Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Một - Phẩm Apayimha - Chuyện Kẻ Vong ân Tiền Thân Akatannu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MỘT  

PHẨM APAYIMHA  

CHUYỆN KẺ VONG ÂN

TIỀN THÂN AKATANNU  

Ai trước được làm lành. Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư đã kể về ông Cấp Cô Ðộc. Tương truyền, một người triệu phú sống tại Biên Địa là một người bạn của ông Cấp Cô Ðộc, nhưng hai người chưa từng gặp nhau.

Một hôm người bạn này chất đầy năm trăm cỗ xe với hàng hóa Biên Địa và bảo những người làm công: Các bạn hãy đi. Ðem hàng hóa này đến Xá Vệ, bán trước mặt ông Cấp Cô Ðộc là người bạn của chúng tôi và đem về hàng hóa nhận được do đổi hàng. Họ vâng lời dặn của vị triệu phú ấy đi đến Xá Vệ gặp vị đại triệu phú, trao tặng phẩm và trình bày sự việc.

Vị đại triệu phú tiếp đón họ niềm nở, cho họ chỗ ở và tiền tiêu, hỏi thăm người bạn có được an lạc không, rồi bán các hàng hóa, và giao cho họ hàng hóa trao đổi. Rồi họ đi về Biên Địa, báo cáo sự việc lên vị triệu phú.

Một thời gian khác ông Cấp Cô Ðộc, như lần trước cho đánh năm trăm cỗ xe đến Biên Địa. Những người của ông Cấp Cô Ðộc đến Biên Địa, đem theo tặng phẩm, đi đến gặp vị triệu phú sống ở Biên Địa.

Ông này nói: Các người từ đâu đến?

Chúng tôi từ Xá Vệ đến, là những người hầu cận của ông Cấp Cô Ðộc, người bạn của ông.

Cấp Cô Ðộc, người nào cũng có tên như vậy!

Rồi ông cười mỉa mai họ, nhận lấy quà tặng, và bảo họ đi mà không cho họ chỗ ở và tiền tiêu. Vì vậy họ tự bán các hàng hóa, mang các hàng hóa trao đổi, rồi đi về Xá Vệ và báo cáo sự việc cho vị triệu phú.

Rồi người triệu phú ở Biên Địa, một lần nữa, như lần trước, cho đánh năm trăm cỗ xe đến Xá Vệ. Các người thuộc hạ mang quà tặng đến gặp vị đại triệu phú.

Thấy họ, người nhà ông Cấp Cô Ðộc liền thưa: Thưa ông chủ, chúng tôi sẽ lo cho họ chỗ ở, cơm ăn và tiền tiêu.

Nói xong, họ đưa các cỗ xe của những người ấy ra khỏi thành, bảo họ tháo xe tại một chỗ đã lựa chọn và nói: Các bạn hãy ở đây. Từ nhà chúng tôi, chúng tôi sẽ đưa đến cho các bạn cháo, cơm và tiền tiêu. Nói xong họ đi, họp các người làm công lại, lúc nửa đêm vào canh giữa, họ đến cướp năm trăm cỗ xe, cướp sạch áo mặc, áo đắp, đánh đổi các con bò, tháo bánh xe ra khỏi các cỗ xe, đặt các cỗ xe xuống đất, lấy các bánh xe, rồi bỏ đi.

Những người trú ở Biên Địa chỉ còn làm chủ một cái áo mặc, không còn gì cả, sợ hãi chạy mau đi trốn và trở về Biên Địa. Những người nhà triệu phú báo cáo sự việc ấy lên vị triệu phú Cấp Cô Ðộc.

Ðại triệu phú nghĩ: Ðây là một câu chuyện quan trọng có thể trình Bậc Ðạo Sư. Ông Cấp Cô Ðộc đi đến Bậc Ðạo Sư, tường thuật tỉ mỉ đầu đuôi câu chuyện.

Bậc Ðạo Sư nói: Này gia chủ, không phải chỉ nay, kẻ ở Biên Địa ấy có hạnh như vậy. Trong quá khứ kẻ ấy cũng đã có hạnh như vậy rồi. Nói xong, theo lời yêu cầu, Bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát là một người triệu phú có tài sản lớn ở Ba La Nại. Một người triệu phú ở Biên Địa là một người bạn chưa bao giờ thấy mặt của Bồ Tát. Tất cả đều giống như câu chuyện hiện tại trên. 

Ðược những người của mình báo cáo: Ðây là việc chúng tôi làm hôm nay.

Bồ Tát nói: Do không biết báo đáp một công việc đã làm trước cho mình, nên về sau họ phải gặp sự việc như vậy.

Nói vậy xong, trước hội chúng tụ họp, Bồ Tát thuyết pháp với bài kệ này:

Ai trước được làm ơn,

Không biết đáp ứng lại,

Về sau, việc xảy đến,

Không tìm được người giúp.

Như vậy với bài kệ này, Bồ Tát thuyết pháp, và trọn đời làm các công đức như bố thí v.v... rồi đi theo nghiệp của mình.

Sau khi kể lại pháp thoại, Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Người ở Biên Địa thời ấy là người ở Biên Địa hiện nay, còn vị triệu phú Ba La Nại là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần