Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Mốt - Phẩm Hai - Phẩm Tám Mươi Bài Kệ Số Hai - Phần Một - Chuyện Chúa Chim Kunàla Tiền Thân Kunàla
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT
PHẨM HAI
PHẨM TÁM MƯƠI BÀI KỆ HAI
PHẦN MỘT
CHUYỆN CHÚA CHIM KUNÀLA
TIỀN THÂN KUNÀLA
Câu chuyện này do bậc Đạo Sư kể trong lúc trú gần hồ Kùnàla, liên hệ đến năm trăm vị Tỳ Kheo bị tâm bất mãn chi phối. Câu chuyện diễn tiến theo trình tự sau đây.
Hai bộ tộc Sàkiya Thích Ca và Koliya Câu Ly có con sông Rohini chảy giữa hai thành phố Kapilavatthu Ca Tỳ Vệ và Koliya, sông này được ngăn bằng một con đê duy nhất, nhờ đó dân chúng cày bừa gặt hái. Trong tháng Jetthamùla tháng năm và sáu, khi lúa bắt đầu trổ bông và rủ xuống, nông dân cư trú ở hai thành này tụ họp lại.
Rồi dân chúng Koliya nói: Nếu cả hai bên cùng kéo nước, thì nước sẽ không đủ cho cả hai thành phố chúng ta. Song dân chúng tôi sẽ được mùa to nếu chỉ một bên chúng tôi kéo nước, vậy hãy cho chúng tôi nước sông này.
Dân chúng thành Kapilavatthu đáp: Khi các ông đã chất thóc đầy vựa thì chúng tôi không dám cả gan đem vàng ròng, ngọc bích, tiền đồng, thúng giỏ trong tay lai vãng trước cửa nhà các ông đâu. Chúng tôi cũng sẽ được mùa to nếu chỉ riêng chúng tôi lấy nước, vậy hãy cho chúng tôi lấy nước đi.
Ta không muốn cho đám người này đáp. Ta cũng không muốn đám người kia trả lại.
Trong lúc lời qua tiếng lại ồn ào như vậy, một người trong bọn họ đứng lên đấm vào một kẻ khác, đến lượt người ấy đấm trả một kẻ thứ ba và cứ thế họ đấm đá nhau và hằn học đụng chạm vào nguồn gốc hoàng tộc của nhau, làm tăng dần cảnh huyên náo ấy.
Các nông gia Koliya bảo: Các người Kapilavatthu hãy cút ngay đi, chúng bây là loài cẩu trệ, lang sói, ăn ở với chị em gái của mình như súc vật kia.
Voi, ngựa, giáo khiên của chúng chống lại ta có lợi ích gì?
Các nông gia Sakiya đáp: Này lũ người cùi khốn nạn, hãy cút đi mau với con cháu của bây, một lũ tồi tàn, thân phận hèn hạ, chẳng khác bầy dã thú sống trong bông cây táo.
Voi, ngựa, giáo, khiên của chúng chống lại ta có ích lợi gì?
Vì thế họ đi kể chuyện với các viên chức trong hội đồng phụ trách công việc ấy và các vị này lại báo cáo với các vị trưởng tộc hoàng gia.
Sau đó, các vị trưởng tộc Sakiya Thích Ca bảo: Phe ta sẽ cho chúng thấy đám người ăn ở với chị em gái của mình hùng dũng như thế nào. Rồi họ xông ra, sẵn sàng chiến đấu.
Còn bộ tộc Koliya Câu Ly bảo: Phe ta sẽ cho chúng thấy những người sống trong bộng cây táo hùng dũng ra sao. Và họ cũng xông tới, sẵn sàng chiến đấu.
Nhưng một số Đạo Sư khác lại kể chuyện như vậy: Khi các nữ tỳ của bộ tộc Sakiya Thích Ca và bộ tộc Koliya Câu Ly ra sông để lấy nước, vừa ném xuống đất các vành khăn họ đội trên đầu, vừa ngồi xuống chuyện trò vui vẻ, thì một người cầm nhầm khăn của người khác vì tưởng đó là khăn của mình.
Và khi có tranh cãi do việc này gây ra, mỗi người đều bảo khăn kia của mình, dần dần dân chúng của hai Kinh Thành cả nô lệ, nông dân, tùy tùng, thủ lãnh, quan chức, phó Vương đều xông ra sẵn sàng chiến đấu.
Tuy thế, bản Kinh trước được tìm thấy trong nhiều tập Sớ giải và được xem là hợp lý, đáng chấp nhận hơn bản sau. Bấy giờ vào buổi xế chiều, dân chúng đã xông ra sẵn sàng lâm trận.
Thời ấy, Đức Thế Tôn đang trú tại Sàvatthi, lúc rạng đông, trong khi đang quán sát thế gian, Ngài thấy họ khởi hành ra trận, Ngài tự hỏi nếu Ngài đến đó, trận chiến có chấm dứt chăng, và Ngài quyết định: Ta quyết đến đó và để dập tắt cuộc tử chiến này, ta sẽ kể ba chuyện Tiền Thân, để chứng minh lợi lạc của tình đoàn kết, ta sẽ dạy họ Kinh Attadanta:
Bạo lực Sutta Nipàta: Kinh tập bốn, năm và sau khi nghe ta thuyết giảng, dân chúng hai thành này sẽ đưa đến diện kiến ta mỗi bên hai trăm năm mươi thanh niên, ta sẽ nhận họ vào Giáo đoàn và Hội chúng càng thêm đông đảo.
Vì thế, sau khi đã tắm rửa, Ngài đến thành Sàvatthi khất thực. Lúc trở về, sau buổi thọ trai, vào xế chiều, Ngài bước ra từ Hương phòng, không báo cho ai một lời, Ngài cầm y bát và một mình ra đi và ngồi kiết già trên không giữa hai đám người ấy.
Thấy rằng đây là cơ hội làm quần chúng kinh ngạc, Ngài ngồi đấy tỏa ra các tia sáng xanh đậm từ tóc Ngài khiến bầu Trời đen tối. Rồi khi tâm họ lo âu, Ngài liền xuất hiện và tỏa ra ánh sáng ngũ sắc.
Dân chúng Kapilavatthu thấy Đức Thế Tôn liền suy nghĩ: Đức Thế Tôn, vị thân tộc cao quý của ta, đã đến.
Có thể Ngài đã thấy phận sự chiến đấu đặt trên phe ta chăng?
Nay bậc Đạo Sư đã đến, ta không thể lao vũ khí chống kẻ thù nào nữa?
Rồi họ hạ vũ khí xuống và nói: Dân Koliya cứ giết chết hay thiêu sống ta đi. Dân Koliya cũng làm giống như vậy.
Lúc ấy Đức Thế Tôn giáng lâm, và ngự trên bảo tọa của Đức Phật đặt ở một nơi tuyệt đẹp trên bãi cát, và Ngài chiếu hào quang Vô Thượng của một bậc Giác Ngộ. Các vị Vua đảnh lễ Đức Thế Tôn và an tọa.
Sau đó bậc Đạo Sư hỏi, mặc dù Ngài đã biết rõ sự việc: Thưa các Đại Vương, tại sao các vị đến đây?
Bạch Thế Tôn, chúng con đến đây không phải để ngắm dòng sông hay vui chơi, mà để chiến đấu.
Các Đại Vương có tranh chấp về việc gì?
Về nước sông.
Thế nước sông đáng giá bao nhiêu?
Bạch Thế Tôn, rất ít.
Thế đất đai đáng giá bao nhiêu?
Đất vô giá.
Thế các vị Tướng Quân đáng giá bao nhiêu?
Họ cũng vô giá.
Thế tại sao chỉ vì một chút nước chẳng ra gì mà các vị phải hủy diệt các Tướng Quân cao quý?
Quả thật, cuộc tranh chấp này không có gì đền bù được cả song vì một cuộc tử chiến giữa một vị Thần cây và một sư tử đen nên một mối thù truyền kiếp đã được tạo ra và kéo dài đến tận hiện kiếp này. Cùng với những lời trên, Ngài kể cho họ nghe Tiền Thân Phandana, Tập năm.
Sau đó Ngài bảo?
Không nên đi theo nhau một cách mù quáng thế này. Một đoàn súc vật bốn chân ở vùng Tuyết Sơn trải dài ba ngàn dặm, đã theo lời một con thỏ, lần lượt đâm đầu xuống biển cả. Do đó, không nên theo nhau cách này.
Nói vậy xong, Ngài kể Tiền Thân Daddabha, Tập ba.
Hơn nữa, Ngài lại bảo: Đôi khi kẻ yếu nhìn thấy nhược điểm của người mạnh. Khi khác, kẻ mạnh thấy nhược điểm của người yếu, nên có lần một con chim cút mái đã giết một Vương tượng. Và Ngài kể Tiền Thân Latukika, tập ba.
Như vậy để làm dịu cuộc tranh chấp, Ngài đã kể ba chuyện Tiền Thân.
Và để chứng minh hiệu quả của sự đoàn kết, Ngài kể hai chuyện Tiền Thân: Trong trường hợp những sinh vật sống chung đoàn kết, không ai tìm ra kẽ hở để tấn công cả. Nói vậy xong, Ngài kể Tiền Thân Rukkhadhamma tập một.
Ngài lại nói: Đối với những sinh vật đoàn kết, không ai có thể tìm ra lỗ hổng để tấn công cả, nhưng khi chúng đã tranh chấp lẫn nhau, thì một kẻ đi săn nào đó cũng tàn phá chúng và tiêu diệt chúng. Quả thật không có phần thưởng gì trong cuộc tranh chấp cả.
Cùng với những lời này, Ngài kể Tiền Thân Vattaka, Tập một. Sau khi đã kể năm chuyện tiền thân như vậy, Ngài chấm dứt bằng cách tụng Kinh Attadanta.
Khi đã trở thành những kẻ mộ đạo, các vị Vua nói: Nếu bậc Đạo Sư không đến, chúng ta đã tàn sát lẫn nhau làm máu chảy thành sông. Chính nhờ bậc Đạo Sư mà chúng ta còn sống.
Nhưng ví thử trước kia bậc Đạo Sư sống đời thế tục, thì giang sơn gồm bốn đại châu lục cùng với hai ngàn đảo nhỏ nữa hẳn đã vào tay Ngài và hẳn Ngài đã có hơn một ngàn Vương Tử. Hơn nữa, chắc hẳn Ngài đã có một đoàn tùy tùng gồm các tướng lãnh quý tộc.
Song từ bỏ mọi vinh quang này, Ngài xuất thế và đạt trí tuệ Tối thắng. Bây giờ ta hãy tiễn Ngài lên đường cùng một đoàn tùy tùng tướng lãnh quý tộc.
Thế là dân chúng hai thành mỗi bên tặng Ngài hai trăm năm mươi vị quý tộc. Sau khi truyền giới xuất gia cho họ, Ngài đi về một khu rừng lớn.
Từ ngày hôm sau, được đệ tử hộ tống Ngài đi khất thực ở hai thành, khi thì vào Kapilavatthu, lúc khác lại vào Koliya, dân chúng cả hai thành đều hết sức kính trọng Ngài.
Giữa đám Vương gia quý tộc này là những vị thọ giới không do hoan hỷ mà vì kính trọng bậc Đạo Sư nỗi bất mãn trong tâm liền sinh. Những người vợ cũ của họ muốn khơi dậy niềm bất mãn của họ, cứ gửi đi những lời nhắn tin này nọ, khiến họ lại càng trở nên nản lòng thối chí hơn nữa.
Khi quán sát, bậc Đạo Sư nhận thấy tâm họ đã bất mãn như thế nào, liền suy nghĩ: Các Tỳ Kheo này, dù sống với một vị Giác Ngộ như Ta, vẫn sinh tâm bất mãn. ta thử xem cách thuyết giảng nào sẽ ích lợi cho họ, và Ngài nghĩ đến Pháp Thoại Kunàla.
Rồi ý tưởng này chợt nảy ra trong trí Ngài: Ta sẽ đưa các Tỳ Kheo này đến vùng Tuyết Sơn và sau khi chứng minh các ác dục liên hệ đến nữ giới qua chuyện Kunàla và xóa tan nỗi bất mãn của họ, ta sẽ cho họ đạt Sơ Quả trong Thánh Đạo.
Vì thế sáng sớm Ngài đắp y trong và cầm y bát đi khất thực ở thành Kapilavatthu, sau khi trở về và dùng ngọ trai đã xong, Ngài bảo năm trăm vị Tỳ Kheo: Các ông đã từng thấy vùng Tuyết Sơn đầy lạc thú chưa?
Bạch Thế Tôn, chưa các vị đáp.
Thế các ông có muốn đi chiêm bái Tuyết Sơn chăng?
Bạch Thế Tôn, chúng con không có thần thông lực làm sao chúng con đi được?
Song giả sử có ai đó đưa các ông cùng đi, các ông có muốn đi chăng?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Bậc Đạo Sư liền dùng thần lực đưa tất cả các vị lên không gian và du hành đến vùng Tuyết Sơn, vừa trụ trên không, Ngài vừa chỉ cho Hội chúng xem một dãy Tuyết Sơn kỳ diệu với nhiều đỉnh núi như Kim Sơn, Ngọc Sơn, Hồng Sơn, Ngân Sơn, Bình Địa Sơn, Thủy Tinh Sơn, với năm sông lớn và các hồ Kannamundaka, Rathakàra, Sihappapàta, Chaddanda, Tiyaggala, Anotatta và Kunàla, tất cả bảy hồ.
Tuyết Sơn là một vùng mênh mông, cao năm trăm dặm, rộng ba ngàn dặm.
Ngài đã dùng thần thông lực chỉ cho Hội chúng thấy cảnh tuyệt mỹ của vùng này, cùng các nơi cư trú được xây tại đó, và các loại súc vật như từng đoàn sư tử, cọp, voi Ngài đều chỉ rõ từ nơi này: Các vùng đất thiêng và nhiều lạc viên khác đầy hoa quả sum sê, từng đàn chim đủ loại và các cây hoa mọc trên đất lẫn dưới nước, bên sườn Đông của Tuyết Sơn là một bình nguyên đất vàng và bên sườn Tây là một bình nguyên đất đỏ.
Thoạt nhìn thấy những vùng kỳ vĩ này, nỗi lòng mong nhớ khát khao của các Tỳ Kheo đối với các bà vợ cũ tiêu tan mất.
Sau đó, bậc Đạo Sư cùng các Tỳ Kheo từ không trung hạ xuống sườn Tây của Tuyết Sơn trên một cao nguyên rộng sáu mươi dặm, trong thung lũng đỏ dài ba dặm, dưới gốc cây SàLa bao phủ cả bảy dặm và trường thọ suốt một kiếp.
Bậc Đạo Sư được Tăng Chúng vây quanh, tỏa hào quang lục sắc và an tọa, làm chấn động cả lòng đại dương và chiếu sáng như mặt Trời, Ngài nói với các Tỳ Kheo bằng một giọng ngọt như mật: Này các Tỳ Kheo, hãy hỏi ta về các kỳ quan mà các ông chưa từng thấy ở vùng Tuyết Sơn này.
Lúc ấy, hai chim cu cườm ngậm một khúc cây ở hai đầu, và ở giữa có đặt chim chúa. Tám chim cu ở trước và tám con ở sau, tám con bên phải và tám con bên trái, tám con ở dưới và tám con ở trên, cứ thế che bóng trên chim chúa trong khi vừa hộ tống chim chúa vừa bay qua không gian.
Khi thấy đàn chim này, các Tỳ Kheo hỏi bậc Đạo Sư: Bạch Thế Tôn, bầy chim này có ý nghĩa gì chăng?
Này các Tỳ Kheo, đây là một tục lệ cổ của gia tộc ta, một truyền thống do ta tạo ra, thời xưa chúng hộ tống ta như vậy. Thuở bấy giờ có cả một đàn chim lớn. Ba ngàn năm trăm chim mái son trẻ đã hộ tống Ta. Dần dần chúng tản mát, và đàn chim còn lại như các ông thấy đó.
Bạch Thế Tôn, chúng đã hộ tống Thế Tôn trong rừng nào?
Bậc Đạo Sư bảo. Này các Tỳ Kheo, hãy nghe đây. Vừa hồi tưởng chuyện cũ, Ngài vừa kể một chuyện quá khứ và giáo hóa các vị như vậy.
Đây là chuyện tương truyền và danh tiếng phát ra từ đó: Một vùng đất kia có đủ loại cây cỏ mọc lên, được phủ với nhiều khóm hoa, nhiều dã thú lai vãng như voi, gayal, trâu, nai, trâu rừng Yak, hươu sao, tê giác, nai lớn, sư tử, hổ, báo, gấu, sói, linh cẩu, rái cá, linh dương kadalì, mèo rừng, thỏ tai dài, vô số đàn voi đủ loại trú ngụ, đủ loại hươu nai lui tới, là nơi nương náu của bầy Yakkha Dạ Xoa mặt ngựa, yêu tinh, ma quỷ.
Vùng ấy lại được một khóm cây rậm rạp che phủ, nở hoa ở trên ngọn, thân mảnh mai cao, không có lỏi bên trong, vang dội tiếng chim líu lo, sung sướng như điên cuồng, nào là chim ưng, gà gô, chim voi, công trĩ, cu gáy.
Vùng ấy lại được tô điểm với hàng trăm khoáng chất như thủy ngân, thạch tín trắng, thạch tín vàng, son đỏ, vàng và bạc. Chính trong khu rừng kỳ thú này có con chim Kunàla một loại sơn ca, màu sắc rực rỡ với bộ lông sáng chói.
Chim Kunàla này có ba ngàn năm trăm chim mái theo hầu. Thời ấy hai con chim ngậm một khúc cây trong mỏ đặt chim Kunàla ở giữa và bay lên, vì sợ rằng nỗi gian lao trong quãng đường xa sẽ làm chim này nhích ra khỏi chỗ đậu và rơi xuống.
Năm trăm chim mái bay phía dưới và chúng suy nghĩ: Nếu chúa Kunàla này rơi xuống khỏi chỗ đậu, thì chúng ta sẽ giữ lấy Ngài trong đôi cánh của ta.
Năm trăm chim khác bay phía trên, vì sợ rằng sức nóng làm cháy da chim Kunàla.
Năm trăm chim khác bay mỗi bên ngai, để cản nóng, lạnh, cỏ cây, bụi bặm, gió, sương đụng vào Ngài.
Năm trăm chim bay phía trước vì sợ rằng bọn chăn trâu bò, cắt cỏ, lượm củi, tiều phu, kiểm lâm đánh chim Kunàla bằng que củi, hay mảnh sành, nắm tay hay hòn đất, cây gậy hay con dao, hòn sỏi, hoặc lo rằng chim Kunàla sẽ va chạm vào bụi cây, dây leo, hay cây lớn, cột trụ, tảng đá hoặc một con chim lớn nào đó.
Năm trăm chim bay phía sau, nói với Ngài những lời dịu dàng, thân ái bằng những âm điệu du dương, ngọt ngào vì e rằng chim Kunàla mệt mỏi trong khi đậu tại đó.
Năm trăm chim bay lượn vòng quanh đây đó, mang về đủ loại trái cây khác nhau vì sợ rằng chim Kunàla phải chịu đói khổ.
Thời ấy bầy chim nhanh nhẹn đưa chim Kunàla đi du ngoạn từ lạc viên này đến lạc viên khác, khu vườn này đến khu vườn khác, bờ sông này đến bờ sông khác, đỉnh núi này đến đỉnh núi khác, vườn xoài này đến vườn xoài khác, vườn hồng đào này đến vườn hồng đào khác, vườn mít này đến vườn mít khác, rừng dừa này đến rừng dừa khác.
Cứ thế ngày nọ sang ngày kia, chim Kunàla được bầy chim này hộ tống như vậy, lại trách mắng chúng: Này lũ xấu xa kia, chết đi, chết tiệt cả đi, chúng bây là quân trộm cắp, lừa đảo, vô tâm, phù phiếm, bạc nghĩa vong ân, như gió cuốn đi bất cứ nơi nào chúng bây muốn.
Sau những lời này, bậc Đạo Sư bảo: Này các Tỳ Kheo, hiển nhiên là ngay khi ta còn ở đời sống Súc Sinh, ta đã hiểu rõ tính tình vô ơn, độc ác, vô luân của nữ giới, và ngay thời ấy, ta đã không rơi vào uy lực của họ và ta đãđặt họ dưới uy lực của Ta.
Khi Ngài đã xóa tan nỗi bất mãn trong tâm Tăng Chúng, Ngài lại giữ im lặng.
Vào lúc này, hai chim cu màu đen đến nơi đây, nâng niu chúa lên cao trên khúc cây ấy, trong khi bốn chim khác bay phía dưới và mỗi bên.
Thấy chúng, các Tỳ Kheo lại hỏi bậc Đạo Sư về bầy chim và Ngài đáp: Này các Tỳ Kheo, ngày xưa ta có bạn là một chim sơn ca chúa tên là Punnamukha, và truyền thống trong gia tộc chim ấy là như vậy.
Để đáp lại câu hỏi của các Tỳ Kheo như trước, Ngài bảo: Trên sườn Đông của dãy Tuyết Sơn, chúa tể của núi đồi, là những dòng suối xanh biếc, bắt nguồn từ những sườn núi thoai thoải, trong một vùng thơm ngát, mê hồn, sáng tươi, diễm lệ với hoa sen nở rộ đủ màu xanh, trắng, sen bách diệp, súng trắng và cây hoa Thần Tiên, một miền bát ngát mỹ miều với đủ loại kỳ hoa dị thảo, cây leo, vang vọng tiếng thiên nga, vịt, ngỗng, có từng đoàn Ẩn Sĩ khổ hạnh, những vị có đủ thần thông biến hóa, lại có các Thần Linh, ma quỷ, Dạ Xoa, yêu quái, nhạc Thần, Tiên Nữ và mãng xà.
Chính trong một khu rừng kỳ ảo như vậy sơn ca chúa Punnamukha đã cư trú. Giọng sơn ca thật du dương êm ái, chính đôi mắt tươi vui ấy là đôi mắt của con chim say sưa với nhiều hoan lạc. Ba ngàn năm trăm chim mái theo hộ tống chim sơn ca Punnamukha này.
Cũng vậy, có hai con chim vừa ngậm khúc cây trong mỏ và đặt Punnamukha ở giữa vừa bay lên không gian, vì sợ chim chúa phải chịu mệt nhọc
Thuở ấy chim Punnamukha được đàn chim này hộ tống ban ngày, đã ca ngợi chúng như vậy: Các hiền muội thật đáng tuyên dương, hành động này của các hiền muội rất phù hợp với các mệnh phụ cao sang, vì các hiền muội đã phụng sự chúa công mình.
Lúc ấy, thực ra sơn ca Punnamukha đến gần nơi chim Kunàla đang đậu, và đàn chim hầu cận chim Kunàla đã thấy chim kia, trong khi chim ấy còn ở đằng xa, chúng kéo lại gần chim Punnamukha và cầu thân như vậy: Này hiền hữu Punnamukha, chim Kunàla là một con chim hung bạo với giọng lưỡi thô tục. Có lẽ nhờ Hiền hữu giúp đỡ, chúng tôi may ra mới nghe được lời nói tử tế của vị ấy.
Thưa các quý nương, có lẽ chúng ta làm được việc ấy.
Nói vậy xong, chim ấy đến gần Kunàla, sau lời chào hỏi ân cần, chim ấy cung kính đậu một bên và nói với Kunàla như vậy: Này hiền hữu Kunàla, tại sao hiền hữu đối xử tàn tệ với các quý nương này mặc dù họ giữ phẩm hạnh tốt đẹp?
Hiền hữu Kunàla, ta nên nói lời dịu ngọt ngay cả với các nữ nhân có lời lẽ thiếu tao nhã, huống hồ đối với các quý nương thanh cao thế này.
Khi chim ấy nói vậy xong, Kunàla liền phỉ báng Punnamukha như sau: Này quân khốn nạn kia, hãy chết đi, chết tiệt cả đi.
Ai lại giống như ngươi cứ mềm lòng trước lời van xin của nữ giới?
Khi bị khiển trách như vậy, chim Punnamukha liền bỏ đi. Rồi chẳng bao lâu sau đó, Punnamukha lâm bệnh nặng, và chịu đau đớn kịch liệt vì chứng xuất huyết, làm chim gần chết.
Bầy chim hầu cận sơn ca Punnamukha liền suy nghĩ: Sơn ca này bị bệnh nặng, chắc là phải được vực dậy từ căn bệnh này. Nghĩ vậy, chúng liền rời bỏ chim ấy một mình và kéo đến gần chim Kunàla.
Kunàla nhìn chúng bay lại từ xa, khi thấy chúng liền hỏi: Lũ khốn nạn kia, chúa của bây đâu?
Hiền hữu Kunàla, chim Punnamukha bị bệnh. Có lẽ chim ấy phải được vực dậy từ cơn bệnh này.
Khi chúng nói vậy xong, chim Kunàla nguyền rủa chúng: Hãy chết đi, lũ khốn nạn kia, chết tiệt đi, chúng bây là lũ trộm cắp, lừa đảo, vô tâm, phù phiếm, bạc nghĩa vong ân như gió cuốn đi nơi nào bây muốn.
Nói vậy xong, chim ấy đến gần nơi sơn ca Punnamukha nằm và nói như sau:
Chào hiền hữu Punnamukha.
Chào hiền hữu Kunàla Chim kia đáp.
Sau đó, chim Kunàla dùng đôi cánh và mỏ ôm lấy Punnamukha và vừa nâng bạn lên, vừa cho uống đủ thứ thuốc. Nhờ thế, bệnh tình của sơn ca đã thuyên giảm.
Khi chim Punnamukha đã khoẻ mạnh, bầy chim bay trở về và Kunàla cho chim Punnamukha ăn quả rừng trong vài ngày, đến khi bạn đã hồi sức, chim chúa bảo: Này hiền hữu, nay đã bình phục, hãy tiếp tục sống với đàn chim hộ tống bạn, còn ta sẽ trở về nơi cư trú của ta.
Lúc ấy Punnamukha bảo bạn: Chúng đã bỏ ta khi ta lâm trọng bệnh và bay đi nơi khác. ta không cần bọn lừa đảo ấy nữa.
Nghe vậy, Bậc Đại Sĩ đáp: Này hiền hữu, ta sẽ kể cho bạn nghe về tính độc ác của nữ giới. Rồi Ngài ôm lấy Punnamukha và đưa đến Thung Lũng Đỏ trên sườn Tuyết Sơn, đậu trên một tảng hồng thạch tín dưới gốc cây Sàla tỏa rộng bảy dặm đường, trong lúc Punnamukha và đám tùy tùng đậu bên cạnh.
Khắp cả vùng Tuyết Sơn vang lên lời bố cáo của Chư Thiên: Hôm nay điểu Vương Kunàla an tọa trên phiến hồng thạch ở Tuyết Sơn sẽ Thuyết Pháp với vẻ kỳ diệu của một vị Phật. Xin các vị lắng tai nghe Ngài.
Nhờ bố cáo như vậy, lần lượt Chư Thiên ở sáu tầng Trời Dục Giới đều nghe và tụ họp lại nhiều sơn Thần, rắn Thần, Kim Sí Điểu chim thần cánh vàng, kên kên cũng loan báo sự kiện trên. Thời ấy thứu Vương Ànanda cùng với đoàn tùy tùng mười ngàn kên kên trú ngụ tại đỉnh Thứu Sơn.
Khi nghe tin chấn động này, chim ấy suy nghĩ: Ta sẽ đi nghe thuyết pháp. Rồi cùng đàn chim hộ tống đến đậu riêng một nơi.
Ẩn sĩ Ànanda đã đắc năm Thắng trí đang ở vùng Tuyết Sơn cùng đoàn đệ tử gồm mười ngàn Ẩn Sĩ, khi nghe tin Chư Thiên loan truyền, liền suy nghĩ: Chúng bảo nhau hiền hữu Kunàla sẽ nói về các lỗi lầm của nữ giới, ta cũng phải đi nghe bạn thuyết giảng. Rồi được một ngàn vị khổ hạnh hộ tống, vị ấy dùng thần thông du hành đến đó và ngồi riêng một nơi. Thế là đã có một hội chúng họp lại đông như vậy để nghe Phật Pháp.
Lúc ấy bậc Đại Sĩ, với trí kiến của một vị nhớ lại cái tiền thân của mình, lấy Punnamukha làm nhân chứng, kể lại một trường hợp trong tiền kiếp liên hệ với lỗi lầm của nữ giới.
Bậc Đạo Sư nói để làm sáng tỏ vấn đề: Thời ấy chim Kunàla nói với sơn ca Punnamukha, vừa mới được vực dậy từ giường bệnh: Này hiền hữu Punnamukha, ta đã thấy Kanhà, một nữ nhân có hai cha và năm chồng, lại còn luyến ái một nam nhi thứ sáu là một gã lùn có đầu thụt vào cổ và què chân nữa.
Ở đây chúng ta cũng có thêm một vần kệ:
Chuyện cổ, Kan hà, được kể rằng:
Cả năm Hoàng Tử gả cho nàng,
Tham lam, nàng vẫn còn ham muốn
Một gã gù lưng, gái điếm đàng!
Này hiền hữu Punnamukha, ta đã thấy trường hợp một nữ ẩn sĩ khổ hạnh tên Saccatapàvì sống trong nghĩa địa và bỏ cả buổi ăn thứ tư, song lại phạm tội lỗi với một thợ vàng.
Này hiền hữu Punnamukha, ta đã chứng kiến trường hợp nàng Kàkàti, vợ của Vua Venateyya, sống giữa biển cả, tuy thế đã phạm tội lỗi với nhạc công Natakuvera Tiền Thân tập ba.
Này hiền hữu Punnamukha, ta đã thấy nàng tóc vàng Kurangavì, mặc dù yêu Elakamàra, lại phạm tội lỗi với Chalangakumara và Dhanantevàsì.
Ta cũng biết chuyện mẹ của Brahmadatta đã bỏ Vua Kosala và phạm tội lỗi với Pancàlacanda ra sao. Các người này cùng nhiều nữ nhân khác đã theo tà dục, ta không nên đặt lòng tin vào họ hoặc ca ngợi họ.
Ví như quả đất có khuynh hướng vô tư đối với toàn thế giới, đem lại tài sản cho mọi loài, cung cấp mái ấm cho mọi người tốt cũng như xấu chịu đựng tất cả, không hề rung động, không gì lay chuyển, đối với nữ giới cũng phải như vậy. Đàn ông không nên tin tưởng họ.
Sư tử sống bằng máu thịt tươi,
Dùng năm móng sắc xé con mồi,
Tìm vui trong nỗi đau loài khác
Cẩn thận! Nữ nhân cũng một nòi!
Này hiền hữu Punnamukha. Thực vậy, bọn súc sinh này không chỉ là bọn gái giang hồ, điếm đàng, đầu đường xó chợ, chúng không lẳng lơ đĩ thỏa cho bằng sát nhân.
Ta muốn nói đến bọ gái đứng đường buôn hương bán phấn này. Chúng giống như quân cường đạo với cuộn tóc vàng kết lại, chúng như thuốc độc, như lũ lái buôn tự khoe mình, quanh co như sừng dê, miệng lưỡi độc địa như loài rắn, như cái hố có nắp đậy, tham lam vô tận như địa ngục, khó làm thỏa mãn như quỷ cái, ngốn ngấu mọi loài như Diêm Vương, tàn phá mọi sự như ngọn lửa, cuốn trôi mọi vật ở trước nó như dòng sông.
Như cơn gió thổi tới nơi nào nó muốn, không biết phân biệt gì như đỉnh núi Neru, kết trái quanh năm như loài cây độc.
Ở đây lại có thêm một vần kệ nữa:
Như độc dược, quân cướp bạo tàn,
Quanh co như gạc của sơn dương,
Mãnh xà hai lưỡi là loại chúng,
Chực sẵn khoe khoang tựa lái buôn.
Giết hại như là hố đậy che,
Như mồm địa ngục, thỏa không hề,
Như loài quỷ dữ tham vô độ,
Thần chết mang theo mọi vật kia.
Ngốn ngấu khác đâu ngọn lửa nồng,
Mạnh như hồng thủy hoặc cuồng phong,
Như Ne ru đỉnh màu vàng chói
Thiện ác không hề biết biệt phân.
Não hại như cây độc sát nhân,
Chúng luôn tàn phá cả năm phần,
Gia tài sự nghiệp đều tiêu tán,
Phung phí bạc vàng, mọi bảo trân.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Mười Tám - Sáu Ba La Mật
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba - Phẩm Thiện Hiện - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Trung ấm - Phẩm Mười Hai - Phẩm Hoan Hỷ
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bảy - Phẩm Trì Giới Ba La Mật đa - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười Hai - Khuyến Thuyết