ra câu giải đáp vấn đề nhờ tài trí riêng của mình, và Ngài cũng ngâm kệ:
Trẫm có các Bậc Hiền Giả tại triều
Thật là ích lợi biết bao nhiêu,
Vấn đề tế nhị và uyên áo,
Họ thấu triệt, lời lẽ tối ưu.
Rồi Ngài bảo họ kẻ có công sẽ được đền đáp xứng đáng.
Và Ngài ân thưởng qua câu kệ:
Cứ mỗi hiền khanh, trẫm thưởng ban,
Một xe, la cái, một ngôi làng,
Giàu sang Thượng Hạng cho người trí,
Trẫm thích thú lời lẽ ngọc vàng!
Rồi Ngài ban thưởng tất cả các thứ ấy.
Đến đây chấm dứt vấn đề con dê trong Chương mười hai.
Nhưng Hoàng Hậu cây sung biết rõ các kẻ kia hiểu được vấn đề nhờ bậc Trí Giả, bà nghĩ thầm: Đức Vua ban thưởng giống nhau cho cả năm vị, chẳng khác nào một kẻ không phân biệt được đậu nhỏ và đậu lớn, chắc chắn hiền đệ của ta phải được phần thưởng đặc biệt hơn.
Rồi bà đến hỏi Vua: Tâu Đại Vương, ai đã giải đáp câu đố ấy cho Đại Vương?
Này ái khanh, cả năm Hiền Giả.
Nhưng tâu Đại Vương, nhờ ai mà bốn vị kia biết được?
Ái khanh, trẫm không rõ.
Tâu Đại Vương, các vị kia biết gì?
Chính bậc Trí Giả muốn các vị ấy khỏi bị suy tàn vì Ngài, nên cho họ biết vấn đề ấy. Thế mà Đại Vương ban thưởng cho cả năm vị giống nhau. Như vậy không công bằng, Đại Vương nên có phần thưởng đặc biệt cho bậc Trí Giả.
Vua rất đẹp ý vì bậc Trí Giả không tiết lộ chuyện các vị kia biết được nhờ Ngài và muốn ân thưởng thật trọng hậu cho Ngài, Vua nghĩ: Không hề gì. Ta sẽ hỏi con ta một vấn đề nữa, nếu con ta đáp trúng ta sẽ hậu thưởng. Nghĩ vậy xong, Vua đặt ra vấn đề giàu nghèo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Di Giáo
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Bốn Mươi Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Hai - Phẩm Diệu Thân Sinh - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bí Mật Chẳng Nghĩ Bàn Của Như Lai - Phẩm Hai - Phẩm Mật Ngữ Của Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Bảy - Phẩm Bảy Kệ