Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Mốt - Phẩm Hai - Phẩm Tám Mươi Bài Kệ Số Hai - Phần Một - Chuyện đại Sutasoma Tiền Thân Mahà Sutasoma
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT
PHẨM HAI
PHẨM TÁM MƯƠI BÀI KỆ SỐ HAI
PHẦN MỘT
CHUYỆN ĐẠI SUTASOMA
TIỀN THÂN MAHÀ SUTASOMA
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Jetavana Kỳ Viên về Trưởng Lão Angulimàla Người đeo vòng ngón tay. Cách vị ấy tái sinh và gia nhập Giáo hội phải được hiểu như đã được miêu tả đầy đủ trong Kinh Angulimàla Trung Bộ Hai.
Bấy giờ từ khi nhờ phát nguyện một hành động nói lời chân thật, ông cứu sống một người đàn bà sinh khó, rồi ông kiếm được thực phẩm cúng dường thật dễ dàng.
Sau đó nhờ tu tập hạnh viễn ly, ông chứng đắc quả A La Hán và được công nhận là một trong tám mươi Ðại Trưởng Lão.
Bấy giờ Tăng Chúng bắt đầu nói về đề tài này, bảo nhau: Này các Hiền Giả, thật vi diệu thay là phép thần thông do Đức Thế Tôn thị hiện để giáo hóa nhẹ nhàng như vậy và không cần dùng chút bạo lực nào, Ngài đã điều phục một tướng cướp hung bạo khát máu như Angulimàla!
Ôi quả thật Chư Phật đã thành tựu những việc hy hữu thay!
Bậc Ðạo Sư ngồi trong Hương phòng, với thiện nhĩ thông, hiểu được chuyện đang nói, và biết rằng hôm nay Ngài đến đó sẽ rất lợi ích và sẽ thuyết giảng một Đại Kinh nên với oai nghi tối thắng của một bậc Giác Ngộ, Ngài đi đến chánh pháp đường, ngồi trên sàng tọa dành cho Ngài và hỏi hội chúng đang thảo luận đề tài gì.
Khi vị trình Ngài chuyện ấy, Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, thật không kỳ diệu gì việc ta giáo hóa vị ấy ngày nay, khi ta đã chứng đắc Vô Thượng Chánh Giác. Ta cũng đã điều phục vị ấy khi ta còn sống trong một đời trước với một trình độ tri kiến hạn hẹp mà thôi.
Cùng với những lời này, Ngài kể một chuyện quá khứ. Ngày xưa, Vua Koravya cai trị rất đúng pháp tại thành Indapatta, trong Quốc Độ Kuru Câu Lâu. Bồ Tát ra đời làm con của vị Chánh Hậu, và do Ngài thích nước ép trái soma, nên được đặt tên Sutasoma.
Khi Ngài đến tuổi trưởng thành, Vua gửi Ngài đến Takkasilà để thọ giáo với một vị danh sư lẫy lừng khắp Thế Giới. Thế là khi nhận lãnh học phí để trả cho thầy, Ngài lên đường đến đó.
Tại Ba La Nại, Vương Tử Brahmadatta con Vua Kàsi cũng được cha gửi đến đó cùng mục đích như trên và cùng lên đường theo hướng ấy.
Trong lúc du hành, Sutasoma ngồi nghỉ trên ghế dài trong một sảnh đường cạnh cổng thành. Vương Tử Brahmadatta cùng đến ngồi xuống cạnh Ngài trên ghế đó.
Sau khi chào thân hữu xong, Sutasoma hỏi bạn: Này hiền hữu, bạn đã mệt mỏi vì cuộc hành trình rồi đó.
Bạn từ đâu đến?
Khi vị kia đáp: Từ Ba La Nại. Ngài lại hỏi vị kia là con của ai. Con Vua Brahmadatta.
Quý danh là gì?
Vương Tử Brahmadatta.
Hiền hữu đến đây có mục đích gì?
Ðể được dạy các môn học thuật.
Sau đó Vương Tử Brahmadatta bảo: Hiền hữu cũng mệt mỏi vì chuyến đi này rồi. Và hỏi thăm Ngài tương tự như trên, Sutasoma kể cho bạn nghe mọi chuyện về mình.
Cả hai vị đều suy nghĩ: Chúng ta đều là các Vương Tử đi thọ giáo các môn học thuật từ tay cùng một vị thầy, liền kết bạn với nhau. Khi vào thành, hai vị đến nhà Giáo Sư, đảnh lễ thầy, và sau khi nêu rõ lai lịch danh tánh, hai vị nói đến đây để xin thọ giáo các môn học thuật. Vị thầy sẵn sàng nhận lời thỉnh cầu ấy.
Sau khi trao học phí xong, hai vị bắt đầu học tập và không chỉ hai vị, mà còn nhiều Vương Tử khác ở xứ Diêm Phù Đề thời ấy, lên đến hơn một trăm vị, xin thọ giáo với vị thầy này.
Sutasoma là đệ tử lớn chẳng bao lâu đạt đến tài năng giảng dạy, nhưng không muốn thăm hỏi các bạn kia, Ngài suy nghĩ: Ðây là thân hữu của ta, Ngài chỉ đến với Vương Tử Brahmadatta mà thôi, và trở thành thầy riêng của bạn, Ngài giáo huấn bạn, trong lúc các vị kia phải từ từ thu thập kiến thức cho mình.
Các vị ấy sau thời gian tinh cần học tập cũng từ giã Sư Phụ, và tập họp thành một đoàn tùy tùng theo Sutasoma lên đường hồi hương.
Sau đó, Sutasoma đứng trước đám đông để từ giã họ, bảo: Sau khi các vị chứng tỏ tài học của mình trước Phụ Vương, các vị sẽ ổn định đời mỗi người trong Vương Quốc của mình. Khi ổn định xong, xin nhớ tuân theo lời giáo huấn của ta.
Thưa Tôn Sư, đó là những gì?
Vào những ngày trăng non và trăng tròn, phải giữ Bồ Tát giới và cử sát sinh. Chúng bạn đều đồng ý tuân lời dặn ấy. Bồ Tát nhờ thần lực tiên tri theo tướng mạo mỗi người, biết rằng đại nạn sẽ xảy đến với Vương Tử Ba La Nại trong tương lai, và sau khi giảng dạy đầy đủ như vậy, Ngài cho họ ra đi.
Các vị ấy đều trở về xứ sở, và sau khi trình bày việc học hành của mình trước các Phụ Vương, các vị ấy lên nối ngôi trong Vương Quốc của mình. Rồi để thông báo việc này cùng việc tiếp tục tuân thủ lời dạy của Ngài, các vị Vua ấy gửi thư cùng tặng vật đến Sutasoma.
Khi biết được tình hình mọi việc, bậc Ðại Sĩ liền trả lời các thư kia cùng dặn các vị giữ vững niềm tin. Một trong các vị ấy là Vua Ba La Nại, vốn chưa bao giờ ăn cơm mà không có thịt, vì thế, để giữ ngày trai giới quần hầu thường lấy thịt cất riêng một nơi.
Bấy giờ, một hôm thịt được cất riêng như vậy, do người đầu bếp bất cẩn, bầy chó khéo nuôi của Hoàng Cung ăn hết.
Người đầu bếp không tìm ra thịt vội cầm một nắm tiền đi quanh quẩn vẫn không mua được thịt gì cả, tự nhủ: Nếu ta dọn cơm không có thịt, ta sẽ chết mất.
Ta phải làm gì đây?
Nhưng lại nghĩ: Còn có một cách. Ðến chiều tối, y ra nghĩa địa phơi đầy xác chết, lấy một ít thịt đùi của một người mới chết, y nướng thịt thật chín và dọn lên làm thức ăn.
Khi một lát thịt vừa chạm vào đầu lưỡi Vua thì nó gây rung động khắp bảy ngàn dây thần kinh vị giác và tiếp tục tạo ra sự xáo trộn cả toàn thân.
Tại sao vậy?
Ðó là do trước kia, Vua đã từng dùng thịt này rồi. Vì truyện kể rằng trong đời sống ngay trước đời này, Vua đã là một quỷ Dạ Xoa Yakkha từng ăn nhiều thịt người nên nó hợp khẩu vị Vua.
Vua suy nghĩ: Nếu ta giữ im lặng mà ăn thịt này, y sẽ không nói cho ta biết đó là thịt gì. Vì thế, khi nhổ ra, Vua để rơi một miếng thịt xuống đất.
Người đầu bếp thưa: Tâu Ðại Vương, xin Ngài dùng thịt này, không sao cả đâu.
Vua ra lệnh mọi quân hầu lui ra và bảo: Trẫm biết rõ lắm nhưng đó là thịt gì?
Ðó là thứ thịt Ðại Vương đã thưởng thức các lần trước. Chắc chắn các lần khác thịt không có mùi thơm này. Tâu Ðại Vương, hôm nay thịt được nấu kỹ lắm ạ.
Chắc chắn trước kia ngươi cũng nấu giống thế này chăng?
Rồi khi thấy y im lặng, Vua phán: Hoặc là phải nói thật với Trẫm hoặc ngươi phải chết. Thế là y cầu khẩn Vua cam đoan không trừng phạt và kể đúng sự thật.
Vua bảo: Ðừng nói gì việc ấy nữa. Ngươi sẽ phải ăn thịt nướng thường lệ và chỉ nấu thịt người cho trẫm. Tâu Ðại Vương, chắc chắn việc này khó lắm ạ. Ðừng sợ, chẳng có gì khó cả.
Thế tiểu thần kiếm đâu ra thường xuyên thứ thịt ấy?
Chả có bọn tù nhân trong ngục đó sao?
Từ đó, y làm theo lời Vua dặn.
Dần dần, khi thiếu tù nhân, y trình: Tiểu nhân phải làm gì bây giờ?
Vua phán: Hãy ném xuống đường cái một gói có ngàn đồng tiền rồi bắt lấy kẻ nào lượm gói ấy như kẻ trộm và xử tử nó đi. Y tuân lệnh.
Dần dần, không tìm ra kẻ nào có ý nhìn đến gói tiền ấy nữa, gã thưa: Tiểu thần phải làm sao đây?
Vào lúc trống điểm canh khuya, Kinh Thành thật đông người. Vậy ngươi hãy xuống vào trong một chỗ nứt ở tường nhà hay ở ngã tư, hạ thủ một người và cắt đi vài miếng thịt. Từ đó, y thường trở về với một ít thịt mỡ và nhiều nơi trong Kinh Thành phát hiện nhiều xác chết.
Tiếng than khóc vang lên: Tôi đã mất cha, mất mẹ, mất anh em rồi.
Dân trong thành kinh hoàng bảo nhau: Chắc chắn sư tử, cọp beo hay quỷ dữ đã ăn thịt các người này.
Khi quan sát các tử thi, họ thấy có chỗ giống vết thương hở miệng liền nói: Kìa, ắt hẳn một người nào đó ăn thịt chúng đấy. Dân chúng tụ tập ở sân chầu và kêu than.
Nhà Vua hỏi: Này các Hiền Hữu, có chuyện gì thế?
Tâu đại Vương, trong Kinh Thành này có kẻ cướp ăn thịt người. Xin Ngài ra lệnh bắt nó.
Làm sao Trẫm biết đó là ai được?
Trẫm phải đi quanh quẩn Kinh Thành này mà canh giữ chăng?
Dân chúng bảo nhau: Nhà Vua không quan tâm đến Kinh Thành. Chúng ta sẽ báo cáo việc này lên vị đại tướng Kàlahatthi.
Họ đến trình vị tướng ấy việc này và nói: Xin Ðại Tướng tìm cho ra tên cướp này.
Vị ấy đáp: Hãy đợi bảy ngày ta sẽ tìm ra tên cướp và giao cho các vị.
Khi giải tán quần chúng xong, ông ra lệnh cho các tướng lãnh: Này các Hiền Hữu, dân chúng bảo có tên cướp ăn thịt người trong thành này. Các Hiền Hữu, hãy mai phục ở nhiều nơi và bắt nó. Ðược lắm họ đáp.
Từ ngày ấy họ vây quanh toàn thành. Bấy giờ người đầu bếp đang ẩn mình trong cái lỗ ở tường nhà kia đã giết một phụ nữ và bắt đầu nhét đầy thịt này vô giỏ của y.
Vì thế đám tướng lãnh chụp y, đấm đánh túi bụi và vừa trói y ra sau, vừa la lớn: Chúng ta đã bắt được tên trộm ăn thịt người rồi. Một đám đông vây quanh họ. Rồi vừa đánh đập y một trận mê tơi vừa buộc giỏ thịt trên cổ y, họ đem y đến trước vị đại tướng.
Khi thấy y, vị ấy suy nghĩ: Có thể là kẻ này ăn thịt người hay trộn nó với các thứ thịt khác rồi đem bán, hoặc y giết người theo lệnh ai khác chăng?
Và để hỏi vấn đề này, ông ngâm vần kệ đầu:
Hỡi người sành các món cao lương,
Ðòi hỏi gì sao thật khẩn trương
Ðã giục ngươi làm điều khủng khiếp?
Chỉ vì thực phẩm hoặc tiền vàng
Ngươi tàn sát những người này vậy,
Hỡi kẻ khốn kia lạc bước đàng?
Ðầu bếp:
Chẳng vì thê tử hoặc thân bằng,
Quyến thuộc, bản thân hoặc bạc vàng,
Thần giết bà này vì Chúa Thượng,
Vì Vua ngự trị cả giang san
Vẫn ăn thịt ấy, thần gây tội
Chính là do lệnh của Vua ban.
Tướng Quân:
Nếu do mua chuộc để chìu lòng
Thèm khát tham tàn của Chúa Công,
Ngươi đã phạm hành vi khủng khiếp,
Vậy ngày mai đến lúc hừng đông,
Chúng ta tìm Chúa Công tham kiến,
Ðưa cáo trạng ra trước mặt rồng.
Ðầu bếp:
Kà la đại tướng đáng tôn sùng,
Thần sẽ tuân lời của tướng công,
Ðến rạng đông thần tìm Chúa Thượng
Và đưa cáo trạng trước sân rồng.
Thế rồi vị đại tướng bảo đặt y xuống, trói thật chặt và rạng ngày mai, ông bàn bạc với tướng lãnh xong, và khi tất cả đều đồng ý, liền cho đóng quân canh mọi hướng.
Khi đã kiểm soát Kinh Thành thật kỹ, ông buộc giỏ thịt vào cổ người đầu bếp và đưa y đến cung điện, còn cả Kinh Thành náo động lên.
Vua đã dùng điểm tâm ngày hôm trước, nhưng đã bỏ cơm tối và suốt đêm cứ ngồi mãi, chờ đợi người đầu bếp từng giây phút.
Vua suy nghĩ: Hôm nay nữa, gã đầu bếp cũng không đến, và ta nghe tiếng náo động khắp Kinh Thành.
Chuyện gì sắp xảy ra chăng?
Vừa nhìn ra cửa sổ, Vua thấy người ấy bị kéo đến đây như đã tả trên, và nghĩ rằng mọi sự đã bị phát giác, Vua thu hết can đảm đi đến ngồi trên ngai. Khi Tướng Quân Kàlahatthi đến gần hỏi chuyện, Vua đáp lời.
Bậc Ðạo Sư ngâm kệ làm sáng tỏ vấn đề:
Vầng nhật vừa lên, mới rạng đông,
Ðem theo đầu bếp đến sân Rồng,
Kà la tiến lại gần Thiên Tử,
Tâu những lời này với Chúa Công:
Hỏa đầu quân, có đúng vậy chăng
Ðưa lệnh Vua ra tận phố phường,
Tàn sát nam nhi cùng phụ nữ,
Ðể dâng Chúa Thượng món cao lương.
Ðiều này thật đúng đấy, Kà La,
Việc ấy được làm bởi lệnh ta,
Sao khiển trách tên đầu bếp nọ,
Vì làm theo lệnh của ta mà?
Khi nghe vậy, đại tướng suy nghĩ: Chính miệng Nhà Vua thú nhận việc ấy, ôi thật là con người hung bạo!
Bấy lâu nay Vua đã và đang ăn thịt người.
Ta phải ngăn chặn việc này mới được và ông đáp: Tâu Chúa Thượng, chớ làm việc này, xin chớ ăn thịt người!
Này Kàlahatthi, khanh nói gì thế?
Trẫm không thể ngừng được. Tâu Chúa Thượng, nếu Ngài không ngừng việc này lại, Ngài sẽ hủy diệt cả mạng rồng cùng giang san này đấy.
Cho dù Vương Quốc ta bị tiêu diệt, ta cũng không thể ngừng việc ấy được đâu. Lúc ấy vị đại tướng muốn làm Vua tỉnh trí hơn, liền kể một chuyện quá khứ để chứng minh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba