Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Một - Phẩm Apannaka - Chuyện Bãi Sa Mạc Tiền Thân Vannupatha
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MỘT
PHẨM APANNAKA
CHUYỆN BÃI SA MẠC
TIỀN THÂN VANNUPATHA
Không quản mệt, họ đào. Pháp thoại này được Thế Tôn nói lên khi Ngài ở Xá Vệ.
Vì ai mà Ngài nói?
Vì một Tỳ Kheo đã từ bỏ tinh tấn. Khi Thế Tôn ở tại Xá Vệ, có một thiện gia nam tử trú ở Xá Vệ đi đến Kỳ Viên, nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, tâm sanh tịnh tín, thấy nguy hiểm trong các dục, nên xin xuất gia.
Sống năm năm chờ thọ cụ túc giới, người ấy học thuộc lòng hai bài tóm tắt, tu tập pháp môn Thiền quán, nhận lấy từ Bậc Ðạo Sư một đề tài Thiền quán mà mình ưa thích, rồi đi vào một ngôi rừng. Trải qua một kỳ an cư mùa mưa, sau ba tháng, vị ấy không thể khởi lên một tia sáng hay một quán tưởng gì.
Rồi vị ấy suy nghĩ: Bậc Ðạo Sư dạy có bốn hạng người.
Trong họ, ta có phải là hạnh thấp kém nhất không?
Ta nghĩ rằng không thể có đạo và quả cho tự thân ta, vậy ta sống trong rừng làm gì?
Hãy đi về Bậc Ðạo Sư, sống để chiêm ngưỡng thân Phật với dung sắc tối thượng, để nghe thuyết pháp dịu ngọt còn hơn.
Nghĩ vậy, vị ấy trở về Kỳ Viên.
Các bạn thân tín nói với vị ấy: Này Hiền Giả, bạn đã nhận được từ bậc Ðạo Sư một đề tài thiền quán, đã đi với quyết tâm thực hiện pháp Sa Môn. Nay bạn lại trở về, sống vui thích với hội chúng.
Hay là bạn đã đạt được mục đích tối thượng của bổn phận người xuất gia, và đã chấm dứt tái sanh?
Này các Hiền Giả, tôi không chứng được cả đạo lẫn quả, tự nghĩ mình là người không có khả năng, nên tôi từ bỏ tinh tấn và về đây. Này Hiền Giả, bạn đã làm một việc không phải, khi đã xuất gia trong giáo pháp của Bậc Ðạo Sư kiên trì tinh tấn, bạn lại từ bỏ tinh tấn. Hãy đi đến yết kiến Như Lai. Chúng ta sẽ trình bày để Ngài rõ chuyện này.
Họ đưa vị này đến gần Bậc Ðạo Sư.
Khi Ngài thấy vị ấy, liền nói: Này các Tỳ Kheo, các ông đem Tỳ Kheo này đến đây ngoài ý muốn của vị ấy.
Người này đã làm gì?
Bạch Thế Tôn, Tỳ Kheo này, sau khi xuất gia trong giáo pháp chân chánh giải thoát như vậy, sau khi thực hành Sa Môn Pháp, lại từ bỏ tinh tấn và trở về đây.
Thế Tôn nói với Tỳ Kheo ấy: Này Tỳ Kheo, có thật chăng ông đã từ bỏ tinh tấn?
Thưa thật vậy, bạch Thế Tôn.
Này Tỳ Kheo, vì sao sau khi xuất gia trong giáo pháp như vậy, ông lại không biết sống ít dục, tri túc, viễn ly hay tinh tấn, nhưng lại là người từ bỏ tinh tấn?
Do sự tinh tấn của một mình ông, mà trong bãi sa mạc toàn cát, đoàn người và đàn bò của năm trăm cỗ xe đã được nước uống, đã sống an lạc.
Nay vì sao ông lại từ bỏ tinh tấn?
Với những lời như vậy, vị Tỳ Kheo ấy cảm thấy được khích lệ sách tấn.
Nghe nói như vậy, các Tỳ Kheo yêu cầu Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, chúng con đã rõ sự từ bỏ tinh tấn hiện này của vị Tỳ Kheo này. Nhưng thuở trước, do sự tinh tấn của một mình người này, trong bãi sa mạc toàn cát, các đàn bò và đoàn người đã uống nước và sống an lạc.
Câu chuyện ấy đang còn bị che đậy đối với chúng con, chỉ được rõ ràng với Thế Tôn là bậc nhất thiết trí. Hãy nói cho chúng con câu chuyện này. Vậy này các Tỳ Kheo, hãy lắng nghe.
Sau khi gợi sự chú ý của các Tỳ Kheo, Thế Tôn nêu lên rõ ràng sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Thuở trước, trong khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại nước Kàsi, Bồ Tát sanh ra trong gia đình chủ đoàn lữ hành thương gia, lớn lên và thường đi buôn bán với năm trăm cỗ xe.
Một thời Bồ Tát đi vào bãi sa mạc toàn cát, dài sáu mươi dặm, với năm trăm cỗ xe. Trong sa mạc ấy, cát rất mịn, khi được vốc trong nắm tay, thì nó sẽ chảy xuống hết. Khi Mặt Trời mọc lên, cát trở thành nóng như đống than hừng, không thể nào đi lên trên được.
Do vậy, những ai đi qua bãi sa mạc ấy, đem theo củi, nước, dầu, gạo trên các cỗ xe, chỉ đi ban đêm. Khi Mặt Trời mọc, họ xếp các cỗ xe thành hình vòng tròn, làm một cái tàn che trên đầu, sau khi ăn xong thật sớm, họ thường ngồi trong bóng mát trọn ngày.
Khi Mặt Trời lặn, họ ăn chiều sớm, cát đã nguội, họ cho thắng các cỗ xe lại và ra đi. Ði qua bãi sa mạc này giống như đi biển vậy. Người hướng dẫn, được gọi là địa lý trưởng hướng dẫn đoàn lữ hành đi qua nhờ sự hiểu biết các ngôi sao. Người chủ đoàn lữ hành này thời bấy giờ đi qua bãi sa mạc với phương tiện như vậy.
Sau khi đi hết năm mươi dặm, vị ấy nghĩ: Hôm nay, còn một đêm nữa, ta sẽ ra khỏi sa mạc này. Sau khi ăn chiều, vị ấy ra lệnh vứt bỏ củi và nước, thắng các xe và ra đi. Người lữ hành trưởng cho trải tấm vải trong cỗ xe đi đầu để ngồi nhìn các ngôi sao và từ đó nói lên con đường sẽ đi, rồi nằm xuống.
Vị ấy đã có một thời gian dài không ngủ, nên mệt mỏi, ngủ say, không biết rằng các con bò đã đi vòng quanh và trở lại con đường cũ. Các con bò suốt đêm đi như vậy.
Khi Trời rạng đông, vị lãnh đạo thức dậy, nhìn các ngôi sao và bảo: Hãy cho quay các cỗ xe trở lại gấp! Nhưng khi các cỗ xe đã quay trở lại, và xếp thành hàng thì trời đã sáng.
Các người trong đoàn nói: Hôm qua, chúng ta đã cho các cỗ xe cắm trại ở đây. Củi và nước chúng ta đã vứt bỏ hết. Nay chúng ta bị nguy khốn rồi. Họ tháo dây buộc các xe, xếp thành vòng tròn, dăng một màn che trên đầu, mỗi người nằm xuống dưới cỗ xe của mình, sầu muộn tuyệt vọng.
Bồ Tát suy nghĩ: Nếu ta từ bỏ tinh tấn, tất cả sẽ bị nguy hại.
Vào buổi sáng, khi Trời đang mát, vị ấy đi qua đi lại, thấy một đám cỏ dabbha, tự nghĩ: Dưới đám cỏ này, chắc thế nào cũng có nước mạch, cỏ mới mọc được, bèn cho lấy cuốc và đào chỗ ấy. Họ đào đến sáu mươi khuỷu tay. Đến đây, cuốc chạm vào hòn đá ở dưới.
Khi ấy, tất cả đều thất vọng, không cố gắng nữa. Bồ Tát nghĩ rằng thế nào cũng có nước dưới hòn đá. Ngài đi xuống, đứng trên hòn đá. Cúi xuống, Ngài lắng tai nghe.
Nghe được tiếng nước chảy dưới hòn đá, Ngài leo lên lại, nói với người thị giả hầu cận: Này bạn thân, nếu bạn từ bỏ tinh tấn, thì tất cả chúng ta sẽ bị nguy hại. Bạn chớ từ bỏ tinh tấn. Hãy cầm cái búa lớn, đi xuống và đập trên hòn đá ấy.
Vâng theo lời chủ, trong khi tất cả mọi người đều đứng chán nản, người này không từ bỏ tinh tấn, leo xuống và đập hòn đá. Hòn đá bị vỡ ở giữa, rơi xuống và dòng nước phun đứng lên, cao ngang thân cây thốt nốt. Tất cả mọi người đều uống nước và tắm, rồi chặt phát các bánh xe, trục xe dư thừa, nấu cháo và cơm.
Khi ăn xong, họ cho bò ăn. Ðến khi trời lặn, họ buộc một cây cờ cắm gần dòng nước, rồi đi đến chỗ đã định. Tại đấy, họ bán hành hóa lấy được tiền lòi gấp hai, gấp bốn lần tiền vốn, rồi trở về nhà. Họ sống hết tuổi thọ, và khi mệnh chung đi theo nghiệp của mình. Còn Bồ Tát, trọn đời bố thí và làm các công đức, cũng đi theo nghiệp của mình.
Khi nói xong pháp thoại này, bậc Chánh Ðẳng Giác đọc bài kệ:
Không mệt mỏi, họ đào,
Họ đào con đường cát
Ðến khi có dòng nước
Tại đấy, họ được nước!
Cũng vậy, bậc Ẩn Sĩ
Với sức mạnh tinh tấn,
Không thối chí mệt mỏi,
Tìm được tâm an tịnh.
Rồi Ngài giảng về bốn sự thật.
Cuối bài giảng, vị Tỳ Kheo đã từ bỏ tinh tấn ấy chứng quả tối cao, quả A La Hán.
Sau khi bậc Ðạo Sư kể xong hai câu chuyện và kết hợp chúng với nhau, Ngài kết luận bằng sự nhận diện tiền thân như sau: Thời ấy, người thị giả không từ bỏ tinh tấn, đập vỡ hòn đá và đem lại nước cho đoàn người tức là vị Tỳ Kheo đã từ bỏ tinh tấn này. Tùy tùng của vị chủ đoàn lữ hành là tùy tùng của Đức Phật, còn vị chủ đoàn lữ hành là ta vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba - Phẩm Thiện Hiện - Phần Mười Bốn
Phật Thuyết Kinh Ngũ Thập Tụng
CÂU CHUYỆN TRỒNG DƯA VÀ HÀNH TÍM KIẾM TÌM HẠNH PHÚC
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Hai - Tiểu Phẩm - kinh Hôi Thối
Phật Thuyết Kinh đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bảy - Phẩm Trì Giới Ba La Mật đa - Tập Một